Ông Washington rất yêu vườn tược, mà ranh giới giữa khu vườn của ông với của tôi thì lại
không được minh bạch cho lắm. Cứ mỗi năm, ông lại lên cơn cuồng, muốn diệt cỏ trong sân đến kỳ hết thì thôi, mở đầu bằng việc ông hí hửng mân mê máy cắt cỏ rồi đem đổ mọi loại thuốc vào mấy cái chum trong ga-ra mà trộn. Sau đó thế nào cũng có chuyện rắc rối xảy ra.
Mà y như rằng. Sáng nọ, tôi bắt gặp ông đang phun thuốc vào đám bồ công anh trong vườn nhà tôi.
- Chắc cậu không thấy phiền đâu ha? – Ông nói, ra điều ta đây chính nghĩa.
- Không thấy phiền hả? THẤY PHIỀN CHỨ! Chú làm chết hết hoa của con rồi kìa! – Cố nén giận, tôi đáp.
- Vậy mà gọi là hoa? Toàn là cỏ dại hết! – Ông trả miếng, vừa chỉ vào đám hoa bồ công anh của tôi, vẻ mặt khinh bỉ.
- Cỏ dại là thực vật mọc ở nơi nào con người không muốn chúng mọc. Nói khác đi, nó có phải cỏ hay không là tùy thuộc vào cách nhìn của người chủ. Con thấy bồ công anh KHÔNG PHẢI LÀ CỎ DẠI, mà là HOA! – Tôi cương quyết.
- Khùng. – Ông nói rồi hậm hực bỏ về nhà để khỏi phải nhiều lời với tôi.
Dạo sau này, tôi lại rất thích hoa bồ công anh. Xuân đến, sắc hoa vàng lại tràn ngập khu vườn mà không cần tôi chăm sóc. Chúng lo việc của chúng, còn tôi lo việc của tôi. Lá bồ công anh non mà làm salad thì hăng nồng, ngon tuyệt. Hoa giúp tăng thêm hương vị tinh tế và màu sắc thanh nhã cho rượu nhẹ. Đem rễ bồ công anh nướng lên, nghiền ra rồi pha chế, thế là ta được ly cà phê uống cho khoan khoái tinh thần. Chồi non của cây làm được thành loại trà bổ dưỡng. Lá già phơi khô thì giàu chất sắt, vitamin A và C nên rất nhuận tràng. Đặc biệt, ong mà hút mật hoa này thì sẽ cho ra loại mật ong thượng hạng.
Bồ công anh đã có mặt trên Trái đất khoảng 30 triệu năm nay. Người ta còn tìm được hóa thạch của chúng. Họ hàng gần nhất của loài cây này là rau diếp và rau diếp xoăn. Bồ công anh được chính thức xếp vào hàng các loại thảo mộc sống lâu năm, thuộc phân họ Taraxacum, họ Cúc. Tên hoa bắt nguồn từ tiếng Pháp, nguyên gốc có nghĩa là "răng sư tử" (dent de lion)(16). Chúng phân bố khắp châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ; và giờ chúng tự tìm đến đây. Bồ công anh có khả năng chống chịu với bệnh tật, sâu bọ, cái nóng, cái lạnh, mưa gió và cả con người.
Giả sử bồ công anh là loài cây quý hiếm và yếu ớt, có lẽ người ta sẽ dễ dàng chấp nhận bỏ ra 24,95 đô-la để mua một cây, rồi tự tay vun trồng chúng trong nhà kính để chúng phát triển thành cả một quần thể, vân vân và vân vân. Đằng này, chúng lại có mặt khắp nơi, không cần đến bàn tay chăm sóc của con người, có khả năng tự thân hoành hành. Vì thế, ta gọi bồ công anh là "cỏ dại", rồi được dịp là ra tay sát hại chúng.
Tôi thì thề có Chúa rằng bồ công anh là một loài hoa; hoa đẹp nữa là đằng khác. Tôi thấy hãnh diện khi được có mớ cây đó trong khu vườn nhà mình, và tôi rộng cửa đón chào chúng. Bên cạnh rất nhiều ưu điểm, chúng còn là loài cây thật thần kỳ. Khi bông hoa hóa thành hạt nhẹ hơn bông gòn, ta có thể thổi bay hạt ra khỏi cuống. Nếu bạn thổi đúng cách, để tất cả đoàn tàu lượn nhỏ bé trên cùng một cuống bay đi xa thật xa, điều ước của bạn sẽ trở thành sự thật. Kỳ diệu quá phải không? Còn nếu bạn đang yêu, chúng sẽ kết vào mái tóc nửa kia của bạn.
Tôi dám cá rằng trong khu vườn của ông hàng xóm cạnh nhà tôi không có loài cây nào có thể so sánh với cây bồ công anh. Ngoài ra, bạn hãy nghĩ mà xem: Bồ công anh là loài cây miễn phí. Bạn có nhổ chúng đi cũng không ai phàn nàn, hay có hái bao nhiêu tùy thích, miễn đem về được thì thôi.
Cỏ dại đấy!
Tình yêu mà tôi dành cho loài cây bồ công anh đã thôi thúc nhiều độc giả viết thư cho tôi trong nhiều năm qua. Trong đó có cả những lời chỉ dẫn và công thức về cách làm rượu từ hoa bồ công anh. Khoảng trăm năm trước, đây là loại thức uống rất phổ biến ở Mỹ, nhưng giờ theo tôi biết thì chỉ có một nơi duy nhất còn thương mại hóa loại rượu này, đó là lãnh địa Amana nằm ở miền trung bang Iowa, về phía tây nam của thị trấn Cedar Rapids.
Tuy nhiên, nếu không muốn phải đi đến tận đó rồi bỏ tiền ra mua, bạn có thể dễ dàng tự làm lấy loại đồ uống này.
Đầu tiên, xin gửi tới các bạn lời khuyên chân thành từ một người có kinh nghiệm: Nếu bạn thực lòng muốn làm rượu từ hoa bồ công anh, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia ở các cửa hàng bán lẻ đồ uống ở địa phương để tìm hiểu về các dụng cụ và kỹ thuật để pha chế tại nhà. Nếu lần đầu bạn thử sức mà không hỏi, thì chắc chắn lần thứ hai bạn sẽ buộc phải hỏi. Hãy tin lời tôi đi nhé.
Dưới đây là công thức tuyệt vời để làm rượu bồ công anh (để có được khoảng 4 lít rượu):
Chuẩn bị sẵn dụng cụ. Lên kế hoạch chu đáo. Ví dụ, suy nghĩ xem mình đun nước bằng cách nào và ở đâu mà đủ nước để đổ đầy thùng thể tích 22 lít.
Vào một ngày đẹp trời tháng Tư hoặc tháng Năm, hãy hái hoa bồ công anh cho đầy vào cái bình có thể tích khoảng 6 lít. LƯU Ý: Hoa không được rửa, nên hãy lấy hoa ở những nơi không phun thuốc trừ sâu hay phân bón.
Sau đó cho hoa vào thùng 22 lít đã được rửa sạch. Đổ đầy nước sôi vào thùng rồi lấy vải cotton thưa hoặc vải musseline quấn lại. Sau đó để hoa ngâm nước qua đêm.
Hôm sau, đổ dung dịch đó qua một cái chao để gạn xác hoa, rồi đổ lần nữa qua vải musseline để lọc sạch dung dịch. Đổ dung dịch vào thùng, thêm năm lát chanh, năm lát cam, khoảng 1kg nho vàng khô, hai bánh men bia cùng 5 kg đường thô, rồi khuấy đều.
Đặt thùng vào nơi ấm áp, sạch sẽ rồi phủ khăn sạch lên trên. Khuấy dung dịch 1 lần/ngày trong một tuần, hoặc cho tới khi không còn sủi bọt. Ngoài ra, hãy nhớ ngày nào cũng hớt lớp váng bên trên. Để cặn lắng xuống trong một hoặc hai ngày.
Tiếp theo, sang rượu vào các chai sạch. Đậy nút bần hoặc nắp phéng rồi để chai ở nơi khô ráo, mát mẻ cho đến tháng Mười Hai. Bạn có thể thưởng thức rượu ngay vào năm đầu tiên, nhưng rượu này có hạn sử dụng cả vài năm, mà càng để lâu thì rượu càng ngon.
Hãy nhớ đánh dấu ngày hái hoa trên chai cùng với thông tin thời tiết hôm đó, để ký ức về những ngày xuân tươi đẹp sẽ thẩm thấu vào thành phần của rượu. Rượu bồ công anh có màu vàng trong và ấm áp giống như ngày tháng Tư, tháng Năm đẹp trời lúc ta bắt tay vào ủ rượu.
Theo kinh nghiệm của mình, tôi còn một điều khác muốn lưu ý bạn: Nên mở một hoặc hai chai rượu và nếm thử trước khi tặng, để đảm bảo là bạn đã làm đúng.
Ủ rượu là cả một nghệ thuật. Bạn phải làm ít nhất ba mẻ thì mới đủ kỹ năng để cho ra đời một chai rượu ngon. Nhưng dù chất lượng rượu ra sao, bạn cũng đã có một trải nghiệm tuyệt vời.
Cỏ dại đấy!