Sáu câu hỏi đơn giản giúp bạn không sa đà vào các tình huống quá sức.
J. PAUL GETTY
Chuyện này xảy ra với gần như tất cả chúng ta, không lúc này thì lúc khác. Một cơ hội đột nhiên xuất hiện, dường như đem đến bao hứa hẹn lớn lao về lợi nhuận tài chính hay sự bứt phá trong sự nghiệp. Bị sự phấn khích và hăng hái cuốn đi, chúng ta lao vào bắt đầu mà không chút ngẫm nghĩ hay đánh giá trước cơ hội thành công của mình – để rồi ngã đau! Đôi khi chúng ta có thể nhìn lại về những thảm họa của mình, xem có phải không đáng kể không, và nhún vai nhẹ bỗng với một nụ cười. Nhưng về đa số, kết quả của những cuộc phiêu lưu không suy xét kỹ thường để lại những vết sẹo thất bại theo ta đến hết đời hơn.
Một trong những nền tảng cơ bản của trường đại học này là giúp bạn đón nhận những thử thách mới và không ngừng mở rộng chân trời tham vọng của bạn, chủ yếu bởi bao lâu nay tất cả chúng ta chỉ đang sử dụng một phần rất nhỏ tài năng của mình. Tuy nhiên, nếu không có sự giúp đỡ và chỉ dẫn nhất định, hầu hết chúng ta không thể học được cách phân định đường ranh giới chia cách thế giới của những điều có thể với những điều không thể, để rồi thường vấp váp rồi thất bại, bị trừng phạt và đánh bại, bởi những điều đáng ra nên tránh.
J. Paul Getty đã kiếm được một triệu đô-la đầu tiên của mình trước tuổi hai mươi bốn. Bốn thập niên sau, ông được coi là người đàn ông giàu nhất trên thế giới, xây dựng gia sản đáng giá hơn một tỷ đô-la, nhờ khả năng đáng ghen tị trong việc đánh giá kỹ càng bất cứ tình huống nào trước khi đầu tư thời gian hay tiền bạc.
Trong bài học quan trọng trích từ cuốn sách Thời đại vàng son (The Golden Age), Getty sẽ dạy bạn một công cụ đơn giản cho phép bạn cân nhắc bất cứ cơ hội nào đến với mình, với nguồn lực sẵn có trong tay, tăng khả năng đưa ra quyết định đúng đắn trước khi bạn nắm lấy nó.
Lần cuối cùng bạn nghe một bài giảng đáng giá tỷ đô là khi nào?
Tiếc rằng, kể cả sau khi những chướng ngại vật và rào cản lớn ban đầu đã được loại bỏ khỏi vạch xuất phát, con đường dẫn tới cuộc sống trọn vẹn và hạnh phúc vẫn không phải đường cao tốc bằng phẳng. Nó vẫn có những khúc quanh co, ngã rẽ gấp khúc, ngã ba đường, trạm thu phí, và đặc biệt là những luật lệ hạn chế.
Rất ít cá nhân trước đó – dù là những triết gia hay kẻ khờ, trùm tư bản hay ăn mày – được tự do băng qua những con đường lớn theo ý muốn. Ít nhất vẫn có thể nếu họ không va chạm với các phương tiện giao thông khác trên đường và không thấy cần thiết phải cùng tồn tại và tương tác với những người khác.
Đúng, vẫn luôn có những ngoại lệ đối với những quy tắc mà con người phải tuân thủ. Một người có thể đi đường tắt tới vùng núi hẻo lánh nào đó và thế nên được hưởng “hoàn toàn tự do” – nhưng chỉ ở mức thời đồ đá và chỉ khi nào người đó còn hoàn toàn bị cô lập, sống tự cung tự cấp mà thôi. Vì người sống ẩn dật cũng cần bánh mì, vải vóc, hay một cây đinh từ người khác, nên người đó đã tự động từ bỏ tự do ở một mức độ nào đó qua việc tuân theo những điều kiện và điều khoản do người khác hoặc toàn bộ xã hội đặt ra.
Vì không nhiều người trong chúng ta nuôi dưỡng khát khao một thực đơn ăn uống toàn rễ cây và quả dại, tủ quần áo toàn da động vật nguyên thủy, hay sống ở trong hang, nên đại đa số phải công nhận và tôn trọng các quy tắc, luật lệ và những thực tế của nền văn minh này. Để được coi là đủ tiêu chuẩn làm một thành viên trong xã hội, mọi người cần phải chấp nhận cho xã hội đó xâm phạm tự do cá nhân. Nếu không thì sẽ phải chịu các hình phạt.
Ví dụ, một người công dân bị cấm – bằng hình phạt nặng nề – phạm tội trộm cắp hay lấy hai vợ/chồng, lừa đảo hay cố sát người hàng xóm, đấu kiếm, hay giả mạo giấy tờ. Và, vì lý do đó, một người dân bình thường sẽ không được phép toàn quyền xử lý tất cả số tiền lương mình kiếm được; những phần có thể thu được trong đó sẽ bị tự động trừ đi, hay phải giao nộp cho một cơ quan thuế của chính quyền.
Phải, chắc chắn những điều này và những giới hạn, quy định tương tự là nhằm bảo vệ sự an toàn và phúc lợi của toàn thể công dân, cũng như bảo vệ, bảo tồn hệ thống và cấu trúc xã hội chúng ta. Tuy nhiên, nếu chỉ xét đơn thuần về mặt lý thuyết, ở đây đã có những vi phạm về khái niệm Tự do Cá nhân Tuyệt đối.
Công bằng mà nói, phải thừa nhận rằng một người bình thường ý thức được những giới hạn đó và nhìn chung tuân thủ, tôn trọng chúng mà không phản kháng thái quá. Nhưng, ngược đời thay, người ta tuân thủ tự nguyện hơn với các quy tắc hạn chế ít rõ ràng, ít khái quát, và ít cương quyết hơn – chưa nói đến hiệu lực thực tế của chúng – mà rất ít người ý thức nhận ra được.
Ví dụ, dù một người Mỹ bình thường tự do thoải mái lựa chọn và quyết định hầu hết mọi hành động của mình, nhưng anh ta không hề hoàn toàn tự do khi liên quan tới việc vạch ra con đường cho cuộc đời mình. Anh ta phải chịu rất nhiều sức ảnh hưởng, yếu tố và hoàn cảnh tương tác. Và anh ta gần như không thể, nếu có, nhận ra rằng chúng tồn tại và hoạt động, kể cả khi chúng thường xuyên thúc đẩy và ép buộc anh ta trong những quyết định và hành động quan trọng.
Những người vẫn còn hoài nghi về điều này thì tốt nhất nên nhận ra rằng, trong suốt cả đời mình, họ cần phải xem xét, điều chỉnh, thỏa hiệp và nhượng bộ rất nhiều chỉ để sống sót, và thậm chí còn nhiều hơn nữa nếu muốn vươn lên trên đám đông vô danh. Thông thường, khi đối mặt với một loạt lựa chọn, họ buộc phải loại đi thường là sự lựa chọn đầu tiên và bằng lòng với những phương án thay thế hay những thứ tầm tầm – và chỉ khi đó họ mới có thể tiếp tục tận dụng những điều tốt nhất từ chúng.
Tôi hiểu điều này rất rõ từ kinh nghiệm của mình. Khi còn trẻ, tham vọng và khát khao của tôi là được vào làm việc tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, và nếu khi ấy công việc cho phép, tôi sẽ làm nghề tay trái là viết sách. Tôi có thể đã làm như vậy, nếu không phải vì một chuyện dường như không liên quan rằng tôi là con một.
Điều này tạo nên mọi khác biệt mang tính quyết định. Ai đó sẽ phải nối nghiệp công việc của cha tôi, George F. Getty, người đã xây dựng cơ nghiệp qua nhiều thập niên làm việc chăm chỉ, tận tụy. Không phải tôi là người phù hợp nhất hay thậm chí là một ứng viên hợp lý; chỉ vì tình cờ tôi là lựa chọn duy nhất mà thôi.
Tôi đảm bảo với bạn, ý tưởng điều hành một công ty quy mô vừa phải và thành công không chỉ rất xa vời với những tham vọng ban đầu của tôi, mà còn là một viễn cảnh khó khăn và đầy lo lắng. Những trách nhiệm và vấn đề kèm theo lớn dần, nặng nề dần và trở thành gánh nặng đáng lo ngại. Nhưng tôi không còn đường nào để trốn tránh với một lương tâm yên ổn, đặc biệt là khi nó liền quan đến sự an toàn và ổn định của mẹ tôi.
Vậy là, tôi từ bỏ những kế hoạch nung nấu, xây dựng sự nghiệp trong giới kinh doanh thay vì trong ngành ngoại giao. Một khi đã đưa ra quyết định, tôi không cho phép mình có cái thú xa xỉ của những nuối tiếc dai dẳng. Tôi không thể làm vậy để khiến những việc phải làm càng khó khăn thêm.
Thú thực, “cuộc chơi” này không phải lựa chọn đầu tiên của tôi, mà là một nơi tôi được gửi tới như người chơi thay thế hiếm có quyền kiểm soát. Tuy vậy, dù đã tới đó bằng cách nào thì tôi cũng đã ở trong cuộc chơi, và tiếng còi xuất phát đã cất lên. Kể từ đó, nó thúc đẩy tôi tham gia đầy năng lượng và chủ động, giữ cho mọi thứ tiếp tục.
Để không gây hiểu lầm, tôi xin phủ nhận bất kỳ ý định khoe khoang hay công nhận đức tính nào của mình. Tôi chỉ đơn thuần coi bản thân như một ví dụ thuận tiện để chứng minh cho hai luận điểm. Thứ nhất, dù một người không phải lúc nào cũng được làm những gì mình muốn nhất, nhưng anh ta chắc chắn có thể điều chỉnh và thích nghi với phương án thay thế hợp lý, sáng suốt. Thứ hai, anh ta vẫn có thể có được niềm vui và sự thỏa mãn từ công việc của mình và tận hưởng cuộc đời.
Kinh nghiệm đã cho tôi thấy không gì vô ích và vô nghĩa hơn việc lãng phí năng lượng để than khóc và chỉ trích sự cần thiết phải đưa ra những thỏa hiệp và nhượng bộ trong đời. Một người có thể gào thét chống lại luật cấm cố ý gây thương tích hay giết người bởi người dự báo thời tiết đã nói sai rằng tiết trời quang đãng khiến buổi dã ngoại của gia đình anh ta bị hỏng bét vì cơn mưa rào đột ngột.
Nói cho cùng, một người chấp nhận những điều không thể tránh khỏi hiếm khi ngang hàng với một kẻ đầu hàng hèn kém và vô điều kiện. Điều đó cũng không nhất thiết ám chỉ rằng anh ta phải vì thế mà từ bỏ những khao khát, tham vọng sâu kín của mình và trừng phạt bản thân bằng sự chán nản hoàn toàn.
Hơn nữa, những người giàu trí tưởng tượng và có tài tháo vát sẽ mở rộng nền tảng, kết cấu hoàn cảnh của mình, tạo nên không gian rộng lớn và nhiều cơ hội phong phú hơn để thực hiện tham vọng cũng như hiện thực hóa khao khát trong khuôn khổ mở rộng đó. Mặt khác, không bao giờ là “quá muộn” cho những người dũng cảm, dám vươn mình ra khỏi rãnh mòn và chuyển đổi sang sự nghiệp hoàn toàn khác hay phát triển sở thích giúp thỏa mãn mong mỏi sâu kín nhất trong lòng.
Tuy nhiên, trong mọi tình huống, điều phải xem xét trên hết là, phần lớn cuộc đời trưởng thành của một người bình thường, anh ta sẽ đi theo hai phần cuộc sống vừa đan xen nhau vừa có mối quan hệ tương quan: phần “nghề nghiệp” (liên quan tới công việc) và phần cá nhân. Hoàn cảnh nghề nghiệp, sự nghiệp của người đó, dù tốt, xấu hay không quan trọng, thì cũng chắc chắn tạo áp lực đáng kể trong việc cấu thành nên toàn bộ triết lý đời sống và cách sống của người đó.
Một người không học hỏi được điều gì và vẫn mù quáng không tiếp thu thêm gì trong môi trường mà mình dành tầm bốn mươi giờ mỗi tuần thì quả là hiếm có. Ai cũng gần như không thể xóa bỏ hoàn toàn dấu vết “công việc” khỏi tâm trí khi rời khỏi văn phòng hay bước qua cánh cổng nhà máy. Hầu hết mọi người đều “nói về công việc” khi không làm việc; chỉ riêng điều này cũng đủ chứng tỏ suy nghĩ và cảm xúc được “mang về nhà” thế nào. Những ảnh hưởng công việc này hiển hiện rõ rệt hay ẩn mình khéo léo thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố không kể xiết, nhưng chúng chắc chắn có ảnh hưởng, và tôi có một ví dụ minh họa vô cùng giản dị mà hiển nhiên như dưới đây.
Một người phi công bay qua Đại Tây Dương và một người quản lý lương cao ở cửa hàng bách hóa rất có khả năng nhận được khoản thu nhập tương đương nhau, nhưng ít có khả năng triết lý sống và cuộc sống riêng của họ lại giống nhau. Người thợ máy ca đêm và một DJ cùng làm việc từ nửa đêm đến sáng, nhưng mỗi người lại có suy nghĩ và cuộc sống khác khau, và ngược lại, những điều này không mấy giống với người dược sĩ góc đường hay một quản lý siêu thị địa phương. Một thư ký riêng và một y tá được đào tạo đều là phụ nữ, và giả sử cả hai đều có những phẩm chất và bản năng nữ tính như nhau, nhưng tôi nghi ngờ việc quan điểm, cách nhìn, cách sống của họ liệu có chút nào giống nhau không.
Và, theo ý kiến của tôi, phần lớn sự khác biệt này có thể do ảnh hưởng của hoàn cảnh và kinh nghiệm công việc.
Thành thật mà nói, khi xem xét kỹ mọi điều, tôi nghĩ hầu hết chúng ta sẽ thừa nhận rằng con người không phải là những người làm chủ số phận và định mệnh như mình đã hài lòng tin như vậy. Thế mà không ai có thể phủ nhận rằng, trong giới hạn áp đặt trên mình, họ vẫn có dư thừa sự tự do và khả năng để làm nên nhiều điều từ chính bản thân, từ cuộc sống và sự nghiệp của mình.
Vài người, thực rất đáng thương, họ không làm được gì cả, không tiến đến đâu, và thất bại thảm hại trong một hay cả hai phần cuộc sống, chỉ vì họ từ chối nỗ lực đủ cần thiết để làm nhiều hơn hoặc làm tốt hơn. Với những người này, những người khác như chúng ta thật không buồn liếc mắt, hay một cái lắc đầu ủ rũ.
Nhiều người có thể nỗ lực mạnh mẽ và chân thành nhưng sẽ thất bại do những khuyết điểm về trí tuệ hay thiếu sót khác, hay thậm chí cả sự yếu ớt về mặt thể chất. Nhưng những người này chắc chắn xứng đáng được hiểu, thông cảm, và có được một bàn tay giúp đỡ khi cần thiết và hợp lý.
Dù thế họ vẫn đạt được thành công – nhiều hay ít phụ thuộc vào thước đo của bản thân cũng như khả năng của chính họ – trong một hay cả hai phần cuộc sống (ai cũng sẽ mong muốn là cả hai thôi). Dù họ thường được người khác trợ giúp ở một mức độ nào đó, thành công của họ phần lớn đều từ tài năng, nỗ lực và sự gắng sức của bản thân mà ra.
Tuy nhiên, tôi thấy rằng bất kỳ ai trước khi bắt đầu dốc toàn lực để đạt được mong muốn trong cuộc sống và công việc, thì đều có quyền nhận được vài lời cảnh báo khá không truyền thống thế này.
Dựa vào nhiều năm quan sát và trải nghiệm, tôi kết luận rằng số lượng những người thất bại vì cố làm quá nhiều cũng gần bằng số lượng những người thất bại vì chưa cố gắng đủ.
Phải, tôi biết. Điều này nghe thật ngược đời và có chút kỳ dị. Nhưng, không may thay nó lại đúng với rất nhiều người. Điểm yếu cơ bản của họ có thể được mô tả rất ngắn gọn thế này. Ở một hay cả hai phần cuộc sống, “nghề nghiệp” hay cá nhân, họ đều cố gắng đạt thành tựu, họ chỉ đơn giản là không có khả năng xác định điều gì là có thể đạt được trong khả năng của mình, và điều gì là không thể, là nằm ngoài tầm với, bất kể họ ráng vươn xa bao nhiêu.
Họ đặt mục tiêu quá cao, và rồi, trong sự thất vọng, thấy rằng những cú nhắm cẩn thận vẫn trượt mục tiêu.
Tất cả những điều này gợi tôi nghĩ về một người lãnh đạo – hãy tạm gọi là John Jones – từng làm việc cho một công ty tôi điều hành trong khoảng thời gian ngắn. Thông minh, học vấn cao, tính cách dễ chịu, có một gia đình hạnh phúc, và một bản lý lịch tốt với những công việc ít vai trò quản lý hơn ở các công ty khác, ông ta dường như rất phù hợp với vị trí đầy trọng trách được giao.
Thời gian tốt đẹp ban đầu quả thật rất ngắn. Chẳng bao lâu sau thì John Jones thể hiện rõ rệt rằng ông không chỉ không tiến triển chút nào, mà còn rớt lại rất xa đằng sau, kéo theo cả những vị quản lý khác thụt lùi cùng mình. Cả công ty loạng choạng vô vọng trong làn sóng ngập tràn công việc tồn đọng, các dự án trì hoãn, và những lời phàn nàn giận dữ của khách hàng.
Không cần tìm hiểu quá nhiều mới xác định được vấn đề. Hoặc công việc mới đã khiến Jones tự phụ, hoặc ông đang cố gắng tuyệt vọng để chứng tỏ bản thân, kết quả sau cùng là mất đi khả năng nhận định mọi việc. Ông ta tin rằng mình – và công ty mình quản lý – có thể làm nên điều kỳ diệu, làm được bất kỳ điều gì và có thể làm được trong khoảng thời gian ngắn đến ngớ ngẩn. Bất cứ ai muốn gì hay yêu cầu gì, ông đều không ngần ngại mà hứa hẹn – nếu không phải ngày mai, thì sẽ là ngày kia, vô cùng chắc chắn. Và vì thế, đội ngũ nhân viên bị đòi hỏi và bắt làm việc quá sức để chiến đấu trong trận chiến của những điều bất khả thi.
Khi đó, mặc dù về cơ bản tôi là người làm kinh doanh, và những cân nhắc lợi ích kinh tế thì phải xếp hàng đầu, nhưng tôi nghĩ mình vẫn có thể giữ John Jones trong hàng ngũ – sau khi chuyển ông sang vị trí ít trách nhiệm hơn. Ông ta đang tầm độ tuổi năm mươi, tôi phỏng đoán rằng, nếu xử lý phù hợp, ông vẫn sẽ làm tốt công việc ở cấp quản lý thấp hơn.
Tôi loại bỏ ngay mấy ý nghĩ đó trong đầu khi phát hiện ra Jones không chỉ vụng về thảm hại trong công việc, mà cuộc sống cá nhân cũng vô cùng rối ren. Ông ta mua một căn nhà với chi phí gấp đôi mức thu nhập có thể chi trả được – với chỉ một khoản thanh toán trả trước nhỏ. Ông bị câu lạc bộ miền quê mình sở hữu yêu cầu từ chức một cách lịch sự nhưng cứng rắn, sau một loạt sự cố tồi tệ. Ông còn ngập sâu trong nợ nần hơn cả trong những công việc chưa hoàn thành, và thăm dò kín đáo cho thấy ông là một người bạo ngược với vợ con. Việc từ chức của John Jones là cần thiết – và cần được chấp thuận trước cả khi chữ ký kịp khô mực.
Nếu có điều gì khiến câu chuyện buồn đáng tiếc này khác biệt với câu chuyện những người đồng chức ở các lĩnh vực khác, thì đó chính là sự mâu thuẫn của logic được chấp nhận và khá có căn cứ rằng độ chín chắn và dày dạn sẽ giảm thiểu khả năng mắc những sai phạm lớn. Đã qua mốc năm mươi tuổi, Jones đã đủ dày dạn, phải nói là như vậy. Ông đã trải qua gian khổ khó khăn của cả cuộc sống gia đình và công việc. Kết hôn được hai mươi hai năm, có ba con, các con ông lần lượt mười chín, mười sáu và mười bốn tuổi. Lý lịch làm việc trong quá khứ của ông rất sạch đẹp, phản ánh một sự tiến bộ đều nhưng không nổi trội. Những trải nghiệm đó nên sản sinh ra một con người, một quản lý hết mực dày dạn. Tôi đoán rằng không có một lời giải thích trọn vẹn nào trừ việc ông đã đến, đã thấy – và bị đánh bại bởi chính điểm yếu của mình.
Nhưng đừng bao giờ sợ hãi, có rất nhiều John Jones như thế, và nếu họ có bất cứ mục đích kiến tạo nào, thì đó chính là những lời cảnh báo rằng hãy dừng lại – quan sát – lắng nghe dành cho những người muốn tận hưởng cuộc đời và tiến xa trong công việc.
Bất kỳ ai mong mỏi thành công trong cuộc sống cá nhân và công việc thì phải luôn cân nhắc, đo đếm, xác định, đánh giá để xác định điều gì là có thể và không thể hoàn thành trong bối cảnh và nguồn lực có sẵn. Nói tóm lại, một điều rất quan trọng là phải biết phân biệt đâu là những hạt thóc, còn đâu là vỏ trấu ở cả hai khía cạnh cuộc sống.
Khả năng phân biệt những lằn ranh vô cùng mỏng manh thường xuyên ngăn cách thế giới của sự có thể và không thể hiếm khi là đức tính bẩm sinh. Nó phải được tích lũy một phần qua quá trình thử-sai, nhưng chủ yếu, hoặc như người ta hy vọng, qua sự phát triển sức mạnh của lý luận và đánh giá. Tuy nhiên, vài câu hỏi dưới đây có thể là gợi ý để suy nghĩ và xem xét:
• Mình đang cố gắng đạt được điều gì?
• Tại sao nghĩ điều mình muốn làm là khả dĩ?
• Điều gì khiến mình nghĩ điều đó có thể bất khả thi?
• Mình có khả năng đạt được gì – hay mất gì?
• Những yếu tố như tuổi tác, sức chịu đựng, hay sức khỏe có ảnh hưởng tới kết quả – và ngược lại, mình có thể chịu được ảnh hưởng bất lợi về sức khỏe khi chiến đấu với ý tưởng (hay dự án hay điều gì đó) không?
• Mình có thể tận dụng thời gian, nỗ lực và năng lượng để có lợi thế tốt hơn theo hướng khác không?
Đương nhiên, những câu hỏi này chỉ đơn thuần là gợi ý, được đưa ra như là những câu hỏi kích thích tiềm năng bộ não. Quyết định cuối cùng nằm ở cá nhân người trong cuộc.
Về những vấn đề đã bàn qua, tôi muốn liên hệ tới một câu chuyện phù hợp và đặc biệt sáng tỏ.
Vài năm trước, tôi được mời ăn tối ở nhà một người vốn nổi tiếng về sở thích và hứng thú theo đuổi kiến thức, văn hóa sâu rộng, nguồn năng lượng vô biên, tinh thần phấn chấn và thành công về mặt tài chính. Khi đó ông đã bảy mươi, nhưng trông như mới năm mươi tuổi, vẫn bơi lội và đi bộ rất nhiều mỗi ngày, và rất ghét việc đi ngủ trước hai giờ sáng.
Sau bữa tối, ông cùng khách khứa bước vào phòng khách. Trong số những người có mặt, có một nhà báo tổng hợp không ngại ngần sốt sắng gộp việc công với việc tư và tranh thủ lấy tư liệu “chuyện kể nhân vật” cho một bài báo của mình. Anh ta bắt đầu trò chuyện với vị chủ nhà, lịch sự khen ông về những thành tựu to lớn, những danh dự cao quý, và sự hăng hái đáng kinh ngạc, rồi khéo léo lái cuộc nói chuyện sang cuộc phỏng vấn.
“Thưa ông, ông đã đạt được rất nhiều thành công, báo chí và công chúng đều gọi ông là thiên tài. Ông có coi mình như vậy không?”, anh nhà báo hỏi.
“Chúa tôi, không!”, ông vừa đùa vừa chân thành đáp lại. “Ý tôi là, không phải trừ việc rất lâu về trước tôi đã nhận ra vài sự thật căn bản làm nên một ‘thiên tài’ – dành cho tất cả mọi người.”
“Vậy chính xác thì những ‘sự thật căn bản’ đó là gì, thưa ông?”, câu hỏi tiếp theo hoàn toàn có thể đoán được.
Câu trả lời rất thẳng thắn, tử tế, và có thể bởi chúng tôi vừa ăn xong vài phút trước, nên được thể hiện theo lối nói ẩm thực.
“Có bốn sự thật căn bản. Thứ nhất, một người không thể luôn tìm thấy mọi món mình muốn trên thực đơn. Thứ hai, tuy vậy anh ta vẫn có thể tìm đủ sự đa dạng để làm thỏa mãn cái đói cũng như khẩu vị của mình. Thứ ba, trong khi ăn, anh ta nên tuân thủ theo châm ngôn người xưa, không bao giờ nên ăn no quá mức. Thứ tư, tuy nhiên điều này sẽ không ngăn cản anh ta ăn những thứ lành mạnh – vì bất kỳ đồ ăn nào cũng là để ăn, chứ không phải để ăn chơi hay nhấm nháp kiểu cách.”
Theo tôi, ta nên ghi nhớ những ẩn dụ ăn uống này. Ở vài thời điểm quan trọng nào đó, mỗi lời nói trong đó sẽ là những chỉ dẫn quý báu cho cuộc đời và cách sống của ta.
Tất cả chúng đều đã giúp ích như vậy với tôi.
Rất nhiều lần.