Tôi từng sống vài năm trong ngôi nhà nghỉ xập xệ nằm trên sườn đồi dốc mà công ty bất động sản gọi là "thơ mộng". Nói thế nghĩa là cái nhà đó thật ra giống như cái chòi có tầm nhìn đẹp.
Để phù hợp với cảm quan của ngôi nhà, tôi để sân vườn "phát triển tự nhiên". Thứ gì muốn sống ở đó thì cứ việc, nhưng hãy tự lo liệu và đừng trông mong vào sự giúp đỡ của tôi. Tôi nhớ mình có đứng ở hiên nhà và tuyên bố với mọi sinh vật trong sân rằng: "Tụi bây tự mà lo liệu lấy. Chúc may mắn".
Lên trên ngọn đồi một chút còn có nhà của ông Washington. Ngôi nhà mái ngói kiểu nông thôn của ông trông gọn ghẽ xinh đẹp, với một khu vườn nhỏ được bố trí trông vừa giống sân gôn lại vừa giống vườn ươm. Nó là niềm kiêu hãnh và nguồn vui của chủ nhà, một cụ già làm nghề bán bảo hiểm kiêm tay nấu bếp cừ khôi, với món sở trường là sườn và thịt ức nướng.
Ông Washington là người da đen. Còn tôi là người da trắng (Thực ra, tôi có nước da màu hồng tai tái).
Hồi cuối thập niên sáu mươi, tôi là một nhà hoạt động xã hội sôi nổi về nhân quyền, hòa bình và giữ lập trường cánh tả trong mọi vấn đề chính trị xã hội. Còn ông Washington là người có thái độ như sau (Tôi xin thuật đúng nguyên văn): "Fulgum, xét về chỗ đứng trong xã hội, thì cậu là thằng da trắng đương thoái lui, còn tôi là thằng mọi đen đã ngoi lên được. Cậu đừng bao giờ quên" rồi ông bật cười liên hồi. Trong khi kiểu nào thì ông cũng chỉ xem tôi là đồ hạ đẳng thì tôi vẫn luôn kính trọng ông. Đúng là một đổi thay kỳ quái về mặt xã hội.
Bụng tôi đánh lô tô khi ông nói mấy tiếng "thằng mọi đen". Cái cụm từ "thằng da trắng" mà ông dành cho tôi thì tôi không mấy quan tâm, vì khi nói, giọng ông chẳng tỏ ra miệt thị. Nhưng cái từ kia thì – e hèm. Nói cho ngay, ông xưa nay vẫn tự gọi mình như thế, rồi lúc nói xong thì luôn cười to.
Ông Washington đứng từ hiên nhà nhìn xuống chỗ ở tồi tàn của tôi với ánh mắt khinh miệt đầy vẻ buồn cười và khoan dung. Ông nói ông chịu đựng được tôi vì tôi nấu món cay giỏi hơn ông, thêm nữa là tôi có bộ đồ nghề tự động phong phú nhất ở khu này.
Thi thoảng, tôi cùng ông chơi bài xì phé. Cả hai đều thích hút xì gà cao cấp và có vợ không hút thuốc. Chúng tôi đồng thuận trong các chủ đề nóng hổi của thời đại – chống phân biệt chủng tộc và hòa bình, rồi còn yêu thích cùng một thể loại âm nhạc nữa chứ – nhạc jazz. Có lần, tôi và ông đã dành gần hết buổi tối để so sánh màn độc diễn saxophone của John Coltrane với Johnny Hodges.
Rồi cái tiếng cười đó nữa. Bất kể thế giới có trở nên ảm đạm và nghiêm trọng đến đâu, ông cũng thấy sự đời thật khôi hài. Tôi chưa từng nghe ai có tiếng cười "đã tai" như ông.
Cứ sống gần nhau rồi dần dà, người này trở thành cột mốc cho người kia so sánh bản thân, theo nhiều cách khá kỳ lạ. Đọc tiếp đi rồi bạn sẽ thấy.
Giờ thì ông đã khuất bóng rồi. Tôi nhớ ông lắm.
Mỗi khi nướng sườn và lấy công thức của ông để làm nước xốt, tôi lại nghĩ về ông. Đúng là tôi làm không ngon bằng ông. Chắc do món ăn của tôi thiếu thành phần bí mật – tiếng cười giòn của ông lúc chế biến.