Cuối cùng, hai người bạn thân của tôi cũng đã có được một mụn con. Con trai. Với tư cách là cha đỡ đầu của đứa trẻ, tôi nghiêm túc thực hiện vai trò được giao.
Tính tới nay, tôi đã tập cho thằng bé làm quen với những cái hay cái đẹp trong cuộc sống: kẹo sô-cô-la, bia, xì gà, nhạc Beethoven và chuyện hài tục tĩu. Nhưng tôi nghĩ nó không mấy quan tâm tới nhạc Beethoven. Mà nó cũng mới có một tuổi rưỡi thôi, nên bia, xì gà với chuyện tục cũng chẳng thu hút nó. Sô-cô-la thì nó thích.
Tôi chưa đề cập vấn đề giới tính với thằng bé, nhưng bản thân nó đã có ý thức riêng. Tôi không muốn nói chi tiết ra đây, nhưng nếu bạn từng có con, hoặc còn nhớ về thời thơ ấu, thì bạn khắc hiểu ý tôi thôi mà. Ta sẽ nhanh chóng khám phá ra đâu là những bộ phận thiết yếu trên cơ thể mình.
Với lại, tôi cũng cho nó làm quen với bút sáp màu, loại dành cho bé mới tập tô màu của hãng Crayola – loại bút ngắn, mập mạp và có gắn bánh xe. Cứ vài tuần một lần, tôi lại đặt một chiếc vào tay thằng bé và chỉ cho nó cách dùng bút tô màu. Những lúc đó, đa phần cậu nhóc chỉ cầm lấy chiếc bút và giương mắt nhìn tôi. Sau đó, nó bước sang giai đoạn đưa bút vào mồm, tai hoặc mũi.
Nhưng rồi thì tuần trước, tôi lại đặt cây bút vào tay nó rồi hướng dẫn nó tô một dấu màu đỏ thật lớn lên tờ báo cũ. Thật bất ngờ, thằng bé đã hiểu được khái niệm tô màu, như thể có một tia sáng vừa lóe lên trong trí óc nó. Nó tự mình cầm bút lên rồi tự tô màu. Rồi nó làm tiếp, cứ thế.
Giờ thì mẹ thằng bé, bằng giọng vui sướng pha lẫn đau khổ, kể tôi nghe rằng bây giờ không gì có thể ngăn nó đánh dấu sự tồn tại của mình lên tường, ở mọi nơi và mọi lúc mà nó muốn.
Bút sáp kết hợp với trí tưởng tượng (tức khả năng nghĩ ra hình ảnh) sẽ mang đến cho trẻ con thật nhiều niềm vui. Quả thực, bút màu sáp thật kỳ diệu. Thành phần cấu tạo thì chẳng có gì to tát - sáp chiết xuất từ dầu mỏ, màu nhuộm và lớp giấy mỏng quấn quanh. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì với con trẻ cho đến khi ta thắp lên trí tưởng tượng trong chúng.
Mỗi năm, hãng Binney ở Pennsylvania chế tạo khoảng 2 tỷ bút chì màu và xuất khẩu sang tất cả các nước trong Liên Hiệp Quốc. Chiếc hộp màu xanh và vàng vẫn không đổi từ năm 1937 đến nay. Thay đổi duy nhất là "màu da người" đã đổi tên thành "màu đào". Một dấu hiệu cho thấy sự tiến bộ trong công cuộc đấu tranh bình đẳng chủng tộc.
Tiện dịp mua cho con trai đỡ đầu hộp bút chì màu, tôi cũng mua cho mình một hộp bút chì màu gồm 64 cây trong hộp lớn bốn ngăn có gắn kèm đồ chuốt. Trước kia, chưa bao giờ tôi có hộp bút chì màu của riêng mình. Có lẽ tôi luôn quá trẻ hoặc quá già để sở hữu một hộp. Nhân thể, tôi mua thêm vài hộp nữa. Một hộp cho ông bố thằng bé, hộp kia cho bà mẹ. Khi tặng, tôi giải thích rõ rằng hai hộp bút chì màu này là dành cho hai bạn chứ không phải của thằng bé, rằng đây là quà.
Tôi nhận thấy rằng bất cứ ai, dù người lớn hay trẻ nhỏ, khi được tôi tặng bút sáp đều tỏ ra rất thích thú. Con nít thường mỉm cười, ánh mắt sáng lên, rồi đổ cả hộp ra và ngắm nghía đống bút màu mãi. Sau đó, chúng sẽ đi tới bất cứ mặt phẳng nào gần nhất, rồi ta bảo vẽ gì, chúng sẽ vẽ đó.
Người lớn thì luôn nở nụ cười bẽn lẽn khi nhận quà, gương mặt xen lẫn niềm vui, thoáng hoài niệm về tuổi thơ và cả sự ngây ngô rất đáng yêu. Sau đó, họ bắt đầu thổ lộ các kỷ niệm của mình về bút sáp màu, như hộp bút sáp đầu tiên của họ trông ra sao, họ đã lấy hết tất cả các màu ra tô thế nào, khi làm gãy bút, khi cố sắp xếp đống bút vào hộp theo thứ tự, hay khi bó nhiều cây lại mà tô cùng một lúc, hơ nóng để xem sáp chảy ra, gọt mỏng cây bút rồi lấy bàn ủi nóng trát sáp lên cửa kính để làm kính màu. Thậm chí, có người còn ăn bút sáp và làm nhiều điều tinh quái khác. Nếu bạn muốn có một bữa tiệc thật thú vị giữa người lớn với nhau, hãy chiêu đãi mỗi người một ly cocktail và một hộp sáp màu mới nguyên.
Thật ra mà nói, xét về số lượng thì loài người đã sáng tác ra nhiều tác phẩm nghệ thuật với màu sáp hơn mọi vật liệu khác. Mỗi quốc gia trên thế giới này có hàng tỷ bức vẽ bằng màu sáp chứa đựng trong hàng tỷ chiếc hộp, chiếc tủ, căn gác mái hay ngăn kệ bếp. Cầm chiếc bút trong tay, trí tưởng tượng của con người có thể dạt dào tuôn chảy như sông như suối, bất kể ở nơi cao hay thấp. Cả các thủ tướng, bộ trưởng hay các vị tướng cũng từng có những khoảnh khắc vẽ bằng viết sáp.
Có lẽ, chúng ta nên phát triển bom bút sáp màu thành thứ vũ khí bí mật mới. Thứ vũ khí mang đến niềm hạnh phúc. Thứ vũ khí của vẻ đẹp. Và mỗi khi nổ ra một cuộc khủng hoảng, ta có thể sử dụng vũ khí này trước tiên – trước khi áp dụng biện pháp nào khác. Quả bom sẽ phát nổ thật nhẹ nhàng từ trên cao và thả vào không trung hàng ngàn, hàng triệu những chiếc dù tí hon. Những chiếc dù đó sẽ bay xuống mặt đất, đem theo các hộp bút màu sáp. Ta cũng không hà tiện thả loại hộp nhỏ 8 cây, mà nên hào phóng thả loại 64 cây có gắn sẵn đồ chuốt và có đủ các màu như bạc, vàng, đồng, đỏ tươi, màu đào, vàng chanh, hổ phách, nâu đỏ...
Khi đó, người ta sẽ mỉm cười, gương mặt họ ánh lên vẻ rạng rỡ, tươi vui và họ sẽ làm tràn ngập trái đất này bằng các hình ảnh tưởng tượng đẹp đẽ chứ không phải cái chết. Còn trẻ em sẽ không bị nổ mất tay vì sờ vào hộp bút màu.
Ý tưởng này nghe thật lố bịch, ngớ ngẩn, điên rồ và quái lạ phải không nào?
Tuy nhiên, khi nghĩ tới những thứ vũ khí khủng khiếp mà con người chúng ta đã chế tạo ra để thả xuống từ bầu trời bất chấp chi phí cao không tưởng, và hậu quả ghê rợn mà chúng gây ra, thì tôi không còn thấy ý tưởng trên là kỳ cục, điên rồ hay ngốc nghếch nữa. Tôi cũng không còn băn khoăn về việc ta còn thiếu hay đang cần trí tưởng tượng ở cấp thi hành hay cấp lãnh đạo nữa. Loài người chúng ta có khả năng cải thiện chính mình. Ta cần phải tự cải thiện mình.