HÃY LUÔN MỈM CƯỜI
“Nhà lãnh đạo không tạo ra người phục tùng, họ tạo ra nhiều nhà lãnh đạo hơn”
– Tom Peters, Đồng tác giả “In Search of Excellence”
Tại một buổi họp vào sáng thứ Hai, tôi đề nghị các nhân viên hãy giơ tay nếu họ nghĩ mình là người lãnh đạo. Chỉ có một số ít giơ tay hoặc ngập ngừng. Tôi cũng phỏng vấn hàng chục người khác, từng người một, hỏi cùng một câu hỏi đó.
Một số ít nghĩ rằng họ có thể trở thành lãnh đạo nếu có kinh nghiệm tốt nhất trong công việc. Những người khác nói rằng họ sẽ trở thành lãnh đạo nếu cấp trên của họ bảo họ làm. Một số người từ chối thẳng, “Tôi không phải là lãnh đạo. Tôi không ra quyết định, tôi không có trách nhiệm và tôi không bảo người khác phải làm gì.”
Những phản hồi đó đã giúp tôi hiểu ra vấn đề. Tôi từng xem mọi người trong đội của tôi là lãnh đạo nhưng nhận ra là tôi chưa bao giờ nói với họ.
Tôi tin rằng bạn đang hàng ngày dẫn dắt, lãnh đạo một người, đó là chính bản thân bạn. Có thể bạn không có chức danh, nhưng bạn vẫn đang lãnh đạo chính bạn. Những người đến nơi làm việc với tâm trạng cực kỳ nhạy cảm hoặc buồn rầu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đồng nghiệp. Ngược lại, những người luôn mỉm cười, đến làm việc đúng giờ và thoải mái tại nơi làm việc sẽ có tác động tích cực đến mọi người. Chúng ta đều có quyền lựa chọn cách ứng phó với các tình huống và sự lựa chọn đó có ảnh hưởng đến người khác.
CHỨC DANH KHÔNG GIÚP BẠN TRỞ THÀNH NHÀ LÃNH ĐẠO
“Lãnh đạo không phải là chức danh, vị trí hay xếp hạng. Đó là sự ảnh hưởng của cuộc sống của người này đối với người khác”
– John Maxwell, Tác giả và Diễn giả
Chức danh lãnh đạo giúp bạn có được thể diện, nhưng bạn phải có tố chất lãnh đạo mới chiếm được lòng người. Với những gì bạn làm được và cách bạn đối xử với người khác, bạn sẽ có được sự kính trọng cho dù bạn có chức danh đó hay không. Trở thành một người đáng tin cậy, đối xử với mọi người với sự tôn trọng sẽ là cách đảm bảo cho bạn giành được sự ngưỡng mộ của người mà bạn làm việc cùng.
Những người ở vị trí lãnh đạo kỳ vọng nhân viên của họ “làm những việc mà tôi bảo và không làm những việc tôi làm” sẽ tự thấy họ không có tầm ảnh hưởng với người mà họ lãnh đạo. Họ mất đi sự tín nhiệm khi họ nói một đằng làm một nẻo. Kiểu lãnh đạo như vậy rất khó để tin tưởng.
TẠI SAO LẠI PHẢI PHÁT TRIỂN CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO?
“Mọi người muốn được hướng dẫn, không phải chỉ đạo khoa trương. Họ cần biết kế hoạch hành động là gì và cách thực hiện nó như thế nào. Họ muốn được trao trách nhiệm để giúp giải quyết vấn đề và được quyền hành động”
– Howard Schultz, Starbucks
Cây trồng sẽ sinh trưởng tốt khi thường xuyên được chăm sóc và nuôi dưỡng. Chúng ta cũng tương tự như vậy. Chức vô địch của các trận đấu không phải là kết quả ngẫu nhiên. Bạn phải biết rõ bạn muốn gì, từ đó ươm mầm, tưới nước, chăm sóc và nuôi dưỡng nó. Bạn phải đầu tư thời gian, chuyên tâm trong quá trình phát triển. Nếu không, sẽ có những vấn đề không phải là những gì mà bạn muốn hoặc đã ươm mầm “nảy mầm”.
Nếu bạn là nhà lãnh đạo của một tổ chức, bạn cần xây dựng một văn hóa đội nhóm dựa trên các tiêu chuẩn khắt khe, sự chuyên nghiệp, kiến thức và đam mê hoàn thành công việc một cách xuất sắc. Bạn cần có những người luôn chủ động tìm giải pháp, làm việc thông thái hơn, chứ không phải chăm chỉ hơn. Và bằng mọi giá, phải hướng đến điều tốt nhất của những điều tốt nhất.
Bạn không cần những người chỉ cố vượt qua các bài thi để có được việc làm. Bạn cần những người muốn làm những điều tuyệt vời cho cuộc sống của họ và những người không chỉ làm việc để nhận lương hưu sau 25 năm cống hiến. Việc đào tạo kỹ năng lãnh đạo giúp bạn có được nền tảng vững chắc để phát triển những tố chất tích cực của nhà lãnh đạo.
GIEO HẠT GIỐNG LÃNH ĐẠO
“Hãy suy nghĩ kỹ trước khi nói, bởi vì lời nói và sự ảnh hưởng của bạn sẽ gieo mầm thành công hoặc thất bại trong tâm trí của người khác”
– Napoleon Hill, Tác giả “Nghĩ giàu làm giàu”
Nếu bạn muốn trồng cây sồi, bạn cần phải chắc chắn có hạt giống cây sồi, không phải cây phong. Khi bạn gieo hạt giống cây sồi, bạn cần phải thông thuộc được đặc tính sinh trưởng của cây sồi và tạo ra được môi trường sống phù hợp cho nó. Những quy luật tự nhiên này cũng được áp dụng trong môi trường làm việc theo nhóm. Nếu bạn muốn xây dựng một nhóm nhà lãnh đạo tương lai hiệu quả, bạn cũng cần phải thực hiện những công việc không thể thiếu như trên. Bạn cần phải tạo ra môi trường nuôi dưỡng thuận lợi. Môi trường làm việc lành mạnh không thể ngẫu nhiên mà có được. Chúng cần phải được nuôi dưỡng có kế hoạch.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA MÔI TRƯỜNG
“Bước đầu tiên đi đến thành công là khi bạn từ chối rập khuôn môi trường nơi bạn đã trải qua trước đó”
– Mark Caine, Tác giả người Mỹ
Một nhà lãnh đạo sẽ luôn nỗ lực xây dựng một môi trường làm việc thuận lợi cho sự phát triển cá nhân. Những nhân viên giỏi nhất là người luôn khao khát phát triển bản thân. “Nuôi dưỡng” là từ mô tả phù hợp cho quá trình phát triển này. Khi một cây vẫn còn phát triển, nghĩa là nó vẫn còn sống và đơm hoa kết quả. Khi cây ngừng phát triển, có nghĩa là nó đang chết dần và bắt đầu mục nát.
Những người có tư duy “nhân viên” thường chống lại sự đổi mới và luôn bằng lòng với công việc chỉ để tồn tại trong một công ty. Những người tài năng và có chuyên môn cao bị thu hút bởi văn hoá phát triển cá nhân, thứ cho họ cơ hội hoàn thiện kỹ năng và thái độ làm việc.
Phát triển nhà lãnh đạo là một quá trình chậm rãi, kéo dài. Khi nhân viên mới được tuyển dụng, họ thường hào hứng với khoá học “Phát triển kỹ năng trở thành nhà lãnh đạo”. Bởi hầu hết họ chưa bao giờ có được trải nghiệm tương tự. Nhưng theo thời gian, sự hào hứng có thể dần mất đi và họ thường chú trọng vào một trong hai lựa chọn sau đây.
Những người khôn ngoan sẽ bắt đầu những thói quen mới và bắt đầu chủ động thực hiện và âm thầm tạo ra những cải thiện mới trong quá trình phát triển bản thân. Họ không ngừng cải thiện dù cảm giác hào hứng ban đầu không còn. Thực tế mà nói, sự đam mê của họ ăn sâu vào gốc rễ, giúp họ có được nền tảng vững chắc để kiên định theo đuổi những điều tuyệt vời. Họ không phải phụ thuộc vào bài giảng trên lớp để giúp họ phát triển. Họ tìm ra cách để tự phát triển bản thân. Họ đọc sách, nghe sách audio, yêu cầu được tham dự các hội thảo, tham quan thực địa, tìm kiếm nguồn lực, xây dựng mạng lưới với người cùng chuyên môn. Thậm chí họ học hỏi người khác để phát triển tốt hơn. Họ có tinh thần tự giác cao hơn, đưa ra quyết định hiệu quả hơn và cam kết tạo thay đổi tích cực.
Lựa chọn thứ hai đó là những nhân viên này có khả năng nhìn thấy được giá trị của việc phát triển cá nhân. Họ hứng thú với những gì họ học được tại khóa học “Phát triển kỹ năng thành nhà lãnh đạo”. Tuy nhiên họ không áp dụng chúng bên ngoài lớp học và không tạo ra sự thay đổi lâu dài. Họ quay lại thói quen làm việc và cuộc sống như cũ.
Họ thường là những người chỉ ngồi sau hàng rào chờ đợi, xem gió thổi hướng nào thì xuôi theo chiều đó. Họ mơ hồ về cuộc đời, họ không có kế hoạch cụ thể. Họ giống như cái cây có bộ rễ nông và dễ bị tổn thương trước thời tiết khắc nghiệt. Vì thế, nếu không cẩn thận, họ rất dễ bị lôi kéo và dụ dỗ. Đây là lựa chọn nhiều rủi ro.
Cũng giống như chiếc bị rụng khỏi cây, chúng sẽ không sinh trưởng nữa mà bắt đầu mục nát.
HỖ TRỢ NHÂN VIÊN THÀNH CÔNG
“Bạn có thể có mọi thứ trong cuộc đời mà bạn muốn, bạn chỉ cần giúp đỡ người khác để họ đạt được thứ họ muốn”
– Zig Ziglar, Tác giả và Diễn giả truyền cảm hứng
Để giúp cả đội thành công, nghĩa là bạn phải làm việc với các bộ phận và đối tác khác nhau. Một điều quan trọng đó là phải phối hợp với những bên liên quan để hoàn thành công việc một cách có hệ thống và với chi phí bảo trì thấp nhất có thể.
Đôi khi việc giúp người khác thành công có nghĩa là làm cho họ phải có trách nhiệm giải trình với hành vi hoặc hiệu quả công việc. Việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng đó là một phần của quá trình phát triển. Một trong những cách lãnh đạo người khác tệ nhất đó là để mặc họ trốn tránh trách nhiệm đối với thái độ hoặc hiệu quả công việc kém. Có người sẽ thấy việc đó, nhưng họ lại chờ đợi người chịu trách nhiệm thay. Khi người lãnh đạo không có hành động thì nhân viên sẽ chán nản, kéo theo niềm tin và tinh thần của nhóm suy sụp.
Đào tạo chéo giữa các nhân viên là một phương thức hiệu quả giúp mọi người có thể nhìn thấy được bức tranh lớn hơn và thành công hơn. Cách này giúp cho nhân viên hiểu được công việc ở vị trí của đồng nghiệp và học hỏi được kinh nghiệm thực tiễn để áp dụng vào công việc. Ở bộ phận dịch vụ cảnh quan, thành viên đội của tôi có được sự ngưỡng mộ lớn hơn dành cho công việc mà từng thành viên đảm nhiệm giúp tạo ra một khuôn viên trường học tươi đẹp hơn.
Đào tạo chéo giúp nhân viên mở rộng kiến thức và kỹ năng. Đồng thời nhân viên ở vị trí khác nhau không còn phàn nàn rằng công việc của người khác dễ dàng hơn mình.
Đào tạo chéo còn tạo thêm cơ hội cho nhân viên ở trong cùng một tổ chức có thể chuyển từ bộ phận này sang bộ phận khác làm việc. Ví dụ, khi chúng tôi thử cho nhân viên ở các bộ phận khác sang làm công việc tưới tiêu, và đồng thời một số thành viên chủ chốt làm công việc chăm sóc cây cảnh. Hiện nay chúng tôi có hai nhân viên tưới tiêu toàn thời gian.
CỐ VẤN
“Tôi nghĩ một người làm gương phải là người cố vấn – một người mà bạn có thể thấy hàng ngày và bạn có thể học hỏi từ họ”
– Diễn viên Denzel Washington
Cuộc sống có nhiều điều khác ngoài việc cắt cỏ, nhổ cỏ và tạo ra một khuôn viên cảnh quan tươi đẹp. Cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn khi chúng ta đầu tư vào các hoạt động khác nữa.
Chúng tôi bổ nhiệm cố vấn cho mỗi người mới vào. Sự bổ nhiệm này giúp tạo điều kiện cho mọi người có thể học hỏi, lắng nghe và phát triển. Chúng tôi muốn tất cả những nhân viên mới đều có cơ hội thành công trong công việc mà họ làm. Cho dù họ làm việc lâu dài với chúng tôi, hoặc chuyển đến vị trí mới, chúng tôi đều muốn họ thành công.
Chúng tôi nỗ lực làm việc để củng cố môi trường làm việc, nơi nhân viên toàn thời gian được trao quyền đào tạo học viên của họ.
MẠNH DẠN TUYỂN NHÂN VIÊN GIỎI HƠN MÌNH
“Hãy giao thiệp với những người thông thái hơn bạn”
– Russell Simmons, Chủ tịch & CEO Rust Communications
Một người bạn của tôi ở trường đại học khác đã chia sẻ câu chuyện về việc phỏng vấn tuyển dụng một ứng viên tiềm năng cho vị trí cơ bản, không yêu cầu kinh nghiệm. Hội đồng tuyển dụng được thông báo rằng ứng viên này đáp ứng yêu cầu công việc và có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiến trúc cảnh quan. Người này từng sở hữu một công ty riêng về kiến trúc cảnh quan. Một người trong ban tuyển dụng, người từng làm việc ở bộ phận cây cảnh, cảm thấy bị lấn át bởi kiến thức và kinh nghiệm của ứng viên đó. Bạn của tôi nói rằng hội đồng tuyển dụng đã không nhận ứng viên đó và anh ấy nói bằng giọng thất vọng với quyết định của họ.
Khi tôi ở trong ban tuyển dụng, tôi cũng gặp tình huống tương tự. Vị trí tuyển dụng chỉ là nhân viên chăm sóc sân cỏ, nhưng có một ứng viên lại có khả năng lãnh đạo và có kiến thức về cây trồng. Sau buổi phỏng vấn, một thành viên ban tuyển dụng hỏi, “Chúng ta tuyển một lãnh đạo hay một nhân viên? Ứng viên này dường như hợp hơn ở vị trí lãnh đạo.” Tất nhiên, là anh ấy không muốn tuyển một lãnh đạo.
Ở cả hai trường hợp này, có lẽ người trong ban tuyển dụng cảm thấy bị lấn át bởi một ứng viên có nhiều kiến thức và kinh nghiệm hơn. Việc tuyển dụng một ứng viên tài năng chắc chắn sẽ khiến cho người tuyển lo lắng. Một số người cảm thấy bị lấn át, vì sự an toàn của bản thân bị ảnh hưởng.
Khi bạn có thể thừa nhận rằng, bạn không biết mọi thứ về chính công việc của bạn, nghĩa là bạn đang tạo ra một không gian làm việc cởi mở để nhân viên có thể học hỏi lẫn nhau. Hãy mạnh dạn tuyển nhân viên giỏi hơn bạn. Điều đó giúp truyền cảm hứng cho người khác học hỏi, tự tìm kiếm giải pháp cho thách thức của họ và tìm hiểu sâu sắc hơn công việc họ đang làm.
Tất nhiên kiến thức không phải là yếu tố duy nhất tác động đến quyết định tuyển dụng. Tất cả các yếu tố khác cũng có vai trò quan trọng như nhau, nhưng hãy tìm kiếm những nhà lãnh đạo thay vì nhân viên.