Khi viết cuốn sách này, tôi 65 tuổi. Không quá già, thực sự là vậy, nhưng cũng sống đủ lâu trên thế gian này rồi. Nhớ lại thời còn học mẫu giáo, quả là cả một chặng đường dài suy tưởng. Vậy bây giờ tôi còn nhớ những gì?
Tôi muốn khẳng định danh sách liệt kê những điều tôi tin tưởng lúc tôi còn học mẫu giáo không phải trò trẻ con.
Nó không đơn giản, mà là căn bản.
Bài viết này sẽ lý giải cho câu hỏi mà một lúc nào đó, không sớm thì muộn, cũng sẽ xuất hiện trong tâm trí mỗi người khi ta lơ đãng nhìn ra ngoài cửa sổ lớp học và thầm hỏi: "Tại sao mình lại ở đây? Tại sao mình phải đi học?".
Chúng ta được đưa tới trường để được giáo hóa – làm quen với thể chế thiết yếu của xã hội loài người. Ngay từ thuở đầu đời, chúng ta đã được tách ra khỏi gia đình để hòa mình vào thế giới bên ngoài. Thế giới rộng lớn bên ngoài lúc này là trường học. Ta phải tới trường. Ta không được lựa chọn. Xã hội xem chuyện đó quan trọng đến nỗi bất kỳ đứa trẻ nào cũng biết rằng mình bắt buộc phải tới trường. Đó là luật. Và khi tới trường, ta được dạy những điều căn bản – nền móng của văn minh. Ban đầu, chúng được lý giải bằng ngôn từ đơn giản để trẻ nhỏ có thể hiểu được.
Ví dụ, không thể nói với một đứa trẻ sáu tuổi là "Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng xã hội loài người không thể vận hành trơn tru nếu thiếu sự phân bổ công bằng các nguồn tài nguyên trên trái đất". Mặc dù điều này hoàn toàn đúng, nhưng một đứa trẻ không thể nuốt nổi những từ ngữ đó. Thế nên người ta sẽ nói với bọn nhóc như vầy: Có 20 bạn học sinh nhưng chỉ có 5 trái bóng, 4 giá vẽ, 3 bộ đồ chơi, 2 con chuột lang và 1 phòng tắm. Để công bằng, các bạn nhỏ sẽ phải chia sẻ với nhau.
Tương tự, một đứa trẻ 6 tuổi sẽ không thể hiểu được câu: "Nhìn chung, người ta đã chứng minh được rằng bạo lực tác động xấu tới mối tương tác mang tính xây dựng giữa con người và xã hội". Điều này đúng. Tuy nhiên, với cùng một quy tắc, trẻ nhỏ sẽ dễ hiểu hơn khi ta bảo chúng: Không được đánh bạn. Nếu không sẽ có chuyện không hay. Thế là đứa trẻ sẽ nhớ rằng chuyện này có liên quan tới quy tắc đầu tiên: Nếu đánh bạn sẽ không có ai chia sẻ đồ dùng và chơi với mình nữa.
Hậu quả của ô nhiễm và phá hoại môi trường là vấn đề rất khó giải thích cho một đứa trẻ 6 tuổi hiểu. Nhưng đó là thực tế. Giờ đây, chúng ta đang phải trả một cái giá quá đắt, đơn giản vì người lớn không ai nhớ tới lời dạy ở trường mẫu giáo: Chơi xong tự thu dọn, xài đồ xong nhớ cất về chỗ cũ, không được lấy đồ của người khác.
"Lịch sử phát triển của xã hội loài người chủ yếu cấu thành từ những kiến thức về dịch tễ hơn là các giả thuyết chính trị và triết học". Đúng vậy. Kiến thức tối thiểu về vệ sinh, đó là đừng lấy tay bốc phân, và giữ cho đầu óc trong sạch. Nhưng với một đứa trẻ, chỉ cần dạy nó cách sử dụng toilet, giật bồn cầu và rửa tay thường xuyên là đủ.
Và còn nhiều ví dụ khác nữa. Từ những ngày đầu tiên ta đã được dạy cách thực hiện những việc vốn được xem là nền móng của văn hóa xã hội. Mặc dù giáo viên gọi bài học đầu tiên này là "các quy tắc đơn giản" nhưng thực ra chính là sự kết tinh của những kinh nghiệm được chắt lọc và kiểm chứng trong xã hội loài người.
Một khi đã được học, thì ta phải thực hiện bài học đó mỗi ngày. Kiến thức chỉ có ý nghĩa khi nó gắn liền với thực hành. Quá trình tiến hóa của loài người đã chứng minh rằng: ta trưởng thành qua những gì ta làm, không phải bởi những điều ta nghĩ. Điều này đúng cho cả trẻ em và người lớn, trong phạm vi lớp học lẫn quốc gia.
Nhiều khi tôi lấy làm ngạc nhiên vì chúng ta không nhớ hết những bài học ở trường mẫu giáo. Những năm tôi làm mục sư, tôi luôn cảm thấy sửng sốt khi có ai đó đến gặp tôi và bảo: "Con vừa đi bác sĩ về, ông ấy nói con chỉ còn sống được một khoảng thời gian nữa thôi".
Tôi đã suýt hét lên: "Sao cơ? Con không biết thật ư? Từng tuổi này mà phải mất tiền cho bác sĩ để nghe sự thật hiển nhiên đó? Con không nhớ tuần trồng cây trong trường mẫu giáo ư, họ đã phát cho học sinh một cái ly nhựa, ít bông gòn, nước và một hạt giống? Sự sống đã nảy sinh, nhớ không? Cái cây mọc lên còn rễ cắm xuống. Đó là phép màu. Rồi mấy ngày sau, cái cây chết. NÓ CHẾT. Cuộc sống ngắn ngủi lắm. Tuần đó con ngủ gật hay nghỉ bệnh ở nhà?".
Tôi chưa bao giờ nói ra điều đó. Nhưng tôi nghĩ trong đầu. Mà thực vậy. Nhà trường muốn chúng ta hình dung được toàn bộ câu chuyện ngay từ đầu. Sự sống và cái chết. Sống-chết. Một quá trình. Một quá trình ngắn ngủi. Đừng quên điều đó.
Còn một điều nữa mà không phải ai cũng hiểu ra ngay: Ta không thể một mình đi hết cuộc đời này. Ta cần sự giúp đỡ từ người khác – gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, những người bạn đồng hành, đồng bệnh tương lân, đội nhóm, nhà thờ hoặc bất cứ ai. Chừng nào ta còn sống thì bài học từ trường mẫu giáo vẫn còn giá trị: "Khi ra ngoài, hãy nắm tay và đi cùng nhau". Thế giới ngoài kia nguy hiểm, và cũng rất cô đơn. Ai cũng cần có người bên cạnh. Cộng đồng luôn cần thiết.
Những bài học ở trường mẫu giáo sẽ liên tục xuất hiện trong cuộc đời cho đến khi ta nhắm mắt xuôi tay. Chỉ có điều, chúng phức tạp hơn, dài dòng hơn, chắc chắn rồi. Những bài học ấy nằm trong những bài giảng, bách khoa toàn thư, Kinh thánh, nội quy công ty, luật của tòa án, sách thuyết giáo và sách hướng dẫn. Cuộc sống không ngừng thử thách chúng ta để kiểm tra xem ta đã hiểu và ứng dụng những điều được dạy từ năm đầu tiên đi học hay chưa.
Suốt cuộc đời này, ta sẽ phải vật lộn với những câu hỏi về đúng sai, tốt xấu, sự thật và dối trá. Hết lần này đến lần khác, rồi cứ thế, ta sẽ nhớ về một nơi quen thuộc – lớp học mẫu giáo, nơi ta được răn dạy hết sức cẩn thận những bài học căn bản về giá trị nhân văn.
Dĩ nhiên, không nhất thiết ta phải biết tất cả mọi thứ. Chắc chắn là không được, và cũng không cần thiết. Nhưng nếu không bắt đầu bằng những điều căn bản đó, không riêng ta mà cả xã hội sẽ phải trả giá đắt cho thiếu sót này. Còn nếu ta đã trau dồi và thực hành chúng thường xuyên thì những kiến thức trong tương lai sẽ có được một nền tảng vững chắc.
Tương tự, ở thời điểm này.
Những ghi nhớ ở trường mẫu giáo đã được mở rộng nhưng không hề thay đổi.
Đó là những gì tôi tin, biết và kỳ vọng ở tuổi 65.