Chương 9Tìm thấy tiếng nói của mình
Lúc mới bắt đầu kinh doanh, cảm hứng của tôi phần lớn đến từ các diễn giả thành công, những người luôn biết cách thổi bùng ngọn lửa đam mê nơi người nghe. Vì lẽ đó, tôi chưa bao giờ ngừng cố gắng lan truyền lại cảm hứng ấy cho những nhà phân phối Amway, rằng họ hãy đứng trước nhóm cộng tác của mình và khích lệ từng người tiến lên cũng như không ngừng phát triển. Hãy động viên họ, hãy cổ vũ họ và hãy nói với họ rằng: “Bạn có thể làm được!”. Điều này là nhân tố cốt lõi trong việc xây dựng nên một Amway như hôm nay.
Ngày xưa, chẳng bao lâu sau khi mở trường dạy lái máy bay, Jay và tôi có tham dự một khóa học của Dale Carnegie. Chúng tôi thấy rằng để thành công trong việc kinh doanh và bán hàng, có được kỹ năng giao tiếp hiệu quả là điều vô cùng quan trọng. Khóa học quả là một trải nghiệm hữu ích (đặc biệt là đối với tôi) vì nhờ nó, tôi có được lòng tự tin khi nói trước đám đông, khi phải thuyết phục và khích lệ khán giả. Các thầy hướng dẫn đã rất khéo trong việc chỉ ra những chỗ tôi cần cải thiện mà không cần dùng đến bất kỳ sự chỉ trích nào. Các thầy cũng tạo nên được bầu không khí tích cực để khi ở trong đó, mọi học viên đều nhận được sự khích lệ.
Các thầy dạy rằng chìa khóa thành công cho việc nói chuyện trước công chúng là sử dụng các công cụ và cách thức minh họa. Hãy kể chuyện, đặc biệt là chuyện về những trải nghiệm đích thực của bạn. Khi bạn kể lại những việc xảy đến với mình, bạn chẳng khi nào cần những mẩu ghi chú và cũng có thể trình bày một cách trơn tru, có chiều sâu cảm xúc vì chính bạn đã sống qua những sự kiện ấy.
Phương pháp của Dale Carnegie cũng đề cập tới một công thức dùng cho việc diễn thuyết. Đó là đầu tiên, bạn phải cho khán giả biết chủ đề mà bạn sắp nói. (Tôi đã tham dự rất nhiều buổi trình bày và cũng rất nhiều lần nhận thấy khán giả hoàn toàn không biết diễn giả đang nói về chuyện gì. Người nói lan man về rất nhiều thứ trong khi người nghe lại đang thắc mắc: “Chủ đề của buổi nói chuyện này là gì? Chúng ta sẽ nói về việc gì? Tại sao chúng ta lại cần nói về nó?”). Bước thứ hai là cho khán giả biết tại sao bạn nói về chủ đề này. Cuối cùng, hãy minh họa những điểm bạn trình bày – Luôn nhớ minh họa, minh họa, MINH HỌA!
Khi nắm vững ba bước trên rồi, bạn chỉ cần thêm phần mở màn (một chuyện đùa nhỏ hay một lời chào đơn giản) và phần kết (kiểu như “Tôi thấy rằng các bạn đã nắm hết những điều tôi trình bày, vậy tôi đề nghị các bạn hãy thực hiện các bước sau”). Những điều trên là các nguyên tắc căn bản nhất mà tôi khắc cốt ghi tâm sau khi tham gia khóa học. Thực ra, vài năm sau, tôi tham dự khóa học lần nữa và sau lần này, tôi càng nhận ra sức mạnh của việc minh họa trong khi diễn thuyết.
Sau khi hoàn thành khóa học ít lâu, tôi được mời đến Chicago để nói chuyện trước khoảng 3.000 khán giả trong một hội thảo về Nutrilite. Tôi làm theo các nguyên tắc và chuẩn bị thật kỹ phần minh họa. Chủ đề lần đó là “sự nhiệt tình” – nếu muốn thành công, bạn cần hành động thật hăng hái và quyết liệt. Khi bài trình bày kết thúc, dù tôi đã về chỗ ngồi nhưng khán giả đã đứng dậy và vỗ tay không dứt. Trong buổi hội thảo ấy có thầy hướng dẫn khóa học Dale Carnegie tham dự và thầy đã đến khen ngợi tôi. Chính lúc đó, tôi nhận ra khả năng diễn thuyết của mình.
Vài tháng sau khi Amway ra đời, cô kế toán công ty nói với tôi: “Chúng tôi có một hội kế toán nhỏ ở thành phố. Tôi đã có dịp nghe anh diễn thuyết và tôi không biết liệu anh có thể dành thời gian đến nói chuyện với nhóm của chúng tôi hay không?”. Đó là lần đầu tiên tôi được mời nói chuyện ngoài khuôn khổ những buổi họp hay gặp gỡ để thảo luận về Amway hay Nutrilite. Tôi thật sự rất vui và nhận lời ngay. Thế nhưng khi hỏi xem cô ấy muốn tôi nói về chủ đề gì, tôi mới biết cô ấy vẫn chưa hình dung ra bất cứ chủ điểm nào. Tôi bèn nói: “Vậy thì tôi sẽ nói về nước Mỹ và những khía cạnh tươi sáng của đất nước chúng ta. Dạo này báo chí toàn đưa những tin u ám thôi”. Tôi muốn có một bài nói chuyện về sự tuyệt vời của nước Mỹ.
Đó là khởi đầu của bài nói chuyện nổi tiếng nhất của tôi: “Bán hàng kiểu Mỹ.” Tôi bắt đầu nghĩ về những điều sẽ nói với hội kế toán và gạch đầu dòng các mặt tích cực đã đến với chúng tôi trong những ngày đầu kinh doanh. Tới ngày hôm nay, tôi đã thực hiện bài nói chuyện này hàng ngàn lần trên khắp nước Mỹ, và tôi càng trình bày thì sự hồi đáp của khán giả càng tăng lên. Có một lần, buổi diễn thuyết được ghi âm lại tại trung tâm hội nghị Future Farmers of America ở thành phố Indianapolis. Băng ghi âm sau đó được bán rộng rãi cho quần chúng vào thập niên 60 của thế kỷ 20 và bài diễn thuyết đã thắng Giải Alexander Hamilton của tổ chức Freedoms Foundation dành cho công trình Giáo dục – Kinh tế.
“Bán hàng kiểu Mỹ” hóa ra lại chính là bước khởi đầu cho sự nghiệp diễn thuyết của tôi trước những khán giả không thuộc hệ thống Amway và Nutrilite. Càng ngày, tôi càng nhận được nhiều lời mời diễn thuyết và tôi đã tới trình bày ở rất nhiều lễ trao bằng tốt nghiệp bậc trung học và đại học, cũng như ở các câu lạc bộ doanh nhân và các tổ chức khác. Chúng tôi biết rằng những bài nói chuyện ấy là cơ hội quảng bá rất tốt cho Amway, khi ấy vẫn còn là một công ty non trẻ. Tôi tiếp tục soạn thêm nhiều bài nói chuyện, chủ yếu là cho các dịp gặp gỡ trong phạm vi Amway, nhưng làm sao để chúng vẫn mang những thông điệp phù hợp với đại đa số khán giả. Hai trong số đó (tức “Ba chữ A: Action (hành động), Attitude (thái độ) và Atmosphere (bầu không khí)” và “Bốn giai đoạn”) đã được tôi trình bày trước khán giả Amway trên toàn thế giới. Đó là những bài nói chuyện hấp dẫn và quan trọng nhất của tôi.
Có lần, tôi được dịp chia sẻ “Bốn giai đoạn” với Tổng thống Mỹ Gerald Ford. Bài nói chuyện tập trung vào bốn giai đoạn trong sự phát triển của bất kỳ tổ chức nào: xây dựng, quản lý, phòng vệ và đổ lỗi. Tôi biết Tổng thống Gerald Ford từ khi ông còn là dân biểu của thành phố Grand Rapids. Ngày hôm ấy, tôi đến gặp ông ở Phòng Bầu dục và có mười phút để trò chuyện cùng ông.
– Ngài biết đấy, cả thành phố này đang ở giai đoạn bốn? – Trong khi trò chuyện, tôi đã dẫn vào phần giới thiệu về “Bốn giai đoạn” như vậy.
– Ông nói giai đoạn bốn nghĩa là sao? – Tổng thống hỏi.
– Chà, giai đoạn bốn là giai đoạn đổ lỗi, tức là khi mọi người tìm cách đổ lỗi cho nhau về mọi rắc rối. Tiêu biểu là tình hình ở thành phố này hiện nay.
– Chính tôi cũng cảm thấy như vậy. Ông hãy nói cho tôi nghe kỹ hơn đi. – Ngài Tổng thống yêu cầu.
– Tôi e là không kịp. Họ chỉ cho tôi mười phút và tôi phải tôn trọng điều đó.
– Tôi muốn nghe hết phần còn lại.
Bằng cách đó, tôi đã có cơ hội trình bày “Bốn giai đoạn” cho duy nhất một vị khán giả, lại là người vô cùng đặc biệt – Tổng thống của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Ông ấy hết sức hứng thú khi tôi kết thúc và đồng ý rằng mọi người phải hợp sức để đưa nước Mỹ về tình trạng ban đầu, rằng mọi người dân cần nghĩ về việc xây dựng đất nước chứ không phải là ngồi tranh cãi xem công lao thuộc về ai hay ai phải nhận trách nhiệm.
Bên cạnh việc chia sẻ bài nói chuyện với Tổng thống, ghi âm các bài diễn thuyết cũng là ngoại lệ. Hầu hết những bài trình bày của tôi, đặc biệt là các bài tôi soạn vào thuở ban đầu, được dùng với mục tiêu đơn giản là khích lệ các nhà phân phối Amway. Một trong những bài đầu tiên tôi soạn cho mục đích này là “Nỗ lực hay than khóc”. Với nó, tôi muốn nói với khán giả: “Bạn có hai lựa chọn trong ngành kinh doanh này: chấp nhận thất bại hoặc cố gắng không ngừng”. Tôi kể cho họ tất cả những việc Jay và tôi từng trải nghiệm khi mới dấn thân vào kinh doanh, sau đó là việc khởi dựng công ty. Một số phương án đem lại kết quả, số khác thì không. Điểm mấu chốt là chúng tôi không ngừng cố gắng. Bài nói chuyện rất đơn giản nhưng vẫn là một bài tốt. Không ít người nói với tôi rằng họ vẫn nghe đi nghe lại bài ấy từ băng cassette.
Tôi tạo được danh tiếng là một diễn giả mà không cần tới những mẩu ghi chú khi nói chuyện trước đám đông. Đôi lúc, tôi lôi trong túi áo ra một mẩu giấy con, trên đó có đề vài điểm nhưng những điểm ấy đơn thuần là giúp tôi ghi nhớ chủ đề, cũng như các câu chuyện mà tôi dự tính dùng làm minh họa cho phần trình bày. Tôi trung thành với công thức của Dale Carnegie, và vì tôi dùng các câu chuyện của chính đời mình nên tôi có thể kể lại chúng một cách tự nhiên, trôi chảy. Ví dụ như vào buổi nói chuyện “Nỗ lực hay than khóc” đầu tiên, tôi dựa hoàn toàn vào trí nhớ. Tôi đã trải qua tất cả các sự kiện sẽ được nhắc đến, vậy nên để vào đề tôi chỉ cần nói: “Tối nay, cho phép tôi trình bày với các bạn những việc chúng tôi đã trải qua để có được thành quả như bây giờ”.
Bạn không cần phải là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó thì mới có thể trở thành một diễn giả tốt. Tuy vậy, đôi khi kiến thức chuyên ngành cũng giúp bạn tạo nên một bài nói có nội dung cuốn hút. Tôi đã vận dụng kinh nghiệm bản thân thu thập được trong chuyến phiêu lưu Nam Mỹ để soạn bài “Bốn ngọn gió”. Bàn luận về gió, nguồn gốc của chúng và cách chúng ảnh hưởng tới chúng ta là những nội dung sẽ giúp khán giả có thêm hứng thú. Vậy nên về sau này, dù có quên đi những chi tiết của “Bốn ngọn gió” thì người ta vẫn nhớ về những hình ảnh gắn với các ngọn gió, thậm chí là nhớ cả ý nghĩa của chúng.
Tôi có thể thực hiện lại bài nói chuyện “Bốn ngọn gió” mà không gặp khó khăn gì vì tôi chỉ cần nghĩ về những ngọn gió mình đã kinh qua trong chuyến phiêu lưu trên biển thời còn trẻ. Khởi đầu cùng gió Bắc rõ là một khởi đầu không lấy gì làm thuận lợi rồi. Việc người ta viện cớ cho thất bại của họ hay than vãn về tình thế bất lợi cũng giống như khi ta phải đối mặt với ngọn Bắc phong lạnh lẽo, thứ có thể bất thần xông vào cuộc đời và kềm chân ta lại. Ngọn gió Đông có thể báo hiệu một tình hình thời tiết tồi tệ đang chực chờ. Trong ngành kinh doanh, chúng ta sẽ phải gặp và xử lý những việc không tiên liệu được; những tình huống như vậy đòi hỏi ta phải có tầm nhìn xa và có sự chuẩn bị – cũng như khi ta thấy trời âm u và chuẩn bị sẵn ô và áo mưa. Hãy cẩn thận với gió Nam, một tay lừa bịp có hạng. Nó bày trò, làm bạn nghĩ rằng mọi việc thật suôn sẻ, bạn thấy thật hài lòng và trở nên thiếu cảnh giác. Rồi bạn không còn hăng hái nữa, và khi công việc đình trệ thì đã tới lúc ngóng người bạn tốt. Đó là ngọn gió Tây đi cùng thời tiết ôn hòa và không khí mát dịu. Với gió Tây trong chuyến hải hành, chúng ta sẽ đi thật nhanh và thuyền sẽ tới đích thật nhẹ nhàng. Đây chính là lúc nhìn lại cả quá trình hoạt động một cách nghiêm túc, tìm kiếm những người cộng tác mới để cùng nhau vươn lên.
Trong khi lắng nghe, khán giả có thể mường tượng ra hình ảnh một chiếc thuyền lướt đi trên biển, đồng thời cảm nhận được sức mạnh của những ngọn gió khi lần lượt từng cơn tác động đến hướng đi của chiếc thuyền. Người nghe sẽ ướm chính bản thân và công việc của họ vào bức tranh hiện ra trong đầu và nghĩ về những ngọn gió họ đang gặp. Nhiều năm đã trôi qua, nhưng bài nói chuyện này vẫn được các nhà phân phối thích thú nhắc tới.
Lẽ tất nhiên, với sự phát triển của Amway trên toàn thế giới, tôi thấy rằng mình cần thay đổi đôi chút cách tiếp cận khi trình bày trước khán giả quốc tế kết hợp với sự trợ giúp của chuyên viên biên dịch. Quá trình trở nên khó khăn hơn. Bài học đầu tiên: đừng nói đùa, đừng kể chuyện hài. Rất khó chuyển dịch thành công những câu nói đùa hay các truyện tiếu lâm từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác. Lần đầu kể chuyện hài trước khán giả Trung Quốc, tôi đã không nhận được bất kỳ phản ứng nào – họ im lặng tuyệt đối. Trong khi cũng là câu chuyện hài ấy, khán giả ở những nước nói tiếng Anh cười giòn giã.
Khi diễn thuyết ở nước ngoài, tôi cũng tránh đề cập tới chính trị vì tôi không còn ở Mỹ, một phần cũng là vì quy định của Amway không cho phép tôi trình bày quan điểm chính trị cá nhân. Vậy nên tôi phải nói về những thứ khác.
Ở Trung Quốc, có lần tôi nói về việc vượt qua thử thách trong quá trình xây dựng Amway và làm thế nào mà tôi giải quyết được thử thách. Cụ thể hơn, thử thách mà tôi đề cập đến là sự từ chối vì trong đời sống thường ngày và trong việc bán hàng, chúng ta đều gặp phải sự từ chối. Để minh họa, tôi dùng việc ghép tim của chính tôi. Khi đó tôi đã 71 tuổi, bệnh án của tôi đã được gửi đến hơn 30 bác sĩ và một số trung tâm cấy ghép. Tất cả họ đều từ chối ghép tim cho tôi. Nhưng cuối cùng, một bác sĩ đã đồng ý. Dù cho mọi nỗ lực có vẻ như không mang lại kết quả, nếu kiên trì đeo đuổi thì cũng tới khi ta tìm thấy đúng người đó. Từ trải nghiệm này, tôi hiểu hơn về sự từ chối. Khi kinh doanh, đôi khi mọi thứ dậm chân tại chỗ, nhưng khi bạn tìm thấy đúng người, công việc của bạn sẽ tiếp tục lăn bánh – trong trường hợp của tôi, cuộc sống được tiếp nối. Thậm chí có lần, tôi cho khán giả xem những viên thuốc tôi phải dùng để quả tim mới không bị cơ thể loại thải. Tôi nói: “Tôi rất lấy làm tiếc vì không thể tặng các bạn liều thuốc kháng lại sự từ chối trong kinh doanh. Cũng giống như những gì tôi đã trải nghiệm, các bạn sẽ phải cố gắng không ngừng cho tới khi các bạn tìm thấy con người duy nhất và độc đáo ấy, người sẽ gật đầu và cùng bạn chia sẻ những ý định bạn hằng ấp ủ”.
Giờ đây, khi ngẫm lại một số bài nói chuyện, tôi có thể phân tích cụ thể hơn làm thế nào mà chúng giúp Amway thành công cũng như bản chất hoạt động kinh doanh của Amway. Tôi tin rằng chúng giúp các nhà phân phối hiểu rõ điều cốt lõi của việc làm chủ kinh doanh của mình, dù lớn hay nhỏ, và rằng họ tìm được một mục đích và lý tưởng cao cả hơn là chỉ đơn thuần nỗ lực để bán được hàng và tích lũy của cải. Phải, sự khích lệ và động viên là điều cần thiết cho mọi bài nói chuyện – điều này hẳn không cần phải bàn cãi. Nhưng tôi cũng nhận ra rằng tôi phải diễn thuyết nhằm hỗ trợ việc định hướng kinh doanh và giải thích rõ ràng mục tiêu thực sự của chúng tôi.
Amway kinh doanh để giúp đỡ mọi người. Chúng tôi có mỹ phẩm Artistry, thực phẩm bổ sung Nutrilite cùng nhiều sản phẩm khác, và đó là những công cụ để mọi người kiếm tiền khi kinh doanh sản phẩm Amway. Nhưng điều tuyệt diệu thực sự trong việc kinh doanh này là nó giúp mọi người có cuộc sống tốt đẹp hơn và thú vị hơn. Mọi nỗ lực của chúng tôi đều được dồn vào việc này. Những nhà phân phối đôi khi cậy nhờ việc kinh doanh sản phẩm Amway để đạt được điều này điều nọ, nhưng bản thân chúng tôi luôn giữ vững hướng đi đã được xác định từ lúc ban đầu. Amway khởi đầu với ý tưởng rằng ai cũng có thể có được cơ hội để tự làm chủ việc kinh doanh. Mục tiêu của Jay và tôi là xây dựng cho chính chúng tôi một ngành kinh doanh, chúng tôi đã nghĩ ai mà lại không muốn được như thế. Cho tới tận lúc này, chúng tôi vẫn nghĩ rằng đó là động lực quan trọng nhất. Thỉnh thoảng mọi người rất bất ngờ khi tôi nói: “Những nhà phân phối có thể bán quyền kinh doanh sản phẩm Amway, họ có thể chuyển giao quyền đó cho các thành viên trong gia đình – đó là tài sản cá nhân, là một việc kinh doanh mà họ làm chủ và điều hành”.
Amway luôn đặt lên hàng đầu mục tiêu làm giàu cuộc sống của mọi người bằng cách mang lại những sản phẩm tốt hơn và những cách thức tiến bộ để bán chúng. Sau phán quyết của FDA, một thẩm phán đã nói với tôi: “Kể từ khi siêu thị ra đời, Amway là cái tên đầu tiên tôi thấy thực sự có tiềm năng mang đến một cách tiếp thị sản phẩm hoàn toàn mới. Nó là thứ duy nhất có thể vượt qua các cửa hàng truyền thống”. Việc người bán hàng đi tới từng hộ gia đình để tiếp thị sản phẩm đã có từ rất lâu, từ thời ông bà tôi, thậm chí là trước đó nữa. Nhưng việc bán hàng phân theo theo cấp độ của Amway thì chưa từng xuất hiện trong lịch sử, và ngày hôm nay khi nhìn lại, chúng tôi càng nhận thức rõ hơn rằng phương pháp này là một trong những cơ hội hiếm hoi giúp mọi người có thể làm giàu từ hai bàn tay gần như trống rỗng.
Khi Amway đạt được những thành công đầu tiên, tập đoàn W. R. Grace & Company (bao gồm một công ty hóa chất lớn, một doanh nghiệp hàng không và một công ty vận chuyển rất có quy mô) đã tiếp cận chúng tôi. Họ đang tìm cách đa dạng hóa, mở rộng công ty và đang cân nhắc việc mua lại Amway. Hồi đó, chúng tôi chỉ là một công ty xà phòng nhỏ với một số sản phẩm gia dụng. Một vài thành viên Ban quản trị tập đoàn Grace đề nghị gặp chúng tôi và bàn bạc về Amway cũng như khả năng họ mua lại nó. Jay và tôi hoàn toàn không có ý định bán công ty nhưng cũng quyết định gặp gỡ để nghe họ trình bày – có lẽ khi ấy, chúng tôi chỉ nghĩ là gặp cho vui, để biết được công ty chúng tôi đáng giá bao nhiêu trong mắt một người mua tiềm năng. Họ ra giá, nhưng chúng tôi nói rõ rằng mình không có ý định bán Amway. Họ đáp rằng dù sao họ cũng đã có kế hoạch mở rộng việc kinh doanh. Họ đã cho xây một nhà máy sản xuất các sản phẩm tương tự chúng tôi ở thành phố Cincinnati và đã thành lập công ty Grace Home Products.
– Nếu các anh không bán, chúng tôi sẽ cho Grace Home Products đi vào hoạt động và cạnh tranh với các anh. – Họ nói vậy.
– Tuyệt! Nếu các ông tính làm vậy thì làm ngay đi. Tôi sẽ cho các ông một bộ bán hàng của Amway mà trong đó có cả kế hoạch bán hàng. Mọi bước thực hiện đều được viết ra hết sức chi tiết và nếu làm theo thì các ông có thể sớm ăn nên làm ra thôi.
Nếu các ông muốn kinh doanh, tôi mong các ông kinh doanh đúng cách. – Tôi đáp lời họ.
Vậy là họ cho Grace Home Products hoạt động, nhưng tôi chẳng chú ý đến nó là mấy. Vài năm sau, tại một sân bay ở thị trấn Bar Harbor, tiểu bang Maine, tôi vô tình đi cùng đường với Peter Grace. Tôi chưa từng gặp ông ấy, nhưng nhận ra ông ấy là ai và đã chủ động tự giới thiệu với tư cách là một trong hai người sở hữu Amway.
– Công ty Grace Home Products làm ăn khá chứ, thưa ông?
– Tôi hỏi.
– Anh biết quá rõ mà. – Ông ấy đáp.
Tôi nói rằng quả thật tôi không biết vì tôi không theo dõi hoạt động của công ty. Khi ông ấy nói họ đã đóng cửa công ty, tôi rất ngạc nhiên:
– Lẽ nào lại thế! Tôi đã đưa các ông một cuốn sách hướng dẫn và cả bộ bán hàng của Amway mà. Mọi điều cần thiết đều nằm trong đấy cả. Việc duy nhất các ông cần làm là theo đúng hướng dẫn.
– Vậy hẳn là anh đã quên viết ra một hai điều quan trọng rồi, anh bạn trẻ ạ. – Ông ấy vừa đáp vừa chọc chọc vào ngực tôi.
Câu chuyện giữa Amway và Grace đó, tôi đã dùng để minh họa cho một bài nói chuyện ở Las Vegas nhân dịp kỷ niệm Amway tròn 50 tuổi. Trước các khán giả, hầu hết là các nhà phân phối của Amway, tôi lý giải:
– Hôm nay, tôi sẽ tiết lộ cho các bạn biết thứ chúng tôi đã không ghi vào bộ tài liệu bán hàng. Tuy nhiên, nếu các bạn bỏ nó ra khỏi đầu óc bạn trong khi tiến hành kinh doanh, các bạn sẽ thất bại và toàn bộ công ty cũng sẽ thất bại. Điều mà ông Peter Grace cho là chúng tôi đã không ghi vào bộ bán hàng thực chất là điều mà chúng ta không bao giờ có thể dùng những con chữ để định nghĩa. Bởi vì đó chính là tinh thần giúp đỡ những người mà bạn kết nạp và sau đó, đến lượt những người này sẽ kết nạp thêm những người khác, cứ thế mỗi người đều có thể giúp những người khác nữa. Người giúp người chính là cách để bạn thắng lợi trong kinh doanh.
Sau cùng, tôi kết luận: “Bài học này xưa như quả đất, nhưng nó chính là cách công ty này vận hành”.
Chúng tôi tâm niệm rằng Amway là một mô hình kinh doanh để làm giàu cuộc sống. Một trong những bài nói chuyện nổi tiếng nhất của tôi là “Những người làm giàu cuộc sống”. Tôi bắt đầu diễn thuyết bài này vào năm 1989, sau khi đọc được một vài dòng mà Walt Disney đã viết, những dòng chữ làm tôi rúng động. Tôi đang trên máy bay tới California, nghĩ ngợi về bài nói chuyện tiếp theo cần soạn thì gặp được câu này. Ông viết rằng trên thế giới có ba loại người: “những kẻ đầu độc các giếng nước” (tức những kẻ luôn chỉ trích nỗ lực và ý kiến của người khác), “những người chạy máy xén cỏ” (tức những công dân tốt, làm việc chăm chỉ, đóng thuế đầy đủ và luôn chăm chút cho mái ấm của họ, có điều họ chẳng bao giờ băng qua thảm cỏ trước nhà để sang giúp láng giềng), cuối cùng là “những người cải thiện cuộc sống” (tức những người cố gắng làm cuộc sống tốt đẹp hơn bằng các hành động tương trợ và những lời khích lệ động viên người khác).
“Ồ! Những người này chính là mẫu người của Amway.” – Tôi thầm nghĩ.
Tuy nhiên, tôi có điều chỉnh một chút và dùng cụm từ những người làm giàu cuộc sống cho bài diễn thuyết. Song chính ví von của Walt Disney đã cho tôi cảm hứng và tôi luôn biết ơn ông vì điều này.
Tận bây giờ, tôi vẫn xúc động khi thấy việc trở thành một người làm giàu cuộc sống vẫn là cốt lõi cho mọi hoạt động của Amway. Bán được hàng tất nhiên là quan trọng, nhưng thứ còn quan trọng hơn là khi bán được hàng, mọi người sẽ có tiền cải thiện cuộc sống, cũng như có cơ hội giúp đỡ những người khác thông qua việc bảo trợ để họ khởi nghiệp, rồi những người được giúp đỡ ấy sẽ kinh doanh tốt và bảo trợ cho thêm nhiều người khác, cứ thế quá trình này tiếp diễn… Và rồi cuộc sống của tất cả những người bằng lòng giúp đỡ người khác đều trở nên tốt đẹp hơn. Cuộc đời họ thay đổi hoàn toàn, không chỉ vì họ kiếm khá tiền qua việc bán sản phẩm của chúng tôi mà còn vì họ được sống trong một môi trường mới cùng những người có tư duy tích cực, luôn hướng tới việc hỗ trợ người khác và làm cuộc sống tốt đẹp hơn.
Vậy nên, ý tưởng về những người làm giàu cuộc sống chính là nền tảng cho toàn bộ hoạt động kinh doanh của Amway. “Những người làm giàu cuộc sống” là bài nói chuyện rất quan trọng tại các buổi gặp gỡ của Amway trong nhiều năm; trên thực tế, tôi có trình bày nó trước rất nhiều người không làm việc với Amway. Tôi bị thuyết phục hoàn toàn trước ý tưởng làm giàu cuộc sống và muốn khuyến khích càng nhiều người trở thành mẫu người thứ ba trong câu nói của Walt Disney càng tốt. Tôi vẫn thường gửi thư chúc mừng những người được tuyên dương trên tờ báo địa phương vì những việc làm thiện tâm. Tôi nghĩ hành động đó khiến họ xứng đáng được xem là những người làm giàu cho cuộc sống này.
Kể từ ngày tôi đứng trên sân khấu ở hội nghị Nutrilite ở Chicago vào những năm đầu thập niên 50 để nói về sự hăng hái nhiệt tình trong công việc, cho tới lúc tôi trình bày “Bán hàng kiểu Mỹ”, rồi “Nỗ lực hay than khóc” và vô số những chủ đề khác trên khắp thế giới, tôi luôn luôn tin rằng việc tôi diễn thuyết có vai trò quyết định trong việc giúp các nhà phân phối của Amway. Theo đó, họ không chỉ đạt được ước mơ của riêng mình mà còn nhận ra giá trị đích thực của việc kinh doanh tự do và trách nhiệm đóng góp để cuộc sống tốt đẹp hơn. Đối với thành công của Amway, những bài nói chuyện đó quan trọng không kém việc phát triển sản phẩm mới, xây dựng nhà máy hay quản lý công ty. Có rất nhiều khía cạnh trong sự thành công của một công ty. Nhưng rõ ràng là tất cả những kết quả tốt đẹp – đặc biệt trong những năm tháng đầu tiên – đều xảy đến khi mọi người bắt đầu tin tưởng vào công ty và vào chính bản thân họ. Những nỗ lực đó, đặc biệt là những nỗ lực vào buổi bình minh của Amway, đã chạm tới hàng triệu người khắp thế giới. Chúng tôi chỉ có thể đạt được tầm vóc ấy khi mọi người cùng động viên nhau chung sức với chúng tôi, tất cả vì một cuộc sống tươi sáng hơn cho chính họ, cho con cháu, gia đình, bè bạn họ và cho cả nhân loại.
“Các bạn muốn tôi nói về chủ đề gì?” – Tôi đã hỏi như vậy rất nhiều lần, khi được mời đi diễn thuyết.
“Chúng tôi chỉ cần ông khích lệ và truyền cảm hứng cho chúng tôi thôi. Chúng tôi không quan tâm tới chủ đề đâu. Ông cứ nói một cách thật tích cực như ông vẫn làm!” – Đó là câu trả lời tôi thường nghe được.
Trong việc kinh doanh và trong đời sống, mọi người đều muốn và đều cần được khích lệ, được truyền cảm hứng. Sự khích lệ và những cảm hứng là chìa khóa cho sự thành công của Amway. Tôi nghĩ mọi công ty đều có thể phát triển tốt hơn nữa nếu ban lãnh đạo đứng lên và truyền tải về những thông điệp tích cực mà chính họ thu được, theo một cách thật giàu cảm xúc (tất nhiên, hãy nhớ trình bày kèm những minh họa chân thật và đáng nhớ).