“Thế giới là một quyển sách, và những ai ở yên một chỗ chỉ mới đọc một trang trong quyển sách đó.”
- Thánh Augustine
Một buổi sáng đầy sương ở bang Colorado, tôi đang nhâm nhi ly cà phê thì John - chồng tôi - nói, “Chúng ta cần thay đổi phong cách sống. Vợ chồng mình mua một chiếc thuyền và chu du khắp nơi đi em”.
Tôi ngạc nhiên đến sửng người trong khi John hào hứng nói tiếp, “Leslie này, sẽ ra sao nếu toàn bộ tài sản của chúng mình chỉ còn lại vỏn vẹn tầm một chiếc va-li em nhỉ? Nếu chúng ta đang đứng bên đường với chiếc va-li chứa toàn bộ tài sản, em muốn đi đâu và làm gì?”.
“Em sẽ ra bãi biển, nằm dài trên ghế và nghĩ xem mình nên làm gì tiếp theo”, tôi bông đùa mà trong lòng lo sợ John đang bị khủng hoảng tuổi trung niên.
Nhiều tuần sau đó, John hành xử rất khác lạ. Vốn là người có nhiều hoài bão và luôn tìm kiếm dự án mới để thỏa sức cống hiến, bỗng nhiên John lại tỏ ra chẳng mấy hứng thú với công việc mà chỉ muốn thỏa mãn những sở thích riêng. Anh miệt mài nghiền ngẫm những quyển sách như How to survive without a salary (tạm dịch: Sống không cần lương) của Charles Long. Tôi luôn tự hỏi phải chăng ngọn lửa nhiệt huyết trong anh đang dần lụi tàn. Lúc này anh năm mươi bốn tuổi, là một giáo sư đại học được mọi người kính trọng và có cuộc sống thoải mái, nhưng tôi nhận ra anh đã sẵn sàng cho một sự chuyển mình, một “phong cách sống mới”.
John vẫn không từ bỏ ý nghĩ muốn tự mình điều khiển một con thuyền. Anh muốn cùng tôi chu du từ Florida đến tận Nam Mỹ và quay về. Tôi đề nghị thuê thay vì mua hẳn một con thuyền, nhưng anh vẫn khăng khăng nói chúng tôi cần thay đổi hoàn toàn lối sống cũ. Anh lập luận rằng nếu chỉ thuê thuyền thì chúng tôi có thể dễ dàng bỏ cuộc và quay về, mà như thế thì không thể gọi là “thay đổi thật sự”.
Rõ ràng John đang rất muốn thực hiện khao khát mãnh liệt của mình, và tôi thì luôn muốn mình là một phần của mọi việc anh làm. Thế nên tôi quyết định tham gia cùng anh, xem như đây là cách tôi giúp anh vượt qua khủng hoảng tuổi trung niên.
“Được rồi, em sẽ cùng anh thực hiện kế hoạch này, nhưng đừng kéo dài chuyến đi quá hai năm nhé”, tôi đề nghị. Và anh đồng ý.
Chúng tôi chuẩn bị về tài chính và lên kế hoạch cho chuyến đi suốt nhiều tuần liền. Hầu như cả tháng Một lạnh giá, không ngày nào chúng tôi không tìm hiểu thông tin về cuộc sống của những người lênh đênh trên biển. Cuối tháng Năm, John nộp đơn xin nghỉ phép dài hạn và đến tháng Sáu thì đơn nghỉ phép của anh được duyệt. Không lâu sau tôi cũng nghỉ việc. Vào tháng Bảy, chúng tôi bán được căn nhà của mình ngay trong giờ đầu tiên đăng tin trên sàn giao dịch địa ốc. Kể từ giây phút đó, cuộc sống của chúng tôi lật sang trang mới. Sau khi bán nhà, bán xe và cho hoặc tặng các vật dụng trong nhà, tài sản mà chúng tôi tích lũy hàng chục năm gần như không còn gì cả.
Lúc này, thời gian là vàng bạc. Lần đầu tiên kể từ khi trưởng thành, chúng tôi không có việc làm mà chỉ sống nhờ lương hưu và tiền tiết kiệm. Nhưng cũng vì vậy mà việc đưa ra quyết định trở nên dễ dàng hơn. Chúng tôi cần mua ngay một con thuyền và tức tốc khởi hành trước khi tiền bạc vơi đi. Thế là vợ chồng tôi đi từ bờ Đông sang bờ Tây nước Mỹ để chọn mua một con thuyền và nơi đậu thuyền. Chúng tôi nhanh chóng mua được chiếc thuyền buồm dài hơn mười hai mét mang tên Sola Fide, tiếng La-tinh nghĩa là “trung thành”.
Chúng tôi chất hết đồ đạc lên chiếc xe hơi mười năm tuổi và lái đến Thành phố Fort Lauderdale, bang Florida. Tại đó, chúng tôi thuê một xưởng sửa chữa trên một kênh đào và bắt đầu quá trình tân trang Sola Fide để chuẩn bị cho hành trình dài trên biển. Vợ chồng tôi mất nhiều tháng trời cất công săn lùng các thiết bị hàng hải và vật dụng cần thiết để biến con thuyền thành nơi ấm cúng và tiện nghi như một ngôi nhà. Tôi thật sự choáng với chi phí bỏ ra cho những thứ “thiết yếu” này và tự hỏi liệu đến lúc ra khơi thì chúng tôi có còn đồng nào trong túi không.
Ngày vợ chồng tôi có thể giương buồm ra khơi cuối cùng cũng đến. Chúng tôi dự định sẽ chu du từ Florida đến đất nước Venezuela ở Nam Mỹ rồi quay trở lại, tận hưởng cảnh đẹp và ghé thăm tất cả các hòn đảo mà mình đi qua trên suốt hành trình.
Là những tay đi biển còn non kinh nghiệm, chúng tôi chủ yếu học hỏi từ những quyển hướng dẫn ngắn trên thuyền và từng bước nâng cao kỹ năng từ trải nghiệm thực tế trong suốt hành trình. John thường lái thuyền vào ban ngày, và để thuyền lênh đênh theo dòng nước khi đêm đến. Một trong những kinh nghiệm đi biển tôi học được là ta không thể neo thuyền lại giữa biển, mà phải tiếp tục đi cho đến khi tìm được nơi trú ẩn an toàn.
Bên cạnh những điều mới lạ đầy thú vị là các mối nguy hiểm rình rập. Gió lớn và biển động là những thứ không thể tránh khỏi. Chúng tôi từng gặp một gia đình xấu số phải cam chịu nhìn con thuyền của mình bị cơn bão tàn phá, và cả những người đi biển từng bị hải tặc tấn công.
Quan trọng là hôn nhân của chúng tôi vẫn đứng vững trước sự thay đổi lối sống ngoạn mục này. Tất cả đều nhờ vào “hợp đồng bảo hiểm hôn nhân” mà John đã “trao” cho tôi. Chuyện là thế này: Sau ba mươi ngày lênh đênh trên biển với những căng thẳng khủng khiếp vì sóng to gió lớn cùng biết bao lời than vãn của tôi, một hôm John nhìn thẳng vào mắt tôi và nói, “Em à, bất cứ khi nào em muốn quay về thì cứ nói cho anh biết. Chúng ta hoàn toàn có thể dừng lại và trở về với lối sống trước kia, miễn là em thấy thoải mái. Đối với anh, hôn nhân của chúng ta quan trọng hơn chuyến đi này rất nhiều”.
Có lẽ đó là những lời trìu mến nhất tôi từng được nghe từ chồng mình. Và kể từ lúc đó, tôi biết mình có thể yên tâm cùng chồng đương đầu với những thử thách của lối sống mới. Sự hiếu kỳ cũng là động lực giúp tôi tiếp tục chuyến đi. Tôi muốn khám phá xem chuyến phiêu lưu này mang đến cho mình những gì.
Mỗi khi đến một đảo mới, chúng tôi đều dành thời gian làm quen với người dân bản địa cũng như những người đi thuyền khác, và nhiều người trong số họ đã trở thành bạn thân của chúng tôi sau này. Mỗi ngày trôi qua, chúng tôi lại có thêm những chuyến phiêu lưu mới. Khi thời tiết xấu khiến chúng tôi không thể tiếp tục hành trình, tôi cùng John tình nguyện giúp đỡ người dân địa phương trong việc dạy học và đọc sách cho trẻ em. Có lần chúng tôi còn góp sức cứu nhiều cá kình đầu to ở đảo quốc Trinidad và Tobago.
Hành trình giúp John vượt qua khủng hoảng tuổi trung niên kết thúc tại Florida - ngay đúng điểm khởi hành. Quả thật không niềm vui nào sánh bằng cảm giác được về nhà. Sau chuyến đi dài, chúng tôi học được vô số điều mới mẻ và càng thêm vững tin rằng chỉ cần quyết tâm thì mình có thể làm được bất cứ điều gì.
May mà tôi đã phản ứng tích cực trước khao khát cháy bỏng của chồng khi anh nói muốn thay đổi lối sống cũ ngày trước. Qua chuyến phiêu lưu nhiều sóng gió, tôi khám phá ra con người mới ẩn sâu trong cái tôi già cỗi của mình. Tôi nhận ra mình cũng mạnh mẽ và gan góc lắm.
Hóa ra, không phải John bị khủng hoảng tuổi trung niên mà anh chỉ muốn bước ra khỏi vùng an toàn để biết mình thật sự là ai. Tôi mừng vì John đã kéo tôi ra khỏi vùng an toàn cùng anh và tôi hài lòng với những trải nghiệm táo bạo mà mình có được. Cuộc sống trong mắt tôi giờ đây đơn giản và thú vị hơn rất nhiều.
Còn bạn thì sao? Bạn muốn đi đâu và làm gì?