“Nếu cứ mải phán xét người khác, bạn sẽ chẳng còn thời gian yêu thương họ.”
- Mẹ Teresa
Bà tôi có một kẻ thù truyền kiếp, đó là bà Wilcox. Bà tôi và bà Wilcox về làm dâu tại thị trấn nhỏ này gần như cùng một thời điểm. Hai gia đình có nhà sát nhau trên con đường trải dài hàng cây thù du xanh mướt, và họ đã sống cả cuộc đời mình ở đó. Cuộc chiến giữa hai người bắt đầu từ rất lâu, lâu đến nỗi chính hai người cũng không nhớ nổi nguyên nhân ban đầu của mối bất hòa ấy. Nhưng đến tận ba mươi năm sau, mối thù đó vẫn tiếp diễn một cách gay cấn.
Đó không phải là cuộc cãi vã thông thường mà là một cuộc chiến đúng nghĩa giữa hai quý bà. Không ngóc ngách nào trong thị trấn thoát khỏi tầm ảnh hưởng của cuộc chiến ấy. Ngôi nhà thờ cổ đã chứng kiến gần như trọn vẹn trận chiến của họ, khi bà tôi và bà Wilcox cùng tham gia tranh cử chức chủ tịch Hội cứu tế phụ nữ. Bà tôi chiến thắng, nhưng thắng lợi đó bỗng mất hết ý nghĩa khi bà Wilcox rút tên khỏi hội trong bực tức. Việc điều hành sẽ chẳng còn thú vị nếu bạn không có cơ hội cho đối thủ của mình “nếm mùi cay đắng”.
Ngược lại, bà Wilcox thắng trong cuộc chiến ở thư viện thị trấn và giúp cháu bà là cô Gertrude được bổ nhiệm làm thủ thư thay vì cô Phyliss của tôi. Ngày cô Gertrude bắt đầu làm việc tại thư viện cũng là ngày bà tôi không thèm đến thư viện nữa mà tự mua sách về nhà đọc.
Ngoài một số trận chiến lớn kể trên còn có những “cuộc tập kích” lẻ tẻ khác. Khi còn bé, một trong những thú vui của chúng tôi trong mỗi lần đến thăm nhà bà là nhăn mặt và lè lưỡi trêu chọc đám cháu của bà Wilcox cũng như hái trộm nho của bà từ những dây leo mọc gần hàng rào giữa hai nhà. Chúng tôi còn rượt đuổi đàn gà của nhà bà Wilcox, đặt kíp nổ pháo hoa vào đường ray xe điện chạy ngang nhà bà Wilcox để xe điện cán lên chúng và gây ra những tiếng nổ làm bà Wilcox hoảng sợ.
Nhưng bà Wilcox cũng có nhiều cháu, và chắc chắn bà tôi không thoát khỏi mấy trò quậy phá của tụi nó. Tầng hầm nhà bà thường xuyên bị vứt đầy những thứ rác rưởi. Vào ngày lễ Halloween, mấy thứ linh tinh như dây và vải vụn bay phất phới trên các đầu cột của ban công, và bà tôi phải bỏ một khoản tiền không nhỏ để thuê người leo lên gỡ xuống. Thỉnh thoảng, sào phơi quần áo tự nhiên bị gãy, làm mọi thứ rơi xuống đất lấm lem và bà phải tốn công giặt lại đống đồ đó.
Có lẽ bà tôi không chịu đựng nổi những trò chơi khăm rắc rối đó nếu không có trang giao lưu dành cho các bà nội trợ trong tờ nhật báo Boston.
Đó là chuyên mục thú vị và hấp dẫn dành riêng cho phụ nữ. Ngoài các mẹo vặt nấu nướng, tư vấn trang trí nhà cửa thì còn có một phần để các độc giả giao lưu với nhau. Nếu có vấn đề cần chia sẻ, bạn có thể viết một lá thư gửi đến trang báo, với một bút danh ngồ ngộ, chẳng hạn như Trúc Xanh – bút danh của bà tôi. Rồi một quý bà có kinh nghiệm về vấn đề đó sẽ viết thư hồi đáp. Thông thường, họ có thể tiếp tục viết thư cho nhau suốt nhiều năm, tâm sự những chuyện con cháu, công việc, gia đình, v.v.
Bà tôi và một người mang bút danh Hải Âu đã trao đổi thư từ suốt hai mươi lăm năm. Trong suốt thời gian đó, Trúc Xanh đã kể cho Hải Âu nghe những chuyện mà bà chưa từng tâm sự với người khác – chẳng hạn như việc bà hy vọng sinh thêm một đứa con nhưng không được, hay chuyện hồi nhỏ cậu Steve của tôi đã làm bà rất xấu hổ và nhiều chuyện khác. Hải Âu thật sự là bạn tri kỷ của bà tôi.
Năm tôi mười sáu tuổi, bà Wilcox mất. Trong thị trấn nhỏ, dù có ghét người láng giềng đến mấy nhưng khi thấy nhà họ có tang, người ta vẫn thường ghé sang thăm hỏi và xem có giúp được gì không.
Vì vậy, bà tôi gọn ghẽ trong chiếc váy tạp dề bằng vải lanh và băng qua hai bãi cỏ để sang nhà bà Wilcox. Con gái bà Wilcox nhờ bà tôi dọn dẹp căn phòng của mẹ, và ở đó, bà tìm thấy một chiếc hộp đựng thư lớn trên chiếc bàn gỗ cạnh giường. Xếp ngay ngắn trong hộp là những lá thư mà Trúc Xanh gửi cho Hải Âu cũng như thư hồi âm của Hải Âu gửi đến Trúc Xanh qua các năm. Hóa ra kẻ thù không đội trời chung bấy lâu nay của bà tôi cũng chính là người bạn thân thiết nhất của bà.
Bà ôm chồng thư vào lòng và bật khóc nức nở. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy bà khóc. Bà khóc cho những năm tháng đã phí hoài trong căm ghét, hận thù và không thể cứu vãn.
Tôi không bao giờ quên những giọt nước mắt đau đớn đầy tiếc nuối của bà trong ngày hôm ấy. Câu chuyện của Hải Âu và Trúc Xanh để lại cho tôi bài học lớn trong đời. Đôi lúc chúng ta không thể ưa nổi những người xung quanh. Họ có vẻ bần tiện, hẹp hòi và ích kỷ. Nhưng hãy thử bước sang trái mười bước và nhìn lại họ lần nữa dưới ánh sáng chiếu rọi từ một góc độ khác, rất có thể bạn sẽ thấy họ cũng thật hào phóng, nồng nhiệt và tốt bụng. Tất cả tùy thuộc vào góc nhìn của bạn.