Nhưng đôi khi tôi giống như một cái cây đứng che lấy ngôi mộ, một cái cây sum suê cành lá đã hoàn toàn trưởng thành, sống với giấc mơ riêng mà đám rễ đang tự do đè nén tâm trạng và những vần thơ của cậu bé dưới mộ.
-RAINER MARIA RILKE
Hãy thành thật với bản thân.
-WILLIAM SHAKESPEARE
BẢNG CÂU HỎI
Hãy trả lời có hoặc không đối với những câu hỏi dưới đây. Sau khi bạn đọc từng câu hỏi, hãy chờ và cảm nhận. Nếu bạn cảm thấy hứng khởi để trả lời là có, hãy trả lời có; nếu không, hãy trả lời là không. Nếu bạn trả lời có với bất kỳ câu hỏi nào, rất có thể đứa trẻ tuyệt vời thời quá khứ bên trong bạn đã bị tổn thương với thang điểm từ một đến một trăm. Bạn cảm thấy sẽ trả lời càng nhiều câu hỏi là có, thì đứa trẻ ở tuổi mẫu giáo bên trong bạn càng bị nhiều tổn thương.
1. Bạn có các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến cá tính không? Có______ Không______
Để giúp bạn trả lời câu hỏi này, hãy cân nhắc những câu hỏi sau đây: Bạn là ai? Bạn trả lời có dễ dàng không? Bất kể sở thích tình dục thế nào, bạn có cảm thấy mình thực sự là một người đàn ông hay một người phụ nữ không? Bạn có cố tỏ vẻ để thể hiện giới tính của mình không (cố tỏ ra nam tính hoặc gợi cảm)? Có______ Không______
2. Ngay cả khi bạn quan hệ tình dục trong hoàn cảnh chính thống, bạn có cảm thấy tội lỗi không? Có______ Không______
3. Bạn có gặp khó khăn để xác định mình đang cảm thấy thế nào vào một thời điểm bất kỳ hay không? Có______ Không______
4. Bạn có khó khăn gì trong việc giao tiếp với những người gần gũi với mình hay không (vợ hoặc chồng, con cái, sếp, bạn bè)? Có______ Không______
5. Bạn có cố kiểm soát cảm xúc của mình vào mọi thời điểm không? Có______ Không______
6. Bạn có cố kiểm soát cảm xúc của những người xung quanh bạn không? Có______ Không______
7. Bạn có khóc khi giận dữ không? Có______ Không______
8. Bạn có bực tức khi sợ hãi hay bị tổn thương không? Có______ Không______
9. Bạn có khó khăn khi bộc lộ tâm trạng của mình không? Có______ Không______
10. Bạn có tin rằng mình phải chịu trách nhiệm đối với hành vi và tâm trạng của người khác không? (Ví dụ, bạn có cảm thấy mình sẽ khiến ai đó buồn hay tức giận không?) Có______ Không______ Đồng thời, bạn có cảm thấy có lỗi đối với những gì đã xảy ra với các thành viên trong gia đình mình không? Có______ Không______
11. Bạn có tin rằng nếu bạn thực sự cư xử theo một cách nhất định nào đó thì bạn có thể thay đổi một người khác không? Có______ Không______
12. Bạn có tin rằng việc mong ước hay cảm nhận một điều gì có thể khiến việc đó trở thành sự thật không? Có______ Không______
13. Bạn có thường chấp nhận những thông điệp khó hiểu và thiếu nhất quán mà không đòi hỏi phải được giải thích rõ ràng không? Có______ Không______
14. Bạn có hành động dựa trên việc phỏng đoán và mặc định mà không xác thực thông tin, coi như đó là thông tin chính xác không? Có______ Không______
15. Bạn có cảm thấy mình phải có trách nhiệm đối với những vấn đề trong hôn nhân hay việc ly dị của cha mẹ mình không? Có______ Không______
16. Bạn có nỗ lực thành công để cha mẹ mình có thể cảm thấy vui vẻ về thành quả nuôi dạy con của mình không? Có______ Không______
TUỔI MẪU GIÁO THÔNG THƯỜNG
Khi lên tầm 3 tuổi, bạn bắt đầu hỏi tại sao và đưa ra rất nhiều câu hỏi khác. Bạn hỏi không phải vì bạn ngốc nghếch hay thích làm phiền người khác, mà để sở hữu năng lực cao cấp hơn về mặt sinh học. Bạn hỏi bởi trong bạn là nguồn năng lượng sống, thúc đẩy bạn tiến lên phía trước, về phía cuộc đời đang ngày càng rộng mở.
Tóm lược lại sự phát triển của bạn: Bạn cảm thấy được chào đón khi bước vào thế giới, và bạn biết mình có thể tin tưởng ở thế giới này để thỏa mãn được những nhu cầu của bản thân; bạn cũng đã phát triển đủ sức mạnh ý chí và kỷ luật nội tại để tin tưởng vào bản thân mình. Bây giờ bạn phải phát triển khả năng để mường tượng ra mình là ai và mình muốn sống cuộc đời như thế nào. Để biết mình là ai đồng nghĩa với việc nhận dạng cá nhân, bao gồm thiên hướng tình dục, sự tin tưởng đối với bản thân và trí tưởng tượng của bạn. Những đứa trẻ ở tuổi mẫu giáo hỏi nhiều câu hỏi tại sao bởi có quá nhiều điều để tìm hiểu. Một số chúng ta vẫn chưa thể hiểu hết được tất cả những điều đó.
Bởi việc tìm ra mình là ai và mình muốn gì với cuộc đời là một nhiệm vụ quá khó khăn, nên trẻ em được ban tặng một lớp bảo vệ đặc biệt để giúp đỡ chúng. Lớp bảo vệ đặc biệt này chính là sự đề cao bản thân. Trẻ tự nhiên coi mình là trung tâm. Chúng không ích kỷ. Sự đề cao bản thân là một thực tiễn sinh học, chứ không phải là lựa chọn của trẻ em. Trước khi 6 tuổi, trẻ không thể hiểu đầy đủ về thế giới theo góc nhìn của người khác. Một đứa trẻ mẫu giáo có thể biết cảm thông nhưng không thể thực sự hiểu được hoàn cảnh của người khác. Khả năng này sẽ không hiện diện đầy đủ đến thời điểm trẻ khoảng 16 tuổi.
Trẻ mẫu giáo cũng rất kỳ diệu. Chúng luôn bận rộn thử nghiệm thực tế để phân biệt với những điều trong tưởng tượng. Đây là một cách trẻ có thể khám pha ra sức mạnh của mình. Thử nghiệm nhằm khám phá ra năng lực mà bạn có.
Trẻ ở tuổi mẫu giáo rất độc lập. Chúng bận đặt ra những câu hỏi, xây dựng niềm tin, mường tượng tương lai và cố tìm hiểu ra cách vận hành của thế giới cũng như tìm hiểu xem điều gì khiến mọi vật xảy ra. Khi phát triển khả năng cảm nhận tinh tế hơn về nhân quả, chúng học được cách tác động đến mọi vật. Đây là nhiệm vụ tự nhiên, tích cực của chúng, và chúng làm việc này toàn thời gian.
Nhiệm vụ của phụ huynh là dạy dỗ con và làm mẫu cho chúng. Trong khi người cha làm mẫu để con biết cách trở thành một người đàn ông, thì người mẹ làm mẫu để con biết cách trở thành một người phụ nữ. Mẹ và cha cũng phải làm mẫu cho con về một mối quan hệ lành mạnh và gần gũi, bao gồm cả hoạt động tình dục lành mạnh. Và hơn nữa là làm mẫu cho con các kỹ năng giao tiếp tốt, chẳng hạn như kỹ năng làm rõ, lắng nghe, yêu cầu thứ mình muốn và giải quyết xung đột.
Những bé trai cần thân mật với cha mình. Điều này chỉ có thể xảy ra nếu người cha dành thời gian cho con trai. Mối liên hệ thân thiết này đòi hỏi phải có cả tác động cơ thể cũng như sự chia sẻ về cảm xúc. So với bé gái thì bé trai sẽ cần có cha hơn. Bé gái vốn đã có mối liên hệ gần gũi với mẹ mình và cần tách ra khỏi mẹ. Bé trai gần gũi với mẹ, nhưng không giống như cách của bé gái, bởi tồn tại những hạn chế về mặt giới tính. Bé trai phải bảo vệ bản thân mình để tránh không khơi dậy khuynh hướng tình dục của người mẹ.
Khi một cậu bé thân mật với cha mình, cậu muốn giống cha. Cậu bắt đầu bắt chước hành vi của cha. Cậu có thể kể với bất kỳ ai rằng khi lớn lên cậu muốn giống như cha, và cậu có thể vờ hành động như cha trong những trò chơi đóng vai. Một số bé trai sẽ tìm thấy những nhân vật người hùng để ngưỡng mộ và bắt chước. Những người hùng của tôi là các cầu thủ bóng chày. Tôi sưu tầm các thẻ bóng chày và mặc đồng phục đội bóng yêu thích của mình; một quả bóng chày có chữ ký tặng là một trong những món đồ sở hữu yêu thích của tôi. Cũng giống như vậy, các cô bé bắt đầu bắt chước hành vi của mẹ mình. Chúng có thể chơi các trò chơi nhập vai với búp bê em bé, đặt búp bê vào cũi và vờ cho búp bê uống sữa. Các bé gái có thể cũng thích được tán tỉnh khi chúng ăn diện và muốn trang điểm.
Trong thời kỳ này, khuynh hướng sinh học về tình dục đồng giới cũng có thể nảy sinh. Tôi muốn nhấn mạnh rằng tôi tin việc ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tình dục đồng giới là một khuynh hướng mang tính bẩm sinh, không phải là một bệnh lý hay một chứng rối loạn phát triển (Qua nhiều năm làm việc trong lĩnh vực trị liệu, tôi chưa từng tư vấn cho một người đồng tính nam nào không có cảm nhận rõ ràng về khuynh hướng tình dục của mình từ nhỏ). Lo ngại của tôi trong cuốn sách này dành cho đứa trẻ bị tổn thương bên trong của tất cả mọi người. Hầu hết những người đồng tính nam phải mang trong mình một nỗi tủi hổ lớn, do phần đông mọi người thường có thành kiến với những cậu bé không bộc lộ những đặc điểm và hành vi nam tính truyền thống. Nếu bạn là một người đồng tính nam hay là một phụ nữ, đứa trẻ tuổi mẫu giáo bên trong bạn cần nghe được rằng hoàn toàn chẳng có chút vấn đề nào cả khi bạn là chính mình.
SỨC MẠNH BẢN NGÃ Ở LỨA TUỔI MẪU GIÁO
Erikson nói về sức mạnh cái tôi của lứa tuổi mẫu giáo như một mục đích. Ông tin rằng sức mạnh của mục đích trỗi dậy bắt nguồn từ cảm nhận về nhận dạng cá nhân. Nếu sự phát triển lành mạnh được duy trì đến độ tuổi mẫu giáo, một đứa trẻ có thể nói: “Tôi có thể tin tưởng vào thế giới này, tôi cũng có thể tin tưởng vào bản thân mình, tôi đặc biệt và độc nhất. Tôi là một cậu bé/Tôi là một cô bé. Tôi có thể bắt đầu hình dung ra tương lai của mình dù cho tôi không biết chính xác mình muốn làm gì.”
Sức mạnh đến từ việc sở hữu nhận dạng cá nhân – sức mạnh để khởi động và để lựa chọn. Đứa trẻ mẫu giáo khỏe mạnh nghĩ: “Tôi có thể là chính mình và cả cuộc đời đang ở phía trước tôi. Tôi có thể chơi như mẹ hay chơi như cha. Tôi có thể mơ trở thành một người đàn ông như cha hay một người phụ nữ như mẹ. Tôi có thể mơ trở thành người lớn và tạo dựng cuộc đời của riêng mình.”
SỰ RỐI LOẠN PHÁT TRIỂN
Sự rối loạn phát triển ở giai đoạn này cho thấy hậu quả dài hạn của những bất ổn trong gia đình. Trẻ trông chờ cha mẹ mình làm mẫu một cách lành mạnh cho những hành vi của người lớn. Nếu mẹ và cha là những người trẻ tuổi luôn quỵ lụy, lệ thuộc, con cái họ sẽ không thể tạo dựng được những mối quan hệ gần gũi lành mạnh.
Những đứa trẻ trưởng thành, sau thời gian dài chôn vùi bản thể thực của mình và đánh mất đi cảm nhận về cái tôi, không thể dành trọn bản thân mình cho những người mình yêu thương, bởi họ không có bản thể nào để trao tặng người khác. Khi những đứa trẻ trưởng thành kết hôn, chúng chọn lựa một người là hình ảnh phản chiếu của cha mẹ mình, người có cả những khía cạnh tích cực và tiêu cực của cha mẹ và có vai trò trong hệ thống gia đình mình. Một anh hùng hộ mệnh thường sẽ cưới một nạn nhân, vì mỗi người có thể thực hành vai trò của mình. Mỗi người sẽ hết mực quý mến người còn lại, và hiển hiện rõ ràng nhất khi họ cố gắng chia tay. Một người hay cả hai có thể nghĩ đến chuyện tự vẫn, với lý do họ không thể sống thiếu người còn lại. Thông thường một đứa trẻ trưởng thành bị cha mẹ bao bọc quá mức sẽ cưới một đứa trẻ trưởng thành bị chối bỏ. Khi người có nỗi sợ bị chối bỏ lại gần hơn, người có tiền sử được bao bọc thái quá sẽ bỏ chạy ra xa. Sau một giai đoạn cách xa, người có tiền sử bị bảo bọc thái quá trở nên cô đơn và cho phép đối tác với nỗi lo sợ bị bỏ mặc lại gần hơn một thời gian. Người với nỗi sợ bị chối bỏ nhớ lại sự chia cách đã qua, dần trở nên ám ảnh và quay sang bao bọc thái quá đối tác của mình, và một lần nữa khiến họ tránh xa mình. Cơ chế đưa đẩy này sẽ tiếp tục trong suốt thời gian hôn nhân. Mỗi hành vi của người này lại dẫn đến một phản ứng đáp lại từ phía người kia.
Bạn còn nhớ bức tranh của chúng ta về hai người lớn trẻ con, một người khoảng 3 tuổi trong thân hình 90 cân và người còn lại cũng 3 tuổi chứ? Lên 5 tuổi, tôi và bạn chỉ nặng 29 cân thôi. Dĩ nhiên chúng ta phải nhớ rằng điều tương tự đã xảy ra với bố mẹ chúng ta. Khi đứa trẻ bị tổn thương bên trong mẹ hoặc cha nhận ra rằng, người còn lại sẽ không bao giờ trở thành mẫu phụ huynh mà chúng mong muốn, chúng quay sang lũ trẻ để chu cấp những gì cha mẹ chúng không thể chu cấp.
Hãy cân nhắc trường hợp gia đình Lavender. Bronco Lavender là một nhân viên kinh doanh. Anh ta cũng là một người nghiện tình dục. Hiếm khi anh ta ở nhà, nhưng những lúc ở nhà, anh ta giả vờ rằng mình có một mối quan hệ hết sức thân thiết với vợ mình, Glory. Glory được đặt tên theo người cha của cô (cũng là một người nghiện tình dục) để tôn vinh “vinh quang” của Chúa. Glory là một người rất lệ thuộc và ngoại tình với cha cố. Bronco và Glory có ba đứa con, hai bé trai, 16 và 13 tuổi, và một bé gái, 11 tuổi. Đứa con trai cả là một vận động viên rất tài năng. Cậu bé là siêu sao ở trường và là “bạn thân nhất” của cha mình. Trong độ tuổi từ 12 đến 14, thằng bé thường xuyên quấy rối tình dục em gái. Đứa em gái bị béo phì và thường xuyên bị mẹ giáo huấn. Lần đầu tiên tôi gặp nhà Lavender là khi đứa con gái được mang đến chỗ tôi trị liệu vì vấn đề cân nặng. Đứa con trai thứ hai là đứa được mẹ yêu mến nhất. Cậu bé có tâm hồn nghệ sĩ, không ham thể thao và rất sùng tín nên mẹ cậu rất hài lòng. Cha không thích cậu và trêu chọc cậu bằng những biệt danh như đồ đàn bà và thằng ngốc. Cậu luôn hứng chịu sự chỉ trích của người cha. Đây là một bản sơ đồ về gia đình Lavender:
Không ai trong gia đình này có bất kỳ nhận dạng cá nhân thực sự nào cả. Mẹ và cha đều là những nạn nhân của việc lạm dụng phi thể xác không được điều trị. Cả hai là những người thay thế bạn đời của hai cặp cha mẹ khác giới. Cha của Bronco là một người nghiện rượu, bỏ rơi cậu lúc cậu lên 3 tuổi. Bronco lớn lên và trở thành niềm vui và niềm tự hào của mẹ cậu. Họ làm mọi việc cùng nhau. Mẹ thường xuyên thay quần áo trước mặt Bronco và dùng nhà vệ sinh khi cậu tắm. “Bà ấy biến tôi trở thành cuộc đời của mình,” Bronco rơi nước mắt khi kể cho tôi nghe. Mẹ của anh giờ đã mất, và Bronco thường than khóc vì nghĩ rằng “chẳng còn người phụ nữ tốt nào nữa.”
Glory là món quà của Chúa dành cho cha cô. Cô được đặt gần bục giảng vào những ngày Chủ nhật khi cha cô giảng đạo. Mẹ của cô mắc hội chứng lo sợ bệnh tật và đau ốm rất nhiều. Glory lo phần nấu ăn, giặt quần áo và là niềm tự hào đối với cha. Cô cũng ngủ với cha tới năm 11 tuổi. Mặc dù không có quan hệ tình dục với cha, nhưng cô rõ ràng như một người bạn đời thay thế của ông.
Bronco và Glory đều bị lợi dụng để lấp đầy sự cô đơn trong cuộc sống của cha mẹ họ. Hãy nghĩ đến cảm giác bị lợi dụng! Lợi dụng đồng nghĩa với lạm dụng! Và điều đó gây ra sự giận dữ và nỗi đau lâu dài. Bronco và Glory lý tưởng hóa cha mẹ họ; đặt họ lên bệ tôn thờ; cảm thấy cha mẹ mình xứng đáng với vị thế của những vị thánh. Bronco và Glory sống trong ảo mộng và sự chối bỏ. Họ không có ý niệm về cái tôi. Làm sao họ có được? Không có ai ở đó vì họ và họ chẳng có cách nào được là chính mình. Họ phải chăm lo cho những nhu cầu và sự cô đơn của cha mẹ mình. Đây là sự lạm dụng tình dục phi thể xác.
Bronco và Glory đem theo những vết thương tinh thần vào cuộc hôn nhân của mình và tiếp tục áp dụng cơ chế rối loạn đó trong gia đình mới của mình. Bronco thực hành hành vi lạm dụng tình dục của mình bằng cách lạm dụng hết người phụ nữ này đến người phụ nữ khác (anh ta yêu họ rồi bỏ rơi họ). Mỗi lần anh ta chối bỏ một người phụ nữ, anh ta giành được chiến thắng mang tính biểu tượng đối với sự kiểm soát của mẹ. Dĩ nhiên, anh ta không nhận thấy điều này. Anh ta thậm chí còn không biết là mình tức giận với mẹ, bởi anh ta đã được nuôi dạy phải lý tưởng hóa mẹ. Glory bị dằn vặt bởi sự xấu hổ vì ngoại tình. Tôi giúp cô ấy hiểu ra rằng cha đã lợi dụng cô, và rõ ràng, đã lợi dụng cả những người phụ nữ khác trong nhà thờ. Glory đã sử dụng sự sùng tín của mình để che giấu đi sự giận dữ và buồn rầu thẳm sâu bên trong. Cô cũng đã xâm phạm phi thể xác đối với đứa con trai thứ hai của mình. Cậu bé là “người đàn ông bé nhỏ nhạy cảm” của cô. Cô có thể thảo luận về Kinh thánh với cậu. Họ cùng nhau đi dạo xa vào các ngày Chủ nhật, suy ngẫm về vinh quang của những lời dạy từ Chúa. Đứa con trai này lấp đầy khoảng trống cho đứa trẻ bị tổn thương bên trong Glory, còn đứa con trai cả chăm lo cho nỗi tủi nhục và đau khổ của cha mình. Con gái họ ăn nhiều để khỏa lấp sự trống trải, cơn giận dữ, nỗi đau và sự cô đơn của tất cả mọi người trong gia đình. Cô bé là người mà Bronco và Glory lo lắng và coi như “vấn đề gia đình,” “bệnh nhân được phát hiện ra” và mang đến chỗ tôi để “chữa trị”.
Gia đình Lavender ăn vận bảnh bao khi đến lễ nhà thờ vào Chủ nhật. Không ai có thể nhận ra sự chịu đựng làm tổ bên trong họ. Không ai trong gia đình này có bất kỳ nhận dạng cá nhân nào, do không ai được đáp ứng những nhu cầu phát triển của mình trong giai đoạn tuổi mẫu giáo.
Gia đình Lavender cho ta một ví dụ về nỗi đau tinh thần từ những bất ổn về mặt quan hệ trong hôn nhân có thể tệ hại đến mức nào. Khi trẻ em làm nhiệm vụ khỏa lấp sự trống trải trong cuộc sống của cha mẹ chúng, mối liên hệ thiếu lành mạnh và di truyền này gây hại khủng khiếp cho khuynh hướng tình dục sau này của trẻ. Sự liên kết di truyền này khá khác biệt so với mối quan hệ giữa cha và con trai, mẹ và con gái mà tôi đã nói trước đây. Mối liên kết mang tính di truyền này tạo ra sự mơ hồ về vai trò – đứa con trai hay con gái giờ lại thực hiện vai trò một người bạn đời của cha hoặc mẹ trong gia đình.
Bronco và Glory Lavender đã thất bại trong việc tạo ra một môi trường cần thiết để một đứa bé có thể tư duy, cảm nhận và tưởng tượng. Bởi lẽ lũ trẻ phải tham gia vào việc chăm nom cho cuộc hôn nhân của cha mẹ chúng. Trên thực tế chúng đã giữ gia đình ở lại bên nhau. Ở tuổi mẫu giáo, chúng cần phải được phát triển tính độc lập, hiếu kỳ, dám thử nghiệm bản thân, hỏi và suy nghĩ về những điều chúng chưa từng gặp. Giống như tất cả các gia đình bị rối loạn chức năng, gia đình Lavender lệ thuộc lẫn nhau. Tất cả đều hướng sự chú ý của mình sang nơi khác. Không ai có thời gian để chú ý đến những điều gợi mở đến từ chính bản thân mình.
Theo cách như vậy và xét trên mọi góc độ, tất cả các gia đình rối loạn chức năng đều xâm phạm vào cái tôi của trẻ. Họ đang nghiện ngập chất kích thích, quá tham công tiếc việc, hay bạo lực; còn lũ trẻ bị bỏ mặc về mặt tinh thần. Tệ hơn, chúng bị chăm lo một cách thái quá khiến sự cân bằng trong gia đình ngày càng trở nên bất ổn hơn. Trong những gia đình rối loạn chức năng, không ai được là chính mình cả. Tất cả đều phải vận hành để đáp ứng nhu cầu của cơ chế lệch lạc từ hệ thống gia đình đó.
Hậu quả phổ biến nhất của việc này chính là các thành viên trong những gia đình được cố định trong những vai trò cứng nhắc. Những vai trò này như những kịch bản dành cho một vở kịch; họ phân vai cho từng người sẽ diễn gì, đồng thời quy định người nào có thể và không thể cảm nhận điều gì. Những vai trò lệch lạc phổ biến trong những năm ở độ tuổi mẫu giáo bao gồm: người luôn nhận mọi trách nhiệm về mình, người luôn làm tốt hơn kỳ vọng, kẻ nổi loạn, kẻ luôn gây thất vọng vì không đáp ứng được kỳ vọng, kẻ làm hài lòng mọi người (người tốt/con cưng), người chăm nom và kẻ phạm lỗi.
Việc thiếu nhận dạng cá nhân này là lý do tại sao các gia đình rối loạn chức năng luôn ngập tràn trong tội lỗi tệ hại. Sự xấu hổ của đứa trẻ ở tuổi chập chững biết đi xảy ra trước khi nó nhận biết được ý nghĩa về đạo đức và chủ yếu xảy ra trước khi phát ngôn ra ngoài. Sẽ chẳng có vấn đề gì về đạo đức cho tới khi trẻ phát triển cảm nhận về những giá trị nội tại bên trong. Những giá trị là kết quả từ quá trình tư duy và cảm nhận. Vào cuối giai đoạn tuổi mẫu giáo, trẻ bắt đầu có cảm nhận thực sự về đạo đức, lương tâm đang dần hình thành.
Trong những gia đình rối loạn chức năng, trẻ không thể phát triển một lương tâm lành mạnh hay cảm nhận tích cực về tội lỗi. Việc thiếu đi cái tôi cá nhân ngăn chúng không thể cảm nhận được rằng, chúng có quyền sống cuộc đời của riêng mình, do vậy chúng phát triển những tội lỗi tệ hại. Điều này nghe như hồi chuông báo tử cho bản thể tâm lý con người. Tội lỗi tệ hại là tình huống bạn có sức mạnh nhưng không thể sử dụng trong bối cảnh vô vọng. Bạn được biết mình phải chịu trách nhiệm cho cảm xúc và hành vi của những người khác; thậm chí bạn còn bị áp đặt rằng, hành vi của mình khiến ai đó phát ốm, như kiểu một người cha nói: “Hãy nhìn xem lũ trẻ các con đã làm gì đi, các con đã khiến mẹ phát bệnh!” Điều này dẫn đến việc trẻ phát triển một tinh thần trách nhiệm lệch lạc. Cảm nhận tội lỗi như vậy sẽ khiến đứa trẻ ở tuổi mẫu giáo trong bạn bị thương tổn.
THU THẬP THÔNG TIN
Việc viết ra những trải nghiệm của bản thân trở nên dễ dàng hơn khi bạn trải qua các giai đoạn phát triển, tuy nhiên đa phần mọi người vẫn không có nhiều ký ức về khoảng thời gian trước giai đoạn lên 7 hay 8 tuổi. Trước đó, bạn vẫn tư duy một cách đầy kỳ bí, phi logic và lấy bản thân mình làm trung tâm. Cách tư duy như vậy giống như bạn đang ở trong một trạng thái nhận thức khác vậy. Tuy nhiên, hãy cố nhớ lại bất kỳ những gì có thể. Những sự việc đau buồn thường sẽ khó quên. Đó là những sự kiện gây tổn thương cho cuộc đời bạn và do đó để lại những dấu ấn sâu đậm nhất. Hãy viết ra bất kỳ điều gì bạn nhớ được về những vụ phạm lỗi gây khó chịu của mình ở giai đoạn này. Hãy nhớ kèm thêm các chi tiết cụ thể.
Hãy viết càng nhiều về gia đình bạn càng tốt. Cha bạn làm gì? Mẹ bạn làm gì? Bạn biết gì về tình trạng hôn nhân của cha mẹ? Hãy lưu ý đến những linh cảm của bạn về gia đình mình. Hãy vờ như những linh cảm của bạn là đúng, và hãy xem điều đó có giúp bạn hiểu hơn về gia đình mình hay không. Nếu không, hãy quên chúng đi. Nếu có, hãy giữ những dự cảm đó lại một thời gian.
Một khách hàng của tôi có linh cảm rằng bà của anh ta bị cha anh ta lạm dụng. Bà anh lớn lên trong một trang trại, là con gái duy nhất trong số bảy anh em trai. Khách hàng của tôi chưa bao giờ nghe bà nói chuyện về cha mình. Bà mắc chứng sợ khoảng không rộng và hơi rối loạn thần kinh chức năng. Dường như bà ghét đàn ông và gieo giắc sự thù hằn của mình vào ba người con gái, một trong số đó là mẹ khách hàng của tôi. Khách hàng của tôi có tất cả những biểu hiện cảm xúc của một nạn nhân bị lạm dụng. Anh ta lạm dụng tình dục, ve vãn phụ nữ. Anh ta gửi thơ và mua cho họ những món quà đắt tiền. Ngay khi những người phụ nữ mắc câu và sà vào lòng anh ta, anh ta sẽ ruồng bỏ họ, thường trong cơn giận dữ.
Mặc dù không có bằng chứng rõ ràng cho thấy bà của anh ta đã bị lạm dụng, nhưng anh ta đã viết lại lịch sử gia đình mình theo hướng đó, mà nhiều điều có cảm giác trùng khớp và có lý.
Khi viết về lịch sử của đứa trẻ mẫu giáo bị tổn thương bên trong bạn, hãy hỏi bản thân ai là người sẽ ở đó vì bạn? Ai là hình mẫu mà bạn đã học theo nhiều nhất? Ai là người đầu tiên dạy bạn làm thế nào để trở thành một người đàn ông? Một phụ nữ? Ai dạy bạn về tình dục, tình yêu và sự gần gũi?
BỊ ANH CHỊ NGƯỢC ĐÃI
Tôi chưa nói về những vụ lạm dụng xuất phát từ anh trai hay chị gái, nhưng điều này có thể có tác động quan trọng lên sự phát triển của bạn dù đa phần thường bị bỏ qua. Có thể bạn có một người anh trai hay một người chị gái đã từng khiến bạn đau khổ. Hay có lẽ một đứa trẻ hàng xóm đã từng bắt nạt hay quấy rối bạn. Thậm chí việc châm chọc có thể trở nên đau khổ tột cùng, và nếu xảy ra thường xuyên thì có thể là một cơn ác mộng.
Hãy viết ra càng nhiều chi tiết về lịch sử của đứa trẻ ở tuổi mẫu giáo trong bạn càng tốt.
CHIA SẺ ĐỨA TRẺ Ở TUỔI MẪU GIÁO TRONG BẠN VỚI MỘT NGƯỜI BẠN
Hãy sử dụng những phương pháp giống như đã mô tả ở Chương 4 và 5. Tập trung đặc biệt vào bất kỳ vụ việc nào mà bạn có thể nhớ được. Hãy sử dụng những điều sau như nguồn nguyên nhân tiềm năng dẫn đến cảm giác đau khổ của bạn:
• Chơi trò tình dục với bạn bè cùng tuổi
• Lạm dụng thể xác hay tinh thần
• Bị nạt nộ khi tìm kiếm thông tin
• Hình mẫu tồi về sự thân mật
• Bị bắt phải cảm thấy có lỗi
• Thiếu thông tin về cảm xúc
CẢM NHẬN CẢM XÚC CỦA MÌNH
Một lần nữa, hãy cố tìm ra một bức ảnh của bạn vào giai đoạn phát triển này. Hãy nhìn vào bức ảnh và thả lỏng để bất kỳ cảm xúc nào được bộc lộ. Nếu bạn không có bức ảnh nào, hãy dành thời gian với những đứa trẻ mẫu giáo. Bạn thấy chúng tuyệt vời không nào. Hãy nghĩ về một đứa trong số chúng đảm nhận trách nhiệm của một đối tác hôn nhân hay bị lạm dụng về thể xác. Hãy nghĩ về sức sống và sự hiếu kỳ bị đè nén của chúng. Bạn vẫn có thể vẫn còn giữ một con búp bê, một món đồ chơi hay một con gấu bông cũ. Hãy xem nó còn chút năng lượng nào cho bạn không. Hãy để nguồn năng lượng đó dẫn dắt bạn đến bất kỳ cảm xúc nào chợt đến.
VIẾT THƯ
Đối với giai đoạn phát triển này, tôi sẽ yêu cầu bạn viết ba lá thư. Lá thư đầu tiên từ bản thể trưởng thành của bạn cho đứa trẻ mẫu giáo bị tổn thương bên trong bạn. Một lần nữa, hãy bảo với đứa trẻ rằng bạn muốn ở cùng nó và sẵn sàng quan tâm rồi chỉ dẫn cho nó. Hãy nói với nó rằng nó có thể hỏi tất cả những câu hỏi mà nó muốn. Trên hết, bảo với nó rằng bạn yêu và trân trọng nó.
Lá thư thứ hai và thứ ba từ đứa trẻ mẫu giáo bị tổn thương bên trong bạn. Hãy nhớ viết chúng bằng tay không thuận. Lá thứ đầu gửi cho cha mẹ bạn. Lá thư này gồm hai đoạn, một dành cho mẹ và một đoạn dành cho cha. Hãy để đứa bé bị tổn thương bên trong của bạn nói với họ nó cần gì ở họ mà chưa có. Đây không phải là lá thư trách móc mà là để biểu lộ sự mất mát. Một người đàn ông trong buổi hội thảo gần đây viết như sau:
Bố mẹ kính yêu,
Bố à, con cần bố bảo vệ con. Lúc nào con cũng sợ hãi. Con cần bố chơi với con. Con ước chúng ta có thể cùng đi câu. Con ước gì bố đã dạy con nhiều điều. Con ước bố đã không nghiện rượu.
Mẹ ơi, con cần mẹ khen ngợi con. Hãy nói mẹ yêu con. Con ước mẹ đã không bắt con chăm sóc mẹ. Con cần được chăm sóc.
Yêu thương,
Robbie
Việc đọc to lá thư của bạn cho người hỗ trợ nghe là rất quan trọng.
Lá thư thứ hai từ đứa trẻ mẫu giáo bị tổn thương bên trong bạn dành cho bản thể đã trưởng thành của bạn. Lá thư này có thể khiến bạn ngạc nhiên do bạn đã đáp ứng mong ước của “đứa trẻ bên trong” bạn là có một đồng minh. Hãy nhớ sử dụng tay không thuận để viết. Nếu muốn, hãy chia sẻ những lá thư này với một người hỗ trợ, một đối tác hay một nhóm của bạn.
Nếu bạn đang làm việc với một đối tác, mỗi người nên đọc thư của mình cho người kia nghe. Sau khi nghe xong lá thư của bạn mình, hãy cho họ biết bạn đang cảm nhận thấy điều gì: bạn cảm thấy giận dữ hay cảm thấy sợ hãi, nhưng hãy trả lời thành thật. Hãy nhận xét về những cảm xúc bạn quan sát được từ phía họ. Ví dụ, bạn có thể nói: “Tôi thực sự hiểu được nỗi buồn của anh. Bạn chảy nước mắt và môi cứng lại.” Đừng nói những điều như: “Này cậu bé, cậu thù lâu quá đấy.” Thay vào việc dán nhãn hay tự luận, hãy nói với họ những gì bạn nhìn thấy và nghe thấy, khiến bạn kết luận rằng họ đang phiền não. Bạn cũng có thể bổ sung thêm việc bị bỏ rơi và bị lạm dụng chắc hẳn rất khủng khiếp và đau đớn. Điều này giúp xác minh lại nỗi đau của họ. Khi một người đã làm xong, hãy để người khác tiếp tục.
Nếu bạn thực hành điều này theo một nhóm, hãy lần lượt tham gia và đọc lại lá thư của mình, sau đó hãy để mỗi người trong nhóm nhận xét.
CÁC VAI TRÒ MÀ “ĐỨA TRẺ BÊN TRONG” BẠN PHẢI ĐẢM TRÁCH TRONG NHỮNG GIA ĐÌNH KHÔNG ÊM ẤM
Hãy xác định và viết ra những vai trò mà đứa trẻ mẫu giáo bị tổn thương bên trong bạn đã lựa chọn để đóng góp vào đời sống gia đình. Đứa trẻ trong tôi đóng vai trò là siêu sao, người có thành tích kém cỏi dưới kỳ vọng, kẻ chăm lo và người tốt. Những vai trò của bạn định hình vị trí mà bạn đóng trong vở bi kịch gia đình.
Hãy hỏi bản thân bạn đã phải kìm nén những cảm xúc nào để có thể vào trọn những vai trên. Kịch bản yêu cầu bạn diễn vai theo những cách cụ thể. Một số cảm xúc tuân thủ theo kịch bản còn số khác thì không. Những vai diễn của tôi buộc tôi phải tươi cười, có vẻ ngoài hạnh phúc và cấm tôi không được tỏ ra sợ hãi, buồn bã hay tức giận. Tôi chỉ có ý nghĩa chừng nào còn là một siêu sao và đạt được thành tích. Chính bản thân tôi không được tầm thường hay cần sự giúp đỡ. Tôi phải mạnh mẽ. Nếu đạt kết quả tồi, tôi cảm thấy như mình bị tước bỏ sức mạnh để hành động. Dĩ nhiên, tôi đã bị nghiện hành động.
Việc cảm nhận thấy những hậu quả tồi tệ từ các vai trò bạn đóng là rất quan trọng. Bạn đã mất đi bản thể chân thực thời thơ ấu. Chừng nào bạn tiếp tục vai trò của mình, bạn vẫn mãi bị thương tổn; bạn có thể chết đi mà không bao giờ biết được mình là ai.
Để có thể hồi sinh đứa trẻ mẫu giáo bị tổn thương trong bạn, bạn phải từ bỏ những vai trò cứng nhắc của mình trong gia đình. Dẫu sao thì những vai trò này cũng không bao giờ thực sự khiến bạn cảm thấy mình có ý nghĩa, và càng không giúp ích được bất kỳ người nào khác trong gia đình. Hãy nghĩ về điều này; đã ai trong gia đình bạn thực sự được giúp đỡ vì bạn đã đóng tròn vai của mình hay chưa? Hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng rằng bạn không thể đóng những vai này nữa! Bạn cảm thấy thế nào khi rũ bỏ chúng?
Hãy cố nghĩ về ba hành vi mới bạn có thể dùng để ngăn chặn vai trò chăm lo. Ví dụ, bạn có thể từ chối khi ai đó nhờ giúp đỡ; bạn có thể nhờ ai giúp mình làm gì đó chỉ để cho vui thôi; hay nghĩ về một vấn đề bạn đang gặp ngay lúc này và nhờ ai có chuyên môn giúp đỡ bạn. Điều này giúp bạn thay đổi vai trò của đứa trẻ bị tổn thương bên trong và kết nối với bản thể gốc của bạn. Bản thể gốc có thể muốn giúp đỡ người khác. Một khi từ bỏ vai trò cứng nhắc của mình, bạn có thể bắt đầu giúp đỡ những người khác vì thấy vui, chứ không phải vì để được yêu thương và trân trọng.
Hãy xem xét hết các vai diễn còn lại của bạn, sử dụng cách như trên. Hãy kết nối với những cảm xúc mà bạn đã từ bỏ để đóng những vai này. Bằng cách đó bạn sẽ có thể hồi sinh lại cảm xúc ban đầu của đứa trẻ mẫu giáo bị tổn thương bên trong mình.
THỰC HÀNH
Hãy ghi lại tất cả những hậu quả mà sự bao bọc thái quá trong gia đình bạn đã mang đến. Hãy kết nối với những cảm xúc mất mát mà vai trò chính của bạn đã gây ra. Hãy chia sẻ điều này với người hỗ trợ, bạn đời hay nhóm của bạn. Rà soát lại những vai trò rất hữu ích để xác định lại nỗi đau ban đầu của bạn. Khi thiết lập được vai trò của mình, bạn sẽ nhận diện ra mình đã phải kìm nén những cảm xúc nào. Những cảm xúc bị kìm nén chính là nỗi đau ban đầu của bạn. Trong mối quan hệ phân vai nói trên, bạn đã phải từ bỏ tuổi thơ của mình.
NHỮNG LỜI TÍCH CỰC
Những lời tích cực dành cho đứa trẻ mẫu giáo bị tổn thương trong bạn như sau:
______Nhỏ à, tôi thích được ngắm nhìn bạn lớn lên.
Tôi sẽ ở đây vì bạn để kiểm tra những ranh giới của bạn và tìm ra giới hạn của bạn.
Cứ nghĩ cho bản thân, không sao cả. Bạn có thể nghĩ về cảm xúc của mình và có cảm xúc về điều bạn nghĩ.
Tôi thích năng lượng sống của bạn; tôi thích sự hiếu kỳ về tình dục của bạn.
Không có vấn đề gì với việc tìm ra điểm khác biệt giữa các cậu bé và các cô bé. Tôi sẽ đặt ra những giới hạn cho bạn để giúp bạn biết được mình là ai.
Tôi yêu bạn khi bạn là chính mình, ______ nhỏ ạ
Khác biệt và có quan điểm của riêng mình về mọi việc cũng không sao cả.
Việc tưởng tượng ra mọi thứ mà không phải lo sợ chúng sẽ trở thành hiện thực không sao cả. Tôi sẽ giúp bạn phân biệt ảo mộng với thực tế.
Tôi thích việc bạn là một cậu/cô bé.
Tôi thích việc bạn đồng tính, dù cho cha mẹ bạn không thích điều này. Khóc cũng không sao cả, dù cho bạn đang dần trưởng thành.
Việc bạn hiểu ra những hậu quả từ hành động của mình là rất tốt.
Bạn có thể yêu cầu những gì bạn muốn.
Bạn có thể hỏi nếu có gì không hiểu.
Bạn không phải chịu trách nhiệm cho cuộc hôn nhân của cha mẹ mình.
Bạn không phải chịu trách nhiệm với cha mình.
Bạn không phải chịu trách nhiệm với mẹ mình.
Bạn không phải chịu trách nhiệm về các vấn đề của gia đình mình.
Bạn không phải chịu trách nhiệm với vụ ly hôn của cha mẹ mình.
Việc khám phá ra bạn là ai không sao cả.
THIỀN ĐỊNH DÀNH CHO “ĐỨA TRẺ BÊN TRONG” Ở ĐỘ TUỔI MẪU GIÁO
Hãy sử dụng phần giới thiệu chung ở trên. Sau câu “Bạn cảm thấy thế nào khi sống trong căn nhà đó?”, thêm đoạn sau, dừng lại 20 giây sau mỗi câu.
Bây giờ hãy gặp đứa trẻ khoảng 5 tuổi trong bạn... Hãy tưởng tượng nó đã bước ra khỏi ngôi nhà và bạn có thể thấy nó ngồi trong sân sau. Hãy đi bộ lại chỗ nó và nói xin chào... Nó đang mặc gì?... Nó có đang chơi cùng một con búp bê, một con gấu bông, cái xẻng, hay đồ chơi nào đó không?... Hỏi xem đồ chơi yêu thích của nó là gì... Hỏi xem nó có con thú nuôi nào không... Hãy bảo với nó bạn đến từ tương lai và sẽ ở cạnh nó bất kể khi nào nó cần bạn... Bây giờ hãy để bản thân hóa thành đứa trẻ mẫu giáo bên trong bạn... Hãy nhìn vào bản thể của bạn khi trưởng thành (vị thuật sĩ khôn ngoan và nhẹ nhàng)... Hãy nhìn vẻ mặt nhân từ và yêu thương của bạn...
Hãy nghe bản thể trưởng thành bảo bản thể bé nhỏ của bạn tới ngồi vào lòng bạn nếu bạn muốn... Nếu bạn không muốn cũng không sao... Bây giờ hãy lắng nghe bản thể lớn nói những lời xác nhận một cách chậm rãi và nhẹ nhàng...
Hãy ghi âm lại những lời tích cực trên. Trước khi bạn đọc đến câu cuối cùng, hãy dừng lại 1 phút.
Hãy để đứa trẻ cảm nhận bất kỳ cảm xúc nào ùa đến... Bây giờ nhẹ nhàng trở lại thành bản thể lớn hiện tại... Hãy nói với đứa bé mẫu giáo bên trong bạn rằng, giờ bạn ở đây và bạn sẽ nói chuyện rất nhiều với nó. Hãy nói với nó rằng bạn là người duy nhất mà nó sẽ không bao giờ đánh mất, và rằng bạn sẽ không bao giờ rời xa nó... Chào tạm biệt và bắt đầu đi bộ dọc theo làn ký ức. Băng qua rạp chiếu phim và hàng bán kem yêu thích của bạn... Băng qua trường cũ của bạn... Đi ngang qua sân chơi trường trung học... Hãy cảm nhận và trở về thực tại... Cảm nhận chân bạn đang cử động... Cử động ngón chân cái... Cảm nhận năng lượng chạy dọc lên trong cơ thể bạn. Cảm nhận bàn tay của bạn... Cử động các ngón tay... Cảm nhận nguồn năng lượng chạy dọc phần trên cơ thể... Hít một hơi dài... Tạo ra tiếng động khi thở ra... Cảm nhận nguồn năng lượng trên mặt... Cảm nhận nơi bạn đang đứng... Quần áo trên cơ thể bạn. Giờ từ từ mở mắt ra... Ngồi yên một vài phút và trải nghiệm bất kể cảm xúc nào bạn có.
Nếu muốn, hãy chia sẻ kinh nghiệm thiền định này với người hỗ trợ của bạn.
Thực hành cùng một người bạn
Hãy thực hành cùng với một người bạn như trước đây. Mỗi người đọc đoạn thiền định cho người khác nghe; và nói to. Kết hợp nắm tay hoặc tiếp xúc cơ thể nếu thấy an toàn.
Thực hành theo nhóm
Cũng như trong bài tập nhóm lần trước, các thành viên trong nhóm sẽ lần lượt đọc những lời tích cực. Thành viên được nhóm chọn ra để ghi âm buổi thiền định nên ghi âm thêm nội dung này trước đoạn “Nhìn vào bản thể trưởng thành của bạn, (vị thuật sĩ khôn ngoan và nhẹ nhàng)... Hãy nhìn vẻ mặt nhân từ và yêu thương của bạn.”
Sau đó ghi âm lại hướng dẫn trước khi kết thúc. Kết thúc buổi thiền định bằng câu: “Hãy nói tạm biệt và bắt đầu bước về phía dòng ký ức.”
Hãy nhớ rằng việc tất cả mọi người trong nhóm phải hoàn thành trước khi bạn bắt đầu nói và chia sẻ mới là quan trọng.
Bạn đã hồi sinh được đứa trẻ mẫu giáo bị tổn thương bên trong. Hãy nhớ là bản thể lớn của bạn có thể chăm sóc cho nó.
Nếu sau khi hoàn thành những bài thực hành này, bạn cảm thấy sợ hãi, hãy trấn tĩnh đứa bé bị tổn thương bên trong rằng bạn ở đây vì nó. Khi lần đầu cảm thấy như đóng băng, chúng ta sẽ lo sợ. Cảm giác này chưa quen thuộc, đôi khi choáng ngợp và không kiểm soát nổi. Hãy nói với “đứa trẻ bên trong” rằng bạn sẽ không rời bỏ nó, và bạn sẽ tìm ra mọi cách để yêu thương rồi giúp nó thỏa mãn mọi nhu cầu của mình. Đây là cách tôi hồi sinh đứa trẻ mẫu giáo của mình.
Khi chúng tôi quen với nhau hơn, tôi phát hiện ra “đứa trẻ bên trong” mình không chỉ có nhiều nhu cầu, mà còn rất vui vẻ để chơi cùng nữa.