Người ta thường nói rằng con người không thích nhắc tới cái chết. Thế mà chỉ trong một buổi chiều, tôi đã nghe đến mấy người nói những lời sau:
- Mày mà mặc bộ đó ra khỏi nhà thì chết với bà già.
- Làm thêm giờ là giết người.
- Tôi cười muốn tắt thở luôn.
- Chắc chết với cái chân này quá.
- Chúc phen này giết gọn quân thù nha!
Có lẽ lý do khiến tôi chợt để ý tới những câu nói này là vì gần đây, tôi và một người bạn có nói chuyện về các trải nghiệm cận kề cái chết.
Anh bạn tôi là bác sĩ nên đã đọc nhiều báo cáo về những trường hợp mà họ tin là mình đã chết đi trong khoảnh khắc, bước sang một "thế giới bên kia" nào đó rồi trở lại cõi này. Mới gần đây, chính anh đã trải qua khoảnh khắc đó khi tim ngừng đập trong một ca phẫu thuật, và ngay trong lúc ấy, anh tin là mình đã chạm vào cõi chết theo đúng nghĩa đen. Đến tận bây giờ, chuyện đó vẫn khiến anh rất khó hiểu, không biết phải diễn giải sao đây.
Dù vậy, anh hoàn toàn ý thức được ảnh hưởng của sự kiện đó đối với cuộc sống của mình. Chẳng hạn như giờ đây anh không còn sợ chết, và anh đang tận hưởng một cuộc sống mà người đời thường gọi là "có chất lượng" – không còn bận rộn vì công việc và lúc nào cũng phải hối hả nữa. Từ lối sống vội vã, anh chuyển sang nhịp sống chậm rãi và ôn tồn hơn. Vợ anh bảo chính khoảnh khắc ngắn ngủi nơi cõi chết đó đã cải thiện chất lượng cuộc sống của anh cũng như của những người thân bên anh.
Bạn đã bao giờ trải qua giây phút cận kề cái chết chưa? Riêng tôi thì có, thậm chí, nếu tính đến bây giờ thì tôi đã trải qua vài lần. Tuy không giống với trải nghiệm của anh bạn bác sĩ nhưng cũng đủ khiến tôi phải chú ý và suy nghĩ sâu sắc hơn về cuộc đời.
Mùa hè rồi, trong lúc lái xe qua miền Bắc California, tôi bỗng nhận ra cánh cửa sau xe mình chưa đóng hẳn. Thế là tôi mất gần 15 giây để tấp vào lề đường, với người ra băng ghế sau để đóng chặt cửa lại. Xong việc, tôi tiếp tục lái đi. Bên kia khúc cua, một cảnh tượng hãi hùng diễn ra trước mắt tôi: một chiếc xe hơi thể thao hẳn là đã phóng nhanh qua ngã tư rồi đâm sầm vào một chiếc xe container đang trờ tới, mạnh đến nỗi chiếc xe thể thao bị đè bẹp dưới gầm xe tải, còn nóc xe và phần thân trên của người lái xe thì hoàn toàn biến mất. Lực va chạm hất chiếc xe tải đi chệch cả vào làn xe của tôi. Nếu không dừng lại vài giây để đóng cánh cửa sau, thì có lẽ tôi đã trở thành một phần của vụ tai nạn thảm khốc kia.
Một tuần sau đó, trong lúc lái xe qua Nevada, tôi lại may mắn khi tới khúc cua chậm một phút nên đã tránh được một chiếc xe bồn lớn chở dầu bị mất phanh, lao qua làn đường của tôi và bị lật ngang. Nếu trước đó tôi không dừng lại ở trạm xăng để rửa kính chắn gió thì có lẽ tôi đã đâm trực diện vào chiếc xe kia với tốc độ chết người.
Tôi không nghĩ mình bị ám ảnh bởi các vụ tai nạn, tôi chỉ coi chúng như lời nhắc nhở về những việc có thể xảy ra với mình.
Tôi nghĩ đến chúng mỗi khi đang lao đi trên đường cao tốc với tốc độ 90 km/giờ, lướt qua hàng trăm xe phóng ào ào ngược lại ở làn đường bên kia với khoảng cách sít sao chỉ 1 mét, thậm chí là gần hơn. Trong những khoảnh khắc đó, chỉ cần xe tôi hoặc họ trật bánh một chút là cuộc sống của tôi sẽ chấm hết.
Mỗi lần ngồi trên máy bay bay với vận tốc trên 800 km/giờ cách mặt đất 11.000 mét và tì mặt vào ô cửa sổ, nhiều lúc tôi nghĩ nếu tấm nhựa này mà vỡ ra, chắc chắn tôi sẽ chết như con kiến xấu số bị máy hút bụi lia phải.
Trong chuyến du lịch đến chiến trường Gettysburg, trại tập trung Auschwitz và thành phố Hiroshima, tôi đã đứng ở những nơi từng là mồ chôn của hàng ngàn người vô tội. Nếu tôi đứng cạnh họ trong giờ phút kinh hoàng đó, chắc tôi cũng là người cõi âm như họ bây giờ.
Khuya qua đang ngủ tôi chợt tỉnh giấc. Tôi nhìn lớp chăn phập phồng theo nhịp thở của bà xã, lúc ấy vẫn đang ngủ say. Sau mỗi nhịp thở ra của bà ấy đều có một khoảng dừng khe khẽ. Nếu bộ não phức tạp không tiếp tục chuỗi phản ứng, mỗi nhịp thở kia có thể là nhịp thở cuối cùng. Ý nghĩ đó dấy lên trong tôi nỗi lo sợ rằng nếu tim vợ tôi không co bóp trở lại thì thời gian chúng tôi được hạnh phúc bên nhau cũng kết thúc. May mắn là bà ấy vẫn thở đều. Vợ tôi vẫn còn sống. Đã có lúc tôi muốn đánh thức bà ấy dậy để kể hết mọi điều trong tâm tư, nhưng chắc chắn nếu tôi làm vậy, bà xã sẽ giết tôi chết mất.
Nếu bạn hỏi rằng tôi có tin vào các trải nghiệm cận kề cái chết hay không thì tôi xin trả lời: Có.
Thực chất cuộc sống chính là một trải nghiệm như thế.
Sự sống là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong.
Vậy sau khi chết ta có còn phải sống một cuộc đời nữa hay không? Tôi tò mò muốn chết đi được.