“Niềm vui không tự nhiên mà có. Chúng ta phải chủ động tìm kiếm niềm vui và chọn sống vui vẻ mỗi ngày.”
- Henri Nouwen
Sau một thời gian dài theo dõi, bác sĩ chẩn đoán mẹ tôi mắc bệnh Alzheimer - hội chứng suy giảm trí nhớ. Ban đầu mẹ chỉ quên những thứ lặt vặt, và tôi phải nhắc mẹ các chi tiết hay từ bị thiếu mỗi khi mẹ kể lại những câu chuyện mà tôi đã nghe rất nhiều lần. Những lúc như thế, tôi cũng nghĩ mẹ mắc chứng suy giảm trí nhớ nhưng không dám khẳng định. Cho đến một ngày, mẹ tôi phải nhập viện. Khi ở trong bệnh viện, có lần mẹ tôi không nhớ nổi đường về phòng và cứ thế đứng la hét ở hành lang. Một bác sĩ thần kinh đến khám và cho biết mẹ tôi đang ở giai đoạn giữa của bệnh Alzheimer.
Vị bác sĩ điều trị cho mẹ tôi có vẻ rất tử tế và thông cảm cho trường hợp của mẹ. Ông giải thích rằng người mắc chứng Alzheimer không thể lấy lại những ký ức đã mất. Tuy hiểu được điều đó nhưng suốt những tháng tiếp theo, tôi vẫn không giữ nổi sự kiên nhẫn và luôn chực nói với mẹ câu “Con đã bảo mẹ rồi mà!”.
Từ khi về hưu, mẹ chuyển đến sống cùng tôi. Mẹ con tôi như hai người bạn thân thiết, nhưng mỗi người đều sống rất độc lập với những hoạt động riêng của mình. Ấy vậy mà chỉ sau một đêm, kết quả chẩn đoán làm cuộc sống của chúng tôi hoàn toàn thay đổi. Những tháng ngày năng động và vui vẻ chỉ còn là quá khứ. Đột nhiên tôi thấy mình bị bủa vây bởi vô vàn thử thách và trách nhiệm. Trước đây tôi sống vui vẻ bao nhiêu thì bây giờ lại nơm nớp lo sợ bấy nhiêu.
Trí nhớ của mẹ vẫn tiếp tục suy giảm khiến tôi hết sức lo lắng. Lúc nào tôi cũng nghĩ về những cách tốt nhất để chăm sóc mẹ và luôn âm thầm quan sát mẹ. Đôi lúc tôi tự hỏi liệu mình có quá đáng không khi cứ tự quyết định điều gì là tốt nhất cho mẹ, mặc dù tất cả đều xuất phát từ thành ý. Tôi sợ rằng mình đang xâm phạm sự riêng tư của mẹ. Đến một ngày, tim tôi như thắt lại khi biết mẹ không còn đọc được những bảng chỉ dẫn trong nhà nữa. Và tôi cũng lo sốt vó những khi mẹ gọi điện về và nói mình không nhớ đã đậu xe ở đâu trong bãi giữ xe rộng lớn của siêu thị gần nhà. Những lúc như thế, tôi thầm tạ ơn trời vì mẹ vẫn nhớ được số điện thoại của tôi. Và với tình trạng này, việc mẹ ngày càng lệ thuộc vào con cháu là điều không thể tránh khỏi.
Dù trí nhớ của mẹ giảm sút từng ngày nhưng tôi lại nhận ra “trong cái rủi có cái may”. Vì không còn nhớ gì về quá khứ, mẹ trở thành một con người hoàn toàn khác, không bị ràng buộc bởi những ký ức đã theo mẹ suốt cuộc đời. Mẹ không còn oán giận chị dâu của mình và có thể trò chuyện bình thường với bà ấy qua điện thoại. Mẹ có thể đến tiệm làm tóc vào thứ Ba thay vì thứ Bảy vì chẳng còn phải bận tâm về giờ giấc làm việc.
Bản thân tôi cũng dần thay đổi. Tôi không còn nghĩ rằng chăm sóc mẹ là một gánh nặng. Thay vào đó, mẹ con tôi từng bước trở thành bạn đồng hành của nhau. Khi cùng tôi tham gia bất kỳ một hoạt động nào, mẹ luôn phản ứng như thể đó là lần đầu tiên mình trải nghiệm. Tôi thấy rõ sự hân hoan trong mắt mẹ khi mẹ thổi nến sinh nhật, tô màu hoặc ngắm hoa ở công viên.
Mẹ bắt đầu quên đi sự phiền toái của cái lưng đau và tôi không còn phải chạy quanh bãi xe để tìm chỗ đậu xe gần cửa ra vào nhất. Thậm chí mẹ còn hình thành thói quen đi dạo quanh khu phố.
Một hôm, tôi đưa mẹ đi ăn buffet và bị một phen bối rối khi mẹ cho cả hai tay vào thố rau trộn, sau đó mẹ còn chất cả chục món ăn khác nhau vào đĩa của mình. Mẹ không nhớ mình thích hay không thích món nào, còn tôi lại thích quan sát mẹ thử và vui vẻ thưởng thức hết món này đến món khác.
Trong sinh hoạt hàng ngày, mẹ tôi vẫn có thể tự chăm sóc bản thân, nhưng cách làm thì đã hoàn toàn thay đổi. Mẹ có thể tự mặc quần áo nhưng chẳng hề quan tâm đến việc phối quần với áo sao cho phù hợp. Đôi khi tôi vừa buồn cười vừa chạnh lòng khi quan sát mẹ xem ti-vi. Mẹ liên tục chuyển hết kênh này đến kênh khác rồi cuối cùng dừng lại ở bất kỳ kênh nào đang chiếu phim truyền hình dài tập, mặc dù trước đây mẹ chỉ xem những bộ phim điện ảnh kinh điển. Mẹ hành xử vô tư như một đứa trẻ và không hề biết danh sách việc cần làm của tôi ngày càng dài hơn. Mẹ không còn bận tâm đến chuyện thanh toán hóa đơn, chuẩn bị bữa tối, mua sắm thực phẩm, đi khám bác sĩ hay giặt giũ và dọn dẹp nhà cửa. Hầu như chỉ cần ở bên tôi là mẹ đã cảm thấy hạnh phúc. Mẹ đi theo tôi từ phòng này sang phòng khác, thích thú quan sát mọi việc tôi làm và luôn sẵn sàng bước lên xe để cùng tôi ra ngoài.
Dẫu vậy, tôi vẫn nhận ra những tính cách không lẫn vào đâu được mỗi khi mẹ thể hiện mình thích hoặc không thích thứ gì. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất xảy ra khi tôi đưa mẹ đi xem đêm nhạc The Big Band Era - buổi trình diễn đặc biệt ngoài trời với nhiều ca khúc kinh điển được thể hiện bởi những nhóm nhạc nổi tiếng từ thời của mẹ. Trước khi buổi diễn bắt đầu, mẹ con tôi vừa trò chuyện vừa chờ đợi. Trong suốt cuộc hội thoại, mẹ vẫn quên khá nhiều chi tiết, đôi khi quên cả chuyện mình đang nói. Thế nhưng nhạc vừa nổi lên, mẹ liền lẩm nhẩm hát theo. Hầu như mẹ vẫn còn thuộc lời của tất cả những ca khúc được trình diễn. Suốt bốn mươi lăm phút của đêm nhạc hôm ấy, tôi thấy lòng mình ngập tràn niềm hạnh phúc và sự biết ơn vì được nhìn thấy hình ảnh mẹ của ngày xưa. Đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in vẻ mặt vui sướng và mãn nguyện của mẹ.
Căn bệnh Alzheimer giúp tôi học cách trân trọng mẹ hơn. Khi trí nhớ ngày càng giảm sút, mẹ lại càng vô tư như một đứa trẻ. Nhưng cũng vì vậy mà mẹ dạy tôi nhìn cuộc sống qua một lăng kính khác và nhận ra sự quý giá của từng khoảnh khắc. Ngày biết mẹ mắc bệnh Alzheimer, tôi chẳng thể ngờ căn bệnh đó lại giúp mẹ con tôi gần gũi nhau hơn và hiện diện trong cuộc sống của nhau nhiều hơn.