Một buổi chiều Chủ nhật trước lễ Giáng sinh năm 1979, trời mưa lạnh buốt, gió thổi liên hồi. Quang cảnh ảm đạm điển hình cho mùa đông. Danh sách những việc cần làm thì dài dằng dặc và ngày càng chất chồng như đám rêu mốc ngoan cố. Tâm trạng: bực mình. Chỉ số sinh học: dưới không. Lá số tử vi khuyên là nên cẩn thận. Còn tờ báo ngày Chủ nhật gợi ý hôm nay nên cầu nguyện để tránh thất thoát về tiền bạc, vong mạng và gặp chuyện không may. Vui quá, thích quá, là lá la.
Đến cả giờ phút linh thiêng để cầu Chúa của tôi cũng bị quấy rầy do tiếng ai đó đập mạnh vào cửa. Tôi thở dài tự hỏi không biết có chuyện gì đây. Khi ra mở cửa, dù đã chuẩn bị tinh thần để đón nhận mọi tin xấu có thể tới nhưng tôi vẫn vô
cùng bối rối. Trước cửa là một đứa trẻ đeo mặt nạ ông già Noel loại rẻ tiền đang chìa ra một túi giấy lớn, màu nâu. Nó hô to:
- CHO QUÀ HAY MUỐN BỊ PHÁ(6)?
Tôi đang ngạc nhiên không hiểu có chuyện gì thì nó lại nói tiếp:
- CHO QUÀ HAY MUỐN BỊ PHÁ?
Tôi cứng lưỡi nhìn chăm chăm vào đứa trẻ đang giả trang này trong khi nó vẫn không ngừng rung rung cái túi trước mặt tôi. Chưa hết bất ngờ, tôi thẫn người móc ví ra, tìm tờ một đô-la để bỏ vào túi.
Đứa trẻ gỡ chiếc mặt nạ, để lộ gương mặt một thằng bé người châu Á đang cười toe toét.
- Chú có muốn nghe một bài hát mừng Giáng sinh không ạ? – Nó hồ hởi hỏi tôi bằng thứ tiếng Anh lên bổng xuống trầm.
Giờ thì tôi đã nhận ra cậu nhỏ này. Nó là con của gia đình mới dọn đến năm ngoái, được giáo phái Quaker lo cho chỗ an cư. Hình như dân tị nạn. Halloween năm ngoái, thằng bé cùng các anh chị nó đã tới nhà tôi xin quà và tôi đã cho chúng một túi đầy ắp. Halloween năm đó, nó hóa trang làm một trong ba nhà vua đến thăm Chúa Jesus nơi máng lừa, khoác khăn tắm làm áo choàng và quấn khăn lau chén trên đầu.
- Chú có muốn nghe một bài hát mừng Giáng sinh không ạ? – Thằng bé hỏi lại.
Tôi gật đầu và thầm mường tượng ra cảnh một đám trẻ tị nạn ẩn núp trong đám bụi rậm sắp ùa ra hát mừng Giáng sinh cùng người đội trưởng.
- Có chứ. Đội hợp xướng của cháu đâu? – Tôi hỏi.
- Cháu là đội hợp xướng mà. – Nó đáp.
Liền sau đó, cậu bé lấy hết hơi sức để mở màn bằng điệp khúc bài "Chuông ngân vang" (Jingle Bells), nhịp nhanh. Tiếp theo là một bài hát với phần trình diễn sôi nổi không kém, mà tôi nghe đâu như bài "Nghe chăng, các thiên thần đang hát" (Hark, the Hairy Angels Sing). Cuối cùng, bằng chất giọng nhẹ nhàng, nó kính cẩn hát bài "Đêm thánh an lành" (Silent Night). Tôi cứ đứng đó, lặng nhìn đứa trẻ mắt nhắm tịt, đầu ngửa ra sau và lắng nghe câu hát cuối "Ngủ trong yên bình hạnh phúc" như từ tận cùng trái tim nó rót vào màn đêm đang bao phủ.
Mắt tôi ngân ngấn nước, còn người thì đờ ra trước màn biểu diễn của thằng bé. Tôi rút trong ví thêm một tờ năm đô-la và bỏ vào cái túi giấy. Để đáp lại, nó lấy thanh kẹo hình cây gậy sọc đỏ- trắng chỉ còn một nửa trong túi và trang trọng trao cho tôi. Với nụ cười rạng ngời đáng mười đô-la, nó quay lưng vừa chạy vừa la to: "CHÚA PHÙ HỘ CHO CHÚ. CHO QUÀ HAY MUỐN BỊ PHÁ?" rồi khuất hẳn.
Đứa bé đeo mặt nạ đó là ai vậy kìa?
Là một cậu bé 8 tuổi, đội hợp ca một thành viên, cung cấp bầu không khí Giáng sinh đến tận cửa nhà.
Thú thật là tôi thường cảm thấy khá bối rối mỗi khi mùa Giáng sinh tới. Dịp lễ này chưa bao giờ mang một ý nghĩa đặc biệt với tôi. Giáng sinh đâu có thực. Từ khi nghe chuyện ông già Noel, thực tâm tôi đã rất hoài nghi. Hát về chuyện ngồi trên ván trượt tuyết một ngựa kéo(7) thì lại càng lố bịch. Tôi chưa từng thấy cái xe trượt nào như thế, chứ đừng nói chi đến chuyện ngồi lên. Chưa từng nướng hạt dẻ trên ngọn lửa ngoài trời(8), cũng không biết phải làm thế nào nếu có một ít hạt trong tay, mà nghe đâu cũng chẳng có gì hấp dẫn.
Tôi không tin lắm vào chuyện ba ông vua trong hang Bethlehem, rồi người chăn chiên quanh quẩn cả đời bên bầy cừu lại càng kỳ lạ. Tôi cũng chưa thấy thiên thần bay lượn bao giờ. Rất hiếm khi tôi được tiếp xúc với các thiếu nữ đồng trinh(9), mà tôi chẳng lấy gì làm hứng thú trước sự xuất hiện của một vị vua mới sinh hạ(10) vì tôi thích có tổng thống hơn. Còn trẻ sơ sinh với đám tuần lộc thì có mùi "thơm" kinh khủng. Tôi đã từng lại gần cả tuần lộc lẫn con nít mới đẻ rồi, nên tôi biết. Cái thị trấn nhỏ Bethlehem kia thì bây giờ là một chiến trường(11).
Hát về những điều mình chưa bao giờ nhìn thấy, chưa bao giờ thực hiện và chưa bao giờ mong muốn. Mơ về một mùa Giáng sinh phủ đầy tuyết trắng(12) mà mình chưa từng được trải qua. Giáng sinh không có thực cho lắm. Ấy thế mà… tôi không thể tin vào Giáng sinh nữa vì đã quá già, nhưng vẫn còn quá trẻ để từ bỏ niềm tin đó; tôi không tham gia được vì quá hoài nghi, nhưng cũng quá mong mỏi nên không chịu làm một kẻ ngoài cuộc.
Cho quà hay muốn bị phá?
Vào nhà khép cửa lại, trong tôi chợt dấy lên những cảm giác rất kỳ lạ – xen lẫn tiếng cười là những giọt nước mắt và cả cảm giác thật khó tả, cảm giác khi biết Giáng sinh lại một lần nữa đến với mình. Qua đường ống khói trong ngôi nhà nhỏ của tôi, ông già Noel bé nhỏ đã đến giữa mùa đông lạnh giá. Cũng như tôi, cậu bé không hiểu lắm về các chi tiết vụn vặt, nhưng lại hiểu rất rõ về tinh thần của mùa Giáng sinh. Đây là dịp cho tâm hồn thảnh thơi, và để ta nâng cốc uống mừng – để sống hết mình trong ngày lễ lớn với tất cả những gì mình có, dù ta đang ở nơi đâu.
Tôi vẫn nhớ khi tôi hỏi: "Đội hợp xướng của cháu đâu?", cậu bé đã đáp: "Cháu là đội hợp xướng mà". Và tôi bỗng tự hỏi: "Giáng sinh ở đâu?" để rồi lại tự trả lời: "Tôi chính là Giáng sinh". Đúng thế, tôi chính là Giáng sinh. Rồi tôi ngửa đầu ra, nhắm mắt, cất cao giọng hát bất kỳ giai điệu nào mà tôi có đủ can đảm để cất lời.
Kinh thánh nói rằng Thượng đế gửi một đứa trẻ xuống trần gian trong một đêm đầy sao, để rồi thế giới sẽ ngập tràn hy vọng và hạnh phúc. Tôi không biết mình có thật sự tin vào điều đó hay không, cũng không dám chắc mình có tin vào những chi tiết người đời đã thêm thắt vào câu chuyện suốt hơn hai ngàn năm nay. Nhưng tôi biết chắc rằng tôi tin vào cậu bé này – đội hợp xướng Giáng sinh một thành viên, đứa trẻ luôn miệng la to "Cho quà hay muốn bị phá?" khi đi từ nhà nọ tới nhà kia. Tôi không biết ai hay thứ gì đã gửi cậu bé đến, nhưng tôi biết mình đã bị những trò đùa tinh quái của số phận trêu chọc để rồi hòa giọng vào dàn hợp xướng, hát lên niềm vui và hy vọng. Nhờ một đứa trẻ, tôi đã biết Giáng sinh thật tuyệt vời.