Lần đầu tiên tôi tới nhà dì Violet là vào mùa hè năm tôi 13 tuổi. Nhà dì gần Phố Đại Sứ
Quán ở Washington D.C. Tôi phải đi xe lửa từ tận Waco, Texas tới đây để thăm thủ đô nằm bên dòng sông Potomac. Dì Violet là người thích bon chen với đời, hơi lập dị nhưng vẫn đáng yêu. Dì từng là nữ anh hùng trong một vụ tai nạn máy bay và là một người sành ăn uống - trong mắt dì, mẹ tôi là cô em tối dạ. Tôi rất yêu quý dì. Quan hệ giữa hai dì cháu vẫn nồng ấm cho tới buổi tối diễn ra bữa tiệc lớn.
Bữa tiệc đó có sự góp mặt của một thượng nghị sĩ, vài vị tướng trong quân đội và nhiều người nước ngoài có thế đi cùng vợ hoặc người tình. Đây thực sự là một bữa tiệc quá trọng đại với một đứa trẻ tới từ miền quê Waco như tôi. Để chuẩn bị cho dịp này, dì Violet đã cho tôi mặc một bộ quần áo kẻ sọc rất đẹp và tôi còn được đeo cả cà vạt. Sang trọng chưa. Tôi thấy mình quá đỗi vinh dự.
Hôm đó, sau khi xin dì cho phụ trong khâu chuẩn bị bữa tiệc, tôi được trao cho một chiếc túi rồi được lệnh rửa các thứ đựng bên trong, sau đó thái lát mỏng để làm salad. Trong chiếc túi đó có rất nhiều nấm, loại nấm có mép quăn queo, vằn nâu, trông như bị bệnh.
Trước đó, tôi từng trông thấy nấm và biết chúng thường mọc ở đâu. Chúng sinh sôi ở những nơi tối tăm và ẩm thấp trong chuồng trâu bò và sân thả gà. Một số loại còn mọc lên từ đôi giày tennis mà tôi bỏ quên suốt mùa hè trong tủ sắt ở phòng tập thể dục. Tôi cũng biết bệnh nấm là thế nào, vì tôi từng bị nấm ở giữa các ngón chân do suốt cả năm chỉ đi độc một đôi giày đánh tennis.
Tuy vậy, chưa bao giờ tôi trực tiếp cầm chúng trên tay chứ chưa nói đến việc rửa sạch, thái lát và ăn chúng. (Bố tôi thường bảo Washington là một nơi kỳ quái và đáng sợ. Giờ thì tôi đã hiểu ý nghĩa của câu nói này.) Vì thế, tôi lặng lẽ bỏ cả túi vào máng đổ rác vì nghĩ rằng đây chẳng qua là trò bày ra để trêu chọc cậu bé nhà quê mới lên thành phố mà thôi.
Qua thái độ của dì Violet sau khi phát giác ra việc tôi làm, tôi đoán cái túi phải chứa một loại nấm gì đó rất đặc biệt. Tôi tin rằng đây chính là lý do dì gạt tôi ra khỏi bản di chúc khi dì qua đời. Tôi là thằng chẳng có đẳng cấp gì cả.
Thú thật là tôi vẫn luôn có thái độ đa nghi đối với nấm và những người ăn nấm dù đã học cách tạo cho mình một vẻ bề ngoài sành điệu cần thiết, đủ để tôi có thể ăn những món được mời, và nếu có không thích đi chăng nữa thì cũng biết bấm bụng làm thinh. Tuy vậy, tôi vẫn thấy nấm và những người ăn nấm có phần khó hiểu.
Thật ra là có nhiều thứ trên đời tôi hoàn toàn không hiểu, trong đó có điều quan trọng và cũng có những cái lặt vặt. Tôi có cả một danh sách những thắc mắc như thế. Cứ mỗi năm danh sách đó lại dài ra thêm. Dưới đây là một số thắc mắc mà tôi mới thêm vào trong năm nay:
- Sao các xe đẩy trong siêu thị lại có một bánh được chế tạo chạy lệch đi so với ba bánh còn lại?
- Sao một số người lại nhắm mắt khi đánh răng?
- Sao người ta lại tin rằng bấm nút thang máy nhiều lần thì thang sẽ tới nhanh hơn?
- Sao khi bỏ thư vào thùng, có người lại mở nắp thùng ra để xem thư đã rơi xuống thùng hay chưa?
- Sao lại có loài ngựa vằn?
- Sao có người lại bỏ hộp sữa vào tủ lạnh dù chỉ còn lại một chút ở đáy hộp?
- Sao không có bài hát mừng truyền thống nào dành cho ngày Halloween?
- Sao cây nào cũng có vài chiếc lá bướng bỉnh không chịu rời khỏi cành?
- Việc trên thị trường xuất hiện nước hoa cologne dành cho chó có phải là dấu hiệu của một chuyển biến gì mới trong xã hội không?
Tôi biết những thắc mắc trên cũng có nhiều cái ngáo ộp lắm. Càng về đầu danh sách, các thắc mắc càng quan trọng hơn – ít ra là đối với tôi. Như các thắc mắc về điện năng, hay chim bồ câu đưa thư như thế nào, tại sao ta không thể chạm được tới chân cầu vồng, và tại sao con người lại cười. Riêng ở đầu danh sách là câu hỏi tại sao lại có sự sống và tôi sẽ chết như thế nào.
Câu hỏi này đưa tôi trở lại với chủ đề chính của câu chuyện: nấm. Tôi mở cuốn bách khoa toàn thư để tìm hiểu về chúng. Nấm là lớp vi sinh vật chân hạch, thân có mang bào tử. Chúng tựa như tầng lớp xã hội đen trong vương quốc sinh vật – một thế giới chết chóc, bệnh tật, thối rữa và mục nát. Nấm sinh tồn bằng cách phân hủy xác các sinh vật khác. Nấm bao gồm men, nấm bệnh than, nấm mốc, nấm minđiu và nấm ăn – chắc phải có hàng trăm nghìn loại khác nhau, thậm chí là hơn nữa; không ai biết hết được.
Nấm có mặt khắp nơi: trên mặt đất, trong không khí, dưới ao hồ, biển, sông, trong nước mưa, trong thức ăn, quần áo, bên trong cơ thể người – lặng thầm làm công việc của mình. Nếu không có nấm, sẽ không có bánh mì, rượu và thậm chí cả con người chúng ta. Bánh mì, bơ, rượu, bia, bít tết tái lòng đào, xì gà hảo hạng – tất cả đều nhờ có nấm.
Cuốn bách khoa toàn thư có viết: "Lớp nấm giúp phân hủy các chất hữu cơ và giải phóng cácbon, ôxy, nitơ và phốtpho vào đất và không khí. Thiếu chúng, những chất này sẽ mãi mãi nằm trong cơ thể các loài thực vật, động vật và cơ thể người đã chết".
Nấm chính là lớp sinh vật trung gian giữa cái chết và sự sống.
Ở đây, ta khám phá ra một thực tế vừa tuyệt vời vừa đáng sợ. Đó là: sự sống của sinh vật này buộc phải được đánh đổi bằng cái chết của một sinh vật khác, hòng bảo toàn vật chất. Không có cái chết thì cũng không có sự sống. Quy luật này không có ngoại lệ. Vạn vật đều có lúc đến và đi. Con người cũng thế. Năm tháng, tư tưởng và mọi thứ khác cũng vậy. Thời gian trôi đi. Cái cũ phải bị loại bỏ để nhường chỗ cho cái mới.
Vì thế, tôi đã gắp nấm trong món salad mừng năm mới và ăn chúng với thái độ tôn trọng, nếu không muốn nói là hồ hởi, đồng thời băn khoăn điều gì đang tới và điều gì đang mất đi.
Tôi cứng người trước những điều mình vừa nhận ra nhưng không thể diễn đạt thành lời. Điều tôi vừa ngộ ra đó đã trở thành một phần trong vô vàn những "lẽ đời là thế".