V. P. Menon là một nhân vật quan trọng trên chính trường Ấn Độ trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập từ tay đế quốc Anh sau Thế chiến II. Ông là người Ấn có địa vị cao nhất trong hàng ngũ những người lãnh đạo. Khi soạn đến chương cuối của bản hòa ước trao trả độc lập, quan Toàn quyền Mountbatten đã phải tham khảo ý kiến của ông.
Menon là nhân vật hiếm có, không giống với đa số các nhà lãnh đạo khác trong phong trào đấu tranh giành độc lập. Thành công trong cuộc đời ông đều là kết quả của quá trình tự làm, tự học – tường nhà ông không treo bất cứ tấm bằng nào của các trường đại học danh giá như Oxford hay Cambridge. Ông cũng chẳng thuộc đẳng cấp cao trong xã hội Ấn Độ hay nhờ vào quan hệ của gia đình để hậu thuẫn cho tham vọng của mình.
Là con đầu lòng trong một gia đình có 12 người con, năm 13 tuổi, ông phải bỏ học để đi làm và bươn chải bằng mọi nghề, từ lao động phổ thông, công nhân mỏ than, đến thương gia và giáo viên. Sau đó, ông làm nhân viên bàn giấy trong hệ thống hành chính Ấn Độ và nhanh chóng được cất nhắc. Thành công đó đa phần là nhờ tính chính trực và sự thông minh trong cách làm việc của ông với các quan chức Ấn Độ và Anh Quốc. Cả Thủ tướng Nehru và Toàn quyền Mountbatten đều nhắc đến tên ông – người đã hiện thực hóa ước mơ tự do cho cả dân tộc – với lòng ngưỡng mộ sâu sắc.
Người đàn ông này có hai đặc điểm nổi bật: phong cách làm việc độc lập, hiệu quả, và tấm lòng từ thiện được nhiều người biết đến. Sau khi ông qua đời, con gái ông đã kể thêm nhiều điều về tấm lòng nhân hậu của cha.
Khi Menon tới thủ đô Delhi để tìm việc, ông bị mất cắp tất cả tư trang ở nhà ga, gồm tiền bạc và chứng minh thư. Ông đối mặt với nguy cơ phải đi bộ về nhà và chấp nhận thất bại. Trong lúc cùng quẫn, ông tới gặp một cụ già theo đạo Sikh và giãi bày khó khăn của mình, đồng thời vay tạm cụ 15 rupi để trang trải cuộc sống trong lúc tìm việc. Cụ già đã cho ông mượn tiền. Khi Menon hỏi địa chỉ để sau này mang trả tiền, cụ già bảo Menon hãy trả món nợ đó cho bất cứ người lạ mặt nào tới tìm ông trong lúc hoạn nạn. Nhận ơn từ một người lạ mặt, thì hãy trả ơn cho một người lạ mặt.
Menon không bao giờ quên món nợ đó. Ông cũng không bao giờ quên món quà bắt nguồn từ lòng tin tưởng và 15 rupi quý giá ngày nào. Con gái Menon kể rằng trước khi ông qua đời, một người ăn xin đã tới nhà họ ở Bangalore để xin giúp đỡ mua một đôi dép mới vì đôi bàn chân ông đã phồng dộp. Menon đã bảo con gái lấy 15 rupi từ ví mình và trao cho người đàn ông. Đó là hành động cuối cùng của Menon khi ông còn tỉnh táo.
Tôi nghe câu chuyên này từ một người mà tôi không hề quen biết và cũng chẳng kịp biết tên. Ông ấy đứng cạnh tôi ở khu gửi hành lý tại sân bay Bombay. Khi tới xác nhận hành lý, tôi mới nhận ra là mình không còn tiền Ấn Độ. Sân bay không nhận séc của khách du lịch và tôi đang lo là mình sẽ không gửi được hành lý để kịp lên máy bay. Đúng lúc đó, người đàn ông ấy đã trả giúp tôi – khoảng 80 xu – đồng thời kể tôi nghe câu chuyện này như ngầm giải thích là tôi không cần phải trả lại tiền cho ông. Cha ông từng là trợ lý của Menon nên đã học được đức tính từ thiện từ con người vĩ đại đó, sau đó truyền lại cho con trai mình. Giờ đây, người con trai lại tiếp tục thực hiện truyền thống tốt đẹp đó, đồng thời truyền lại cho những người xa lạ ở mọi lúc mọi nơi, bằng mọi cách.
Từ cụ già theo đạo Sikh đến viên công chức trong chính phủ Ấn Độ, trợ lý của ông ta, con trai của người trợ lý đến tôi – một người ngoại quốc da trắng gặp nạn. Dù số tiền được giúp không nhiều, mà số tiền tôi cần cũng không nhiều, nhưng ý nghĩa của món quà là vô giá. Nó khiến tôi cảm thấy ấm lòng và thôi thúc tôi phải làm một điều tương tự đối với những người xa lạ.