13 Maya Angelou là nữ văn sĩ nổi tiếng người Mỹ gốc Phi. Bà cũng là nhân vật quan trọng trong phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc và vì công bằng xã hội.
“Dẫu biết thế giới này đầy rẫy muộn phiền và sự bất công, hãy nhớ rằng hiện thực luôn tồn tại hai mặt song song: tốt đẹp và xấu xa.”
- Oscar Hammerstein II
Những ngày học cuối cùng trong năm 1940, các học sinh da màu ở thị trấn Stamps đều phấn khởi thấy rõ khi lễ tốt nghiệp của học sinh cấp hai và cấp ba ngày càng đến gần. Những học sinh sắp kế thừa chỗ ngồi của anh chị khóa trên kiêu hãnh sải bước trên sân trường khiến mấy em lớp dưới cảm thấy có chút áp lực. Trong khi đó, những học sinh sắp tốt nghiệp lại từ tốn và trầm lặng hơn hẳn. Ngay cả giáo viên cũng tỏ vẻ tôn trọng họ hơn trước.
Không như những trường trung học dành cho học sinh da trắng ở Stamps, Trường Đào tạo Hạt Lafayette không hề có thảm cỏ, hàng cây hay sân tennis. Hai tòa nhà của trường - nơi có các lớp tiểu học, trung học và các lớp nữ công gia chánh - được xây dựng trên một ngọn đồi trọc. Khoảng đất rộng bên trái ngôi trường được luân phiên dùng làm sân bóng chày hoặc bóng rổ. Những vành rổ rỉ sét gắn trên mấy cây trụ đong đưa cho thấy sự cũ kỹ của các thiết bị thể thao nơi đây.
Trên khoảnh đất đầy sỏi đá đó, học sinh cuối cấp ba đang dạo bước dưới bóng mát thưa thớt của mấy cây hồng. Có vẻ như họ chưa sẵn sàng để tạm biệt ngôi trường cũ, rời xa những lối đi và phòng học quen thuộc. Rất ít người quyết định tiếp tục việc học. Nếu có thì họ sẽ chọn một trong những ngôi trường về cơ khí và nông nghiệp của miền Nam nước Mỹ - những nơi chuyên đào tạo thanh thiếu niên da màu thành thợ mộc, nông dân, thợ nề, thợ sửa chữa, người giúp việc, đầu bếp và vú em. Gánh nặng tương lai đè nặng trên vai khiến họ không thể tận hưởng trọn vẹn niềm vui chung như những học sinh sắp tốt nghiệp cấp hai.
Trong khi đó, tôi còn đang ở nhà và đắm chìm trong niềm vui của mình - hôm nay là sinh nhật của tôi và tôi là trung tâm của sự chú ý. Tất cả các bạn nữ học cùng lớp sẽ mặc bộ váy tốt nghiệp màu vàng tươi. Những nếp xếp ly trên váy của tôi đã được bà tôi biến tấu thành những đường gấp chéo nhỏ. Ngoài ra bà còn bóp eo cho phần trên của váy. Tôi phải thật xinh xắn trong lễ tốt nghiệp. Và tôi chẳng thấy lo lắng tí nào dù tôi tốt nghiệp cấp hai khi chỉ mới mười hai tuổi và còn đang học lớp tám.
Thành tích học tập của tôi đứng đầu lớp và tôi sẽ là một trong những học sinh đầu tiên được xướng tên lên nhận bằng tại lễ tốt nghiệp. Thế nhưng cậu học sinh nhỏ con với đôi mắt sâu Henry Reed mới là người đại diện phát biểu tại buổi lễ. Học kỳ nào tôi và cậu ấy cũng tranh nhau vị trí nhất lớp. Thành tích của Henry thường nhỉnh hơn tôi một chút, nhưng tôi không thất vọng mà chỉ cảm thấy vui vì chúng tôi luôn thay nhau nắm giữ vị trí đầu lớp. Trong mắt những người lớn tuổi hơn, Henry là một cậu học trò nhã nhặn và điềm đạm. Nhưng còn trên sân chơi thì Henry sẽ chơi những trò mạnh bạo nhất. Tôi ngưỡng mộ cậu ấy. Và tôi cho rằng những ai có thể chơi hết mình làm hết sức với cả người lớn lẫn trẻ con đều đáng ngưỡng mộ.
Suốt nhiều tuần trước lễ tốt nghiệp, trường tôi liên tục có những hoạt động sôi nổi. Một nhóm học sinh tiểu học sẽ trình diễn một vở kịch về hoa mao lương vàng và hoa cúc cùng những chú thỏ. Mọi người có thể nghe thấy tiếng các em tập nhảy và hát vang vọng khắp cả tòa nhà. Các nữ sinh lớp lớn được giao nhiệm vụ chuẩn bị thức ăn nhẹ và nước giải khát cho đêm tiệc sau buổi lễ. Hương thơm của gừng, quế, nhục đậu khấu và bánh kẹp nướng sô-cô-la phảng phất khắp khu nữ công gia chánh. Trong khu xưởng chế tạo, một nhóm nam sinh mải miết tay rìu tay cưa để xẻ gỗ dựng sân khấu.
Vào buổi sáng của ngày tốt nghiệp trọng đại, tôi dậy thật sớm, bật ra khỏi giường và mở toang cửa sau để nhìn ngắm bình minh. Khi ấy, những tia nắng vẫn còn trong trẻo, nhưng chỉ vài giờ trôi qua thì chúng sẽ hóa vàng ươm rồi trải đều khắp nơi. Tôi đứng ở sân sau và đắm mình trong nắng ấm dịu dàng - trên người còn khoác chiếc áo choàng ngủ và đi chân đất. Tôi thầm cảm ơn Thượng Đế vì Ngài đã bỏ qua mọi lỗi lầm của tôi và cho phép tôi được sống để trải nghiệm ngày quan trọng của đời mình.
Bỗng nhiên, anh trai của tôi Bailey bước ra và đưa cho tôi chiếc hộp được gói bằng giấy gói quà Giáng sinh. Trong hộp là tập thơ của thi sĩ Edgar Allan Poe phiên bản bìa da - Bailey tiết lộ rằng anh đã dành dụm trong nhiều tháng trời để mua nó. Tôi cầm quyển sách trên tay và lật đến bài thơ mang tên “Annabel Lee”14. Hai anh em tôi vừa đi dọc mấy luống cây trong vườn và cảm nhận sự mát lạnh của đất len giữa các ngón chân vừa ngâm nga những vần thơ buồn tuyệt đẹp.
14 Bài thơ cuối cùng của nhà thơ nổi tiếng người Mỹ Edgar Allan Poe. Bài thơ nói về tình yêu mãnh liệt của một người đàn ông dành cho Annabel Lee - một phụ nữ xinh đẹp - từ khi cả hai còn trẻ cho đến tận sau khi Lee qua đời.
Sau đó, bà tôi chuẩn bị một bữa điểm tâm thịnh soạn - thứ vốn dành cho những ngày Chủ nhật dù hôm ấy chỉ mới là thứ Sáu. Chúng tôi cùng nhau nhắm mắt để cầu nguyện trước bữa ăn. Khi mở mắt ra, tôi thấy có chiếc đồng hồ hình chuột Mickey trên đĩa của mình và cảm thấy vô cùng vui sướng. Mọi chuyện đều diễn ra suôn sẻ suốt ngày hôm đó. Đến chiều tối, tôi xúng xính trong bộ váy tốt nghiệp - nó thật vừa vặn làm sao. Mọi người đều tấm tắc khen tôi xinh như tia nắng tinh khôi khi mặc bộ váy đó.
Tôi đến trường và nhập vào nhóm bạn gồm những học sinh “Giỏi” sắp tốt nghiệp đang đứng trước cổng. Ai nấy đều chải tóc gọn gàng và mặc quần áo mới được ủi thẳng thớm như quân phục sĩ quan. Ngoài ra họ còn mang theo khăn tay và đeo những chiếc túi nhỏ điệu đàng. Tất cả chúng tôi đều đã sẵn sàng cho buổi lễ tốt nghiệp.
Ban nhạc của trường bắt đầu đánh bài diễu hành, và tất cả các lớp bắt đầu tiến vào hội trường như đã tập dượt trước đó. Chúng tôi đứng trước hàng ghế đã được chỉ định và hát quốc ca, rồi đọc Lời thề Trung thành15.
15 Nguyên gốc tiếng Anh là Pledge of Allegiance: đây lời thề nguyện sẽ trung thành với nước Mỹ. Thông thường, học sinh ở Mỹ sẽ bắt đầu một ngày mới ở trường bằng việc đọc Lời thề Trung thành trước cờ Mỹ, tương tự hoạt động chào cờ đầu tuần và hát Quốc ca ở Việt Nam.
Sau đó, chúng tôi đứng yên tại chỗ và chờ đợi để hát tiếp bài ca mà tất cả những người da màu tôi biết đều gọi là “Quốc ca Negro”. Bỗng nhiên người chỉ huy dàn hợp xướng và thầy hiệu trưởng ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống. Trong lúc tất cả mọi người đều lóng ngóng ngồi xuống ghế, tôi linh cảm điều gì đó tồi tệ sắp xảy ra.
Thầy hiệu trưởng chào mừng “các bậc phụ huynh cùng các vị quan khách” rồi mời mục sư lên xướng lời cầu nguyện. Lúc sau, khi thầy hiệu trưởng quay lại bục phát biểu, giọng nói của thầy thay đổi hẳn. Thầy phát biểu mấy câu mơ hồ về tình bạn của người tốt bụng dành cho người kém may mắn hơn mình. Khi nói đến những điều này, giọng thầy như lạc đi. Thầy hắng giọng rồi tiếp tục nói, “Vị khách mời đáng kính đêm nay đến từ Thành phố Texarkana và ông sẽ phát biểu mở đầu trước khi ta đến với bài diễn văn tốt nghiệp. Nhưng do lịch trình tàu hỏa đột ngột thay đổi nên ông chỉ có thể phát biểu vài lời ngắn gọn. Xin trân trọng giới thiệu với các em ngài Edward Donleavy”.
Lúc này, không chỉ một mà có đến hai người đàn ông da trắng cùng bước ra từ cánh gà. Người thấp hơn bước đến bục phát biểu, còn người cao hơn chưa được giới thiệu tên thì bước ngay đến chiếc ghế của thầy hiệu trưởng rồi ngồi xuống. Thầy hiệu trưởng thoáng chút bối rối. Thấy thế, vị linh mục đứng dậy nhường ghế của mình cho thầy hiệu trưởng rồi với một thái độ khiêm cung, ông bước xuống sân khấu.
Donleavy bắt đầu nói về những thay đổi tuyệt vời mà giới trẻ tại Stamps sắp được hưởng. Trường Trung tâm (dĩ nhiên là trường dành cho học sinh da trắng) đã mời được một họa sĩ nổi tiếng từ Little Rock đến dạy vẽ cho học sinh. Nhà trường còn trang bị kính hiển vi và thiết bị thí nghiệm hóa học hiện đại nhất cho các phòng thực hành thí nghiệm. Donleavy không để chúng tôi đợi lâu mà nhanh chóng tiết lộ danh tính của người đã đưa những tiến bộ này về trường Trung tâm. Ông còn nói rằng chúng tôi cũng sẽ được hưởng lợi từ kế hoạch cải cách chung mà ông đã vạch ra.
Ông nói ông đã đưa ra dẫn chứng để những cán bộ cấp cao thấy được rằng một học sinh của Trường Đào tạo Hạt Lafayette giàu truyền thống hiện đang là một trong những cầu thủ bóng bầu dục xuất sắc nhất của Đại học Nông nghiệp, Cơ khí và Dân dụng Arkansas. Rồi ông tiếp tục nói mình đã ca ngợi thế nào về “người học sinh từng ném quả bóng đầu tiên tại Trường Đào tạo Hạt Lafayette giờ là một trong những tuyển thủ bóng rổ giỏi nhất Đại học Fisk”.
Thì ra số mệnh của chúng tôi đều đã được sắp đặt sẵn. Những đứa trẻ da trắng sẽ có cơ hội trở thành những Galileo16, Marie Curie17, Thomas Edison18 hay Gauguin19, còn những cậu con trai da màu (mấy đứa con gái chúng tôi thậm chí không được nhắc tới) sẽ cố gắng trở thành những Jesse Owens20 và Joe Louis21. Tuy Owens và Brown Bomber (biệt danh của Joe Louis) đúng là những tên tuổi vĩ đại của người da màu, nhưng điều gì khiến người đàn ông da trắng đang đứng trên bục kia quả quyết rằng đó sẽ là hai người hùng duy nhất của chúng tôi? Ai dám nói rằng để trở thành một nhà khoa học, Henry Reed phải làm việc cực khổ như George Washington Carver22 - kể cả việc phải đi đánh giày như ông ấy - thì mới mua được chiếc kính hiển vi rẻ tiền?
16 Galileo Galilei: Nhà vật lý, toán học và thiên văn học người Ý.
17 Marie Curie: Nhà vật lý và hóa học người Pháp gốc Ba Lan nổi tiếng về việc nghiên cứu tiên phong về tính phóng xạ. Bà là người đầu tiên vinh dự nhận được hai Giải Nobel trong hai lĩnh vực khác nhau là vật lý và hóa học.
18 Thomas Edison: Nhà phát minh và thương nhân nổi tiếng người Mỹ.
19 Paul Gauguin: Họa sĩ hàng đầu của trường phái hậu ấn tượng.
20 Jesse Owens: Vận động viên điền kinh người Mỹ gốc Phi nổi tiếng thế giới.
21 Joe Louis: Võ sĩ da màu huyền thoại trong làng quyền Anh hạng nặng của thế giới. Ông được đánh giá là một trong mười võ sĩ vĩ đại nhất lịch sử quyền Anh.
22 George Washington Carver: Nhà khoa học, sáng chế người Mỹ trong lĩnh vực nông nghiệp có xuất thân là nô lệ da đen.
Donleavy tiết lộ rằng ông đang tham gia tranh cử. Ông hứa với các bậc phụ huynh rằng khi ông đắc cử thì trường của chúng tôi sẽ là ngôi trường cho người da màu duy nhất trong toàn bang Arkansas có sân chơi được trải nhựa. Ngoài ra, tòa nhà giảng dạy nữ công gia chánh và xưởng chế tạo của trường sẽ được trang bị thêm một số thiết bị mới.
Lời nói vô nghĩa của người đàn ông ấy chẳng khác gì những viên gạch nặng nề rơi khắp hội trường. Những học sinh sắp tốt nghiệp đầy kiêu hãnh của niên khóa 1940 ngồi cùng hàng với tôi đã ngủ gục từ bao giờ. Tất cả các nữ sinh đều đang ngồi nghịch chiếc khăn tay của mình. Một số người cuộn tròn chiếc khăn lại, một số khác thì xếp tấm khăn vuông nhỏ xíu thành những nút thắt hình trái tim hay thành hình tam giác, nhưng phần lớn đều gùi nó lại. Sau đó, họ gỡ nó ra, để cái khăn trên đùi rồi vuốt thẳng.
Trên khán đài, thầy hiệu trưởng của chúng tôi ngồi yên như một pho tượng - pho tượng lỗi có thân hình cao lớn nhưng lại không chút sinh khí. Ánh mắt của thầy cho thấy tâm trí thầy không còn ở đó nữa.
Với tôi, lễ tốt nghiệp - sự kiện thiêng liêng dành riêng cho những học sinh tốt nghiệp tràn ngập hoa giấy tung bay, quà tặng, lời chúc mừng và bằng tốt nghiệp - coi như đã kết thúc, khi tên tôi còn chưa được xướng lên. Mọi thành tích của tôi bỗng chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Những tấm bản đồ được vẽ tay tỉ mỉ bằng ba màu mực, các buổi học và luyện phát âm những từ có đến mười âm tiết và cả việc học thuộc toàn bộ bài thơ The Rape of Lucrece (tạm dịch: Vụ cưỡng bức Lucrece) - đều trở thành công cốc. Donleavy đã lột trần chúng tôi. Chúng tôi chỉ đáng làm người hầu và nông dân, người giúp việc hay giặt giũ - bất kỳ địa vị nào cao quý hơn thế đều là những ước muốn lố bịch và viển vông.
Bỗng tôi nghe có tiếng sột soạt quanh mình, rồi tôi thấy Henry Reed bước lên đọc bài diễn văn tốt nghiệp mang tên Tồn tại hay không tồn tại. Giáo viên môn Văn đã giúp cậu ấy chuẩn bị bài phát biểu này phỏng theo đoạn độc thoại của Hamlet. Là một người đàn ông đích thực, người dám nói dám làm, người dựng xây, người lãnh đạo, hay là một công cụ, là trò đùa nhạt nhẽo, là tay sai cho người khác. Tôi ngạc nhiên khi thấy Henry vẫn có thể tiếp tục trình bày bài nói của mình, như thể chúng tôi có quyền được lựa chọn.
Tôi nhắm nghiền mắt, lắng nghe và thầm phản biện từng câu từng chữ, rồi mọi thứ đột nhiên im bặt. Tôi nhìn lên và thấy Henry đang quay lưng lại với các khán giả và hướng mặt về phía chúng tôi - những học sinh tốt nghiệp kiêu hãnh của niên khóa 1940 - rồi bắt đầu hát, giống như đang phát biểu.
“Hãy cất cao lời ca tiếng hát
Cho đến khi đất trời lên tiếng
Hòa cùng giai điệu của
Tự do…”
Đó chính là Quốc ca Negro của người da màu. Theo thói quen, các học sinh tốt nghiệp chúng tôi cũng hòa chung tiếng hát. Các bậc phụ huynh đứng dậy và cùng hòa vào bài quốc ca kiêu hùng. Rồi các học sinh lớp dưới trong trang phục hoa mao lương, hoa cúc vàng và những chú thỏ con cũng hân hoan hát vang.
“Dù con đường ta đi có lắm gian nan
Mặc cho đòn roi trừng phạt có giáng xuống
Vào những ngày mà hy vọng chưa kịp sáng đã vụt tắt.
Nhưng với một trái tim đập rộn ràng
Đôi chân ta vẫn bước đi chẳng hề mỏi mệt
Để đến được nơi tổ tiên ta hằng mong mỏi.”
Mọi đứa trẻ da màu tôi biết đều thuộc lòng bài hát này từ khi mới bập bẹ những chữ cái đầu tiên. Nhưng cá nhân tôi chưa bao giờ hiểu được ý nghĩa của bài hát dù đã ngân nga nó hàng ngàn lần. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng lời ca đó có liên quan đến mình. Nhưng lúc này đây, lần đầu tiên tôi mới thật sự nghe rõ bài quốc ca của dân tộc mình.
“Chúng ta đã bước qua con đường
Thấm đẫm bao nước mắt khổ đau
Quyết chí đi theo mục đích đã chọn
Dù cho máu xương hy sinh chất chồng.”
Khi âm hưởng của bài hát còn đang vang vọng khắp hội trường, Henry Reed quay trở lại chỗ ngồi của cậu ấy. Mọi người lau đi những giọt nước mắt đang lăn dài trên gương mặt mình, lòng không còn cảm thấy tủi hổ.
Chúng tôi lại một lần nữa cảm nhận niềm kiêu hãnh trào dâng trong lòng mình. Luôn luôn là như vậy. Chúng tôi đã sống sót. Những nỗi đau quá khứ vẫn còn đó, đen tối và lạnh giá, nhưng giờ đây ánh sáng chân lý đã rọi sáng tâm hồn của chúng tôi.
* Sau buổi lễ tốt nghiệp hôm đó và nhiều lễ tốt nghiệp về sau, Tiến sĩ Angelou trở thành giảng viên môn múa hiện đại tại Israel và Ý, tham gia lưu diễn trong vở “Porgy and Bess” qua hai mươi hai quốc gia và biên đạo cho vở “Moon on a Rainbow” ở Luân Đôn. Bà trở thành biên tập viên tạp chí tại Ai Cập và quản lý Khoa Thanh nhạc của Đại học Ghana. Nhờ thông thạo sáu ngoại ngữ, bà đứng ra tổ chức các buổi biểu diễn nhạc giao hưởng đặc biệt và tham gia diễn xuất trong bộ phim truyền hình mang tên Roots (tạm dịch: Cội rễ) của Alex Haley. Bà được đề cử Giải Pulitzer23 cho các tác phẩm văn học của mình và một đề cử Giải Tony24 cho vai diễn ra mắt trong một vở nhạc kịch.
Chắc chắn những thành tựu trên cùng nhiều thành tựu khác của Maya bắt nguồn một phần từ niềm cảm hứng bà nhận được trong buổi lễ tốt nghiệp năm xưa. Bài “Quốc ca Negro” của người da màu tại buổi lễ tốt nghiệp ấy đã nhắc bà nhớ về chặng đường chông gai mà tổ tiên mình đã vượt qua để vươn đến ước mơ. Những lời ca ấy dấy lên trong Maya quyết tâm chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình cũng như tìm kiếm thành công trên hành trình sống mỗi ngày - bất kể cuộc sống có khó khăn thế nào. Chìa khóa thành công nằm ở quyết định của chúng ta, chứ không ở hoàn cảnh.
23 Một giải thưởng của Mỹ, trao cho nhiều lĩnh vực, trong đó quan trọng hơn cả là về báo chí và văn học. Đặc biệt trong lĩnh vực báo chí, Pulitzer được xem như một trong những giải danh giá nhất.
24 Giải thưởng cho nghệ thuật sân khấu Hoa Kỳ do Cánh Sân khấu Hoa Kỳ (American Theater Wing (ATW) và Liên hội Broadway (Broadway League) trao tặng hàng năm tại Thành phố New York.