Như vậy là chúng tôi biết bạn và từ nay chúng ta sẽ dành thời gian ở bên nhau, tôi đề nghị chúng ta nên dành thời gian với nhau ngay trong studio của tôi, nơi mà bọn nhóc nhà tôi gọi là “xưởng sản xuất chữ của bố”. Tôi sẽ ngồi nơi bàn viết của mình, chỗ quen thuộc của tôi, và trong những lần bạn ghé đến, bạn có thể thoải mái tựa lưng ở chiếc ghế bành đối diện với tôi.
Phần lớn thời gian tôi sẽ nói, còn bạn thì lắng nghe. Được chứ?
Bạn có còn nhớ lời khuyên của Henry David Thoreau trong tuyệt tác kinh điển Walden không? Ông ấy bảo rằng nếu ta phải xây các tòa lâu đài trong không khí, đừng lo lắng chúng sẽ tiêu tan, vì chúng đã được xây ở đúng nơi rồi đó. Sau đó, ông ta thúc giục chúng ta đặt nền móng bên dưới chúng.
Tôi sẽ chia sẻ với các bạn vài công cụ rất công hiệu chẳng những giúp bạn xây dựng những tòa lâu đài mà còn giúp kiến tạo nền móng bền vững cho chúng nữa. Bạn sắp được học cách biến những giấc mơ thành hiện thực. Nhưng… bạn phải lắng nghe với một tâm trí và trái tim rộng mở, sau đó phải chuẩn bị để hành động. Tất cả những tư tưởng cao quý, những kế hoạch lớn lao, và những “bí mật” để làm nên thành tựu trên thế giới này đều không có nhiều giá trị trừ khi, và cho đến khi, chúng được biến thành hành động. Phẩm giá của chúng ta được quyết định bởi những việc làm của chúng ta, không phải bởi những dự định đẹp đẽ.
Vài năm trước, nhân chuyến quảng bá sách vòng quanh cả nước, tôi xuất hiện trên một show truyền hình ở Houston. Ngay khi tôi ngồi vào ghế khách mời trên sân khấu và tiếng vỗ tay của khán giả lắng xuống, người dẫn chương trình Steve Edwards nhấc cuốn sách mới nhất của tôi lên và hỏi: “Og, cuốn sách mới này của anh sẽ giúp được gì cho tôi?”.
Một câu hỏi công bằng, nhưng tôi vẫn ngạc nhiên trước sự thẳng thắn của Steve. Không một ai, trên tất cả các chương trình ở khắp các thành phố, từng đập vào mặt tôi một câu như vậy. Tôi ngần ngừ giây lát, nghĩ xem nên nói thế nào, cuối cùng tôi cũng trả lời: “Thật sự thì không nhiều đâu, Steve. Cuối cùng nó cũng chỉ là một tập hợp của bột giấy, mực, hồ dán và sợi, và nếu anh mang nó về nhà tối nay, đọc hết từ mặt trước cho đến mặt sau, và thức dậy vào sáng mai với mong đợi cuộc sống của anh sẽ tốt lên một cách kỳ diệu, thì anh chỉ lãng phí cả thời gian lẫn tiền bạc mà thôi”.
Steve toét miệng cười và tựa lưng vào ghế, gần như biết trước điều gì sẽ diễn ra sau đó. Tôi tiếp tục giải thích với Steve và các khán giả về ba điều kiện cần thiết để lĩnh hội được hết các giá trị và lợi ích từ bất kỳ cuốn sách nào được dùng để giảng dạy, động viên hay truyền cảm hứng.
Trước tiên, bạn phải sẵn sàng thừa nhận rằng trong cuộc sống của chúng ta, chỉ có một hoặc vài mặt có thể tiến triển tốt đẹp, ví dụ như sự nghiệp, hôn nhân, mục tiêu, tài chính, lòng tự trọng, hạnh phúc, con cái… Cũng dễ hiểu thôi, vì không ai hoàn hảo cả. Cho dù ta có thể lừa người khác, nhưng tự sâu trong lòng ta vẫn biết rằng bản thân ta khiếm khuyết ở những mặt nào.
Bây giờ, khi đã chọn lọc được trong số những khía cạnh phù hợp trong đời sống của bạn, hãy đặt bản thân mình vào một khung thích hợp để dễ dàng tiếp thu những giá trị đầy đủ từ những cuốn sách tu thân bạn đang đọc, cho dù nó được viết bởi Peale, Gibran, Maltz, Hill, Stone… hay bởi Mandino. Bằng cách nào? Bằng cách chấp nhận khả năng rằng tác giả có lẽ chỉ có chút ít giá trị để chia sẻ với bạn, mặc cho anh ta hay cô ta đã trải qua nhiều năm học hỏi, trải nghiệm và quan sát. Tất nhiên điều đó không làm tổn thương gì đến uy tín của tác giả nếu chỉ có vài triệu người đọc cảm thấy hài lòng và dùng tác phẩm làm tài liệu tham khảo.
Còn một điều nữa, hãy nghiến chặt răng lại, nếu bạn thấy cần, và thừa nhận với bản thân rằng con đường mòn mà bạn đang bước đi để tìm kiếm hạnh phúc, thành công, sự giàu có, sự an tâm, hay bất cứ điều gì khác, dường như sẽ chẳng đưa bạn đến đâu cả, trong khi những trang đời của bạn cứ thế mà lật nhanh. Nếu bạn có thể sẵn lòng chấp nhận những gì đã xảy ra trong đời, nếu cách của bạn không có tác dụng, vậy hãy hỏi bản thân xem liệu bạn có mất gì không nếu nghe theo vài ý tưởng và đề xuất của Og, thứ mà có thể, chỉ có thể thôi nhé, cho phép bạn khám phá ra một cách sống tốt hơn cho bạn và cho những người mà bạn yêu thương.
Tôi muốn có một cam kết thật sự từ bạn, một lời hứa chân thành rằng bạn sẽ thực hiện các quy tắc mà tôi sắp chia sẻ. Không lời nói đãi bôi, không kiêu căng ngạo mạn. Hãy nhớ rằng không ai có thể tự mình làm tất. Tất cả chúng ta đều cần được giúp đỡ để phát triển, để hoàn thiện, để hồi phục sau tai ương. Không một ai có thể sống trơ trọi như hòn đảo giữa đại dương. Không ai có thể tự mình thành đạt, vậy nên hãy để tôi giúp bạn.
Có lẽ bạn sẽ không nhớ Lillian Roth vì lúc ấy bạn còn quá nhỏ, nhưng cô ấy từng là một nghệ sĩ tuyệt vời. Vài thập niên trước, cô ấy đã tự nhấn chìm sự nghiệp của mình trong biển rượu. Nhiều năm sau sự suy sụp bi thảm đó, câu chuyện hấp dẫn về cuộc chiến của Roth với rượu được kể lại sống động trong một cuốn sách và bộ phim có tựa đề I’ll Cry Tomorrow. Trong nhiều cuộc phỏng vấn sau này, hết lần này đến lần khác cô ấy thú nhận việc mình đã hoàn toàn bất lực thế nào để khắc phục vấn đề của bản thân cho đến khi có thể thốt lên những chữ: “Tôi cần được giúp đỡ!”.
Tất cả chúng ta đều cần được giúp đỡ! Không ai có thể tự mình làm tất. Trong các bài phát biểu của mình, tôi thường kể lại một phần câu chuyện ngụy tác nhưng đầy xúc động về Albert và Albrecht Durer mà người bạn quá cố đồng thời là cố vấn viên cũ của tôi, Louis Binstock, vị giáo sĩ tôn kính của Giáo đường Do Thái cách tân Shalom ở Chicago, đã chia sẻ với tôi cách đây nhiều năm.
Quay trở lại thế kỷ mười lăm, ở một ngôi làng nhỏ bé gần Nuremberg, có một gia đình với mười tám đứa con. Mười tám đứa! Nói đơn giản, chỉ để kiếm đủ thực phẩm cho đàn con này, thì người cha, vốn là một thợ kim hoàn lành nghề, phải lao động gần mười tám giờ một ngày, với công việc chính của mình cũng như bất kỳ công việc nào khác mà ông có thể tìm thấy trong khu vực lân cận. Tuy vậy, mặc cho hoàn cảnh vô vọng, hai người con lớn nhà Durer vẫn nuôi ước mơ theo đuổi nghệ thuật. Thế nhưng họ biết rất rõ rằng cha của họ sẽ không bao giờ có khả năng tài chính để gửi một trong hai người đến học viện ở Nuremberg.
Sau nhiều cuộc thảo luận thâu đêm trên chiếc giường chật chội, hai chàng trai cuối cùng đã thỏa thuận với nhau. Họ sẽ tung một đồng xu. Người thua cuộc sẽ đi đến các hầm mỏ gần đó làm việc kiếm tiền để nuôi người còn lại đi học. Sau bốn năm, người học xong sẽ phải bán các tác phẩm nghệ thuật, hoặc thậm chí phải làm việc trong hầm mỏ nếu cần, để nuôi trở lại người kia.
Họ tung đồng xu vào một sáng Chủ nhật sau khi đi lễ nhà thờ. Albrecht Durer giành chiến thắng và đi đến Nuremberg để học. Albert phải làm việc ở các hầm mỏ nguy hiểm để trang trải cho khoản tiền học cấp thiết của anh trai trong bốn năm. Các tác phẩm khắc a-xít, khắc gỗ và sơn dầu của Albrecht thậm chí còn xuất sắc hơn hầu hết các giáo sư của anh, và tính đến lúc tốt nghiệp thì anh đã kiếm được khoản thù lao đáng kể từ các tác phẩm của mình.
Khi Albrecht trở về làng, gia đình Durer tổ chức một buổi tiệc lớn mừng sự thành công của chàng họa sĩ trẻ. Sau bữa ăn thịnh soạn đầy tiếng cười và tiếng nhạc, Albrecht đứng lên nâng cốc về phía người em trai ở cuối bàn tỏ lòng biết ơn những năm tháng hy sinh thầm lặng giúp anh vun đắp cho hoài bão nghệ thuật. “Và bây giờ, Albert, em trai yêu quý của anh”, Albrecht trìu mến nói, “đã đến lúc em biến ước mơ của mình thành hiện thực rồi. Hãy đến Nuremberg, anh sẽ lo tiền học cho em”.
Tất cả mọi người đều quay về phía cuối bàn nơi góc phòng. Albert ngồi đó, nước mắt ràn rụa trên gương mặt gầy gò xanh xao, lắc đầu từ bên này sang bên kia trong khi anh ta khóc nức nở và lặp đi lặp lại: “Không… không… không…”.
Cuối cùng, Albert lau nước mắt đứng dậy, nhìn khắp lượt những người mà anh yêu thương, rồi đưa tay ôm mặt khẽ nói: “Ôi không anh ơi, đã muộn mất rồi. Em không thể đến Nuremberg được nữa. Hãy nhìn xem, những tháng năm ở hầm mỏ đã tàn phá đôi tay em. Mỗi ngón tay đều đã dập nát không dưới một lần, và gần đây tay phải em lại bị chứng thấp khớp hành hạ, đến nỗi không thể nâng ly chúc mừng anh thì làm sao có thể cầm cọ vẽ những đường nét tinh tế trên khung vải trắng. Anh ơi, đã quá muộn rồi…”.
Lịch sử đã lùi vào quá khứ hơn bốn trăm năm mươi năm, cho tới bây giờ, hàng trăm bức chân dung, tranh màu nước, tranh than chì, tranh khắc gỗ và khắc đồng... của Albrecht Durer đã được treo ở những Viện bảo tàng lớn nhất thế giới, nhưng có một tỷ lệ người rất lớn, ở đó bạn, giống như hầu hết mọi người, chỉ quen thuộc với một bức tranh duy nhất của Albrecht Durer. Không chỉ quen thuộc với nó, mà rất có thể bạn còn có một bản sao treo ở trong nhà hay văn phòng của bạn.
Người ta kể lại rằng vào một ngày nọ, để tỏ lòng biết ơn đức hy sinh cao cả của người em trai, Albrecht đã kiên trì tái hiện từng đường nét của đôi bàn tay không còn lành lặn áp vào nhau, với những ngón tay xương gầy hướng lên trời. Ông gọi bức tranh của mình đơn giản chỉ là “Hands”, nhưng cả thế giới ngay lập tức đón nhận kiệt tác nghệ thuật này và đổi tên cho món quà tình yêu ấy là “The Praying Hands”.
Nếu có dịp bạn được nhìn thấy bản sao của tác phẩm đầy xúc cảm này, hãy dành ít phút lắng hồn mình để tự nhủ rằng tác phẩm nghệ thuật ấy được kết tinh từ bàn tay không phải chỉ của một người.
Lần tiếp theo bạn nhìn thấy một bản sao của bức tranh đó, hãy nhìn thêm lần nữa. Hãy để đó là lời nhắc nhở cho bạn, nếu bạn vẫn cần nó, rằng không ai có thể tự mình làm mọi thứ!
Tất nhiên, bạn không phải cố gắng làm một mình. Cho dù đức tin của bạn là tuyệt vời hay gần như không tồn tại, bạn vẫn có đôi bàn tay cầu nguyện của riêng mình. Tất cả những gì bạn cần làm, bất cứ khi nào mọi thứ trở nên khó khăn, chỉ cần chạm hai lòng bàn tay vào nhau, mở rộng ngón tay, ngước mắt lên và nói: “Tôi cần sự giúp đỡ”. Tôi đã làm điều này ít nhất một ngàn lần trong đời tôi. Vậy kết quả như thế nào? Bạn có thể ngạc nhiên khi bạn phát hiện ra sự giúp đỡ gần gũi như thế nào nếu bạn yêu cầu nó.
Bây giờ, đã đến thời điểm dành cho bạn và tôi. Sẽ có sự giúp đỡ đặc biệt khác ở bên bạn, tin tôi đi, nhưng tôi thì bạn chỉ có một lúc thôi... vì vậy hãy tiếp tục đọc cuốn sách bổ ích này để thay đổi cuộc sống của bạn theo hướng trở nên tốt hơn.