Khi ngày càng thành công, bạn sẽ sớm nhận ra có những người tìm thấy niềm vui từ việc kéo bạn xuống khỏi đỉnh cao.
TIẾN SĨ DAVID SEABURY
Người Ý xưa kia có câu: “Năm mươi người bạn vẫn không đủ. Một kẻ thù thôi đã quá nhiều”. Sự thông thái trong những lời này không có gì phải bàn cãi, thế mà bạn vẫn gần như không thể đạt được thành công theo bất cứ hình thức nào mà không “sưu tầm” một tập hợp những người lấy làm vui sướng vì sự sa sút của bạn. Ngay cả những người được yêu quý nhất như Jesus, Gandhi và Lincoln cũng có những người lập mưu chống lại họ.
Đương nhiên, kẻ thù đôi lúc cũng có giá trị. Thường thường, những suy nghĩ của họ về chúng ta lại là những ý nghĩ gần với sự thật nhất, để ta có thể rút ra nhiều bài học. Nhưng tựu trung, họ vẫn nguy hiểm đối với tương lai của chúng ta và ta phải học cách xử lý họ sao cho ít rủi ro nhất.
Trong cơ thể con người nên có phần gì đó hiệu quả như súng máy để bảo vệ bản thân khỏi nhóm người phiền phức đổ xô tới từ văn phòng, trong nhà và ngoài đường. Chúng ta bị đè nén quá lâu rồi. Chúng ta muốn có cách nào đó để vượt qua những khó khăn của thế giới tham lam này.
Liệu có cách nào không? Theo những người tiêu cực chủ nghĩa thì không. Bạn phải gánh vác gánh nặng của mình, những nhà đạo đức học thì thốt lên như vậy. Thế giới là vậy đó, những thứ phức tạp cứ mãi tồn tại.
Tuy nhiên, tôi không tin, rằng trí thông minh đã giúp loài người phân tách nguyên tử và đưa con người vào vũ trụ lại không có khả năng khám phá những cách sống dễ dàng hơn.
Đó là những lời của tác giả David Seabury nhân dịp tái bản cuốn sách phát triển bản thân kinh điển của mình, Nghệ thuật của sự ích kỷ (The Art of Selfishness), mà bài học này được trích ra. Là cuốn sách bán chạy nhất trong năm 1937, tác phẩm tuyệt vời này kể từ đó vẫn luôn được tái bản và tiếp tục gây chấn động, khích lệ hàng ngàn người mỗi năm.
Kiểm soát kẻ thù của mình ư? Điều này có thể làm được mà không cần dùng sức mạnh. Có một công cụ hiệu quả hơn nhiều, đó là điều mà Tiến sĩ Seabury đã khẳng định…
Con người sinh ra để tồn tại. Dù cái kết là điều không tránh khỏi, chẳng có lý do nào mà cuộc sống của con người lại không nên kéo dài và vui vẻ. Chỉ có một điều duy nhất ngáng đường người đó thôi. Con người đã học cách bảo vệ mình khỏi thiên nhiên; con người dần dần chiến thắng cuộc chiến chống lại bệnh tật và thời gian; nhưng con người vẫn chưa học được cách bảo vệ mình khỏi sự ghen tị, tham lam, ác tâm và ích kỷ của những kẻ khác.
Bảo vệ mình khỏi sự tấn công có phải là tội ác không?
Với những người đa cảm đầy lý tưởng ấu trĩ, tự vệ có vẻ ích kỷ. Họ sẽ khiến bạn tin rằng “chống trả” là vi phạm đạo lý cha ông truyền lại (mà nhiều người đã rao giảng, nhưng không mấy ai thực hiện).
Những người nào bất đồng với tinh thần cam chịu này tin rằng một trong những nhiệm vụ cao cả nhất của mọi sinh vật sống là hành động theo cách giảm thiểu tối đa khả năng thế lực ác độc phá hủy những điều tốt đẹp của cuộc sống. Nếu để chúng lan tràn, thì chúng ta không còn hy vọng nào nữa.
Thù địch là cốt lõi của những vấn đề đạo lý mới hơn. Các triết lý xưa cũ bị thống trị bởi hai nguyên tắc. Với nguyên tắc đầu tiên, bạn sử dụng phương thức bạo lực, giải phóng sự giận dữ, thỏa mãn ý muốn trả thù, bị thịnh nộ chinh phục. Còn với nguyên tắc còn lại, bạn để cho cái ác chinh phục mình.
Gandhi đã từng thực hiện phương pháp thụ động này. Tôi nghi ngờ giá trị của nó đối với người phương Tây. Tuy nhiên, sự không phản kháng mang tính xây dựng, phương pháp chủ động chiến thắng kẻ thù bằng phương pháp tích cực là trung sách và hạ sách khi đối phó với cái ác. Hãy để địch thủ của bạn tự hủy hoại bản thân. Tìm những cách thức khác để chế ngự anh ta mà không sử dụng vũ lực. Một dạng như võ judo hay karate về mặt trí tuệ.
Đừng chiến đấu chỉ để chiến đấu. Đừng chiến đấu chỉ để nâng cao cái tôi của mình. Đừng chiến đấu để có thể tự hào. Đừng chiến đấu để vượt qua hay trừng phạt đối thủ. Hãy chiến đấu chỉ vì chiến thắng lớn sau cùng và chiến đấu mà không phải đấu – dù chuyện này nghe phi lý tới mức nào. Hãy vươn tới những sức mạnh tích cực, sức mạnh thúc đẩy không thể khuất phục trong việc vượt qua khó khăn của mình. Ví dụ, có một người từng đe dọa đánh bại tôi để thay đổi suy nghĩ của tôi. Anh ta thực sự có ý định đó, nhưng trước khi anh ta bắt đầu, tôi nói nhẹ nhàng: “Sau khi chúng ta đấu xong, tôi cũng không thay đổi suy nghĩ. Anh có thể giết tôi; nhưng không thể thuyết phục tôi. Anh hãy nhớ lấy điều này khi chết ruỗng trong tù”. Sự kiên quyết của tôi đã thắng được sự giận dữ của anh ta. Chúng tôi không đấu đá gì nữa.
Tôi không có ý cho rằng ai cũng có thể loại bỏ rắc rối bằng sự phản kháng mang tinh thần xây dựng khi áp dụng phương pháp này lần đầu tiên. Nhưng nếu thực hành đủ đến khi vận dụng khéo léo, nó sẽ làm nên những điều kỳ diệu. Bạn hiếm khi phải tấn công nếu biết sử dụng trí thông minh của mình.
Từ rất lâu người ta đã nói rằng, nếu bạn đưa cho một người sợi dây đủ dài, anh ta sẽ tự treo cổ mình. Hãy để kẻ thù có đủ không gian và anh ta sẽ tự đem đến thất bại cho bản thân. Anh ta sẽ làm điều đó bằng cách để lộ vài điểm mà bạn có thể sử dụng làm yếu tố chiếu tướng.
Một người phụ nữ yêu mến nhiều người hàng xóm, nhưng chồng cô lại không thích mấy người trong số đó. Chồng cô cũng từ chối thuê người giúp việc, mặc dù gia đình đủ khả năng chi trả. Cô thấy việc nhà của mình rất vất vả. Tình trạng khó khăn đó khiến cô buồn rầu cho đến khi nghĩ ra một cách.
“Thật tuyệt quá”, cô thi thoảng buông lời, “mình không phải giữ gìn nhà cửa như những bà nội trợ khác, vì nhà mình có ai tới thăm đâu, nên cũng chẳng quan trọng gì”. Sốc trước tình trạng nhà cửa luộm thuộm, người chồng thuê một người quét dọn và mời hàng xóm tới, quyết tâm rằng mình nhất định sẽ không sống trong một cái lều bừa bãi.
Hãy chú ý rằng phương pháp này, bạn chiến thắng bằng cách quy phục. Từ bỏ những thứ không cần thiết để đạt được mục tiêu của mình. Duy trì lý lẽ của mình, chứ không phải những giá trị nhỏ nhặt ngăn cản cái đích cuối cùng. Chỉ những người có cái tôi quá cao mới đòi hỏi một con đường bằng phẳng.
Franklin Delano Roosevelt biết bí quyết kiểm soát kẻ thù của mình. Một vị thượng nghị sĩ mãi không chịu hợp tác, cố cản trở việc thông qua một dự luật tối quan trọng. Ông phát hiện ra vị thượng nghị sĩ đó là một người say mê sưu tập tem và sử dụng điều đó làm lợi thế lớn cho mình. Một đêm, khi đang xem xét bộ sưu tập tem của mình, FDR gọi cho vị thượng nghị sĩ và nhờ ông ta giúp đỡ. Vị thượng nghị sĩ lấy làm hãnh diện, qua ngay trong buổi tối hôm ấy; hai người làm việc cùng nhau một lúc lâu – và ngày hôm sau, khi cuộc bỏ phiếu về dự luật đó lần lượt gọi tên, vị thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ. Đây là một bài học quan trọng. Trong khoảng thời gian dành cho thú vui sưu tập tem đó, cả hai người đàn ông đều không hề nhắc tới quan điểm khác nhau về dự luật. Họ chỉ đơn giản hiểu nhau nhiều hơn, và từ “thù” đã biến thành “bạn”.
Đôi khi kẻ thù là một kẻ bắt nạt, và chỉ có sức mạnh mới khiến kẻ đó ngừng lại. Điều này đúng với cá nhân cũng như với một quốc gia. Lòng dũng cảm và niềm tin là những vũ khí mạnh mẽ chống lại kẻ thù chỉ biết phụ thuộc vào nắm đấm và súng đạn. Động vật biết khi nào bạn sợ hãi; một kẻ nhát gan biết khi nào bạn không sợ.