“Khi thời gian trôi qua, chúng ta buộc phải xác định đâu là điều quan trọng nhất đời mình.”
- Thomas Moore
Bà đỡ ông ngồi dậy rồi dìu ông xuống nhà ăn sáng. Sau bữa sáng, bà đưa ông ra ngồi trên chiếc ghế bành trong phòng khách, rồi ông sẽ ngồi đó thư giãn trong lúc bà rửa chén. Thỉnh thoảng bà quay lại để xem ông có cần gì không.
Đó là nếp sinh hoạt thường ngày của ông bà tôi kể từ lần đột quỵ gần đây nhất của ông. Ông bà thỏa thuận với nhau rằng ông không được rời khỏi ghế hay giường mà không có sự giúp đỡ của bà.
Ông bà tôi đều là người nhập cư gốc Ireland. Họ gặp và cưới nhau tại Mỹ. Bà là người thân thiện, cởi mở và rộng lượng, còn ông hơi khép kín và kiệm lời nhưng rất tận tụy với gia đình. Ông rất hiếm khi mua quà tặng bà. Đó có lẽ là điều đáng buồn duy nhất trong đời sống hôn nhân của ông bà.
Một buổi sáng tháng Hai âm u và lạnh lẽo điển hình của mùa đông New York, bà dìu ông ra ghế, đưa cho ông cái điều khiển ti-vi và nói, “Tôi đi tắm nhé. Ông cần gì thì chịu khó đợi một chút. Tôi sẽ quay lại nhanh thôi”.
Vừa tắm xong, bà quay ra phòng khách thì thấy cây gậy ông hay để tựa vào lưng ghế đã không còn ở đó nữa. Linh cảm có chuyện chẳng lành, bà nhanh chân đi tới chỗ cái ghế. Đúng như bà lo sợ, ông đã đi đâu mất. Áo khoác và nón của ông cũng không còn trên giá treo. Bà vô cùng lo sợ và hoang mang.
Bà vội khoác thêm áo rồi ào ra ngoài. Bà tuyệt vọng nhìn quanh, khắp nơi đang phủ một màu tuyết trắng. Giờ này đi giữa trời tuyết đối với những người vững chân còn khó khăn, huống chi là một người đang đau yếu như ông.
“Ông ấy đi đâu được nhỉ? Sao ông ấy lại ra khỏi nhà một mình cơ chứ?”, bà nhủ thầm.
Bà lo lắng nhìn xe cộ chầm chậm lướt qua trên đường và chợt nhớ có lần bà nghe ông than thở với đứa cháu rằng ông cảm thấy mình là “gánh nặng” của bà. Năm ngoái ông vẫn còn khỏe mạnh, vậy mà giờ đây ông không thể tự làm những việc đơn giản nhất.
Bà đứng một mình nơi góc đường, lòng tràn ngập cảm giác tội lỗi vì đã không giải thích cho ông hiểu rằng ông không phải gánh nặng, mà là người đã đem tới niềm vui và hạnh phúc cho bà.
Bỗng từ phía xa, bà thấy ông đang đi qua một khúc cua. Trên vai ông là chiếc áo khoác hờ, một tay ông giữ gậy, tay kia cầm một gói nhỏ màu nâu. Ông tập trung quan sát xung quanh và thận trọng bước từng bước một.
Bà thở phào nhẹ nhõm và vội chạy tới đỡ ông. Khi biết chắc ông vẫn bình an vô sự, bà trách, “Tôi chỉ mới vắng mặt một lát thôi mà. Ông cần gì mà gấp đến nỗi không chờ được vậy? Ông làm tôi lo chết đi được”.
Bà đỡ tay ông và cầm lấy gói đồ màu nâu. Ông chưa kịp nói gì thì bà đã nhìn thấy chiếc hộp hình trái tim bên trong.
“Hôm nay là lễ Tình nhân”, ông bối rối giải thích. “Tôi nghĩ chắc bà sẽ thích sô-cô-la. Lâu nay tôi chẳng tặng bà được món gì.”
Do di chứng của cơn đột quỵ, khó khăn lắm ông mới thốt ra được những lời đó nhưng bấy nhiêu cũng đủ để sưởi ấm ngày đông lạnh lẽo của bà. Bà nắm chặt lấy tay ông và dìu ông về nhà. Trên khóe mắt bà, những giọt nước mắt hạnh phúc cứ thế lặng lẽ rơi.
Không bao giờ là quá muộn để thể hiện tình yêu!