Mỗi tháng, tóc người mọc dài thêm khoảng 3 cm. Không biết lấy thông tin từ đâu, nhưng ông hàng xóm của tôi rút ra nhận định này khi chúng tôi đang nói chuyện về mấy tay thợ cắt tóc. Như vậy có nghĩa là trong mười sáu năm qua, thợ cắt tóc đã cắt khoảng 2,5 mét lông tóc trên đầu và mặt tôi.
Tôi không nghĩ nhiều về điều này, cho tới hôm tôi gọi điện tới tiệm cắt tóc quen thuộc để đặt lịch hẹn như thường lệ và được biết người thợ cắt tóc không còn ở đó nữa, mà đã chuyển sang làm nghề bảo dưỡng nhà cửa. Tôi như không tin vào tai mình. Làm vậy mà thấy được sao? Ôi người thợ cắt tóc quen của tôi! Tôi tưởng đâu như nhà mình có đám tang vậy. Quan hệ giữa tôi và anh thợ đâu chỉ đơn thuần là chuyện cắt tóc.
Thực ra, ban đầu chúng tôi cũng chỉ là mối quan hệ giữa thợ cắt tóc và khách hàng thông thường. Sau đó, một người nhận danh hiệu "thợ hớt tóc ngu dốt, thất học", còn người kia là "mục sư mọt sách, học đòi xã hội chủ nghĩa". Mỗi tháng một lần, chúng tôi cùng nhau nhìn nhận lại thế sự, cuộc đời và quan điểm của mình, đấu khẩu với nhau về nhân quyền, thời sự chiến tranh và các cuộc bầu cử. Chúng tôi trở thành tấm gương cho nhau, bạn tâm tình, giáo sĩ nghe xưng tội, bác sĩ tâm lý trị liệu và bạn đồng hành của nhau, theo một kiểu thật là oái oăm. Chúng tôi cùng nhau bước qua tuổi ba mươi, rồi tuổi bốn mươi. Cả hai thảo luận, tranh cãi rồi trêu đùa, nhưng luôn biết mềm nắn rắn buông.
Suy cho cùng, tôi là khách hàng còn anh là người thợ cắt tóc với con dao cạo trong tay.
Qua trò chuyện, tôi biết cha anh là một cảnh sát cấp hạt, anh lớn lên trong nghèo khó ở một thị trấn nhỏ và từng có định kiến với người da đỏ. Còn anh phát hiện ra tôi có cùng xuất phát điểm là lớn lên ở một thị trấn nhỏ và cũng từng có định kiến với người da đen. Con chúng tôi bằng tuổi nhau, hai chúng tôi cùng trải qua thời kỳ làm cha ngang nhau. Chúng tôi chia sẻ với nhau chuyện về vợ con, xe hơi hỏng hóc và cả các vấn đề về bãi cỏ ở nhà. Tôi biết được anh dành hẳn một ngày để cắt tóc miễn phí cho các cụ già ở viện dưỡng lão. Còn anh cũng nhận ra vài điểm tốt trong con người tôi – tôi đoán vậy.
Tôi chưa từng nhìn thấy anh bên ngoài cửa tiệm quen thuộc đó, chưa từng trông thấy vợ con anh, chưa từng ngồi chơi ở nhà anh hay dùng bữa với anh. Tuy nhiên, anh đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi, thậm chí, giả dụ chúng tôi là hai người hàng xóm kế bên nhà thì chắc anh đã không quan trọng với tôi đến như vậy. Có lẽ, chính khoảng cách kia đã phần nào khiến mối quan hệ ngày càng thêm sâu sắc.
Cũng chính vì lẽ đó mà tôi cảm thấy thực sự hụt hẫng khi anh thợ bỏ đi. Tôi thấy không còn muốn cắt tóc nữa, dù ta dễ hình dung là bộ dạng tôi trông sẽ kỳ quái đến thế nào với mớ râu tóc dài tới 2,5 mét.
Chúng tôi đã vô thức chiếm lấy một vị trí quan trọng trong cuộc sống của nhau. Cũng như anh chàng bán bách hóa ở góc phố, thợ sửa xe gần nhà, bác sĩ gia đình, thầy cô giáo, hàng xóm và đồng nghiệp – những người tốt luôn hiện hữu trong cuộc đời ta theo những cách nhỏ nhặt nhưng vô cùng quan trọng. Họ cho chúng ta những bài học quý, mang niềm vui tới cho chúng ta, khuyến khích, ủng hộ, cổ vũ ta trong những lúc khó khăn của cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, ta không khi nào thổ lộ cho họ biết chuyện như vậy. Tôi không biết tại sao, nhưng đúng là ta chẳng làm thế bao giờ.
Dĩ nhiên, ta cũng là người quan trọng trong mắt một ai đó. Có những người trông cậy vào ta, dõi theo ta, học hỏi từ ta và yêu mến ta dù ta không hay biết.
Bạn đừng đánh giá thấp bản thân mình.
Có thể, bạn sẽ chẳng bao giờ có trong tay bằng chứng cho thấy mình quan trọng, nhưng thực sự bạn quan trọng hơn bạn nghĩ rất nhiều. Có thể sẽ có ai đó không thể sống nếu thiếu bạn. Chỉ có điều không phải lúc nào bạn cũng biết đó là ai.
Tôi bỗng nhớ truyền thuyết của phái Hồi giáo Sufi về một người tốt bụng được Thượng đế ban cho một điều ước. Người này nói ông muốn làm nhiều điều thiện mà không nhận ra chúng. Sau khi giúp ông toại nguyện, Chúa Trời bỗng nhận thấy đây là một điều rất hay, thế là Người quyết định ban tặng điều ước này cho toàn thể nhân loại.
Điều ước đó đến bây giờ vẫn còn ứng nghiệm.