Trái tim tan vỡ, bi kịch, khó khăn tài chính, thất tình, mất việc, ly hôn, không được thăng tiến, thất bại, thất học, cảm giác thua kém, nghiện ngập ma túy – đó chỉ là một số mũi xiên mà định mệnh công bằng có thể khiến bạn tổn thương một ngày, một tuần, một tháng, hay một năm.
Nhưng bạn có thể đối phó với bất kỳ nỗi ưu phiền nào, và thay đổi những tình cảnh đó trong đời bằng một hoàn cảnh tốt đẹp hơn, một khi bạn có thể thuyết phục chính mình rằng cuộc sống không bao giờ, và cũng sẽ không bao giờ là 365 ngày toàn nắng ấm, kem que, tiếng cười và âm nhạc. Tổng thống Kennedy đã nói: “Cuộc sống không công bằng. Chưa bao giờ như thế và sẽ không bao giờ như thế”. Ngay cả những người thành công nhất, những người được ngợi ca và tôn trọng nhất trên thế giới cũng đều đã phải vượt qua những chương thất bại và tuyệt vọng.
Vì sao tôi không mua một khẩu súng lục mà tự kết liễu? Vì tôi không đủ can đảm, có lẽ vậy. Ngay cả hành động tự sát đáng buồn cũng đòi hỏi một chút gì dũng cảm, còn tôi đã rơi xuống quá sâu, trong tình trạng tinh thần quá tồi tệ, đến mức thậm chí còn không thể tự chấm dứt nỗi thống khổ của chính mình.
Có điều khá tự nhiên là – sau tất cả những năm viết lách và thuyết giảng, đây là điều mà tôi đã lường trước – bất kể khi nào trả lời phỏng vấn trên báo chí, truyền thanh hay truyền hình, tôi đều được hỏi những câu giống như nhau, năm này qua năm khác. Bằng cách nào ông xoay chuyển được cuộc đời một cách tốt đẹp như vậy? Ông đã làm gì để vực mình dậy từ dưới đáy, trở thành người đứng đầu của một tạp chí quốc gia trong chưa đến mười năm? Từ đâu mà ông, từ chỗ một kẻ thua cuộc, chỉ học đến trung học thôi, lại có được sự khôn ngoan và kiến thức để viết được nhiều cuốn sách bán chạy đến vậy? Và ông đã học được bí mật thành công nào (họ cứ khăng khăng gọi đó là “những bí mật”) có thể giúp những người khác, những người đang cảm thấy chán nản, thất bại cũng vươn đến được một cuộc sống tốt đẹp hơn?
Hãy cùng tôi quay ngược thời gian…
Tôi được ban phước có một người mẹ gốc Ireland với khuôn mặt can trường lấm tấm tàn nhang, và cha là người Ý nhập cư làm việc chăm chỉ, người với khả năng làm vườn của mình đã giữ được cho gia đình không bị túng đói, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, kể cả trong những năm suy thoái. Mẹ tôi, bất chấp tình cảnh cận nghèo của gia đình, ấp ủ một ước mơ cho đứa con đầu lòng, và đã thuyết phục tôi, từ lâu trước cả khi tôi bắt đầu đi học, rằng một ngày nào đó tôi sẽ trở thành một nhà văn. “Và không chỉ một nhà văn đâu”, mẹ luôn giục giã nhắc nhở tôi, “mà là một nhà văn lớn!”.
Tôi mang trong mình ước mơ của mẹ. Việc trở thành một “nhà văn lớn” với tôi cũng ổn, và để làm vui lòng mẹ, ngay từ khi còn học tiểu học, tôi đã viết truyện ngắn và đọc những cuốn sách dành cho người lớn, trong khi những đứa trẻ khác còn vật lộn với những bài đọc thiếu nhi. Chúng tôi bám chắc vào giấc mơ của mình suốt khoảng thời gian ấy, và trong những năm cuối cấp ở trường Trung học Natick, Massachusetts, tôi tự hào biên tập tin tức cho tờ báo trường, tờ The Sassamon. Cuối cùng, sau nhiều tháng xem đi xét lại điểm số trên các cuốn giới thiệu của các trường đại học, mẹ và tôi quyết định trường báo chí tại Đại học Missouri sẽ là nơi tốt nhất cho tôi, và chúng tôi xúc tiến kế hoạch của mình. Trong buổi lễ tốt nghiệp trung học của tôi, tại rạp chiếu bóng duy nhất của thị trấn, bố mẹ tôi hãnh diện lắng nghe khi con trai họ được giới thiệu lên đọc bài phát biểu tự tay viết ra.
Hai tháng sau buổi lễ tốt nghiệp vào tháng Sáu năm 1940, một ngày nọ khi đang nấu bữa trưa trong căn bếp nhỏ nhà chúng tôi, trái tim yêu thương của mẹ bỗng ngừng đập, mẹ qua đời ngay trước mắt tôi. Đó cũng là cái kết cho ước mơ của chúng tôi. Thay vì theo học bất cứ trường đại học nào, tôi nhanh chóng nhập ngũ vào lực lượng không quân, với vai trò là một người cắt bom, thực hiện ba mươi chuyến bay làm nhiệm vụ chiến đấu với nhóm B-24 của Jimmy Stewart, nhóm 445.
Năm 1945, tôi trở về từ cuộc chiến, rất nhanh chóng phát hiện thấy rằng thị trường lao động quả thật rất chật hẹp đối với những người cắt bom chỉ có trong tay tấm bằng trung học. Tuy nhiên điều ấy cũng không gây nhiều lo lắng trong tôi. Tôi đã có được đôi cánh bạc trước khi đủ tuổi bỏ phiếu bầu cử, đó là chưa nói đến nhiều huy chương chiến đấu nữa, nên tin rằng mình có thể làm bất cứ việc gì.
Dù những buổi tiệc tùng ở London giữa những lần thực hiện nhiệm vụ đã làm tiêu tốn gần hết phần tiền lương sĩ quan không quân hằng tháng nhưng tôi vẫn còn hơn chín trăm đô-la để đến thành phố New York, sau khi rời không quân, và mạnh dạn thuê một căn hộ không có nước nóng ngay Quảng trường Thời đại. Rồi tôi ra ngoài, mua một chiếc Smith Corona xách tay cũ cùng một số vật dụng viết lách. Chưa phải là quá muộn để hoàn thành ước mơ của mẹ. Tôi vẫn có thể trở thành một nhà văn… một nhà văn lớn!
Nhưng tôi đã thất bại. Trong sáu tháng tiếp theo, sau khi bắt tay vào việc trong căn bếp đầy gián của mình, tôi đã ghé đến ít nhất năm mươi tạp chí có văn phòng ở cách nhà trong khoảng cách đi bộ được, nhưng không có nơi nào hứng thú với những gì tôi có. Tôi để lại những bản sao chép bài viết, truyện ngắn, vài bài thơ, thậm chí cả những tập giấy rời, nhưng người đưa thư chẳng bao giờ đưa đến cho tôi một tờ séc nào. Cuối cùng, khi những đồng tiết kiệm đã cạn kiệt, tôi một lần nữa từ bỏ ước mơ của hai mẹ con, quay trở lại Boston và xin vào Câu lạc bộ “52-20” của các cựu chiến binh, nơi trả cho các cựu chiến binh vinh dự xuất ngũ hai mươi đô-la mỗi tuần trong vòng năm mươi hai tuần. Cuối cùng, sau một loạt những cuộc phỏng vấn khó nhọc và dễ nản lòng, tôi được thuê làm thực tập sinh đại lý bảo hiểm cho một công ty quốc gia lớn. Họ đào tạo tôi trong bốn ngày, và sau đó thả tôi đến thị trấn ven biển Winthrop để làm việc như một đại lý thu phí bảo hiểm định kỳ, mỗi tuần đều đến các gia đình có mua bảo hiểm để thu phí. Không bao lâu sau, tôi kết hôn, mua một ngôi nhà cũ theo luật hỗ trợ phúc lợi cho cựu chiến binh – G.I.Bill. Cũng từ đó, bắt đầu mười năm khủng khiếp nhất trong đời tôi… với tôi và những người không may gần gũi nhất với tôi.
Tôi sớm nhận ra cái guồng quay mà mình đã bước lên kia chính là sự tra tấn. Tốc độ của tôi chưa bao giờ vượt được nhiều những người thu nợ khác, và bất chấp những giờ làm việc dài vất vả, việc trả tiền thế chấp hằng tháng vẫn là một thách thức quá to lớn. Tôi đi bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào, để cố gắng bán một hợp đồng, nhưng số hóa đơn vẫn nhiều hơn số tiền có thể trả. Thế rồi Chúa ban cho chúng tôi một cô con gái đáng yêu, tôi càng phải gắng sức hơn. Không ích gì! Ngay cả khi vợ tôi cuối cùng cũng đi làm trở lại, chúng tôi vẫn tiếp tục trượt sâu và sâu hơn nữa vào nợ nần.
Một đêm nọ, sau khi không chốt được với một khách hàng bảo hiểm tiềm năng, tôi ngừng lại ở một quán bar trên đường về nhà để uống một ly. Chúa biết tôi xứng đáng được ly này… phải nhỉ? Ngày hôm ấy đã quá dài và khó khăn, tôi vừa thất bại trong một hợp đồng mà mình đã đinh ninh là ăn chắc, đồng nghĩa với việc đánh mất hơn sáu mươi đô-la tiền hoa hồng ban đầu, số tiền mà tôi đang cần đến tuyệt vọng. Đường về nhà của tôi kéo thành hai... rồi bốn… rồi sáu… để rồi bằng những hành động không suy nghĩ của mình, kéo dài liền nhiều tháng, tôi phá hủy “được” tình yêu nơi hai người có ý nghĩa nhất với tôi trên thế giới này. Tôi khiến cuộc sống của họ, cả vợ và con gái tôi, thành địa ngục sống. Chẳng dễ chịu gì khi phải đối diện với một người say.
Cuối cùng, tôi phải trả giá cho hành động không thể tha thứ của mình. Một ngày Chủ nhật nọ, tôi về nhà sau một hội nghị bảo hiểm tổ chức ở Bretton Woods, New Hampshire, để thấy trên bàn bếp một lời nhắn vắn tắt. Vợ con tôi đã bỏ đi. Họ đã chịu đựng hết sức có thể từ người chồng, người cha đáng buồn này. Hai năm sau, tôi được thông báo vợ tôi đã đệ đơn xin ly hôn và giành quyền nuôi con của chúng tôi.
Có lẽ những gì xảy đến với tôi sau khi vợ và con gái bỏ đi là không quá bất ngờ. Bị đẩy khỏi những người duy nhất trên thế giới yêu thương mình, tôi tự than thân và say sưa cùng rượu cho đến khi không còn giữ nổi công việc của mình nữa. Không còn tiền tiêu, tôi đánh mất căn nhà, và một sáng nọ, phải vứt vài bộ đồ còn lại lên sau chiếc Falcon cũ kỹ màu đỏ rồi lên đường. Khoảnh khắc khi lái xe rời khỏi khu nhà của chúng tôi lần cuối cùng đó thật tồi tệ.
Trong vài tháng tiếp theo, tôi uống suốt dọc đường đất nước, làm bất cứ việc gì tìm được để cầm cự tồn tại và mua những chai rượu rẻ tiền. Tôi lái xe chở dầu ở Texas, tham gia vào một đội xây dựng ở Oklahoma, làm việc xếp dọn ki bowling ở Long Beach và phụ dọn bàn trong một nhà hàng Howard Johnson ở Columbus – một thằng nhóc phụ dọn bàn ba mươi lăm tuổi!
Tiếp tục ở Cleveland… là những tối say xỉn đến bị bắt giam, rồi cuối cùng, vào buổi sáng mưa lạnh đó, khẩu súng lục trong tiệm cầm đồ như vẫy gọi. Tôi không biết điều gì đã xảy ra bên ngoài cửa tiệm đó. Tôi không nghe thấy giọng nói nào, không tiếng đàn hạc ngân, cũng chẳng thấy bất kỳ tia sáng chói lòa nào rọi tới cứu vớt linh hồn. Tất cả những gì tôi nhớ được đó là tôi đã quay đi khỏi ô cửa sổ cửa tiệm cầm đồ, bước đi trên phố trong mưa, rồi lảo đảo bước vào một nơi nương náu ấm áp và khô ráo hoan nghênh mình… thư viện công cộng.
Sách, nhờ vào ảnh hưởng của mẹ, đã luôn là người bạn của tôi, và thế là tôi bắt đầu dành nhiều thời gian của mình, một lần nữa, ở nơi trú ẩn bình yên và tĩnh lặng này, tìm kiếm những câu trả lời. Tôi đã sai ở đâu? Tôi có thể làm gì với cuộc đời mình? Có phải đã quá muộn rồi không, với một kẻ thất bại nát rượu ba mươi lăm tuổi? Tôi biết có cách sống tốt hơn, nhưng thiên đường đó nằm nơi đâu, đi lối nào?
Những tháng tiếp theo, khi dạt về phía đông trên chiếc xe cũ kỹ cọc cạch, tôi dành nhiều thời gian nhất có thể giữa những công việc vặt vãnh để đến các thư viện địa phương, tìm kiếm, đọc, và suy ngẫm. Aristotle, Carlyle, Peale, Emerson, Franklin, Plato, Carnegie và một loạt những nhà thông thái khác đã trở thành những người đồng hành và những người thầy của tôi. Việc rượu chè của tôi dần giảm xuống thành thỉnh thoảng mới uống một chai bia, tôi mua một ít quần áo mới, và lòng tự trọng cũng bắt đầu trở lại dù tôi vẫn chưa tìm được công việc ổn định. Thế rồi, vào một buổi sáng tuyệt vời và rực rỡ, ở thư viện của New Hampshire, Concord, tôi khám phá ra cuốn sách thay đổi cuộc đời mình mãi mãi!
Success Through a Positive Mental Attitude 1 của W. Clement Stone và Napoleon Hill không giống với hầu hết những cuốn sách “thành công” khác thời đó, vốn hay hứa hẹn trên những trang bìa sặc sỡ rằng thay đổi thần diệu sẽ xuất hiện trong đời bạn, thường chỉ trong vòng ba mươi ngày, chỉ sau một lần đọc sách. Thông điệp của Stone và Hill rất rõ ràng: Bạn có thể đạt được bất cứ điều gì bạn mong muốn mà không mâu thuẫn với luật của Chúa hay của người, miễn là sẵn sàng trả giá. Hãy trả giá cho những ước mơ của bạn. Đó là sự khác biệt giữa cuốn sách này với những cuốn khác. Không có bữa ăn nào là miễn phí cả. Tôi đọc ngấu đọc nghiến, đọc đi rồi đọc lại không biết bao nhiêu lần, cho đến gần như thuộc lòng tất cả “những tư tưởng định hướng” ở cuối mỗi chương sách.
1 Sách đã được First News – Trí Việt phát hành với tựa Tư duy tích cực tạo thành công.
Thế rồi, Chúa Trời gửi tiếp một món quà khác nữa. Khi đang mày mò học hỏi từ cuốn sách tuyệt vời của Stone và Hill, tôi gặp một phụ nữ rất đặc biệt, và tôi yêu. Cô ấy truyền cho tôi nhiều cảm hứng đến nỗi cuối cùng tôi đã gom góp được đủ can đảm để chuyển đến Boston, nộp đơn xin việc làm nhân viên bán hàng tại công ty bảo hiểm New England của W. Clement Stone, gọi là Hearthstone Insurance. Trước sự bất ngờ của tôi, họ nhận, họ sẵn sàng mạo hiểm với một kẻ thua cuộc đã ba mươi lăm tuổi! Cũng chẳng bao lâu sau đó tôi kết hôn với Bette, chúng tôi vẫn ở bên nhau… và vẫn còn yêu nhau đến bây giờ.
Lần này, với sự đào tạo và động viên đúng cách, tôi trở thành một nhân viên bán hàng thành công ở Hearthstone, nhanh chóng mỗi tuần kiếm được nhiều tiền hơn hẳn trước đây. Trong vòng một năm, tôi được đề bạt lên làm quản lý kinh doanh khu vực Northern Maine. Tại đây tôi tuyển dụng một nhóm những thanh niên trẻ tuổi tham vọng và khát khao, nhiều người được tuyển ngay từ những nông trại trồng khoai tây, và nhanh chóng thu hút được sự quan tâm từ công ty toàn quốc bằng kết quả doanh số. Sau khi đã trượt dài quá lâu, tôi cảm thấy thật tuyệt vời, tôi thích thú trong vẻ vang và sự công nhận, nhưng… vẫn còn đó… ước mơ của mẹ và tôi vẫn luôn còn đó. Trở thành một nhà văn… một nhà văn lớn!
Cuối cùng, tôi đành chịu thua bản năng, xin nghỉ một tuần, thuê một chiếc máy đánh chữ và soạn một cuốn sổ tay về cách bán bảo hiểm tốt hơn cho những người sống ở vùng nông thôn, dựa trên các nguyên tắc thành công của W. Clement Stone. Sau khi viết đi viết lại nhiều lần, tôi gõ chỉn chu nhất có thể, đóng tất cả vào một bìa cứng màu nâu rồi gửi đến trụ sở chính của ông Stone ở Chicago, với hy vọng ai đó sẽ thật sự đọc sản phẩm của tôi và nhận ra có một cây bút tài năng đang chôn vùi ở nơi Bắc Maine này. Có người đã đọc thật… và vài tháng sau, tôi, Bette, cùng bé trai đầu lòng mới sinh của chúng tôi, chuyển đến Chicago, nơi tôi được chỉ định vào bộ phận thúc đẩy kinh doanh, chịu trách nhiệm viết nội dung cho những thông báo và những chương trình khích lệ. Cuối cùng, tôi đã viết!
Năm 1954, cùng với Napoleon Hill, W. Clement Stone thành lập một tạp chí mang tên Success Unlimited. Dù có khoảng vài ngàn người đăng ký mua những ấn phẩm định kỳ này, trong mười năm đầu xuất bản, tạp chí chủ yếu chỉ được dùng như là một tạp chí định kỳ trong cơ quan nội bộ của tập đoàn bảo hiểm Stone, mỗi số mỗi tháng đều đầy những bài viết dạng truyền động lực cùng với một bài kinh doanh, và thường là một bài xã luận nữa, do Stone viết. Sau khi làm việc ở bộ phận thúc đẩy kinh doanh gần hai năm, tôi được biết biên tập viên của Success Unlimited sắp nghỉ hưu. Vậy nên tôi nộp đơn vào vị trí này, dù còn không phân biệt nổi tờ bản thảo với cuộn giấy toilet. Tuy nhiên, sự thiếu kiến thức và kinh nghiệm của tôi được bù đắp bằng sự nhiệt tình và thái độ tinh thần tích cực mới có được, và trong buổi phỏng vấn, tôi đã thuyết phục thành công ông Stone trao cho mình công việc này. Og Mandino, tổng biên tập. Úi chà!
Rồi, tôi nhanh chóng nhận ra rằng miếng mình vừa cắn thật to, khó mà nuốt trôi. Vào thời điểm ấy, toàn bộ nhân viên của tạp chí chỉ là một thư ký bán thời gian và một người dàn trang. Và thế là một lần nữa, tôi trở lại với những giờ làm việc dài đằng đẵng để xốc dậy tờ tạp chí bé nhỏ của mình mỗi tháng. Tất cả những nỗ lực đó đều đáng giá. Sau mười năm, chúng tôi có được đội ngũ nhân viên năm mươi người, lượng phát hành tạp chí mỗi tháng tăng từ 2.000 lên 155.000, một tỷ lệ đầy hứa hẹn.
Trong năm vật lộn đầu tiên đó, một tháng nọ tôi bị thiếu bài cho đề tài đã định, và các bài viết có sẵn đều chẳng khiến tôi vừa ý. Việc này, khi nghĩ lại, chỉ là một ví dụ nữa (đời tôi có rất nhiều ví dụ như vậy) về việc Chúa đang thử thách tôi bằng cách di chuyển quân cờ của Người rồi ngồi lùi lại xem tôi xoay trở ra sao. Cho đến thời điểm đó, mỗi tháng tôi đều đã quá bận rộn với chỉ nội việc sắp xếp các đề tài cho số tiếp theo nên chẳng có lúc nào thử tự viết một bài báo cả. Tuy nhiên, khi nhận ra mình cần một bài báo, và cần nó ngay ngày hôm sau, nếu không sẽ trễ hạn in, tôi về nhà và viết cả đêm. Đối tượng trong bài viết của tôi là tay golf tuyệt vời Ben Hogan, người đã bị tai nạn xe cộ nghiêm trọng, tưởng chừng không qua khỏi, bị nói rằng sẽ chẳng bao giờ đi lại được nữa. Nhưng Hogan không chỉ đi lại được, anh còn trở lại một lần nữa thắng giải National Open! Một người đàn ông đặc biệt. Tôi đưa bài của mình lên xuất bản, và một lần nữa, định mệnh… hay sự trùng hợp ngẫu nhiên… Chúa lại ghé chơi.
Một người làm xuất bản ở New York bị đau răng nên phải đi nha sĩ. Trong lúc ở phòng chờ, người này thấy trên bàn nước tờ Success Unlimited có bài viết về Hogan của tôi. Ông ấy cầm nó lên, đọc, và khi về văn phòng tại Park Avenue South vào chiều hôm đó, đã viết cho tôi một lá thư. Thư này cơ bản cho hay rằng ông tin tôi có khả năng đáng chú ý, và nếu tôi quyết định viết một cuốn sách thì mong là tôi sẽ liên lạc với ông.
Mười tám tháng sau, Nhà xuất bản Frederick Fell xuất bản cuốn sách nhỏ của tôi với tựa đề The Greatest Salesman in the World. Hai mươi mốt năm sau đó, cuốn sách này trở thành cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại ở mảng sách kinh doanh trên toàn thế giới, với hơn mười triệu bản in bằng mười tám thứ tiếng!
Trong vòng bốn năm kể từ khi được xuất bản, doanh số bán ra của cuốn sách vượt mức 350.000 đối với các bản bìa cứng, và ở thời điểm đó, Bantam Books đang cân nhắc việc mua lại bản quyển với các ấn bản bìa mềm. Con số mà Fell đề nghị cho quyển này vượt ngoài tưởng tượng của tôi vào năm 1973: 350.000 đô-la. Tuy vậy, trước khi đồng ý với mức giá đó, các giám đốc điều hành của Bantam muốn gặp gỡ tác giả để tự họ đảm bảo được rằng có thể đẩy mạnh quảng cáo cho người này cùng với cuốn sách. Và thế là, với trái tim chỉ chực nhảy khỏi lồng ngực, tôi lên máy bay đi New York. Bette và tôi giờ đã có cậu con trai thứ hai, Matthew, tương lai gia đình đang lớn dần của chúng tôi chênh vênh cùng những lo lắng khi tôi theo thang máy lên phòng họp khổng lồ của nhà xuất bản trên Đại lộ số Năm. Khi cuối cùng cũng được dẫn vào căn phòng ốp gỗ đầy những người, đầu gối tôi run lẩy bẩy, còn giọng thì vỡ ra. Đi chiến đấu so ra còn dễ hơn nhiều.
Trong hơn một tiếng đồng hồ, tôi cố hết sức trả lời những câu hỏi mà các vị giám đốc điều hành của Bantam đặt ra; những câu hỏi về đủ mọi vấn đề, từ sự giáo dục mà tôi nhận được, hay không nhận được, cho đến những kế hoạch của tôi, đến những cuốn sách trong tương lai, nếu có. Tôi cố tự chủ cho đến khi Oscar Dystel, lúc đó là chủ tịch của Bantam, và cho đến nay vẫn là một người bạn của tôi, rời khỏi vị trí ở đầu chiếc bàn lớn, bước lại nơi tôi đang ngồi, cười toe, chìa tay ra bắt tay tôi thật chặt và nói: “Xin chúc mừng, Og, chúng tôi đã vừa mua cuốn sách của ông”. Không có bầu bán, không yêu cầu giơ tay biểu quyết, không thảo luận. Chỉ vậy thôi.
Tôi nôn nóng chờ đến khi xong xuôi hết tất cả những thủ tục và những cái bắt tay để được trở lại căn phòng của mình ở New York Hilton và gọi thông báo tin tốt lành cho Bette. Tôi gần như đã chạy ngay khi rời khỏi thang máy ở Bantam, nhưng chưa được quá bốn mươi lăm mét trên Đại lộ số Năm hối hả thì trời đột nhiên mưa như trút, một trận giông sét kinh khủng với những tiếng sấm đáng sợ dội xuống con đường trứ danh. Tôi không có áo mưa che chắn nên chạy thật nhanh lên các bậc thang lối vào bên trong ô cửa đang vẫy gọi gần nhất… của một ngôi nhà thờ dễ thương. Tôi ở đó một mình, những âm thanh duy nhất tôi nghe thấy là tiếng mưa trên mái, tiếng sấm rền từng hồi, tiếng còi xe, và tiếng đàn organ, hoặc bản thu âm tiếng đàn organ của bài Amazing Grace (Ân sủng tuyệt vời), vẳng lên từ dưới tầng hầm.
Việc đó mới xảy ra hôm qua thôi, tôi chắc chắn. Tôi vẫn có thể tái hiện lại sống động đến từng chi tiết những khoảnh khắc quý giá tiếp theo một cách rõ ràng. Tôi nhớ mình đã chầm chậm bước tới trước bệ thờ, quỳ gối xuống và thổn thức. Rồi tôi nắm chặt hai bàn tay, ngẩng đầu lên và khóc: “Mẹ ơi, dù mẹ đang ở nơi đâu, con cũng muốn mẹ biết rằng… chúng ta cuối cùng đã làm được!”.