"Rồi sao nữa hả cha?"
Trước khi tôi tắt đèn phòng ngủ, các con tôi tranh thủ hỏi dồn. Thời đó, chúng còn bé và tôi còn trẻ. Dù tôi đã cố tình ngắt ngang kết cục câu chuyện và biết chắc bọn trẻ đã rất buồn ngủ, thì thể nào cũng có một giọng ngái ngủ cất lên: "Rồi sao nữa hả cha?". Và bất kể tôi nói thế nào chăng nữa, chúng vẫn thống thiết: "Con năn nỉ mà, cha kể luôn đi".
Thật bực bội hết sức, thế là tôi bịa ra câu chuyện tận thế:
- Tự nhiên có ngôi sao chổi va vào trái đất và nghiền mọi thứ ra thành từng mảnh.
Im lặng một lúc.
- Rồi mấy mảnh vụn đó ra sao hả cha?
- Chẳng sao cả. Tất cả đều chết thê thảm, đặc biệt là những đứa trẻ không chịu đi ngủ. – Tôi tiếp tục. – Người cha bán hết mấy đứa con không chịu đi ngủ cho một mụ phù thủy đi ngang qua. Bà ta sẽ nghiền chúng làm xúc xích. Đứa trẻ đầu tiên bị xẻ thịt chính là đứa cứ hỏi mãi không ngừng.
Nói thật, tôi hơi xấu hổ nhưng hầu như lần nào cách này cũng phát huy tác dụng. Tôi chẳng biết thật sự chúng có muốn nghe một kết cục đẫm máu như thế không hay đó chỉ là cách chúng muốn xem tôi có thể bịa được tới đâu – xem cha của chúng nổi điên đến mức nào.
Bây giờ, tôi lại phải loay hoay với mấy đứa cháu không ngừng thắc mắc y như vậy. Nhưng tôi đã khôn khéo hơn trước kia. Đối phó với chuyện hỏi dai của bọn trẻ, tôi bảo: "Chỉ có cha cháu mới biết đoạn kết của câu chuyện. Tí nữa về nhà nhớ nói cha kể cho nghe".
Dĩ nhiên, bọn trẻ không sai và cũng chẳng có lỗi gì khi cứ thắc mắc hoài. Khi nào cuộc sống này còn tiếp diễn thì còn nhiều thứ khác xảy ra tiếp theo. Luôn có hệ quả–kết quả.
Do biết trước sẽ có những câu hỏi bất tận trước giờ ngủ nên tôi luôn chuẩn bị sẵn mấy câu trả lời. Nhưng thật tình mà nói, nhiều lúc tôi cũng không biết phải giải thích ra sao.
Sau vụ Cô bé Quàng Khăn Đỏ, liệu bọn sói có kháo nhau để biết mà tránh xa mấy cô nhóc ma le vốn có duyên với rắc rối hay không? Làm sao mà bà của Cô bé Quàng Khăn Đỏ lại sống được một mình trong rừng, lẽ ra bà phải ở trong viện dưỡng lão chứ?
Còn Alice thì sao? Khi lớn lên rồi, cô có tìm được đường về Xứ sở Thần tiên hay không một khi cô đã nhận ra những thú vui trong cuộc sống? Dĩ nhiên là không. Bây giờ, mỗi khi cầm gương lên, cô sẽ dùng nó để trang điểm.
Sau khi sờ soạng con voi và mô tả lại cho nhà vua nghe với đủ hình dạng khác nhau, liệu các thầy bói mù có nhận ra sự mâu thuẫn giữa họ và xem xét lại con voi không? Còn lâu! Họ thà bị chặt đầu còn hơn từ bỏ định kiến của mình. Thầy sờ đuôi một mực: "Các thầy đều sai cả, con voi gầy nhẳng như sợi dây thừng". Thầy sờ thân khẳng định: "Không, con voi to bằng bốn thân cây chụm lại. Các thầy sai hết rồi". Còn thầy sờ vòi kiên quyết rằng con voi sun sun như con đỉa.
Liệu Nàng Bạch Tuyết có sống hạnh phúc đến hết đời khi chàng hoàng tử phát hiện ra rằng đã có thời gian cô sống cùng bảy chú lùn? Không đời nào. Hoàng tử sẽ lôi chuyện đó ra mà đay nghiến khi hai người cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. "Cô đã làm gì với mấy gã lùn đó?".
Còn Cô bé Lọ Lem chắc chắn không thể sống hạnh phúc với vị hoàng tử thậm chí không nhớ nổi mặt cô, chỉ nhận ra khi cô mang vừa chiếc giày thủy tinh.
Và bạn còn nhớ câu chuyện về bộ xiêm y mới của nhà vua chứ? Nhà vua đã bị người thợ may phỉnh ngọt làm cho ngài tin sái cổ rằng bộ xiêm y do ông ta may tuyệt diệu đến nỗi chỉ những người có trái tim trong sáng mới có thể trông thấy được. Khi đức vua oai vệ bước đi trong bộ xiêm y không tồn tại, một đứa trẻ đã nói lên điều mà bất kỳ ai cũng thấy: "Hoàng đế cởi truồng!". Chuyện gì sẽ xảy ra cho đứa trẻ này? Nó sẽ bị lôi về nhà và bị bỏ đói chứ còn gì nữa.
Ta thường căn dặn trẻ nhỏ: "Phải sống thật thà, nghĩ gì nói nấy, thành thật với bản thân và can đảm nói lên những điều mình tin tưởng". Nhưng thực tế sẽ dạy cho chúng một bài học về những quy tắc thực sự: "Chớ có ta đây, hãy kín miệng, tốt khoe xấu che, đừng làm anh hùng rơm và đừng xía vào chuyện người khác". Còn những cô có nhan sắc, như các cô lấy được hoàng tử, thường hồng nhan bạc phận. Bọn trẻ sẽ còn phải đối mặt với thực tế phũ phàng đó dài dài.
Cứ coi như tôi già và bảo thủ. Cứ đối xử với tôi như cha mẹ đối xử với đứa con nói hoàng đế cởi truồng. Cứ cho là tôi giống mấy thầy bói mù xem voi.
Có thể tôi biết quá nhiều và đã sống quá lâu. Nhưng thiết nghĩ, tốt hơn ta nên gạt sự thật sang một bên khi kể chuyện cho bọn trẻ trước giờ ngủ hoặc đẩy trách nhiệm đó cho cha mẹ chúng. Còn quá sớm để dạy chúng biết rằng thế giới này không phải lúc nào cũng tốt đẹp và công bằng. Sẽ đến một ngày bọn trẻ tự tìm ra phần kết của câu chuyện. Còn bây giờ, chúng sẽ mở mắt thao láo nếu tôi bắt chúng đọc kinh cầu nguyện thay vì trả lời câu hỏi "Rồi sao nữa hả cha?".