Bản đồ thế giới của mỗi người là riêng và duy nhất như dấu vân tay của chúng ta vậy. Chẳng có hai người nào giống hệt nhau. Hai người không hiểu một câu theo cùng một cách... Do đó, trong mối quan hệ với người khác, bạn không nên cố gò họ theo quan niệm của mình về việc họ nên như thế nào...
– MILTON ERICKSON
Tôi đã đuổi em mình đi...
Tôi mang em đến bóng tối, nơi dòng người qua lại... Họ dạy em để tóc dài,
trườn quanh không tấm áo manh quần, bàn tay trần uống nước, buộc ngựa, lần theo lối mòn qua đám cỏ dại ủ rũ…
Tôi mang em mình qua bờ sông bên kia,
rồi bơi trở lại, để em một mình cô quạnh chốn bờ xa. Trên phố Sáu-sáu, tôi nhận ra em đã đi rồi.
Tôi ngồi xuống và bật khóc.
– ROBERT BLY
A Dream of My Brother (tạm dịch: Giấc mơ của em trai tôi)
BẢNG CÂU HỎI
Hãy trả lời có hoặc không đối với những câu hỏi sau. Sau khi bạn đọc từng câu hỏi, hãy chờ và cảm nhận. Nếu bạn cảm thấy hứng khởi để trả lời là có, hãy trả lời có; nếu không, hãy trả lời là không. Nếu bạn trả lời có với bất kỳ câu hỏi nào, thì rất có thể đứa trẻ ở tuổi đi học tuyệt vời trong bạn đã bị tổn thương. Có nhiều mức độ tổn thương trong thang điểm từ một đến một trăm. Bạn cảm thấy sẽ trả lời có đối với càng nhiều câu hỏi, đứa trẻ ở tuổi đi học trong bạn càng bị thương tổn nặng hơn.
1. Bạn có thường so sánh bản thân với người khác và thấy mình kém cỏi hơn họ không? Có______ Không______
2. Bạn có ước giá như trước đây mình có nhiều bạn tốt, cả nam và nữ hơn không? Có______ Không______
3. Bạn có thường xuyên cảm thấy không thoải mái khi giao tiếp xã hội không? Có______ Không______
4. Bạn có cảm thấy không thoải mái khi là thành viên của một nhóm nào đó không? Có______ Không______ Bạn có cảm thấy thoải mái nhất là khi chỉ có một mình không?
5. Thỉnh thoảng bạn có được bảo rằng mình đang cạnh tranh thái quá không? Bạn có cảm thấy mình bắt buộc phải chiến thắng không? Có______ Không______
6. Bạn có thường xuyên xung đột với những người làm việc cùng bạn không? Có______ Không______ Với những người trong gia đình bạn? Có______ Không______
7. Trong các buổi đàm phán, bạn có (a) nhượng bộ hoàn toàn hay (b) khăng khăng theo cách của bạn không? Có______ Không______
8. Bạn có tự hào là mình rất nghiêm khắc và nguyên tắc, luôn tuân thủ quy định không? Có______ Không______
9. Bạn có hay trì hoãn không? Có______ Không______
10. Bạn có gặp khó khăn để hoàn thành công việc không? Có______ Không______
11. Bạn có cho rằng mình nên biết cách làm mọi việc mà không cần hướng dẫn không? Có______ Không______
12. Bạn có lo sợ sẽ mắc sai lầm không? Có______ Không______ Bạn có thường thấy hổ thẹn khi buộc phải nhìn lại sai lầm mình đã mắc phải không? Có______ Không______
13. Bạn có thường xuyên cảm thấy giận dữ và hay chỉ trích người khác không? Có______ Không______
14. Các kỹ năng cơ bản trong cuộc sống của bạn có tệ không (kỹ năng đọc, nói và/hoặc viết đúng chính tả, khả năng làm toán khi cần thiết)? Có______ Không______
15. Bạn có dành rất nhiều thời gian để ngẫm nghĩ lại và/hoặc phân tích lại những điều ai đó đã nói với mình không? Có______ Không______
16. Bạn có cảm thấy mình xấu và thấp kém không? Có______ Không______. Nếu có, bạn có cố gắng che giấu bản thân bằng quần áo, đồ vật, tiền bạc hay trang điểm không? Có______ Không______
17. Bạn có rất nhiều lần nói dối với chính bản thân và với những người khác không? Có______ Không______
18. Bạn có cho rằng dù mình làm gì đi nữa cũng vẫn không ổn không? Có______ Không______
TUỔI HỌC TRÒ BÌNH THƯỜNG
Khi đến trường, bạn rời gia đình mình và bước vào giai đoạn hòa nhập xã hội rồi xây dựng kỹ năng. Sau thời gian tạo dựng được đôi chút cảm giác tự tin thông qua việc thử nghiệm thực tế và xây dựng nhận dạng cá nhân, bạn đã sẵn sàng bước vào thế giới. Trường học sẽ trở thành môi trường chính của bạn trong ít nhất mười hai năm tiếp theo. Giai đoạn tuổi đến trường được gọi là thời kỳ phát triển cá tính, khi khuynh hướng tình dục chưa phát triển mạnh. (Năng lượng tình dục sẽ bắt đầu gia tăng vào giai đoạn dậy thì).
Trong độ tuổi đến trường, nhịp sinh học của trẻ sẵn sàng cho việc nắm bắt bộ kỹ năng tiếp theo để sinh tồn. Dựa trên sức mạnh cái tôi sớm về niềm tin và hy vọng, sự tự chủ và sức mạnh ý chí, sự sáng tạo và mục đích, giờ đây đứa bé phải học mọi thứ để chuẩn bị cho cuộc sống trưởng thành. Những kỹ năng quan trọng nhất nó phải học là cách hòa nhập xã hội: hợp tác, tương trợ và cạnh tranh lành mạnh.
Việc chuẩn bị cho cuộc sống sau này cũng cần xây dựng những kỹ năng học thuật như: đọc, viết và số học. Tuy nhiên, những kỹ năng này không quan trọng bằng việc nhận biết, yêu thương và trân trọng bản thân. Trên thực tế, ý thức trân trọng bản thân là nhân tố thiết yếu để có thể học tốt.
Việc xây dựng kỹ năng trong nhà trường giúp chúng ta tư duy một cách tự do và không gò bó về tương lai. Trường học giúp chúng ta xác thực ý niệm của mình về bản thân. Nếu hòa nhập và học được những điều cần thiết, chúng ta có thể cảm nhận được một nguồn sức mạnh mới. Chúng ta cảm thấy vui thú và có đủ năng lực. Đây là những điểm mạnh của cái tôi trong trẻ mà cần được phát triển tại trường học. Nếu đủ khả năng, chúng ta có thể chăm chỉ và tạo dựng cho mình một vị trí trong thế giới này. Thành tựu đạt được ở giai đoạn đi học giúp chúng ta cảm nhận được một nguồn sức mạnh mới và hy vọng: “Bởi tôi có khả năng, nên tôi có thể trở thành mẫu người như tôi lựa chọn.”
Tuổi đi học cũng nên là một thời điểm để vừa chơi vừa học. Việc chơi là một phần quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Trẻ học hỏi thông qua bắt chước và điều chỉnh bản thân. Điều chỉnh bản thân là hành động mang tính tượng trưng. Việc chơi trò chơi gia đình, đóng vai mẹ và cha là một phần quan trọng trong sự phát triển tinh thần của trẻ. Đối với trẻ, vui chơi là một công việc nghiêm túc.
TƯ DUY LOGIC KIÊN ĐỊNH
Đến 7 hoặc 8 tuổi, trẻ em có thể tư duy logic, nhưng chỉ nằm ở lối suy nghĩ quyết đoán. Mãi đến giai đoạn dậy thì chúng mới có thể suy nghĩ trừu tượng và phân tích những sự việc phi thực tế. Chỉ khi đó, đứa trẻ mới bắt đầu lý tưởng và thần tượng hóa. Việc lý tưởng hóa đòi hỏi trẻ phải đưa ra những giả thiết trái ngược với thực tế.
Những đứa trẻ ở độ tuổi đến trường có tư duy logic theo lối suy nghĩ quả quyết. Bạn còn nhớ khi học những lời tuyên thệ không? Bạn nói những từ ngữ mà bản thân không hiểu. Bạn có nhớ những lời cầu nguyện của mình không? “Cha bề trên của chúng ta ngự trị trên Thiên đường, Harold là tên người. Xin đừng để chúng con bị cám dỗ…” Những đứa trẻ ở tuổi đến trường cũng lấy cái tôi của mình làm trung tâm suốt quá trình tư duy. Việc chúng lấy cái tôi của mình làm trung tâm được thể hiện thông qua bắt lỗi cha mẹ và nghĩ mình thông minh hơn cha mẹ. Sự “tự phụ trong nhận thức” này là cốt lõi sâu xa của nhiều hiện tượng thú vị. Trẻ em ở tuổi này thường nghĩ mình được nhận nuôi (sợ bị bỏ rơi). Nếu thông minh hơn cha mẹ, chắc hẳn là chúng đã đến từ nơi nào đó. Những trò đùa của trẻ ở tuổi đến trường thường về những người lớn ngốc nghếch. Truyện Peter Pan hấp dẫn với trẻ ở độ tuổi này một phần bởi các nhân vật trong truyện không bao giờ phải lớn lên và trở thành những người lớn ngốc nghếch.
Một khía cạnh quan trọng trong sự tự cho mình là trung tâm của trẻ chính là niềm tin rằng người lớn rất rộng lượng. Trẻ đưa ra và tin vào giả thiết này bất kể điều gì xảy ra. Tôi nhớ mình đã từng được yêu cầu giúp đỡ một nhóm quản trị viên của trường tiểu học. Họ đã rất ngạc nhiên vì người giáo viên mà họ phải sa thải lại chính là người khởi xướng vụ phản đối ở một lớp Sáu. Điều kỳ lạ nhất là lũ trẻ không ghét người giáo viên này. Tôi tin rằng đây là một ví dụ về suy nghĩ lấy mình làm trung tâm của trẻ, mặc định rằng giáo viên hay cứ là người lớn thì không thể là người xấu. Điều này giúp lý giải tại sao đứa trẻ ở tuổi đến trường trong bạn thường biện hộ cho cha mẹ, giáo viên của mình và cả những kẻ lạm dụng mình. Một số trẻ em bị sốc khi cuối cùng chúng nhận ra những người lớn phạm tội với mình là không tốt. Tuy nhiên những đứa trẻ này là ngoại lệ.
Đứa trẻ ở tuổi đi học bên trong bạn là một người nhỏ bé, vui vẻ, nghịch ngợm và lôi cuốn, luôn muốn được kết nối với bạn bè, đồng thời rất ham học hỏi.
SỰ RỐI LOẠN PHÁT TRIỂN
Nếu điểm cuối ở trên là sự thật, vậy tại sao có nhiều đứa trẻ ghét trường học và nghĩ việc đi học thực sự nhàm chán và bắt buộc? Một trong nhiều lý do là bởi giáo dục thường là ngọn nguồn gây ra tổn thương tinh thần. Ở phần lớn các trường công lập, trẻ em được phân nhóm theo độ tuổi. Tất cả những đứa trẻ 10 tuổi được mặc định là đều có mức độ trưởng thành giống nhau. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Đứa trẻ ở tuổi đi học bên trong bạn có thể đã bị tổn thương chỉ bởi nó đã bị xếp vào nhầm cấp học, vào một thời điểm không phù hợp. Trường học và nhà tù là những nơi duy nhất trên thế giới mà ở đó thời gian quan trọng hơn công việc cần làm. Trong trường học, nếu không học hình học nhanh bằng những đứa trẻ khác, bạn sẽ trượt môn hình học. Đối với tôi, dẫu sao hình học không phải là một kỹ năng tồn tại – Tôi sẽ chẳng bao giờ trở thành nhà hình học cả! Tuy nhiên sự nguy hiểm ở đây là việc “đứa trẻ bên trong” bạn có thể đã bị trừng phạt vì thiếu trưởng thành.
Bản thân hệ thống chấm điểm cũng là rất đáng xấu hổ và gây căng thẳng. Việc này gây áp lực lên đứa trẻ, buộc nó phải ghi nhớ và đạt kết quả trong học tập. Làm vậy rõ ràng là lý tưởng hóa. Nó đo lường con người theo cách gây tổn thương tinh thần cho họ. Trong những hệ thống luôn yêu cầu sự hoàn hảo, bạn có thể chẳng bao giờ đáp ứng được yêu cầu. Việc này tạo ra sự tủi nhục ở trẻ, khiến chúng có cảm giác mình luôn khiếm khuyết. Rốt cuộc, nếu bạn là bạn và chẳng có ai khác giống bạn, chúng ta sẽ so sánh bạn với ai được đây? Thực tế là ở tất cả những hệ thống lý tưởng hóa, chúng ta bị đem ra so sánh với những người khác.
Khi trẻ thất bại ở trường học, chúng rất đau khổ; chúng cảm thấy thấp kém, tất cả tạo nên một vết thương: “Tôi không ổn.” Nếu trẻ học tốt ở trường thì cũng nảy sinh những vấn đề. Mọi thứ trong cuộc sống trở thành một điểm A tiềm năng; mọi thứ đều xoay quanh kết quả thực hiện.
Hệ thống trường học của chúng ta, giống như hệ thống gia đình, cũng rối loạn chức năng. Việc này không tạo ra môi trường khẳng định chúng ta là ai. Hệ thống này không đối xử chúng ta như những con người độc nhất. Hai người nào giống hệt nhau; như Milton Erickson đã nói: “Không có hai người không hiểu một câu theo cùng một cách giống nhau.” Đứa trẻ ở tuổi đến trường trong bạn bị nghiền nát bởi gánh nặng phải uốn mình theo hệ thống trường học lý tưởng hóa. Hoặc là bạn sẽ cảm thấy vô vọng về cơ hội thành công của mình và bỏ cuộc, hoặc là bạn chạy theo những chuẩn mực và giết chết tâm hồn mình trong quá trình đó. Robert Bly, một nhà thơ trữ tình người Mỹ đã viết về việc mất đi em trai. Trong bài thơ tôi đã đưa ra ở phần đầu chương này, em trai của Bly chính là đứa trẻ tuyệt vời trong ông – phần mà ông muốn “để tóc dài và uống nước từ bàn tay.” Đây là phần ông đã đánh mất khi tới trường.
Trường học tưởng thưởng cho sự tuân thủ và ghi nhớ thay vì sự sáng tạo và tính độc nhất.
Nhiều người trong số chúng ta đã thích nghi bằng cách trở thành những học sinh chỉ chăm chăm để đạt điểm A mà không bao giờ phát triển cảm nhận thực sự về khả năng của mình. Tôi dành phần lớn thời gian đời mình cố gắng chữa lành vết thương bên trong bằng nỗ lực và thành tích. Nhưng bất kể việc tôi đạt được bao nhiêu điểm A đi nữa cũng chẳng thể giúp tôi chữa lành được vết thương tinh thần: Sâu thẳm bên trong, đứa trẻ bị tổn thương cảm thấy cô đơn và bất lực.
Nhiều người chúng ta không bao giờ học được các kỹ năng xã hội vì chúng ta quá bận rộn để cố gắng giành điểm A. Nhiều người chúng ta có rất ít niềm vui ở trường bởi trường học là một chiếc nồi đun đầy áp lực với những yêu cầu căng thẳng. Chúng ta cũng bị che phủ bởi một bức mành hai lớp do thành tích học tập thường khiến bạn bè đồng trang lứa xa cách mình hơn.
Giờ đây những đặc tính sáng tạo nhất của cuộc đời tôi là sự tinh nghịch và hiếu kỳ. Tôi cảm thấy vui khi viết ra cuốn sách này. Mấy năm qua tôi đã rất vui được thuyết giảng, học hỏi và tạo ra các seri truyền hình. Phần lớn những gì tôi làm ngày nay là sản phẩm của quá trình học hỏi ngẫu nhiên, đơn thuần xuất phát từ nhu cầu hay khao khát tìm hiểu về điều gì đó. Quá trình này được xây dựng quanh sự hứng khởi và vui vẻ. Quá trình học hỏi ngẫu nhiên là việc làm tự nhiên của đứa trẻ tuyệt vời bên trong bạn. Bạn bắt đầu quá trình học hỏi ngẫu nhiên từ khi còn là một đứa trẻ chập chững biết đi đang tò mò khám phá thế giới. Sau đó có lẽ bạn đã bị áp đặt; phần lớn chúng ta đều vậy. Bạn buộc phải tuân thủ và học những thứ khiến mình ngán ngẩm.
Thật không may, những tiến bộ trong cải cách giáo dục, bắt đầu cách đây hai mươi năm khi tôi còn là một giáo viên trung học, giờ đây không giúp gì được cho những đứa trẻ bị tổn thương bên trong chúng ta.
Có nhiều giáo viên dũng cảm, sáng tạo và chiều chuộng học sinh, thì cũng có rất nhiều giáo viên nóng giận và ngược đãi học sinh của mình. Tôi biết điều này: Tôi đã dạy học cùng một số giáo viên như vậy. Những giáo viên này quăng những đứa trẻ bị tổn thương và giận dữ trong họ vào học sinh của mình. Đứa trẻ trong bạn có thể đã trở thành nạn nhân theo cách này. Những đứa trẻ khác cũng giúp làm sáng tỏ quan điểm trên, nhưng chúng cảm thấy quá vô vọng và không thể thay đổi được gì.
Trong một số trường hợp, những người bạn cùng lớp của bạn chính là những kẻ gây ra vấn đề. Những đứa trẻ ở tuổi đến trường có thể trở nên tàn nhẫn.
Gần đây tôi có liên lạc lại với một bạn cùng trường, người mà tôi đã không gặp 40 năm qua. Anh ta và tôi dành hai ngày tuyệt vời để hồi tưởng về cuộc đời mình. Tôi dần nhớ lại những mảnh ghép tuổi thơ đầy đau khổ của anh ta. Anh là một thiên tài trong học tập. Anh đeo kính và không có thiên hướng thể thao. Tuổi thơ của anh là một quãng thời gian khổ ải do liên tục bị trêu chọc bởi những đứa con trai lớn hơn ở trường tiểu học. Mỗi ngày trôi qua với đầy những tủi hổ. Anh thường giấu mình trong phòng chứa đồ lễ của nhà thờ, cầu nguyện Chúa Jesus giúp anh hiểu rõ vì sao lũ trẻ lại đánh, đùa cợt và làm mình tổn thương nhiều như vậy. Tại sao? Khi tất cả những gì anh muốn là trở thành một phần của nhóm bạn! Tôi đã khóc khi nghe câu chuyện anh kể. Tôi cảm thấy hổ thẹn vì rõ ràng tôi đã có thể là người bạn duy nhất của anh nếu không có ai khác ở xung quanh. Sự châm chọc của nhóm bạn cùng lứa nặng nề đến mức tôi không thể tiếp cận anh ta vì lo sợ lũ trẻ sẽ lại chuyển hướng sang mình. Anh trân trọng tình bạn giữa chúng tôi. Bản thân điều này là một bi kịch. Tôi vui mừng thông báo rằng bạn mình đã sống sót được qua tất cả những bi kịch trên, nhưng với vết sẹo hằn sâu lên “đứa trẻ bên trong” anh.
Nói chuyện với anh bạn khiến tôi chợt nhớ lại những nạn nhân khác của trò chọc ghẹo ác ý từ những nhóm bạn đồng lứa. Những cô bé thừa cân; những đứa bé có chiếc mũi nom khôi hài; những người khuyết tật về thể chất; những người không thể chơi thể thao. Tủ hồ sơ tư vấn của tôi chứa đầy quá khứ của những người đàn ông và phụ nữ phải gánh chịu sự sỉ nhục về thể xác hoặc châm chọc về văn hóa trong suốt cuộc đời. Bản chất tốt đẹp của họ bị chối bỏ bởi họ là người Mexico hay người nước ngoài khác, hoặc là người Do Thái. Họ bị hành hạ vì nói lắp, vụng về hay ăn mặc xấu. Bản thân lũ trẻ cũng lăm lăm trên tay chiếc thước đo quy chuẩn về văn hóa hoàn hảo.
Không có đứa trẻ ở tuổi đến trường nào thực sự xấu, dù cho một số có vẻ vụng về và nhàm chán. Chúng đơn thuần chỉ thô ráp và chưa hoàn thiện, chúng xứng đáng có được sự tôn trọng và giúp đỡ của chúng ta để phát huy điểm mạnh của mình.
THU THẬP THÔNG TIN
Đến đây có lẽ bạn đã khá thuần thục trong việc viết lại lịch sử cá nhân. Nhân tiện, nếu bạn đang viết về một giai đoạn cụ thể nào đó và chợt nhớ ra điều gì ở giai đoạn trước thì cũng vẫn sẽ rất tuyệt. Hãy ghi nó lại và xác minh lại sự kiện đó càng sớm càng tốt. Một khi đã bắt đầu công việc này thì việc những mẩu ký ước dần hiện về vào những thời điểm khác nhau cũng là điều hết sức bình thường. Bạn càng kết nối với đứa trẻ bị tổn thương bên trong bạn bao nhiêu, thì càng đi sâu vào ký ức tuổi thơ của mình bấy nhiêu. Khi bước vào lại được trạng thái nhận thức đó, bạn bắt đầu nhớ lại được nhiều chi tiết hơn.
Bắt đầu với tuổi đi học, những ký ức thường rõ ràng hơn nhiều. Bây giờ, hãy viết lại lịch sử của đứa trẻ ở tuổi đi học trong bạn. Hãy nhớ, giai đoạn này bắt đầu từ khoảng 6 tuổi đến đầu thời kỳ dậy thì và thường bắt đầu vào khoảng năm lớp tám. Vào thời điểm dậy thì, một năng lực tinh thần mới phức tạp hơn sẽ trỗi dậy trong trẻ. Theo hướng dẫn, bạn có thể chia giai đoạn đến trường theo từng năm. Hãy sử dụng những đề mục sau nếu thấy phù hợp.
Những hình mẫu người lớn đáng lưu ý
Bên cạnh cha mẹ, những hình mẫu lý tưởng còn bao gồm giáo viên, mục sư hay giáo sĩ của bạn và những đứa trẻ lớn hơn khác. Hãy viết lại tên của mỗi người kèm theo nhận xét về việc người đó đã chăm sóc hay làm tổn thương tinh thần của bạn như thế nào. Chăm sóc nghĩa là họ thực sự bên bạn và trân trọng con người thật của bạn. Họ thúc đẩy cái tôi trong bạn. Họ đã nhục mạ, làm tổn thương tinh thần bạn.
Những cột mốc
Hãy viết về ba sự kiện quan trọng nhất mỗi năm. Ví dụ như tôi viết:
6 tuổi: 1. Bắt đầu lớp một.
2. Một hôm tè ra quần và bị chế giễu trước lớp.
3. Cha ở nhà nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào khác.
7 tuổi: 1. Được lên lớp hai.
2. Được tặng một chiếc máy ghi âm vào dịp Giáng sinh.
3. Cha mất chiếc xe hơi. Làm hỏng xe của ông.
Hãy tiếp tục danh sách này đến khoảng 13 tuổi. Bạn sẽ nhận ra rằng thời gian từ 6 đến 7 tuổi không quá căng thẳng đối với tôi. Hãy ghi lại bất kỳ kỷ niệm nào bạn còn nhớ dù vui vẻ hay không.
Những sự kiện đau buồn
Đây là những trải nghiệm trong cuộc đời bạn gây ra những vết thương lòng nhất. Ví dụ, khi tôi 9 tuổi, cha mẹ tôi ly thân lần đầu. Mỗi lần ly thân tiếp theo lại kéo dài lâu hơn theo thời gian.
Có thể bạn đã nhớ lại những sự kiện vặt vãnh hơn trong quá khứ. Bạn không thực sự hiểu được tại sao bạn lại nhớ mãi những sự kiện ấy. Rất có thể ở một chừng mực nào đó đã có một vụ xâm phạm. Ví dụ, tôi vẫn luôn nhớ về một sự việc diễn ra khi tôi 5 tuổi. Một đứa bé hàng xóm tuổi mới lớn bắt chị gái tôi, lúc đó 6 tuổi, phải sờ vào của quý của hắn. Ở chừng mực nào đó (mà không thực sự nhận thức được), tôi biết rằng mình đã chứng kiến một điều rất tệ. Nó không giống như trò chơi giới tính mà tôi chơi với hai cô bé hàng xóm hai năm sau đó. Chúng tôi cùng tuổi, và trò chơi của chúng tôi chủ yếu mang tính tượng trưng. Sự việc xảy ra với chị gái tôi thực sự là một vụ quấy rối. Giờ tôi đã hiểu tại sao tôi vẫn luôn bị ám ảnh bởi sự việc này.
CHIA SẺ KÝ ỨC CỦA ĐỨA TRẺ TUỔI ĐẾN TRƯỜNG BÊN TRONG BẠN VỚI MỘT NGƯỜI HỖ TRỢ
Hãy đọc câu chuyện của bạn cho một người bạn, bạn đời, nhà tài trợ, hay chuyên gia trị liệu nghe. Hãy dành đủ thời gian để cảm nhận rõ về những vụ việc xâm phạm đã xảy ra trong giai đoạn này. Đặc biệt tập trung vào chính hệ thống trường học như một vết thương tinh thần. Hãy nêu chi tiết về việc bạn không thể là chính mình ở trường. Hãy ghi lại bất kỳ vụ lạm dụng nào bạn đã phải chịu đựng từ giáo viên hay những đứa trẻ khác.
CẢM NHẬN CẢM XÚC
Hãy kiếm vài bức ảnh của bạn từ khi còn là một đứa trẻ ở tuổi mới đi học. Lý tưởng nhất là mỗi năm học có một tấm ảnh. Bạn có thể có ảnh chụp cả lớp thời còn đi học. Hãy ghép nối những bức ảnh của bạn với những sự việc bạn đã viết lại vào độ tuổi đó. Ví dụ, tôi nhận thấy biểu cảm khuôn mặt mình thay đổi trong những bức hình khác nhau. Bạn có thể thấy được sự tổn thương và nỗi buồn trên khuôn mặt mình trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời. Những bức ảnh của bạn có thể giúp bạn kết nối với nỗi đau tinh thần bị đè nén bên trong, hoặc bạn có thể thấy khuôn mặt mình không bộc lộ cảm xúc nào cả hay trống rỗng. Khi lên 7 hoặc 8 tuổi, bạn bắt đầu phát triển cơ chế tự vệ bằng cái tôi phức tạp hơn của mình. Bạn học cách đi vào bên trong tâm trí mình và chặn lại mọi cảm xúc, cả quá khứ và hiện tại.
VIẾT MỘT CÂU CHUYỆN THẦN THOẠI HOẶC CỔ TÍCH
Đối với độ tuổi này, tôi muốn giới thiệu một bài thực hành mới rất có tác dụng – viết một câu chuyện thần thoại hay một chuyện cổ tích về tuổi thơ của bạn. (Nếu chúng ta đã viết thư ở những giai đoạn trước và thấy có hiệu quả, thì cứ hãy tiếp tục. Như trong những chương trước, hãy viết ba lá thư: một lá cho đứa trẻ ở tuổi đi học trong bạn, một lá của đứa trẻ ở tuổi đi học bên trong bạn gửi cho bạn, và một lá gửi cho cha mẹ cùng giáo viên của bạn, nói với họ bạn cần gì từ họ mà chưa nhận được).
Câu chuyện thần thoại hoặc cổ tích bạn viết có thể tập trung vào một sự kiện hay nhiều sự việc đã xảy ra trong những năm ở trường, hoặc tập trung vào một sự việc trước đó có ảnh hưởng sâu sắc tới bạn. Điều thú vị là những câu chuyện thần thoại và cổ tích rất phù hợp với lối tư duy logic của bạn. Câu chuyện bạn viết có thể kể về các con vật (một con gấu mẹ và gấu bố), về các vị chúa, hoặc về những vị vua và hoàng hậu.
Câu chuyện nên gồm hai phần. phần Một nên bắt đầu với cụm “Ngày xửa ngày xưa,” và mô tả những sự kiện bạn đã lựa chọn, tập trung vào việc những sự việc đó đã gây tổn thương cho bạn ra sao. phần Hai nên bắt đầu bằng cụm “Và khi cô ấy/anh ấy lớn lên,” và tập trung vào những tác động tiêu cực từ những vết thương tinh thần ấy lên cuộc sống.
Đừng lo lắng nếu bạn không thể nghĩ ra được một sự việc nào khiến bạn tột cùng đau khổ trong đời mình. Bạn có thể đã trải qua một tuổi thơ với sự trầm cảm kinh niên và nhiều lo lắng, hoặc bạn có thể đã bị ngó lơ trong suốt thời gian đó.
Như bạn có thể đã đoán được, câu chuyện ngụ ngôn “Yêu tinh dịu dàng” ở cuối đoạn một là trích dẫn của một câu chuyện thần thoại tôi viết về mình. Đây là một ví dụ khác do một trong những người tham gia hội thảo của tôi viết ra.
Những sự thật về cuộc đời người đàn ông này như sau. Cha anh rất giàu có. Trong một lần say rượu, ông đã làm mẹ anh có bầu, nên phải cưới bà. Ông ngoại anh dọa sẽ kiện ra tòa nếu cha không cưới mẹ. Sáu tháng sau khi họ cưới nhau, cha anh ly dị vợ. Ông ta trả cho mẹ anh rất nhiều tiền và yêu cầu bà chuyển đến sống ở một thành phố khác.
Mẹ anh, mới 17 tuổi, chớm nghiện ma túy. Bà cũng nghiện cả tình dục. Bà thuê một bà già ở nông thôn để chăm sóc con trai mình. Bà thường xa con hàng tháng trời. Cuối cùng bà lập gia đình và chuyển đi nơi khác, hoàn toàn bỏ mặc con trai mình.
Khách hàng của tôi bị bà già kia lạm dụng về thể xác, tình dục và tinh thần. Anh ta thất bại trong việc học ở trường và bỏ nhà đi lúc 16 tuổi. Từ đó trở đi, cuộc đời anh ta chìm đắm trong những công việc tầm thường và những mối quan hệ lạm dụng phụ nữ.
Đây là câu chuyện anh ta đã viết:
Ngày xửa ngày xưa có một vị vua hùng mạnh tên là John. Ông ta gặp một người phụ nữ nông dân thấp hèn tên là Gretchen.
Vào một đêm say rượu, ông đã quan hệ và khiến bà có bầu. Vậy là ông phải cưới bà.
Bởi đây là một cuộc hôn nhân đáng xấu hổ, nên Gretchen bị che giấu. Cuối cùng bà bị đày ải tới một hòn đảo kỳ lạ.
Đứa con trai sinh hạ từ cuộc hôn nhân đáng xấu hổ này cũng được đặt tên là John. Với mong muốn bảo tồn tình yêu đối với nhà vua, mẹ cậu đã nghĩ ông sẽ tới đón bà nếu nhìn thấy hoàng tử bé bỏng và biết được bà đã đặt tên cậu bé cũng là John. Vì thế bà đã ghé thăm nhà vua để ông thấy con trai mình.
Vua John nổi giận. Ông ta biết cậu bé có dòng máu hoàng gia, nhưng ông ghét Gretchen, vì bà đã gợi cho ông nhớ lại nỗi nhục nhã của mình. Nhà vua ra lệnh gửi Gretchen và hoàng tử John bé nhỏ đến một đất nước xa hàng trăm dặm bên kia đại dương. Gretchen được cho rất nhiều tiền và bị bắt phải thề sẽ không kể cho John bé nhỏ về bí mật liên quan đến nguồn gốc của mình.
Gretchen căm ghét con trai mình. Cậu bé cản trở không cho bà làm những điều bà muốn. Bà muốn uống rượu và nhậu nhẹt với đàn ông. Bà đổ lỗi cho John rằng vì cậu mà bà mới bị lưu đày. Cuối cùng bà thuê một bà già ở nông thôn để chăm sóc cậu. Bà già đánh đập và ít khi cho cậu ăn đầy đủ.
Mặc dù là một hoàng tử mang dòng máu hoàng gia, nhưng John bé nhỏ lại nghĩ mình là đứa con hoang của bà già này. Cậu bị những đứa trẻ khác ở quê cười nhạo vì những bộ quần áo rách rưới cậu mặc đến trường. Cậu ngất xỉu ở trường học vì quá sợ hãi phải trả lời những câu hỏi của giáo viên. Cậu không bao giờ có thời gian để học vì quá bận rộn với công việc ở nhà.
Khi lớn lên, cậu bỏ trốn khỏi nhà. Cậu không có tiền, và do đã bỏ học, công việc duy nhất cậu có thể làm là lau sàn nhà trong một cửa hiệu của thương lái. Cậu đi qua hết mối quan hệ này tới mối quan hệ khác. Mỗi khi quen biết ai cậu lại bị từ chối. Người phụ nữ nào cậu chọn cũng trách móc và nhục mạ cậu.
Khi đã viết xong câu chuyện của mình, bạn cần đọc cho người hỗ trợ của bạn nghe. Câu chuyện này có thể giúp bạn cảm nhận được cảm xúc của mình về việc bị ruồng bỏ. Nó cũng giúp bạn thấy được sự liên quan giữa những nhu cầu phát triển không được đáp ứng của bạn với cuộc đời về sau.
Chúng ta chữa lành nỗi hổ thẹn tột cùng của mình khi biết được rằng, những vấn đề của “đứa trẻ mới lớn” trong chúng ta nằm ở điều đã xảy ra với chúng ta, chứ không phải việc chúng ta thực sự là ai! Hiểu những nhu cầu không được đáp ứng của tuổi thơ sẽ giúp chúng ta giảm bớt nỗi tủi nhục của bản thân. Nếu bạn đang thực hành với một người bạn, hãy thay phiên đọc cho nhau nghe. Khi bạn của bạn đọc cho bạn nghe câu chuyện của họ, hãy đưa ra cảm nhận của mình. Hãy ôm và vỗ về bạn mình, nếu phù hợp.
Nếu bạn thực hành theo nhóm, hãy để mỗi người đọc câu chuyện của mình cho cả nhóm nghe. Khi ai đó đọc xong, hãy bảo họ nhắm mắt lại để nghe từng người trong nhóm đưa ra cảm nhận thành thực của mình.
CÁC VAI TRÒ MÀ “ĐỨA TRẺ BÊN TRONG” BẠN PHẢI ĐẢM TRÁCH Ở NHỮNG GIA ĐÌNH RỐI LOẠN CHỨC NĂNG
Hãy cảm nhận và kết nối với bất kỳ vai trò mới nào bạn đã đảm nhiệm trong suốt những năm tháng đến trường và xử lý chúng như bạn đã làm ở Chương 6. Tôi gợi ý rằng bạn nên tập trung chủ yếu vào những vai trò kết nối khác thế hệ, bởi chúng đã lấy đi của bạn hình mẫu về quan hệ tình dục lành mạnh. Những vai trò thường xuất hiện trong giai đoạn này như: người đàn ông bé nhỏ của mẹ, người chồng thay thế của mẹ, người chị em sẻ chia của mẹ (bạn thân nhất), mẹ của mẹ, công chúa bé nhỏ của cha (cô bé búp bê), bạn đời thay thế của cha, bạn thân nhất của cha, cha của cha. Việc nhận ra rằng những vai trò như bạn đời thay thế hay phụ huynh của cha mẹ không giới hạn ở mối quan hệ khác giới là vô cùng quan trọng. Một bé gái có thể là bạn đời thay thế của mẹ; còn một bé trai có thể là bạn đời thay thế của cha. Trong mọi trường hợp, đứa trẻ phải chăm lo cho cha mẹ của mình, đây là điều đi ngược lại quy luật tự nhiên.
Hãy tập trung vào những hậu quả gây tổn hại cho cuộc đời sau này của đứa trẻ khi phải vào những vai nói trên. Tôi nghĩ đến Jimmy. Cha anh ta là một kẻ nghiện rượu và bỏ nhà ra đi khi Jimmy lên 6 tuổi. Mẹ Jimmy lúc đó 26 tuổi. Bà không có kỹ năng sống và có hai đứa con khác. Jimmy là con thứ hai và phải làm mọi việc vặt trong nhà kể từ khi 7 tuổi. Cậu trở thành người đỡ đần mẹ mọi việc. Cậu ngồi với bà hàng giờ đồng hồ để dỗ dành bà khi bà than khóc về cuộc đời mình. Cậu coi bà như một vị thánh và luôn hết mực vì bà. Jimmy không nhận ra (chẳng đứa trẻ nào có thể nhận ra cả) rằng khi cậu khóc, mẹ cậu thường châm chọc cậu hay nói lảng sang chuyện khác để cậu quên đi. Bà thường kể cho cậu nghe về việc ông ngoại cậu là một người tuyệt vời, và cậu thật hạnh phúc ra sao khi được sống trong một ngôi nhà đầy đủ đồ ăn thức uống. Những đứa trẻ khác đang phải chết đói ở Mỹ La-tinh!
Khi lên 21 tuổi, Jimmy tham gia Phật đoàn và trở thành một thầy tu. Mẹ cậu rất tự hào về cậu và thường xuyên đến thăm con. Sau vài năm, Jimmy rời khỏi chùa và trải qua nhiều mối quan hệ với phụ nữ. Cậu ta luôn tìm thấy những người phụ nữ trong khốn khó mà đối với họ, cậu có thể là một cứu tinh. Ở tuổi 45, cậu có một cuộc hôn nhân thảm họa với một người phụ nữ bị bỏ rơi cùng ba đứa con riêng. Đó là cuộc hôn nhân chứa đầy mâu thuẫn và buồn chán. Jimmy ghét những đứa con riêng của vợ. Trước đó, Jimmy ngoại tình 10 năm và cuối cùng, họ đã ly dị.
Câu chuyện của Jimmy điển hình cho trường hợp những đứa con trai với vai trò thay thế cho người bạn đời của cha mẹ. Họ thường tìm đến tôn giáo hay đức tin tín ngưỡng. Bằng cách này, họ giữ được sự trung thành với mẹ. Họ không thể cam kết cuộc sống của mình với một người phụ nữ khác, vì như thế chẳng khác nào ngoại tình. Những người đàn ông như vậy được gọi là “những cậu bé bay”, vì họ luôn bay khỏi sự ràng buộc trong quan hệ. Họ cũng được liên tưởng đến như là “Peter Pan”, do họ không bao giờ trưởng thành (không bao giờ thực sự rời bỏ mẹ).
Jimmy đến gặp tôi khi 51 tuổi, giận dữ và cô đơn. Vai trò là bạn đời thay thế của anh ta đã khiến anh trả giá đắt. Anh cảm thấy anh chỉ có ý nghĩa khi quan tâm đến những người phụ nữ như mẹ mình. Trong sâu thẳm, anh ta không bao giờ cảm thấy được kết nối. Trên thực tế, anh không bao giờ được yêu thương. Bản thể gốc của anh ta (đứa trẻ ở tuổi mẫu giáo bị tổn thương bên trong) chưa bao giờ được công nhận.
Tôi sẽ trình bày một bài tập để phá vỡ những vai trò thay thế lệch lạc này trong Chương 12.
NHỮNG LỜI TÍCH CỰC
Những lời tích cực dành cho đứa trẻ ở tuổi đi học trong bạn như sau:
______Nhỏ à, bạn có thể là chính mình ở trường. Bạn có thể đứng lên vì bản thân mình và tôi sẽ hỗ trợ bạn.
Không vấn đề gì khi thực hiện mọi việc theo cách của riêng bạn.
Không vấn đề gì khi nghĩ về việc gì đó, thử nghiệm chúng trước khi tìm cách biến chúng thành của mình.
Bạn có thể tin tưởng vào phán đoán của mình; bạn chỉ cần chấp nhận hậu quả của những lựa chọn do mình đưa ra.
Bạn có thể làm mọi việc theo cách của mình và không đồng thuận cũng không sao.
Tôi yêu con người thật của bạn, ______ nhỏ ạ
Bạn có thể tin tưởng vào cảm giác của mình. Nếu thấy sợ hãi, hãy cho tôi biết. Sợ hãi cũng không sao. Chúng ta có thể nói về việc đó.
Bạn có thể lựa chọn bạn bè của riêng mình.
Bạn có thể ăn mặc theo cách những đứa trẻ khác ăn mặc, hoặc bạn có thể ăn vận theo cách riêng của mình.
Bạn xứng đáng có được những điều mình muốn. Tôi sẵn sàng ở bên bạn dù điều gì xảy ra đi chăng nữa. Tôi yêu bạn,... nhỏ ạ.
THIỀN ĐỊNH DÀNH CHO GIAI ĐOẠN TUỔI ĐẾN TRƯỜNG
Hãy thêm đoạn sau vào phần giới thiệu chung của bạn. Dừng lại 20 giây sau mỗi đoạn.
Trông bạn thế nào khi bạn lần đầu tiên tới trường?
… Bạn có nhớ ngày đầu tiên tới trường của mình không?... Bạn có nhớ về ngày đầu tiên mình ở bậc lớp khác nào không?... Bạn có hộp đựng cơm trưa không?... Một túi đựng sách?... Bạn đến trường bằng phương tiện gì?... Bạn có sợ phải đến trường không?... Có kẻ bắt nạt nào đe dọa bạn không?... Ai là giáo viên yêu thích của bạn?
... Bạn có giáo viên nam hay nữ?... Hãy tưởng tượng về sân chơi ở trường học... Hãy nhìn vào bản thể ở tuổi đến trường của bạn trên sân chơi...
Nó đang làm gì vậy?... Nó đang mặc gì?... Hãy đi bộ lại chỗ nó và trở thành nó... Giờ bạn là một cậu bé đi học nhỏ tuổi đang nhìn vào bản thể đã trưởng thành của mình... Bạn thấy mình là một thuật sĩ khôn ngoan và nhẹ nhàng... Hãy lắng nghe giọng nói trưởng thành của bạn...
Hãy lắng nghe giọng nói trưởng thành của bạn đang nói những điều ấm áp và yêu thương với bạn...
Nếu thực hành một mình: Hãy ghi âm lại những lời tích cực dành cho đứa trẻ ở tuổi đi học bị tổn thương bên trong bạn.
Nếu thực hành với một người bạn: Hãy nói những lời tích cực với người bạn đó.
Với một nhóm: Dừng lại ở đây và kết thúc.
Ở một mình hoặc với một người bạn: Sau khi bạn đã hoàn thành những lời tích cực, hãy tiếp tục thiền định.
Hãy để bản thân tự cảm nhận. Chào tạm biệt vị thuật sĩ dịu dàng của bạn, và ôm ông ta, nếu bạn muốn... Nhẹ nhàng trở lại bản thể người lớn của bạn... Hãy nói với đứa trẻ ở tuổi đến trường bên trong bạn rằng, bạn sẽ ở đây bên nó từ giờ trở đi… Hãy nói với nó rằng nó có thể tin tưởng vào bạn...
Đối với nhóm: Nếu bạn làm việc trong một nhóm, hãy thêm đoạn này sau phần kết. Kết luận này dành cho tất cả mọi người: thực hành một mình, với một người bạn, hoặc với nhóm. Dừng lại 10 giây sau mỗi đoạn.
Bắt đầu bước tới phía trước dòng thời gian... Bạn thấy trường trung học của mình chứ...
Nó màu gì?... Thấy bạn thân nhất thời trung học của bạn không?... Hãy lắng nghe bài hát yêu thích của bạn ở tuổi mới lớn... Bước tới dòng thời gian và đi vào cuộc đời trưởng thành... Nhìn ngôi nhà bạn đang sống hiện tại... Nhìn phòng bạn.
... Cảm nhận nơi bạn đang đứng… Cử động ngón chân cái..
... Cảm nhận năng lượng đi dọc lên chân… Hít sâu… Thở ra thành tiếng... Cử động ngón tay.
… Cảm nhận hiện tại, trở về với tâm trí và thân xác...
Mở mắt ra...
Nếu bạn ở một mình, hãy hồi tưởng về trải nghiệm này. Hãy viết ra cảm giác của bạn. Nếu bạn có một người bạn, hãy chia sẻ trải nghiệm với họ. Nếu bạn làm việc theo nhóm, hãy thay phiên chia sẻ trải nghiệm cho nhau nghe.
Bạn đã hồi sinh đứa trẻ ở tuổi đi học bên trong bạn! Bạn có thể chăm sóc nó!
Đây là bức tranh về đứa trẻ ở tuổi đi học bên trong tôi sau khi được hồi sinh.