Một buổi tối mùa hè xa xưa, ngoài hiên nhà trong khu trang trại của ông tôi, dưới ánh sáng lập lòe từ chiếc đèn bão cũ kỹ, tôi ngồi chơi bài với năm đứa nhỏ chưa tới mười tuổi. Chúng là bọn trẻ con nhà hàng xóm và bọn bạn của chúng. Từ góc độ của mình, tôi là "người giữ trẻ," còn với bọn trẻ, chắc tôi là "tay ngốc" mới nhất chơi bài cùng chúng.
Chúng tôi cùng ăn bắp rang chấm mứt nho và chuyền tay nhau hộp sữa mà tu từng nốc. Tất cả cùng đội nón cao bồi và xỉa răng bằng diêm quẹt dùng trong nhà bếp. Đó là luật – nón với diêm – người chơi bài phải làm bộ dạng thật "nghiêm trọng".
Bọn trẻ chơi bài thật "chiến đấu". Tôi đã ba lần cầm phải con Đầm nên tài sản chỉ còn lại chín viên kẹo sô-cô-la M&M và bốn xu. Tất cả chúng tôi đều ăn gian mỗi khi có cơ hội. Có đứa còn giấu bài và chia bài dưới bàn. Dù không thể chứng minh là chúng gian lận nhưng tôi chắc mẩm là thế. Nếu không nhờ lũ ngài, chắc tôi đã "cháy túi" dưới tay bọn trẻ gian lận này chứ chẳng chơi.
Một đàn ngài vây quanh ngọn đèn bão Coleman. Thỉnh thoảng lại có một con đâm đầu vào bóng, loạng choạng bay ra rồi rơi chúi mũi như máy bay chiến đấu trong phim hành động kém chất lượng. Cuối cùng, có một con bay chệch quỹ đạo và sa vào mạng nhện gần đó. Con nhện không chút chần chừ lao ra và bủa tơ quấn lấy con mồi tội nghiệp. Nó hút đi sự sống của con ngài xấu số nhanh và tàn nhẫn đến nỗi chúng tôi buộc phải dừng cuộc chơi. Mấy tay lính biệt kích mũ nồi xanh chắc cũng học được chút đỉnh về thuật siết cổ khi nhìn con vật tám chân với đôi nanh độc địa này hành sự.
Bọn trẻ xem mê mệt. Phấn khích trước cảnh giết chóc, một thằng bé đã rời bàn, lấy báo cuộn lại và bắt đầu tàn sát với những con ngài còn lại, lúc này vẫn đang bay lòng vòng. Nó hạ gục bầy ngài như thể đang cầm gậy phát banh trong buổi tập bóng chày, sau đó đập cho chúng bẹp dí, để lại trên mặt bàn những vết đen nhơ nhớp và xác ngài gãy nát.
Tôi nhảy vào bảo vệ đàn ngài. Bị ánh đèn mê hoặc mà bay vào chỗ chết và làm mồi cho nhện đã là điều đau lòng, nhưng lại còn bị một lũ con trai cầm cuộn báo lăm lăm trong tay đập đến nát thây thì thật quá đáng.
- Sao mấy đứa lại đập mấy con ngài vậy?
- Ngài có hại mà. – Một đứa nói.
- Ai cũng biết. – Một đứa khác nói to.
- Chứ gì nữa, mấy con ngài cắn nát hết quần áo. Tôi không thể thuyết phục được lũ trẻ. Loài ngài nào cũng gây hại. Loài bướm nào cũng có ích. Chấm hết. Bướm và ngài không phải họ hàng. Ngài lẩn khuất trong bóng tối và lén lút gặm nhấm quần áo, trông thì thật xấu xí. Bướm quanh quẩn bên hoa giữa thanh thiên bạch nhật, mà lại còn đẹp nữa chứ. Bọn trẻ không hề quan tâm đến chuyện ấu trùng của một số loại ngài chính là tằm nhả tơ, và một số loài bướm thì có hại ra sao. Chúng chỉ có một niềm tin kiên định mà có lẽ John Calvin(4) cũng phải tự hào: lũ ngài phải bị trừng trị và mãi mãi bị trừng trị, amen. Trẻ con nói ra lời hay ý đẹp, nhưng cũng có lúc chúng phun khạc ra những điều thật nhảm nhí.
Ván bài đã kết thúc như thế đấy. Tôi nhảy dựng lên và nói với chúng rằng tôi không muốn chơi với những kẻ nhẫn tâm. Còn chúng cự cãi là chúng cũng không muốn chơi với người lẳng lặng ăn mứt nho trong lúc không ai để ý.
Tối hôm đó, tôi đi ngủ với suy nghĩ rằng nếu tương lai của chúng ta nằm trong tay những kẻ độc ác như vậy thì đúng là thảm họa.
Buổi sáng hôm sau, thằng nhóc nhỏ tuổi nhất mang đến cho tôi một con ngài đã chết. Một tay nó cầm con ngài còn tay kia cầm cái kính lúp.
- Anh coi nè, con ngài này nhìn giống con gấu teddy nhỏ chút xíu, có cánh với nhúm lông trên đầu.
- Em thích gấu teddy hả?
- Dạ, em thích gấu teddy lắm.
- Em thích cả mấy con gấu nhỏ biết bay với nhúm lông trên đầu luôn hả?
- Dạ, chắc vậy.
Đã nói thì phải làm, không thường xuyên thì cũng phải được vài lần, chứ đừng dạy đời suông. Thế nên, nếu ta đã nhìn được loài ngài bằng ánh mắt trân trọng, không định kiến, thì lẽ nào lại không dành được cho bọn trẻ trai một cái nhìn tương tự? Có những loài ngài sinh ra sâu tằm nhả tơ. Có những cậu bé nhả ra lời hay ý đẹp, và khi nhìn thấy con ngài thì chúng tưởng như mình vừa gặp một con gấu bông nhỏ bé biết bay.