“Bạn sẽ làm gì nếu không bị nỗi sợ chi phối?”
- Sheryl Sandberg
Ghi chú: Tác giả của câu chuyện dưới đây là Betty Ford - phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ Gerald Rudolph Ford (nhiệm kỳ 1974 - 1977)
Trước khi chúng tôi rời Nhà Trắng để trở về với cuộc sống bình thường thì gia đình đã nhận ra là tôi gặp vấn đề với chất kích thích. Suốt mười bốn năm liền, tôi đã uống rất nhiều loại thuốc khác nhau - thuốc trị đau nhức thần kinh, thuốc viêm khớp, thuốc chữa đau cơ cổ và thuốc để hồi phục sau ca phẫu thuật cắt bỏ vú năm 1974. Dần dần, cơ thể tôi bắt đầu kháng các loại thuốc mà bác sĩ đã kê đơn. Và chỉ một ly rượu - sau khi uống quá nhiều thuốc - sẽ làm tôi choáng váng.
Mùa thu năm 1977, tôi đến Moscow để đọc lời dẫn cho đêm diễn đặc biệt của vở vũ kịch The Nutcracker (tạm dịch: Kẹp hạt dẻ) sẽ được trình chiếu trên truyền hình. Sau đó đã có những bình luận không hay về “đôi mắt thâm quầng và giọng nói ngái ngủ” của tôi. Chồng tôi Jerry và các con đều rất lo lắng, nhưng lúc đó tôi không biết điều gì đang xảy ra với mình và cũng không biết bản thân đã thay đổi nhiều thế nào. Đến khi nói ra những lời này thì tôi mới nhận ra là sau chuyến đi đó, tôi bắt đầu “nhớ trước quên sau”.
Và rồi con gái tôi, Susan, đã gặp bác sĩ và trao đổi về tình trạng của tôi. Ông ấy khuyên gia đình tôi áp dụng phương pháp điều trị can thiệp trực tiếp. Trong lối tư duy cũ, trước khi quá trình hồi phục bắt đầu thì người nghiện chất kích thích - dù là rượu hay thuốc - phải rơi vào tình trạng tồi tệ nhất rồi mới nhận ra là mình muốn khỏe lại. Giờ đây, thực tế đã chứng minh rằng gia đình cùng những người quan trọng với bệnh nhân có thể can thiệp để giúp bệnh nhân hồi phục. Khi áp dụng phương pháp điều trị mới này thì tỷ lệ hồi phục cũng tăng đáng kể.
Một hôm, trong khi chồng tôi đang công du ở bờ Đông nước Mỹ, Susan cùng bác sĩ, và thư ký của tôi, Caroline Coventry, kéo nhau vào phòng tôi và chất vấn tôi. Rồi họ bắt đầu đề cập đến việc tôi nên ngưng sử dụng tất cả các loại thuốc và rượu. Tôi giận dữ và buồn bực đến mức vừa đợi họ rời khỏi là tôi liền gọi điện cho một người bạn để than vãn rằng quyền riêng tư của mình đã bị xâm phạm nghiêm trọng. (Tôi không nhớ gì về cuộc gọi ấy cho đến khi người bạn đó kể lại cho tôi nghe.)
Sáng thứ Bảy ngày 1 tháng Tư, tôi đang định gọi cho con trai Mike và con dâu Gayle ở Pittsburgh thì vợ chồng Mike cùng cả gia đình đột ngột mở cửa bước vào. Tôi vô cùng cảm động với ý nghĩ cả nhà cùng tụ họp lại vì biết tôi không khỏe. Chúng tôi ôm hôn nhau rồi bước vào phòng khách. Một lần nữa, tôi lại bị mọi người chất vấn. Và lần này thì họ thật sự nghiêm túc. Cùng đến với họ còn có cả Đại tá Jor Pursch - vị bác sĩ quân y hiện đứng đầu Trung tâm Cai nghiện Rượu và Chất kích thích tại Thành phố Long Beach.
Tôi sửng người vì sốc. Mike và Gayle nói hai đứa muốn có con. Chúng mong tôi có thể làm một bà nội khỏe mạnh và biết kiểm soát cuộc sống của mình. Jerry nhắc về những lần tôi ngủ gục trên ghế hay những khi tôi phát biểu líu nhíu không rõ ràng. Steve thì khơi lại chuyện xảy ra trong một dịp cuối tuần trước đó, con đã cùng bạn gái nấu bữa tối cho tôi nhưng tôi lại không ngồi vào bàn ăn đúng giờ. Steve nói, “Mẹ cứ dán mắt vào màn hình ti-vi và uống một ly, hai ly rồi lại ba ly. Mẹ làm con đau lòng lắm”.
Lời nói của con cũng khiến tôi đau lòng. Tất cả đều làm tổn thương tôi. Tôi bật khóc nức nở. Dù vậy, tôi vẫn đủ lý trí để hiểu rằng cả gia đình tụ họp nơi đây không phải để làm tôi khóc, họ đến đây vì yêu thương tôi và muốn giúp đỡ tôi.
Tuy nhiên, tôi gạt phăng mọi lập luận rằng rượu cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng của tôi và chỉ thừa nhận mình đã lạm dụng thuốc quá nhiều. Đại tá Pursch nói chuyện đó không quan trọng. Ông đưa tôi quyển Alcoholics Anonymous (tạm dịch: Những người nghiện rượu ẩn danh) và dặn tôi khi đọc hãy xem từ “nghiện rượu” trong sách chính là “phụ thuộc chất kích thích”. Vì một liều thuốc an thần hay một ly martini nguyên chất đều có tác động lên hệ thần kinh như nhau nên quyển sách đó có thể được áp dụng khi gặp vấn đề với cả thuốc và rượu. Và “thuốc” mà tôi đang đề cập là các loại thuốc hợp pháp được bác sĩ kê toa.
Thời gian đầu sau khi thú nhận tình trạng của mình, tôi sinh lòng căm ghét ngành y bởi tôi đã nhiều năm sống theo lời khuyên “Hãy uống thuốc trước khi bệnh tật ghé thăm”. Chính bởi lời khuyên đó mà tôi uống thuốc để giảm đau, để dễ chìm vào giấc ngủ, rồi tôi dùng đến cả thuốc an thần. Về sau nhiều bác sĩ bắt đầu nhận thấy tác hại của các loại thuốc này, còn trước đó thì vài người trong số họ vẫn thường xuyên kê chúng cho tôi.
Hai ngày sau sinh nhật sáu mươi tuổi của mình, tôi bắt đầu điều trị ở bệnh viện Long Beach. Tôi có thể chọn một trung tâm cai nghiện tư nhân, nhưng tôi nghĩ tốt hơn hết là mình nên điều trị công khai thay vì trốn sau một tấm màn nhung. Một thông cáo báo chí về việc tôi lạm dụng thuốc sẽ được gửi đi sau khi hoàn tất thủ tục nhập viện.
Khi tôi đến Long Beach, Đại tá Pursch đón tôi tại tầng bốn và dẫn tôi đến một căn phòng có bốn giường. Tôi khựng lại trước cửa. Tôi cứ nghĩ mình được ở phòng riêng. Tôi đã nghĩ đến việc không nhập viện và cũng không công khai tình trạng của mình nữa. Thế nhưng Đại tá Pursch đã xử lý tình huống đó một cách hoàn hảo - cho tôi được toàn quyền quyết định. Ông nói, “Nếu bà nhất định muốn ở phòng riêng, tôi sẽ mời các bệnh nhân trong phòng ra ngoài”.
“Không, không cần đâu”, tôi vội vàng đáp. Một giờ sau, tôi đã yên vị trong phòng cùng ba nữ bệnh nhân khác và thông cáo của tôi được gửi đến báo giới.
Ngày 15 tháng Tư, khi tôi điều trị ở Long Beach được gần một tuần, con trai Steve của tôi đã phát biểu với báo giới rằng tôi đang phải nỗ lực chống lại sự cám dỗ của cả thuốc lẫn rượu. Tôi chẳng vui vẻ gì trước những lời con nói vì tôi vẫn chưa sẵn sàng thừa nhận điều đó. Cả tuần qua tôi chỉ đề cập đến việc lạm dụng thuốc, và mọi người đều gật gù cảm thông.
Năm ngày sau, một buổi họp diễn ra tại văn phòng Đại tá Pursch với sự có mặt của vợ chồng tôi cùng một số bác sĩ. Trong buổi hôm đó, họ nói tôi nên công khai tuyên bố rằng mình cũng nghiện rượu. Tôi từ chối, “Tôi không muốn làm mất mặt chồng mình”.
Đại tá Pursch nói, “Bà đang cố dùng chồng để làm cái cớ trốn tránh thực tế. Sao bà không hỏi chồng mình xem liệu ông ấy có mất mặt không nếu bà công khai thừa nhận bà nghiện rượu?”.
Tôi bật khóc, còn Jerry thì nắm lấy tay tôi và nói, “Anh không thấy mất mặt gì đâu. Em cứ nói điều cần phải nói”.
Nghe vậy, tôi càng khóc nhiều hơn. Thậm chí khi được chồng dìu về phòng, tôi vẫn còn khóc nức nở đến nỗi không thở được. Hy vọng tôi sẽ không bao giờ phải khóc như thế lần nữa. Cảm giác lúc đó thật đáng sợ. Sau khi khóc xong, tôi thấy lòng mình thanh thản lạ thường.
Tối hôm đó, tôi ngồi trên giường, kê cao gối để tựa lưng và viết một thông cáo báo chí khác với nội dung như sau: “Tôi nhận thấy mình không chỉ lạm dụng các loại thuốc được dùng trong việc điều trị viêm khớp mà còn lạm dụng cả rượu. Tôi hy vọng rằng phương pháp điều trị ở Long Beach và sự ủng hộ của mọi người có thể giải quyết được vấn đề của tôi. Tôi làm điều này không chỉ cho bản thân mà còn cho các bệnh nhân ở đây”. Viết ra được như thế thật sự là bước tiến lớn đối với tôi, nhưng đó mới chỉ là một trong nhiều bước mà tôi phải thực hiện.
Trước đó, tôi từng phủ nhận mình nghiện rượu là vì cơn nghiện của tôi không quá nghiêm trọng. Đúng là khi nói chuyện, tôi nói chậm chạp hơn và thỉnh thoảng tôi quên mất vài cuộc gọi. Đúng là tôi từng ngã trong phòng tắm và bị gãy ba chiếc xương sườn. Thế nhưng, tôi chưa bao giờ uống rượu chỉ vì trong người cảm thấy bồn chồn và tôi cũng không phải là người nghiện rượu vì thường xuyên uống một mình. Tôi chưa bao giờ giấu chai rượu ở đâu đó trong nhà rồi lén lút lấy ra uống. Tôi chưa từng hứa bỏ rượu rồi tái phạm (vì Jerry chưa bao giờ đứng trước mặt tôi và nói, “Em bỏ rượu đi”), và không bao giờ lái xe khi đang say xỉn. Chưa bao giờ tôi ở một nơi lạ lẫm như vậy và lại còn ở cùng với một nhóm thủy thủ, cho đến khi tôi điều trị tại Long Beach
Ở đó, tôi có cơ hội tiếp xúc và trở nên thân thiết các thủy thủ. Chúng tôi đều gọi nhau bằng tên thay vì sử dụng họ theo quy tắc giao tiếp thông thường. Và chúng tôi luôn giúp đỡ nhau đấu tranh vượt qua những cơn nghiện và nỗi lo sợ.
Mỗi ngày, đồng hồ báo thức đổ chuông lúc sáu giờ sáng. Tôi thức dậy, dọn giường, tự mình pha một cốc trà rồi ngồi nhâm nhi cho đến khi nghe thấy hiệu lệnh tập trung. (Suy cho cùng thì tôi đang ở trung tâm cai nghiện của quân đội mà.) Tiếp đến là công việc dọn dẹp, mỗi người sẽ được phân công làm một việc khác nhau. Thường thì sẽ có buổi gặp bác sĩ vào tám giờ sáng. Đó là lúc bệnh nhân được tiếp xúc với các bác sĩ, hầu hết là sĩ quan hải quân. Đội ngũ bác sĩ này được đào tạo để phát hiện tình trạng nghiện và không cố dùng thuốc để giải quyết vấn đề của người bệnh.
Vào những ngày không gặp bác sĩ thì tôi có các buổi trị liệu nhóm, đợt đầu tiên vào lúc tám giờ bốn mươi lăm phút và đợt thứ hai là ngay trước giờ ăn trưa. Sau bữa trưa, chúng tôi được nghe thuyết giảng hoặc xem phim, tiếp đến là một hoạt động khác. Các bệnh nhân được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm có từ sáu đến bảy người và một chuyên viên tư vấn. Thông qua hình thức nhóm, từng bệnh nhân sẽ bắt đầu cảm nhận được sự ủng hộ, sự ấm áp và tình bằng hữu giữa các thành viên với nhau, từ đó có động lực để quyết tâm cai nghiện. Nhóm của tôi có một thủy thủ hai mươi tuổi (kỹ sư máy bay phản lực biết uống rượu từ năm lên tám), một sĩ quan trẻ (kết hôn hai lần và đều ly hôn) và một mục sư (nghiện cả thuốc lẫn rượu, tâm lý thường xuyên bất ổn).
Ban đầu tôi rất chán ghét những buổi họp nhóm này. Tôi cảm thấy không thoải mái và không muốn chia sẻ về mình. Rồi một ngày nọ có người phụ nữ tâm sự rằng trước đây cô cũng không hề nghĩ việc uống rượu của mình là một vấn đề cần phải giải quyết. Lúc đó, tôi trở nên xúc động và đứng bật dậy nói, “Tôi là Betty. Tôi là một người nghiện rượu, và tôi biết điều đó đã làm cho người thân của mình đau lòng”. Tôi ngỡ ngàng trước lời nói của chính mình. Toàn thân tôi run rẩy. Vậy là một bức tường phòng thủ nữa sắp vỡ vụn.
Mọi chia sẻ và tâm sự trong nhóm đều được giữ kín. Bạn có thể thoải mái thú nhận việc mình từng làm hỏng xe, hủy hoại lá gan, làm gãy răng hay đạp đổ hôn nhân và ước mơ của mình chỉ vì tác hại của rượu. Các thành viên trong nhóm sẽ gật đầu đồng cảm. Quan trọng là bạn sẽ không cảm thấy đơn độc. Suy cho cùng thì mọi chuyện có thể còn tồi tệ hơn. Bạn vẫn có thể tự lừa dối bản thân và đổ lỗi cho gien di truyền hoặc bác sĩ điều trị của mình.
Đến cuối cùng, quan trọng là bạn phải tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Đừng bao giờ than thở chuyện vợ bạn không giữ nhà cửa gọn gàng, mẹ bạn không thương yêu bạn hay chồng bạn quên mất ngày kỷ niệm kết hôn. Ai cũng có những lúc cảm thấy thất vọng và ai cũng có cách giải thích cho hành động của mình. Nhưng tất cả những điều đó đều không quan trọng. Đổ lỗi cho người khác chỉ làm lãng phí thời gian của bạn mà thôi.
Từ lúc nhập viện, tôi được nhiều người dõi theo. Họ gửi hoa và quà đến bệnh viện để động viên tôi. Có rất nhiều người ủng hộ nỗ lực của tôi. Tờ Washington Post đăng tải một bài viết nói rằng thái độ chân thành của tôi khi kể về ca phẫu thuật vú của mình đã tiếp thêm động lực “cho vô số những người đang mắc bệnh và có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú”. Tờ báo này còn tán dương tôi vì đã dám công khai thừa nhận chứng nghiện thuốc và rượu của mình như sau: “Cho dù sự giày vò về cảm xúc, tâm lý và nỗi đau thể xác nào đã khiến bà tự đẩy mình vào tình huống này, nhưng bà đã vô cùng can đảm và quyết tâm vượt qua. Hơn thế, bà không hề sợ hãi hay xấu hổ khi nói về điều đó”.
Tôi rất biết ơn tờ Washington Post vì bài viết đó, nhưng tôi cảm thấy mình không xứng đáng được nhận những lời khen ấy. Tôi từng vừa sợ hãi vừa xấu hổ. Tôi cũng từng nếm trải cô đơn, tuyệt vọng, giận dữ và chán nản. Dưới đây là đoạn nhật ký tôi viết vào ngày 21 tháng Tư tại Long Beach:
“Đến giờ đi ngủ rồi. Mấy cái chăn len này thật thô ráp khó chịu. Hồi đăng ký vào đây mình đâu có biết mọi thứ lại khó khăn thế này, tất nhiên là không chỉ bởi mấy cái chăn. Chương trình này tốt thật nhưng lại quá nặng đối với một người vừa bước sang tuổi sáu mươi như mình. Mình đang làm cái quái gì ở đây vậy? Thậm chí mình còn bắt đầu nói chuyện như mấy người thủy thủ vậy. Mình có thể bỏ cuộc, nhưng tất nhiên mình không thể để bản thân làm vậy được. Mình muốn thoát khỏi tình trạng này. Có lẽ giờ mình chỉ có thể khóc thôi.”
Người ta thường nói mọi chuyện sẽ tiến triển theo chiều hướng tốt đẹp vào lúc bất ngờ nhất, khi bạn thậm chí không cố gắng hay khi bạn vô cùng tuyệt vọng. Trong trường hợp của tôi, đó là khi đứng cạnh máy pha cà phê và mách nước cho hai thủy thủ đang chơi bài. Nếu vẫn sống cuộc đời như trước, có lẽ tôi chẳng bao giờ có được cơ hội gặp gỡ những người ngày. Còn tại Long Beach, chúng tôi lại cùng giúp nhau chữa lành tổn thương của mình.
Nhóm trị liệu của tôi được bác sĩ đặt tên theo thứ tự là nhóm Sáu, thế nên chúng tôi tự gọi mình là nhóm Sáu Múi. Cuối giai đoạn điều trị ở Long Beach, tôi cố gắng bày tỏ để các thành viên trong nhóm Sáu Múi biết họ quan trọng với tôi thế nào, nhưng lại không thể thốt nên lời. Tôi cứ thế bật khóc, và một người trong nhóm đã đưa cho tôi tờ khăn giấy rồi nói, “Giờ thì chúng tôi biết chắc là bà sẽ hồi phục nhanh thôi”.
Tôi biết bình yên không dễ tìm, nhưng tôi đang từng bước tiến tới bình yên đó. Tôi không còn cảm giác thèm rượu nữa, và điều này làm tôi nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Bệnh viện Eisenhower tại Thành phố Palm Springs đang phát triển một chương trình dành cho bệnh nhân nghiện chất kích thích và tôi muốn tham gia chương trình ấy để giúp đỡ mọi người. Đó chính là liệu pháp hữu hiệu nhất lúc này.
Có rất nhiều phụ nữ phụ thuộc vào chất gây nghiện như tôi. Nhìn từ bên ngoài, không ai biết họ nghiện rượu cho đến khi họ bị buộc phải đối mặt với vấn đề đó hoặc khi suy sụp cả thể chất lẫn tinh thần. Tôi từng nghe về những phụ nữ thành đạt trong sự nghiệp và đứng đầu cả một cộng đồng, nhưng ly trà đá họ cầm trong tay hay cốc cà phê để trên bàn làm việc đều phải pha thêm rượu vodka để họ có đủ cảm hứng tiếp tục công việc. Quan trọng là mọi người phải nhận ra rằng rất dễ để sa vào con đường phụ thuộc rượu hay thuốc, và rất khó để một người phải thừa nhận mình là một kẻ nghiện.
Tôi vô cùng biết ơn Đại tá Pursch và những người bạn tại Long Beach vì đã hết mực tin tưởng, giúp đỡ và chăm sóc tôi. Đồng thời, tôi cũng nợ hàng ngàn người xa lạ một lời cảm ơn vì sự tử tế và những lời động viên họ dành cho tôi.
Sau chuyện này, tôi hiểu thêm nhiều điều về bản thân. Khi nỗ lực học hỏi và làm việc vì một tương lai tươi sáng, tôi tin mình sẽ khám phá thêm nhiều điều về bản thân và tôi sẽ luôn mở lòng để đón nhận những điều đó. Tôi sẽ làm được!