Nào, trước khi bạn kiểm tra độ thoải mái của chiếc ghế cũ kia, hãy theo tôi đi vội một vòng căn phòng mà tôi đã tiêu tốn rất nhiều thời gian ở đây. Tôi muốn bạn cảm thấy hoàn toàn thoải mái với tôi, và có lẽ cách tốt nhất để đạt được điều đó là dẫn bạn đi tham quan một chút! Không gian lộn xộn nơi đây chứa đầy những quyển sách, đồ lưu niệm, những bức ảnh, vật kỷ niệm sau nhiều năm tháng của tôi. Hy vọng rằng sau khi trông thấy và chạm vào vài món lưu niệm của cuộc đời tôi, bạn sẽ bắt đầu coi tôi như một người bạn cũ tin cậy, và khi đó, dễ dàng chấp nhận những ý tưởng của tôi hơn.
Cẩn thận bước chân của bạn nhé. Ở đây có những chồng sách mới mà tôi mong sẽ đọc được hết trong vài tháng tới, cạnh chúng, trên thảm, là một số bản thảo sách mà các tác giả, bao gồm cả bạn bè tôi lẫn những người lạ, vừa gửi đến nhờ tôi viết lời nhận xét. Tôi gần như không thể từ chối họ, dẫu vậy, nếu không cẩn thận thì toàn bộ thời gian tỉnh táo của tôi có thể chẳng dành làm gì khác ngoài đọc bản thảo và viết những lời khen trên trang bìa.
Bạn thấy chồng giấy dài đang chất ở trên đấy chứ? Đó là bản in thử mà tôi mới nhận được của một cuốn sách mới có tựa đề là Impartial Judgment mà Jim Tunney, trọng tài Giải Bóng bầu dục Quốc gia, cũng là một người bạn cũ của tôi, đã viết. Tôi vừa gửi cho nhà xuất bản của anh lời giới thiệu của mình.
Không nhiều người, kể cả những người bạn thân nhất, được phép bước vào căn phòng này đâu nhé. Đúng rồi, bạn là người đặc biệt đấy. Tuy nhiên, nhiều năm trước, trong một buổi tiệc, Jim đã đứng ngay nơi mà bạn đang đứng bây giờ, nhìn chằm chằm vào bàn làm việc và máy đánh chữ của tôi với vẻ mặt kỳ lạ. Tôi bối rối, cuối cùng phải hỏi: “Anh Jim này, có chuyện gì sao?”.
Người đàn ông duy nhất từng cầm còi ba trận Super Bowls, với tất cả trách nhiệm và sức ép ghê gớm, chỉ lắc đầu và mỉm cười yếu ớt. “Không có gì đâu, Og”, anh gần như thì thầm. “Tôi đang nhặt nhạnh những xung động tích cực của việc được ở trong căn phòng đặc biệt này, nơi tất cả những nhân vật tuyệt vời mà anh viết ra đã có mặt ở đây. Ôi chao! Ngày nào đó… một ngày nào đó… tôi cũng sẽ viết cuốn sách của mình!”
Jim chưa bao giờ từ bỏ ước mơ. Tuy phải mất thời gian, nhưng “ngày nào đó” của anh ấy trông như thế này đây – ngày mà bản thảo cho cuốn sách của anh ấy, tôi chắc chắn, sẽ bán rất chạy.
Như bạn có thể thấy, những bức tường, rèm cửa, màn, thảm và nệm ghế trong căn phòng này, nằm ở góc tây nam ngôi nhà tôi, tất cả đều có màu nâu vàng, nâu và đen. Khi cố gắng giúp tôi lựa chọn màu sắc, Bette, vợ tôi, đã nói thật ra chọn màu gì cho căn phòng này không quan trọng, bởi cô ấy biết chẳng mấy chốc toàn bộ không gian của tôi đều sẽ được che phủ bởi những món đồ kỷ niệm, kiểu này hay kiểu khác. Và bạn cũng thấy rồi đấy, vợ tôi nói đúng.
Nơi mà tôi gọi là phòng làm việc của mình đây, ở cạnh bên bếp, diện tích chỉ khoảng 3,65 x 5,8 mét. Bất cứ khi nào cảm thấy chật chội, tôi lại tự nhắc nhở mình rằng toàn bộ diện tích bên trong ngôi nhà mà tác giả yêu thích của tôi, Thoreau, xây dựng gần hồ Walden chỉ vỏn vẹn có 3 x 4,6 mét, và ông chưa bao giờ phàn nàn về chuyện thiếu không gian cả.
Bức tường nằm bên trái khi bạn bước vào phòng là nơi để “khoe khoang” của tôi đấy. Đến cả chị lau dọn cũng tránh khỏi căn phòng này (do được yêu cầu), nên tôi không ngượng lắm về sự bày vẽ phô trương mà bạn đang thấy đâu. Thực ra, tôi rất tự hào về tất cả những thứ đang treo trên đó. Đây là tấm huy chương vàng Napoleon Hill mà tôi nhận được hồi năm 1983 nhờ thành tích văn chương, cạnh đó là tấm bản đồng dễ thương mà tôi được trao khi trở thành người thứ mười ba được giới thiệu vào Sảnh Danh vọng của những Diễn giả Quốc tế một năm sau đó. Bên dưới chúng, như bạn thấy, là một ảnh ghép lớn mà Bette đã làm từ hơn bốn mươi tấm ảnh gia đình, tất cả vừa vặn với nhau thành một bức ảnh đáng yêu ghi dấu những năm tháng trôi qua. Tôi đã treo nó ở văn phòng của mình tại Chicago trong những năm tôi phụ trách tạp chí Success Unlimited.
Đi dọc tiếp căn phòng, tôi chắc chắn bạn nhận ra hầu hết những người trong các bức ảnh có chữ ký được đóng khung là Jimmy Stewart, Norman Vincent Peale, Michael Jackson, Joey Bishop, Frank Gifford, Rudy Vallee. Art Linkletter, Chuck Percy. Robert Cummings, Colonel Harland Sanders, Ed Sullivan, W. Clement Stone và Napoleon Hill. Một tập hợp thật thú vị!
Trang bìa tờ Saturday Evening Post 1919, với hình ảnh một tay golf lẻn ra khỏi văn phòng của anh ta cùng gậy golf đeo trên vai do con trai lớn của tôi, Dana, tặng và bên dưới là các chứng nhận lộng khung chứng nhận tôi có trong danh sách Who’s Who in America 1 và Who’s Who in the World, cũng như tư cách hội viên tại Tổ chức những Người tuyệt vời, tham gia Thư viện Nguồn Nhân lực của Hiệp hội Nghiên cứu Di sản Hoa Kỳ và Giải thưởng Xuất sắc của Hiệp hội Diễn giả Quốc gia, phần thưởng danh giá nhất mà hiệp hội dành cho các diễn giả.
1 Sách dạng từ điển tiểu sử các nhân vật nổi tiếng của Mỹ.
Tuy nhiên, giải thưởng vô giá và quan trọng nhất được trưng bày trên bức tường này phải kể đến là bức tranh được đóng khung kèm với thư của con trai út của tôi, Matt, hồi thằng bé học lớp hai, mười lăm năm về trước. Bằng nét chữ in to, như bạn có thể thấy, từ BỐ TÔI được viết trên tấm bìa màu vàng sẫm, bên dưới đó là hình vẽ một người đàn ông đội mũ bóng chày, đeo một chiếc găng lớn và cạnh chân là một chiếc chày. Tất cả được đặt trên một chiếc bệ có ghi: “Giải thưởng Người cha Danh giá nhất, từ con trai, thuộc về ông Mandino”. Bức thư nằm bên phải bức vẽ viết như sau:
Người cha Danh giá nhất
Bố được bầu chọn cho giải thưởng này bởi đã chơi bắt bóng cùng con khi anh trai con không chơi được. Bố là một vận động viên khá tốt ở độ tuổi năm mươi của mình. Bố từng trèo qua hàng rào cao gần hai mét để vào chơi bóng chày với con trong sân. Và bố đã lấy một quả bóng chày xuống từ trên mái nhà. Một lần, con cố gắng thả cho diều bay lên nhưng không thể làm được, nên khi bố về nhà, bố thả nó bay cao đến nỗi vướng cả vào dây cáp điện thoại. Con không biết mọi người nghĩ thế nào nhưng con nghĩ bố là tuyệt vời nhất.
Matt
Dán giữa bức tranh và lá thư ấy là một chiếc ruy băng Giải thưởng Xuất sắc từ giáo viên của Matt. Khi Matt đem nó về nhà và khoe với tôi, tôi không thể tự hào hơn được nữa. Tôi ôm con và tôi nghĩ mình đã rơi nước mắt một chút, điều đó khiến thằng bé bất ngờ.
Trên chiếc tủ sách thấp này, dưới tất cả những bức ảnh và giải thưởng đó, là những chiếc hộp hơn ba mươi năm tuổi đời đựng ảnh chụp, những tấm phim, những cuốn album, cộng thêm vài chiếc máy ảnh, còn trên sàn là một chồng khác – những giải thưởng và trích dẫn đóng khung được trao tặng đầy thương yêu từ các nhóm và hiệp hội mà gần đây tôi đã đến nói chuyện. Bạn cũng thấy đấy, chẳng còn chỗ trống nào trên tường nữa cả, nhưng không hiểu thế nào mà tôi không thể tự mình dẹp chúng đi được.
Chiếc tủ sách ba ngăn nằm ở góc thì xếp đầy những cuốn sách về cuộc đời của Chúa Jesus. Nó chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ xíu trong số tất cả những sách mà tôi đã đọc trong vòng mười năm nghiên cứu để cuối cùng viết nên tác phẩm The Christ Commission. Đây là cuốn sách khó nhất mà tôi từng viết. Tôi sẽ mãi mãi biết ơn United Press International vì những lời ca ngợi “một trong những cách đặt vấn đề mới mẻ và độc đáo nhất đến tâm hồn Cơ Đốc giáo được viết ra từ rất lâu nay”.
Hai chiếc tủ tài liệu trong góc kia từng chứa, ngoài nhiều thứ khác, bản gốc của tất cả bản thảo sách của tôi; nhưng tôi cuối cùng cũng thông minh lên rồi, nên chúng giờ đã được cất trong hầm. Kê sát bậu cửa sổ ở bức tường phía nam này là một chiếc bàn dài, thấp, mà lúc này đang có một chiếc thùng các-tông tôi định cho vào gara xe được đặt trên ấy, đựng những tờ báo và mẩu báo cũ viết về tôi, một quả địa cầu mà tôi thích thắp sáng lên, hai bức tranh phong cảnh nhỏ vẽ sơn dầu từ những người bạn, một album LP chưa mở, I Can Hear It Now/The Sixties, do Walter Cronkite thuật lại, nhiều ảnh màu phóng to chụp Matt và bố trên sân golf, một tấm ảnh màu của em trai tôi, Silvio, trong bộ đồng phục, yêu thương đề tặng “Gửi anh Og, sĩ quan chỉ huy yêu thích nhất của em”, một quyển Kinh Thánh lớn, và nhiều cuộn băng cát-sét mà các diễn giả đồng nghiệp gửi đến nhờ phê bình.
Treo trên bức tường đó, cạnh cửa sổ, là tấm ảnh chụp tôi cùng phi hành đoàn B-24 của mình trước khi bắt đầu trận đánh cam go ba mươi sứ mệnh ở nước Đức hồi năm 1943, giấy chứng nhận thăng cấp cho tôi lên hàm trung úy, tấm bản đồng ba chiều bức vẽ “The Praying Hands” của Durer, một cuộn giấy bạc lớn cần được đánh sáng, chạm trổ tặng Og Mandino từ Câu lạc bộ Điều hành và Nhân viên kinh doanh Guadalajara, một bức ảnh có chữ ký thật của Charles Lindbergh, người hùng đầu tiên của tôi, tạo dáng bên cạnh chiếc máy bay của ông, chiếc The Spirit of St. Louis, và một tấm thư pháp trên giấy da kiểu cổ, được đóng khung “The Salesman’s Prayer” từ cuốn sách The Greatest Salesman in the World.
Không, tôi không sở hữu chiếc máy xử lý văn bản nào cả, chưa. Chính chiếc IBM cổ đời 1965 trên bàn là thứ được dùng để gõ ra toàn bộ mười ba cuốn sách của tôi, dù thật ra bản thảo đầu tiên của cuốn Greatest Salesman năm 1966 đã được viết trên một chiếc Olivetti xách tay, mà tôi vẫn còn giữ cho đến giờ, trước khi tiết kiệm đủ tiền để mua chiếc Selectric cũ này.
Đặt trên bàn làm việc của tôi là một bản sao chép bức tranh không có khung bức Chúa Jesus của Ralph Pallet Coleman. Đây là món quà mà tôi nhận được mười lăm năm trước từ giáo sĩ của Bệnh viện Scottsdale Memorial. Bạn hãy lưu ý đến tư thế đặt tay trên bàn của Chúa Jesus, bàn tay siết lại như thể một vị chủ tịch hội đồng quản trị đang yêu cầu họp. Tôi viết vào buổi tối, thường là từ mười giờ đêm đến rạng sáng, và trong nhiều năm, tôi luôn đặt nhẹ lòng bàn tay mình lên gương mặt của Chúa mỗi khi xong việc, thầm thì: “Chúc ngủ ngon, thưa sếp” trước khi tắt đèn.
Được dán bằng băng dính trong lên tường phía trên bàn làm việc của tôi là một dải ảnh của Matt và Dana làm mặt xấu khi còn nhỏ, một tấm ảnh Polaroid chụp Dana và cô vợ đáng yêu, Carole, cùng hai đứa con, Danielle và Ryan, những đứa trẻ mà tôi yêu tha thiết, một đồng bạc một peso Mexico đúc màu đẹp tuyệt mà bây giờ có giá trị khoảng 1/2.500 đô-la, một lá thư cảm ơn gửi đến Mẹ và Bố mà Matt đã viết khi rời nhà để chuyển vào ký túc xá Đại học Bang Arizona, và một lá thư từ Bette mà tôi thấy đặt trên chiếc máy đánh chữ của mình vào một sáng nọ, sau nhiều ngày đêm vật vã khổ sở bởi không đạt được nhiều tiến triển viết lách. Vâng, tất nhiên bạn có thể đọc nó chứ. Tôi đã nói trước với vợ tôi rồi.
18/1/1980
Chào anh!
Em yêu anh!
Anh đừng buồn nhé. Ngày hôm qua chỉ là một cách mà Người nói với anh rằng Người muốn anh thử một cách làm khác mà thôi.
Hãy thư giãn. Người sẽ cho một tấm bản đồ với đường đi rất rõ ràng. Anh không phải là vấn đề duy nhất của Người.
Hãy giữ vững niềm tin… Người sẽ sớm trở lại với anh.
Người chưa từng khiến chúng ta thất vọng… anh đừng bắt đầu hồ nghi về Người.
Một ngày tuyệt vời anh nhé.
Betsie của anh
Với sự động viên như thế, thật khó mà tôi thất bại cho được.
Đúng, tôi biết chứ, rằng chiếc giỏ “Nhận” trên góc trái bàn của tôi đang chất đầy những lá thư. Luôn là như thế. Trung bình tôi có gần một trăm lá thư được độc giả gửi đến mỗi tuần. Tôi tự mình trả lời từng lá một, kể cả khi đó chỉ là vài dòng ngắn ngủi cảm ơn những lời tốt đẹp mà người ta gửi đến cho tôi. Tôi luôn cảm thấy rằng nếu ai đó đủ quan tâm để viết thư gửi cho tôi, thì họ xứng đáng nhận được câu trả lời từ tôi, từ chính tôi chứ không phải từ thư ký, và chắc chắn không phải là một lá thư hình thức theo mẫu có sẵn. Tôi luôn cảm thấy hài lòng sâu sắc khi đọc những lá thư này, dù cũng có những lá thư làm trái tim tôi đau nhói, khi rất nhiều con người đáng mến của Chúa mô tả lại sống động và chân thực rằng họ đã chìm sâu đến thế nào trước khi một trong những cuốn sách của tôi xuất hiện trong đời họ, và giúp xoay chuyển mọi thứ quanh họ. Tôi lưu giữ mọi lá thư quý giá. Chúng được xếp đầy trong những thùng các-tông để trong nhà xe. Tôi thế đấy, cứ giữ đủ mọi thứ linh tinh.
Trên bàn làm việc cũng để những tập hồ sơ chứa đựng thông tin cho nhiều bài phát biểu tiếp theo của tôi… ở New York, Seattle, Boston, Mexico City, Toronto, Dallas. Tôi đặt giới hạn cho mình chỉ phát biểu hai lần mỗi tháng, cố gắng mỗi hai năm lại gửi được một cuốn sách mới đến nhà xuất bản. Phần thời gian còn lại, tôi đi ngửi mùi hương hoa hồng… tôi sẽ chỉ cho bạn thấy chúng sau, ở sân sau nhà ấy. Rất nhiều.
Trước mặt tôi trên chiếc bàn này là tấm ảnh cưới in mực sepia nâu đen chụp cha mẹ yêu quý của tôi, bức tượng gốm cao khoảng ba tấc mà Bette đã làm, là một anh chàng nhỏ mặc đồng phục bóng chày có chữ CHICKS trên ngực áo – chữ CHICKS đó là tên đội bóng Little League đầu tiên của Matt, một chiếc Rolodex, một cuốn lịch lớn có ghi cả các cuộc hẹn gặp lẫn hẹn phát biểu của tôi chủ yếu trong năm nay và cả một số của năm sau nữa, vài cuốn sổ tay, một danh sách NHỮNG VIỆC LÀM TRONG HÔM NAY, những thẻ tài liệu ở khắp mọi nơi, một chiếc điện thoại có máy trả lời tự động Cobra, một tấm ảnh Dana đang huấn luyện đội bóng đá trẻ, và một bức ảnh Matt đang huấn luyện đội vô địch Little League năm 1987 của mình.
Bên cạnh máy đánh chữ của tôi là một chiếc máy ghi âm nhỏ và một xấp giấy trắng để đánh máy. Tôi dùng đến hơn bốn ngàn tờ trước khi hoàn thành một cuốn sách – cũng khiến sọt rác của mình đầy lên không biết bao nhiêu lần. Ngoài ra, cũng dành cho công việc của tôi, mọi lúc, là hai cuốn từ điển Webster’s New Collegiate Dictionary và từ điển đồng nghĩa Roget’s Thesaurus. Bức tường phía Tây sau lưng tôi khi ngồi viết, bên dưới khung cửa sổ duy nhất của nó là một tủ sách khác xếp đầy những cuốn sách tham khảo mà tôi thường dùng đến, chẳng hạn như A Manual of Style của Đại học Chicago, The New Dictionary of Thoughts, Great Treasury of Western Thought của Adler và Van Doren, The Elements of Style của Strunk và White, và The Timetables of History. Trên sàn nhà là vài cuốn niên giám điện thoại và hai chiếc cặp của tôi, mà chiếc lớn hơn tôi chỉ dùng khi đi đâu đó trong thời gian đang viết một cuốn sách.
Ở góc bên trái tôi là một chiếc ghế bành đã cũ mà Slippers luôn nằm mỗi khi tôi ngồi làm việc với chiếc máy đánh chữ này. Nó là chú chó săn chân lùn yêu quý. Tôi nhớ nó rất nhiều, kể cả khi nó mất đã được gần hai năm. Đúng rồi, cục xương ngày xưa của nó vẫn còn trên đệm ghế đó.
Những cuốn sách, năm hàng cao, che kín bức tường phía Bắc và cuối cùng của căn phòng này, với đủ mọi đề tài từ tôn giáo cho đến động lực sống, từ đầu tư cho đến sức khỏe tinh thần. Nóc của chiếc tủ sách dài này qua nhiều năm đã trở thành nơi cất chứa hàng trăm món đồ ý nghĩa đối với tôi. Tôi sẽ chỉ ra vài món nhé. Này là bản tạp chí Success Unlimited số đầu tiên mà tôi biên tập vào năm 1965, cạnh đó là bức tranh sơn dầu không đóng khung mà một tù nhân vẽ lại sự tưởng tượng của anh ta về Simon Potter, người hùng nhặt giẻ rách trong cuốn sách The Greatest Miracle in the World. Đây là đôi giày nhỏ xíu ngày xưa của Dana, cạnh đó là đôi dép da nhỏ mà Matt từng mang khi bốn tuổi. Đây là ảnh chụp tôi đang được cắt tóc khi ký sách ở một cửa hàng sách ở Fairhope, Alabama, hộ chiếu cũ của tôi, một chiếc phù hiệu đã xỉn màu, một tấm thẻ ra vào năm 1984 giải golf Skins Game đầu tiên tại Câu lạc bộ Desert Highlands Country, chiếc răng sữa đầu tiên của Matt mà cô tiên răng đã đổi bằng một đồng 25 xu, thẻ tên để ra vào vô số hội nghị mà tôi đã đến nói chuyện, một chiếc gậy cán rời được sử dụng trong giải bóng chày Little League, tấm ảnh màu chụp một công viên xinh xắn ở thành phố Guatemala nơi tôi đã đến nói chuyện với một nhóm đông nghẹt người nhiều năm trước, một tin nhắn đáng yêu gửi đến tôi từ một cô gái trẻ là fan của tôi, cô ấy sau đã mất vì bệnh bạch cầu, một thư mời đến bữa tiệc sinh nhật lần thứ tám mươi của W. Clement Stone, tấm ảnh của một nữ tu xinh đẹp và dễ mến, xơ Maria Bernardo, ôm tôi khi tôi đến ký tặng sách tại một hiệu sách ở Manila, vài cuốn Kinh Thánh nhỏ, những nhánh phong lữ bằng nhựa tiếp tục được gửi đến từ những người cảm động với cuốn The Greatest Miracle in the World, một biển đăng ký xe của bang Michigan có chữ SUCCES, những tấm thiệp mừng Ngày của Cha từ hai con trai tôi, một huy hiệu kỷ niệm của lễ hội thường niên Glenn Miller lần thứ mười ở Clarinda, Iowa, một tuyên cáo từ thị trưởng Lima, Ohio, tuyên bố ngày 27 tháng Bảy năm 1981 là ngày Og Mandino, một chiếc kính lập thể cũ, hai quả bóng của hai máy đánh chữ IBM, nay đã hỏng, nhưng đã gõ ra mười một cuốn sách đầu tiên của tôi, một cuốn album lưu niệm ép hoa khô từ Holy Land, và nhiều hình ảnh khác của gia đình tôi. Cũng treo trên bức tường đó, lên đến tận trần, là những chiếc cúp, bản đồng và những chứng nhận giải thưởng, bao gồm Giải thưởng Chất lượng Quốc gia cho sự xuất sắc trong nghề bảo hiểm, ngành bảo hiểm nhân thọ (Chúa giúp tôi!) năm 1954.
Phía trước chỗ bạn sẽ ngồi là một chiếc bàn chất đầy những chồng sách, băng video, và hàng chục cuộn phim Super-8 mà tôi đã quay trong suốt hai mươi năm qua, và đang từ từ chỉnh sửa để chuyển sang băng video. Vấn đề duy nhất là tôi không thể tự mình bỏ đi được bao nhiêu cảnh trong bất cứ cuộn băng nào, bởi tất cả chúng đều chứa đựng những kỷ niệm quý giá mà tôi không muốn bỏ vào thùng rác. Do đó, thư viện băng đĩa gia đình mà chúng tôi đang có khá là đồ sộ. Bên dưới tất cả những cuộn phim, bản thân chiếc bàn là một bàn cờ vua to và ấn tượng với những ô gỗ đổ chìm mà Matt đã khéo léo tạo nên khi còn học năm đầu tiên ở trường trung học. Chiếc bàn xứng đáng có được một vị trí tốt hơn nhiều thế này.
Bên tay trái của bạn, gần cửa ra vào, là thêm nhiều tấm bản đồng khác và một bản lộng khung bài viết chia tay của tôi trên tờ Success Unlimited khi tôi thông báo nghỉ hưu, vào năm 1976, ở tuổi năm mươi hai, để chỉ “giải lao”. Buồn cười lắm! Kể từ đó, tôi đã thực hiện hơn bốn trăm bài phát biểu ở mười bốn quốc gia, viết tám cuốn sách, và đã dùng đến bộ gậy golf thứ ba.
Bạn có thấy tấm ảnh Polaroid được đóng khung ở gần cửa vào này không? Nó không chỉ có một vị trí rất quan trọng trên bức tường mà còn cả trong trái tim tôi nữa. Nhiều năm trước, tôi nhận được một lá thư từ một người mẹ quẫn trí viết rằng con trai nhỏ của bà đang chết dần chết mòn vì căn bệnh ung thư não, chỉ còn sống thêm được vài tháng nữa. Chàng trai này khi ấy vừa đọc xong cuốn The Gift of Acabar mà tôi là đồng tác giả với Buddy Kaye, đã hỏi mẹ mình rằng liệu bà có thể mua cho cậu vài cuốn sách ấy để gửi tặng cho mười hai người bạn thân nhất của cậu, “để họ sẽ mãi nhớ về cậu” hay không. Người mẹ viết thư cho tôi hỏi rằng… nếu bà gửi những cuốn sách đó cho tôi, liệu tôi có thể ký tên tặng cho những người bạn của con bà. Và sau đó cả Dougy cũng ký tên lên sách trước khi phân phát cho họ.
Tôi trả lời thư ngay lập tức. Tất cả những gì tôi muốn là những cái tên, và tôi sẽ lo hết phần còn lại. Tôi đã làm như vậy. Đó là một món quà nhỏ gửi đến một chàng trẻ tuổi dũng cảm.
The Gift of Acabar, nếu bạn vẫn chưa đọc cuốn sách này, thì đó là câu chuyện về một cậu bé tàn tật ở Lapland, trong những ngày tháng tối tăm dài đằng đẵng của mùa đông, đã làm một con diều thật to màu đỏ và thả nó bay cao lên trời để níu một ngôi sao xuống mặt đất, thắp sáng ngôi làng nghèo khó của mình. Cậu đã thành công… và ngôi sao nọ, tên là Acabar, đã nói chuyện với cậu và dạy cậu nhiều điều về cuộc sống trước khi về lại trời, theo một cách đặc biệt, khi mặt trời ló dạng trở lại vào mùa xuân.
Dougy, Chúa phù hộ cậu ấy, thần kỳ sống được thêm gần hai năm so với dự kiến ban đầu. Nhưng rồi một ngày nọ, người mẹ gửi tới lá thư mà tôi đã lo sợ từ lâu, cùng với đó chính là tấm ảnh Polaroid này, chụp lại tấm bia bé nhỏ của cậu. Cạnh bên tấm bia ấy là một sợi dây tối màu cuộn lại, kéo cao lên phía trên ngôi mộ, và ở trên đầu của sợi dây là một con diều đỏ… con diều quấn lấy một ngôi sao!
Tôi thật là một người may mắn, việc có thể ngồi bên chiếc máy đánh chữ này mà chạm được đến trái tim của những người như Dougy thật sự là một phép màu mà bất cứ khi nào ngẫm nghĩ lâu tôi đều thấy sợ hãi, ngay cả ở cái tuổi này.
Cuối cùng, còn có một tấm tranh vải chăng ngay bên dưới công tắc đèn, là của Bette đã tặng cho tôi từ hồi lâu. Cho đến giờ tôi vẫn thích ngụ ý của nó: “Chúa ban cho tôi lòng kiên nhẫn… và tôi muốn nó ngay bây giờ!”.
Bạn đã cảm thấy thoải mái như ở nhà hơn chưa?
Tốt. Vậy hãy ngồi xuống đi, tháo giày, và dựa ghế cho thoải mái. Để tôi giúp bạn…