Dạo này, chọn được ngày lành tháng tốt, mình đang dồn tâm huyết cho việc sửa sang di chuyển lăng mộ tổ tiên. Mệt mỏi cũng nhiều vì những va chạm do trong họ mạc có kẻ đố kị hẹp hòi.
Tuy nhiên mình luôn coi những trục trặc này như một sự tất yếu. Do cái số mình nó thế, hễ cứ làm việc gì thì dù to hay nhỏ cũng cứ phải vất vả “lên bờ xuống ruộng” rồi mới ổn thỏa. Chỉ biết dằn lòng luôn phải nỗ lực hết mình mà thôi.
Duy có một điều làm mình trăn trở day dứt nhất là: Liệu có thể cho bố mẹ về quê dù chỉ một lần để bố mẹ được chứng kiến cái công việc tâm linh thiêng liêng mà hai cụ mong đợi bấy lâu không?
Mẹ thì còn nhúc nhắc được chứ bố thì quả là một bài toán quá ư nan giải. Bố đã tuổi ngoại chín mươi, quả tim ông đã ba lần nhồi máu giờ mỏng mảnh như chiếc lá. Mấy năm rồi ngoài cơ man thuốc các loại là sự coi sóc vô cùng cẩn trọng, gia đình mình mới “giành giật” được những khoảng thời gian hạnh phúc bên ông. Và vì thế, mọi tác động bên ngoài, mọi xúc động buồn vui đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Hôm trước rục rịch khởi công, thương bố quá, vợ chồng mình định đánh liều cho cụ về một buổi. Vậy mà ngay đêm hôm ấy, bố lên cơn sốc nặng làm cả nhà hoảng hồn. Giờ biết tính sao đây? Sau cơn sốc lần này, bố thở cũng còn khó khăn nặng nhọc nói gì đến việc di chuyển...
Chăm sóc bố hàng ngày, thi thoảng nhìn vào ánh mắt như cầu xin van nài để được về quê của bố tim mình đau thắt nghẹn. Mình biết bố đang ngẫm ngợi nhiều lắm...
Cả đời ông gắn bó với làng. Ông yêu làng quê bằng tình yêu bình dị thuần khiết mà gắn bó máu thịt. Ông không hiểu những biến động nhiễu nhương của đời sống. Ông không hiểu những gì ông gắn bó tôn thờ nơi góc làng quê yên ả thuở nào đang dần phai lạt băng hoại. Mãi mãi, làng quê trong ông là quyến thuộc, là giá trị thiêng liêng vĩnh cửu. Mãi mãi, những gương mặt ấy, con người nơi góc làng Nghè nghèo nàn ấy luôn mang tâm hồn quê kiểng, chất phác thân thương. Và mình thì không muốn bố bị tổn thương nhất là khi trái tim ông đã quá yếu ớt. Nên mình dặn lòng cố gắng nâng niu gìn giữ nẻo tâm hồn trong trẻo tựa pha lê trong sâu thẳm lòng cha...
Bố mình vốn đơn độc. Đơn độc từ thuở ấu thơ khốn khó cùng cực. Ông không có anh em ruột thịt. Họ hàng chỉ là con chú con bác. Thuở nhỏ, ông ở với ông nội vì bà nội mình mất khi bố chưa đầy tuổi. Ông nội thì mẫn tiệp nhưng bất đắc chí nên suốt ngày say mèm và nghèo xơ xác. Thành thử có đận ông nội mang bố bán cho một người bà con tận miền sơn cước xa xôi. Bố mình ở đó được vài tháng thì nhớ ông nội, nhớ quê nên đánh liều trốn về nhà. Bố xin được cái “nghề quét chợ làng”. Làng xóm thương mới dựng cho túp lều góc chợ. Rồi bố cùng ông nội sống đắp đổi qua ngày trong triền miên những cơn say mèm của ông nội.
Có lẽ vì thế, sau này lớn lên bố khát tình người lắm.
Ông thương yêu nhường nhịn hết thảy mọi người. Nói năng lúc nào cũng nhỏ nhẹ, khẽ khàng. Với vợ và các con, lúc nào bố cũng như con tằm, rút đến tận cùng gan ruột.
Ông đem cái cô đơn của tuổi thơ gửi lên bầu trời những đêm trăng vằng vặc. Khi đó ông thường ngồi bó gối đầu thềm, ngước mắt nhìn trời cao vời vợi. Ông gọi đàn con lốc nhốc sắn khoai đến gần khẽ khàng vuốt tóc từng đứa. Rồi ông kể chuyện cho các con nghe. Lạ là không hề được một ngày đến trường nhưng bố viết rất tròn vành rõ nét. Đặc biệt ông có một kho truyện kể hấp dẫn như thôi miên. Ông thuộc truyện Kiều, Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Truyền kỳ mạn lục... Có lẽ cái hồn văn chương đã ngấm vào mình từ những đêm trăng say sưa nghe chuyện kể của bố. Khi cả lũ con đã ngủ lăn lóc, ông mới đối thoại với màn đêm bằng công việc. Khi đập lúa, xay thóc, giã gạo, lúc may vá, gánh nước, nấu rượu... Bố có biệt tài may vá ít ai sánh kịp. Ông thường lên hiệu may phố huyện xin cả rổ mảnh vải đầu thừa đuôi thẹo rồi về nhà tỉ mẩn từng đêm khâu chúng thành quần đùi, áo cộc, thành chăn, thành mũ... cho các con.
Ông gửi nỗi cô đơn của mình vào ruộng vườn đồi núi. Một mình ông khi thì cày bừa, khi thì liềm cuốc thoăn thoắt đồng sâu, núi cao, ruộng cạn. Mình thường lẩn mẩn nghĩ, hình như dấu chân bố đi đến đâu, ở đó nở hoa. Xanh tươi cứ thế mà ngập tràn thơi thới. Sáng nào cũng chỉ củ khoai với cốc nước chè xanh mà bố phơi mình quần quật cả ngày bất kể trời nắng như nung hay mưa dầm gió bấc. Ông vừa làm vừa thầm thĩ với từng giọt mồ hôi, từng bụi cỏ mềm, từng bờ rạ ướt về nỗi niềm mong mỏi cho con có được bữa cơm no, được tấm áo lành. Đôi lần giữa trưa nắng chang chang, bố dừng công việc, cởi manh áo vá đẫm nhướp nhượp mồ hôi vắt cho kiệt nước rồi lại mặc vào miết mải làm tiếp. Nhìn tấm lưng bố cong xuống mảnh ruộng như một dấu hỏi thầm lặng giữa không trung quạnh vắng, mình vừa muốn chạy đến ôm ông, vừa muốn dừng lại để tận hưởng cảm giác thinh lặng mà ngập tràn bao dấu yêu the thắt.
Bố gửi nỗi cô đơn vào mái chèo những đêm chèo đò chở hàng thuê. Dáng bố nghiêng nghiêng, tì người vào thành mái chèo và nở nụ cười hiền thật là hiền. Ông bỏ ngoài tai tất cả những lời xì xào về cái công việc mà họ cho là “hèn mọn” ấy. Đối với ông, sau lưng, trước mặt và trong lòng, đều là thương, là yêu, là an lành hạnh thiện...
Bố gửi nỗi cô đơn vào những lần tiễn các con xa nhà. Đứa đi chiến trường trận mạc, đứa đi học, đi kiếm ăn tha hương chân trời góc bể. Mình nhớ lắm mỗi lần anh chị em mình về thăm nhà. Ông vui như trẻ nhỏ. Ông vào bếp lui cui nấu nướng. Ông chạy sang nhà hàng xóm vay gạo, ông tất tưởi ra vườn hái rau, xuống ao úp cá... Cái lần anh Ba mình về thăm nhà trước lúc vào nơi hòn tên mũi đạn, bố chấp chới chạy với theo, chân vấp vào bậu cửa máu chảy ròng ròng. Bố ôm chân nén đau. Nhưng đêm ấy là lần đầu tiên mình thấy bố rơi nước mắt. Ấy cũng là những giọt nước mắt duy nhất mình nhìn thấy bố khóc cho dự cảm nỗi đau anh trai mình ra đi không bao giờ về nữa. Đêm nhận tin anh trai hy sinh, bố lặng lẽ luộc một nồi khoai thật to, trịnh trọng đặt ở cái phản giữa nhà rồi bảo: Để dành cho anh con đấy, nó thích món này lắm. Đoạn rồi ông đứng giữa sân khấn vái gọi tên anh. Cái bóng ông ỏn thót như một dấu chấm in vào màn đêm mênh mông thẳm sâu mà diết da những nỗi đau không thể gọi thành tên...
Bố gửi nỗi cô đơn vào từng đêm thao thức. Từ trước đến giờ đều thế, ông như người họa sĩ vẽ đêm. Những bức vẽ bố tạc vào màn đêm khi cặm cụi bên nồi rượu nghi ngút khói, lúc cắm cúi nhổ mạ, chèo đò, gặt hái hay tỉ mẩn may vá thêu thùa... Những tiếng ho khan khô khốc khàn đục của bố khắc khoải bên cạnh tiếng đàn con lốc nhốc nói mơ, tiếng chó sủa, tiếng bầy gà lục cục, tiếng mưa giông sấm chớp bất chợt... Bố một mình với tao tác những chiêm bao. Nhớ lắm cái mùi cao con hổ bố thường hay xức để phòng cảm mạo. Nhớ dáng bố thập thõm ra cầu ao, lấy cục đá mài mài vào gót chân nứt nẻ. Nhớ những đêm đột nhiên mở mắt thấy bố lùi hùi cầm ngọn đèn dầu bưng ngang giường vén màn cho từng đứa con. Bóng người thầm lặng in qua vách đất, thấy sao mà giống hệt con cò. Lặng lẽ buồn và lặng lẽ thương.
Và lịch sử lặp lại, đến lượt mình, những đêm con ốm sốt cũng thức thao canh con như thế. Nhìn cái bóng trên tường sao quen quá. Một mình một ngọn đèn. Cô độc. Như bố, mình đã trở thành người vẽ đêm, nghe gió mưa kể chuyện đêm miết mải cô đơn mà ngập tràn hạnh phúc...
Nên mình hiểu, với cuộc đời mỗi người, tuổi thơ để lại dấu ấn sâu đậm đến dường nào.
Như với bố mình ấy, dù đã mang nỗi cô đơn gửi vào chất chồng công việc, nương vào lóc nhóc đàn con nhưng ông vẫn có những khoảng rỗng không thể tả.
Nên ông vẫn luôn thèm khát thứ tình cảm ruột rà sâu đậm.
Nên ông vẫn lo sợ nếu lỡ làm ai đó mất lòng, sợ làm người khác phải nghĩ ngợi, buồn khổ. Ngay cả với mẹ cũng thế. Hàng ngày con cái vắng nhà ông làm bạn với cái tivi. Vậy mà, ông thường chỉ xem hình mà không mở tiếng. Ông bảo: Bố xem vậy được rồi, mở tiếng sợ mẹ con đau đầu...
Bố thu nhỏ cái tôi của bố lại, nén mình thấp xuống như một nhánh cỏ hiền lành và vô hại.
Nên nghĩ về bố, ngoài lòng hiếu thảo, tự thẳm sâu lòng mình còn thường trực niềm day dứt ngậm ngùi.
Mình chỉ chắp tay nguyện cầu để ông mãi ổn. Để mỗi sáng dậy đo huyết áp, kiểm tra đường huyết luôn được thấy bố mẹ nở nụ cười thật tươi: Ăn sáng chưa con? Đêm con có ngủ được không?...
Vâng bố ơi, đêm nào có gió vần vũ con cũng lo bố khó ngủ. Đêm nào có mưa rơi dầm dề con cũng lo bố giật thót mình mơ sợ giữa chiêm bao...
Nên con nghĩ là bố con mình có điểm tương đồng đặc biệt. Ấy là hai người họa sĩ vẽ đêm, họa chập chờn thức ngủ, họa trùng trùng miên miết nỗi cô đơn.
Bố đừng lo bố nhé, con luôn ở bên bố, ngay cả trong những chập chờn...
Đêm qua, gió bấc lại về... thao thiết!