Từ ngày bố phải nằm viện, hôm nào vợ chồng mình cũng tất ta tất tưởi. Việc cơ quan, việc dự án, việc nhà cửa, rồi tranh thủ tối đa thời gian chăm chút bố. Sáng sớm tinh sương hay đêm tối bịt bùng, vợ chồng thay nhau vào ra bệnh viện. Từ nhà đến viện dễ chừng hơn chục cây số, đường sá nội thành vòng vèo nhiêu khê. Sợ tốn tiền, Áo vàng đòi đi xe máy để tiết kiệm, mình phải lừ mắt mấy bận mới chịu leo lên xe taxi đi cùng.
Bước chân vào bệnh viện, gặp muôn nỗi trần ai, mới thấm thía câu “Đời là bể khổ”. Thương xót lòng những bệnh nhân oằn mình chịu đau trên vô số những chiếc giường rải khắp hành lang. Đồng cảm xót xa với nỗi héo hắt phờ phạc trên gương mặt khắc khổ của những người đi chăm bệnh nhân. Chia sớt sự cảm thông với áp lực của những y, bác sỹ chữa bệnh cho đa phần những thân phận bệnh nhân nghèo trong điều kiện trăm bề khó khăn thiếu thốn.
Thế nhưng ngoài những nỗi niềm trở trăn thắt the như thế, mình cũng có được vô số những trải nghiệm mà chỉ những dịp “sống chậm” thế này mới thấm.
Bài học đầu tiên cần nhớ khi đi xe taxi là phải nói rõ lịch trình đi. Đi đường nào, rẽ đường nào phải thật cụ thể. Hễ hôm nào quên không nói là y như rằng tiền xe tăng vọt. Chả hiểu sao các lái xe taxi luôn rất tài ba trong việc: Tìm ra đường đi xa nhất. Áo vàng có vẻ căng thẳng, luôn miệng nói: Em chịu thôi, em đi một mình là không nhớ sẽ nói phải nói với lái xe thế nào. Nhẽ chừng anh phải ghi lộ trình ra tờ giấy cho em, lên xe em cầm giấy đọc. Mình thủng thẳng bảo: Thấy em cầm giấy căng mắt đọc, lái xe tưởng em là người mới ở quê lên, càng đi vòng xa hơn, rồi có khi đến trưa chẳng đến được bệnh viện. Áo vàng mặt mũi nhớn nhác. Gớm, có đi quanh Hà Nội mà tưởng như khó hơn cả những lần sang thăm con.
Đi trên xe vào buổi sáng sớm hay đêm thật khuya, mình cũng được dịp ngắm phố xá thanh sạch, thứ hiếm hoi đến xa xỉ ở Hà Nội thời buổi nhiễu loạn này. Mấy hôm nghỉ lễ mới thật là “thoải con gà mái”. Bầu trời xanh, dịu dàng, người xe cũng lướt nhè nhẹ điệu đàng. Mấy cô, mấy chị được dịp cởi bỏ khẩu trang khoe mắt môi với vòng một phập phòm trong dáng vẻ hồi xuân nưng nức...
Mình cũng thuộc ngóc ngách các hàng quán trước cửa bệnh viện. Quán ăn nào tàm tạm sạch, quán nào cương quyết gạt ra khỏi danh sách. Có hôm, mình với Áo vàng cùng cô cháu gái uể oải vào một quán cơm. Bước qua cái nhà vệ sinh tanh ngòm đang chất đống bát đĩa bẩn, xung quanh là cơ man rác, mình đã thoáng rùng mình. Mình gọi hai suất cơm cho hai bác cháu và hai… củ khoai luộc cho Áo vàng. Vừa ăn vừa trợn mắt như chừng không nuốt nổi. Xung quanh toàn những người nhà bệnh nhân và có cả bệnh nhân đang cắm cúi ăn. Giấy rác ngập nền nhà. Mình nghe thốn nghẹn nơi tim, thương phận người bọt bèo quá đỗi. Đã bệnh tật yếu đau mà hàng ngày phải ăn những đồ ăn như thế này thì biết đến bao giờ cho khỏi bệnh. Cạnh bàn ăn, thấy bảng đề cho thuê phòng trọ. Cạnh đó là vài ba cái phản và đống chăn gối cáu bẩn. Chắc buổi tối, họ sẽ lau chùi nền nhà rồi ngả phản ra làm chỗ ngủ cho những người nhà đi chăm người bệnh. Mình nuốt đánh ực miếng cơm, thấy lòng nghẹn đắng.
Mình cũng thuộc lòng cả mấy hàng cháo để mua cho bố, biết chỗ nào cháo sạch, sánh. Đôi khi cầm bát cháo trên tay, lại lẩn mẩn nghĩ, hồi bố còn trẻ vác hàng tạ đất mỗi ngày thì chén cơm cũng chẳng có mà ăn. Giờ con cái phụng dưỡng thì trệu trạo nhai, mỗi bữa ăn được thêm thìa cháo là cháu con đã mừng rơi nước mắt. Cuộc đời sao lắm nỗi trái ngang.
Mình cũng thuộc cả mấy hàng xôi, biết cả cô bán xôi nào để móng tay dài, cô nào hay cho vừng thêm vào gói xôi. Hàng ngày ở nhà, ăn sáng có Áo vàng lo. Nên cũng hay “mè nheo” kiểu: Ăn xôi khô bỏ xừ. Thế nhưng từ hôm ra viện chăm bố, hôm nào cũng ngồi nhai trệu trạo nắm xôi hoặc cái bánh mì khô khỏng mà đố dám ho he. Thì vất vả mà, mỗi người đỡ cho nhau một chút. Ăn xôi, bánh mì, cơm chan bụi hay nhá nhảu củ khoai, bắp ngô, gi gỉ gì gi cái gì cũng ngon tất. Thế mới biết, có những thứ, những điều thường ngày tưởng rất đỗi bình thường, đến khi gặp khó khăn mới thấy chao ôi là hạnh phúc. Vậy nên cứ tận hưởng từng ngày đang sống. Đừng so đo, đừng tính toán thiệt hơn.
Khổ, có nắm xôi mà cũng mất công nghĩ ngợi liên thiên thế đấy!
Mình cũng thuộc từng chùm bóng điện trang trí vàng chóe lóe trước cổng bệnh viện vào mỗi tối. Chẳng hiểu sao, bệnh viện lại rất công phu khi chăng đèn từ ngoài cổng đến trong sân, nhấp nha nhấp nhoáy, nếu thêm tiếng nhạc xập xình nữa thì có lẽ sẽ nhiều người lầm tưởng đây là khách sạn, nhà hàng. Phải chăng các nhà quản lý bệnh viện muốn xóa đi cái không khí buồn bã, u trầm, mệt mỏi thường thấy trong các khu chữa bệnh nên làm vậy chăng? Chịu, chả hiểu nổi.
Và đặc biệt, mình “thuộc” từng cơn đau như cắt như mài từng khúc ruột của bố.
Cứ đến giờ thay băng cho bố là tim đau dội thốc từng cơn.
Áo vàng sợ sệt nép vào một góc. Hễ bố kêu la là mặt nhăn, là nước mắt giàn giụa như thể mình còn đau hơn.
Còn mình cố bình tĩnh vừa giữ chân bố cho bác sỹ làm, vừa âm thầm nuốt nước mắt chảy ngược vào trong.
Cả một đời dọc ngang bờ bãi, giờ bố nằm bé nhỏ và gồng mình nghiến răng chịu đựng những cơn đau. Bố vốn kiên cường giỏi chịu đau, mấy lần nhồi máu cơ tim, rồi những cơn đau gout hành hạ, rồi mấy ngón chân hoại tử, chẳng bao giờ thấy bố kêu đau. Vậy mà giờ bố kêu la váng trời như vậy, chắc là nỗi đau đớn, sợ hãi trong ông đã đến tột cùng.
Nhưng bố ơi, con biết phải làm sao bây giờ?…
Bố ơi, những lúc con nói át đi: Đau một chút nữa thôi mà bố! Bố gắng chịu bố nhé... là khi tim con đang rướm máu, là khi ruột gan con đang như vò như xé. Thế mới hiểu, cảm giác bất lực khi không thể nào mang vác nổi những nỗi đau cho người mình yêu thương là cảm giác khủng khiếp vô cùng.
Bố nằm bệnh viện, tự nhiên mình nhìn cuộc đời cũng chậm lại. Thấy ước muốn, thấy niềm khát khao của mình chỉ thu nhỏ lại bằng… một đêm ngủ ngon của bố. Chỉ cần bố ngủ ngon, quả tim đập hiền lành, cái chân đỡ đau mau lành là thấy cuộc đời quá là ưu ái, chẳng tham vọng gì nhiều hơn.
Và ký ức lại đưa mình trở về với những đêm trăng tuổi thơ ngoan hiền được nằm cạnh bố. Lúc ấy hai chân thì gác lên đùi bố, tai thì giỏng lên nghe bố kể chuyện, đọc Kiều. Nửa đêm giật mình tỉnh giấc thấy bố thở đều đều, khuôn mặt hiền từ thấm đẫm ánh trăng ngọt ngào trong mơn man gió nồm nam rười rượi…
Chỉ cần vậy thôi là hạnh phúc dâng đầy.
Bố ơi, con ngày đêm nguyện cầu cho bố mau bình phục!
Và vầng trăng bố trong sâu thẳm trái tim con thì luôn mãi tròn đầy…