Mẹ Teresa qua đời vào năm 1997.
Và bài tùy bút này còn được viết trước đó nhiều năm.
Tôi rút bài này khỏi bản thảo mới, do nghĩ rằng cảm nghĩ trong bài đã cũ, các sự kiện đã lỗi thời và hình ảnh Mẹ Teresa đã nhòa dần trong tâm trí mọi người. Bạn có thể thắc mắc tại sao, với những suy nghĩ trên, tôi vẫn đưa bài tùy bút này vào cuốn sách?
Đó là bởi vì tôi thấy không yên khi nhìn nó nằm trong chồng giấy loại. Tôi đã đọc đi đọc lại bài viết vài lần và chợt nhận ra rằng bài viết không chỉ viết về Mẹ Teresa, mà còn về bản thân tôi và tất cả những ai đang cố gắng giải tỏa xung đột nội tâm giữa tính tư lợi và đức hy sinh. Làm sao để quan tâm tới Bản thân, quan tâm tới Người khác và quan tâm tới Chúng ta cùng một lúc – đó là một câu hỏi liên tục nhức nhối trong tâm trí con người.
Từng có một người đã làm xáo động tâm trí tôi trong một thời gian dài. Người phụ nữ ấy không biết tôi, nhưng hình ảnh của bà luôn hiện diện trong cuộc sống của tôi. Chúng tôi cũng có rất ít điểm tương đồng. Bà là một người Albani có tuổi, sinh trưởng ở Yugoslavia, là nữ tu Công giáo và sống trong cảnh nghèo khó ở Ấn Độ. Tôi không đồng tình với bà về những vấn đề căn bản trong cách kiểm soát dân số, vị trí của phụ nữ trong thế giới và trong nhà thờ, và tôi cũng không thích câu nói ngây thơ của bà rằng "đó là ý Chúa". Tôi xin mạn phép nói rằng những người nhân danh Chúa thường làm nhiều điều xấu hơn là điều tốt. Bà và những người ủng hộ bà khiến tôi phát điên. Họ quá sùng đạo và luôn tự cho mình là đúng. Tôi thấy bực cả mình mỗi lần nghe đến tên bà, đọc những điều bà nói hay nhìn gương mặt bà. Thậm chí, tôi còn không muốn nói chuyện với bà.
Suy cho cùng, bà ta nghĩ mình là ai cơ chứ?
Tuy nhiên. Trong phòng studio tôi từng làm việc có một bồn rửa. Phía trên bồn rửa là một chiếc gương. Mỗi ngày, tôi đều đứng trước gương vài lần để chỉnh đốn y trang, đầu tóc và nhìn vào chính mình trong đó.
Bên cạnh chiếc gương là bức ảnh của vị nữ tu phiền toái kia. Vì thế, mỗi lần tôi nhìn vào gương, tôi lại trông thấy khuôn mặt của bà. Trong bức hình, tôi có thể nhìn thấy nhiều hơn những điều mình có thể nói. Và từ những điều nhìn thấy đó, tôi lại hiểu nhiều hơn. Tôi không thể xóa nhòa hình ảnh của bà ra khỏi tâm trí hay cuộc đời mình.
Bức hình đó được chụp tại thành phố Oslo, Na Uy vào ngày 10 tháng 12 năm 1980. Trong đó, ta bắt gặp dáng hình của một người phụ nữ nhỏ bé trong bộ quần áo sari màu xanh trắng đã phai màu và đi đôi dép đã sờn rách. Bà đang khom người nhận giải thưởng từ tay của một vị vua. Giải thưởng lập nên từ di chúc của người phát minh ra thuốc nổ.
Hội trường trao giải đầy những nhung, vàng và pha lê lộng lẫy. Xung quanh bà là những nhân vật giàu có và nổi tiếng, mặc những bộ trang phục tao nhã, trang trọng. Hết thảy những người giàu sang, quyền lực, thông minh và tài giỏi trên thế giới đều có mặt ở đây.
Và trung tâm của sự kiện lại chính là người phụ nữ nhỏ bé mặc bộ sari và đi đôi dép bình thường đó. Bà chính là Mẹ Teresa – một người luôn cống hiến hết mình vì những người nghèo khó, ốm đau và đang hấp hối. Còn phần thưởng dành cho bà chính là giải Nobel vì Hòa bình.
Cả hội trường đã đứng dậy và dành tặng bà tràng pháo tay dài nhất trong lịch sử của lễ trao giải Nobel.
Không một tổng thống, đại tướng, nhà khoa học, giáo hoàng, thống đốc ngân hàng, thương gia, tập đoàn, công ty dầu khí hay giáo chủ Hồi giáo nào nắm được bí quyết để có được nhiều quyền lực như bà hay giàu có như bà. Bí quyết đó chính là thứ vũ khí bất bại để chống lại những điều xấu xa trên quả đất này – trái tim nhân hậu. Và cũng chính nó là thứ đem lại cho bà sự giàu có vĩnh cửu trong cuộc đời: một tấm lòng chan chứa tình thương.
Tôi không làm những điều bà đã làm hoặc thực hiện theo cách bà đã thực hiện. Nhưng sự hiện diện của bà trên thế giới này thôi thúc tôi nghĩ xem – nếu không làm như bà thì mình sẽ làm cái quái gì đây, làm cách nào đây và làm lúc nào đây.
Mấy năm sau sự kiện bà nhận giải thưởng, tôi đã có cơ hội tận mắt gặp bà trong lúc tham dự một cuộc hội thảo của các nhà vật lý lượng tử và nhà thần bí tôn giáo được tổ chức tại khách sạn Oberoi Towers ở Bombay, Ấn Độ. Khi đang đứng gần cửa ở cuối sảnh, tôi bỗng cảm nhận một ai đó đang ở cạnh mình. Hóa ra, người đó chính là Mẹ Teresa. Bà đứng đó một mình. Người phụ nữ nhỏ bé này tới đây để trò chuyện trong cuộc hội thảo với tư cách là một khách mời.
Bà bước lên bục và thay đổi chương trình của cuộc hội thảo từ vấn đề trí tuệ sang truyền bá đạo đức. Bằng giọng đanh thép, bà nói với đám khán giả hội thảo đang há hốc mồm kính phục, rằng:
- Chúng ta không thể làm những điều lớn lao, mà chỉ có thể làm những điều nhỏ bé bằng tình yêu lớn lao.
Những mâu thuẫn trong cuộc đời và đức tin của bà không thể so sánh với tôi. Trong khi tôi vẫn vật lộn với cảnh lực bất tòng tâm trong cuộc sống của mình thì bà đã băng băng trên công cuộc tác động tới cả thế giới. Trong khi tôi mơ ước có nhiều tiền bạc và khả năng hơn thì bà đã sử dụng tiền bạc và khả năng của mình để làm mọi điều có thể làm trước mắt. Chắc hẳn Gandhi cũng tán đồng với bà. Ông luôn có những cách làm và thói quen kỳ lạ của riêng mình. Nhưng ông đã làm được những điều ông muốn.
Mẹ Teresa làm xáo trộn tâm trí tôi nhưng cũng là nguồn cảm hứng cho tôi. Đến giờ vẫn vậy.
Vậy bà có những gì mà tôi không có?
Nếu thật sự trên Địa cầu này có hòa bình và lòng tốt giữa con người với nhau, thì đó là nhờ sự hiện diện của những người phụ nữ như Mẹ Teresa. Khi nhìn hàng triệu người phụ nữ diễu hành trên đường phố thế giới trong mùa đông năm nay, tôi chợt nhớ ra rằng hòa bình không phải là thứ để ta mong ước. Nó là thứ mà ta phải dùng chính sức lực của mình để tạo ra, ta phải hành động vì nó. Ta làm nên hòa bình, ta chính là hòa bình, và cũng chính ta là người phá bỏ nó. Vậy hãy bắt đầu từ thứ ta có, từ vị trí hiện tại và gắng sức gìn giữ hòa bình cho thế hệ mai sau.
Dĩ nhiên, Mẹ Teresa đã mất.
Bạn có muốn tôi bỏ bài viết này đi vì bà đã qua đời hay không?
Hoặc tôi bỏ nó đi vì tôi không thể suy nghĩ thông suốt về Bản thân, về Người khác và về Chúng ta?
Đó có phải là những điều bạn nghĩ không?
Những gì Mẹ Teresa đã làm và ủng hộ không bao giờ là cũ hay lỗi thời.
Chúng luôn tồn tại như một thử thách.
Những giá trị đó không có trong Mẹ Teresa. Nó ở trong tôi. Trong bạn. Trong chúng ta.