Chương 8Gắn kết các bản thể lại với nhau thành một thanh niên mới
Điều tôi làm chính là bản thân mình: Đó là lý do tôi xuất hiện.
– GERALD MANLEY HOPKIN
Tôi thức dậy và thấy mình đang ở trong rừng, cách xa lâu đài.
Chuyến tàu lao nhanh qua Louisiana cô đơn trong đêm…
Khi tôi nhìn lại, có một điểm mù trên xe.
Đó là một phần của cha mà tôi vẫn không nhìn thấy.
Đó là những năm tháng ấu thơ mà tôi không thể nào nhớ nổi.
Đôi phần của bản thân mà giờ đây tôi không thể tìm thấy…
Liệu trong tôi giờ còn chút nào chân thật hay không?...
Tôi bị cuốn về phía cha mẹ mình dữ dội biết bao!
Tôi đi tới đi lui, nhìn về phía bến cũ.
Tiếng ếch đêm rền rĩ như hành tinh đang chuyển mình.
– ROBERT BLY
Night Frogs (tạm dịch: Những con ếch đêm)
BẢNG CÂU HỎI
Trả lời có hoặc không cho các câu hỏi sau. Sau khi bạn đọc từng câu hỏi, hãy chờ đợi và kết nối với những gì bạn cảm nhận được. Nếu bạn cảm thấy có một nguồn năng lượng mạnh mẽ hơn với câu trả lời là có thì hãy chọn có và ngược lại, hãy chọn không. Nếu bạn trả lời có cho câu hỏi nào đó thì khả năng bản thể thanh thiếu niên nội tâm diệu kỳ trong bạn đã bị tổn thương. Có nhiều mức độ tổn thương, nằm đâu đó trên thang điểm từ một đến một trăm. Bạn càng có nhiều câu trả lời là có thì bản thể thanh thiếu niên trong bạn càng bị thương tổn nhiều hơn.
1. Bạn có thường xuyên gặp gỡ các nhân vật có thẩm quyền (sếp, cảnh sát, các cán bộ công chức khác) không?
2. Bạn có cảm thấy tức giận bởi “những quy định và điều luật vô nghĩa” mà những người khác có vẻ như chấp nhận không?
3. Khi về thăm bố mẹ, bạn có nhanh chóng rơi vào vai một đứa con ngoan ngoãn (hoặc nổi loạn) không?
4. Bạn bối rối về con người thật của mình không?
5. Bạn có cảm thấy mình nổi trội hơn những người khác bởi vì phong cách sống khác thường và bất tuân thủ của bạn không?
6. Bạn có còn kiên định tuân theo tôn giáo thời trẻ của mình không?
7. Bạn có thể hình thành mối quan hệ thân thiết chỉ với những người khác giới không?
8. Có phải tất cả các mối quan hệ ngoài công việc của bạn với người khác giới là quan hệ tình cảm hay lãng mạn không?
9. Bạn có phải là người mơ mộng, thích đọc tiểu thuyết lãng mạn hoặc khoa học viễn tưởng hơn là hành động trong đời thực không?
10. Đôi khi có người bảo bạn là “hãy người lớn lên” không?
11. Bạn có thấy bạn gần như không thể phát biểu ý kiến của mình khi nó đi ngược lại với một chuẩn mực đã được chấp thuận không?
12. Bạn có cứng nhắc tuân theo một đạo sư hay người hùng, hoặc bạn có bị cuốn hút mạnh mẽ bởi các giáo phái hoặc nhóm bí mật không?
13. Bạn có nói nhiều về những điều lớn lao mà bạn định làm nhưng lại không bao giờ làm không?
14. Bạn có tin rằng chưa có ai từng trải qua những điều mình đã phải trải qua, hoặc không ai thực sự có thể chịu đựng được nỗi đau độc nhất của mình không?
Tuổi dậy thì bắt đầu cũng là lúc tuổi thơ thực sự kết thúc. Tuổi dậy thì đánh dấu bước khởi đầu chu trình hồi sinh lần đầu tiên của chúng ta. Như tôi đã đề cập trước đó, cuốn sách Cycles of Power (tạm dịch: Vòng tuần hoàn của năng lực), Pam Levin cho rằng chúng ta tiến hóa theo chu kỳ tuần hoàn. Cuộc sống là một quá trình liên quan đến sự lặp lại của các chủ đề và những khuôn mẫu nhất định. Mỗi chu trình hồi sinh được xây dựng dựa trên giai đoạn trước và đòi hỏi sự thích ứng tinh vi hơn. Mỗi chu trình hồi sinh là một lần khủng hoảng. Và mỗi cuộc khủng hoảng là một thời điểm có nguy cơ dễ bị tổn thương và tiềm năng đều tăng cao. Nếu vượt qua được thách thức quan trọng thì sự hồi sinh sẽ diễn ra để giúp cho quá khứ được tái tạo lại.
TUỔI THANH THIẾU NIÊN BÌNH THƯỜNG
Thành tích của các nhiệm vụ trọng yếu ở tuổi thanh thiếu niên rực rỡ hay không là phụ thuộc vào sức mạnh bản ngã được phát triển trong thời thơ ấu. Nhưng nhiệm vụ của tuổi thanh thiếu niên, vốn là sự hình thành cá tính có ý thức, như Erik Erikson đã chỉ ra là “còn hơn cả những đặc điểm cá tính thời thơ ấu tổng hợp lại”. Cá tính của tuổi thanh thiếu niên là cá tính được tái tạo lại. Để đạt được điều đó, chúng ta phải tích hợp khả năng di truyền của mình, sức mạnh của bản ngã, những kỹ năng được trau dồi trước đó, cùng với cơ hội do các vai trò văn hóa xã hội mang lại. Erikson định nghĩa cá tính mới này là:
... niềm tin cậy được tích lũy nhờ sự chuẩn bị đều đặn và liên tục trong nội tâm [mà tôi gọi là bản thể tôi của bạn] ở quá khứ phù hợp với tính đều đặn và liên tục về ý nghĩa của người này đối với người kia, là bằng chứng cho lời hứa hữu hình về một “sự tiến triển”.
Đối với tôi, điều đó có nghĩa là nhận thức của “đứa trẻ bên trong” bạn về bản thể tôi bây giờ phải được khẳng định theo hai cách. Một là lời khẳng định sẽ đến từ cái nhìn phản chiếu của một người quan trọng trong mối quan hệ yêu đương (tình cảm). Lời khẳng định thứ hai sẽ đến từ nghề nghiệp có ý nghĩa, giúp nâng cao khả năng sinh tồn của mỗi người. Hai điểm tựa chính giúp nhận diện trưởng thành chính là hai dấu ấn nổi tiếng của Freud về sự trưởng thành: Đó là tình yêu và công việc.
Đứa trẻ nội tâm bị tổn thương có thể là nguồn phá hoại suốt thời thanh thiếu niên của một người. Ngay cả người có đứa trẻ nội tâm lành mạnh sẽ vẫn phải “tái chiến nhiều trận đấu của những năm đầu đời”. Đối với tuổi thanh thiếu niên bình thường thì đó là một trong những khoảng thời gian giông bão nhất trong vòng đời.
Tôi thích miêu tả tuổi thanh thiếu niên bình thường bằng cách sử dụng các chữ cái của từ adolescence (tạm dịch: tuổi thanh thiếu niên).
Ambivalence (Mâu thuẫn trong tư tưởng)
Distancing from parents (Xa cách với cha mẹ)
Occupation (Nghề nghiệp)
Loneliness (Sự cô đơn)
Ego identity (Bản sắc bản ngã)
Sexual exploration (Khám phá tình dục)
Conceptualization (Khái niệm hóa)
Egocentric thinking (Tư duy vị kỷ)
Narcissism (Chủ nghĩa tự luyến)
Communication frenzy (Điên rồ trong giao tiếp)
Experimentation (Thử nghiệm)
Mâu thuẫn trong tư tưởng
Mâu thuẫn trong tư tưởng đã được miêu tả một cách đẹp đẽ trong cuốn Bắt trẻ đồng xanh của J. D. Salinger. Nhân vật chính, Holden Caulfield, 16 tuổi, muốn trở thành người lớn. Cậu mơ tưởng đến việc uống rượu, có phụ nữ và trở thành một tay xã hội đen. Đồng thời, cậu lại sợ hãi cuộc sống trưởng thành và tưởng tượng mình là người bảo vệ cho em gái Phoebe cùng những người bạn đồng trang lứa của cô bé. Việc ở bên (và bảo vệ) những đứa trẻ nhỏ hơn sẽ giúp cậu khỏi phải đối mặt với thế giới người lớn. Một nửa mái tóc của Holden màu hoa râm. Cậu ta đang sống giữa hai thế giới, thời thơ ấu và tuổi trưởng thành. Mâu thuẫn trong tư tưởng thể hiện sự dao động qua lại giữa hai thế giới này.
Mâu thuẫn trong tư tưởng cũng liên quan đến những biến động trong cảm xúc và tâm trạng thất thường của tuổi thanh thiếu niên.
Theo Anna Freud, việc một thanh thiếu niên hôm nay thấy chán ghét sự hiện diện của bố mẹ mình, nhưng lại mong muốn được nói chuyện chân thành với họ vào ngày mai là điều hết sức bình thường.
Xa cách với cha mẹ
Xa cách với cha mẹ là phần bình thường của tuổi thanh thiếu niên. Để ra khỏi nhà, các cô cậu thanh thiếu niên phải khiến mình trở nên khó ưa với bố mẹ. Theo Dore Lidz, nhà tâm lý học của Yale đã nhấn mạnh một thực tế là “xung đột giữa các thế hệ là một phần không thể tách rời của đời sống xã hội”. Tám trăm năm trước Công nguyên, thời trẻ, Hesiod đã bị xáo trộn khủng khiếp. Ông tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với thế hệ tiếp theo. Hôm qua tôi đã nghe thấy một phụ nữ trong siêu thị cũng đã nói những câu tương tự như thế.
Nhóm đồng trang lứa chính là phương tiện mà thanh thiếu niên dùng để tạo ra khoảng cách với cha mẹ. Tôi muốn đề cập đến nhóm phụ huynh đồng niên bởi vì nhóm đồng niên sẽ trở thành những người bố người mẹ mới. Nhóm phụ huynh đồng niên rất cứng nhắc và tuân thủ quy tắc. Ví dụ, vào thời của tôi, “đuôi vịt” là một kiểu tóc chính thức. Nhóm của tôi thường mặc quần tây được may đo, có đường may bên ngoài và túi đựng súng lục. Thanh niên nào mà không ăn mặc giống chúng tôi sẽ được coi là “cổ lỗ sĩ” và sẽ bị lôi ra làm trò cười!
Nghề nghiệp
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng nỗi lo hàng đầu trong tâm trí của thanh thiếu niên là nghề nghiệp: Mình sẽ làm công việc gì? Mình sẽ dành năng lượng của mình vào đâu? Mình sẽ chăm sóc bản thân như thế nào? Mình sẽ ra sao khi lớn lên?
Bản thân năng lượng sống thúc đẩy chúng ta xem xét loại công việc mà chúng ta sẽ dành cả đời để làm. Lựa chọn công việc giữa những nền văn hóa và giữa các thế hệ khác nhau cũng khác nhau.
Trong quá khứ, sự lựa chọn nghề nghiệp bị hạn chế rất nhiều và được xác định trước khá rõ ràng. Cuộc sống lúc đó đơn giản hơn nhiều.
Sự cô đơn
Tuổi thanh xuân luôn là khoảng thời gian cô đơn. Cho dù một người có bao nhiêu bạn bè đồng trang lứa đi chăng nữa thì trong lòng vẫn cảm thấy trống rỗng. Người trẻ chưa hiểu mình là ai và không biết chắc chắn mình sẽ đi đâu. Do khả năng tư duy trừu tượng vừa mới xuất hiện nên tương lai (như là một giả thuyết)lần đầu tiên trở thành vấn đề trong cuộc đời của một người. Là một người trẻ đang suy ngẫm về tương lai, anh ta trải qua cảm giác thiếu vắng. Nếu “đứa trẻ bên trong” anh ta bị tổn thương, trải nghiệm đó sẽ càng gia tăng.
Cấu trúc nhận thức mới xuất hiện của tuổi thanh thiếu niên cũng cho phép anh ta phản ánh về chính bản thân (trở nên tự ý thức). Thanh thiếu niên có thể nghĩ về việc tư duy. Đây là lý do tại sao họ có thể hỏi: “Tôi là ai?” Họ trở nên đau đớn khi nhận thức về bản thân. Khả năng tự ý thức được nâng cao bởi sự xuất hiện của các đặc điểm giới tính thứ cấp. Những cảm giác về tình dục mới trải qua rất mạnh mẽ; những thay đổi về cơ thể thật khó chịu. Anh ta cảm thấy xấu hổ và kỳ quặc.
Bản sắc bản ngã
Tôi đã nói với bạn định nghĩa của Erikson về bản sắc bản ngã. Những câu hỏi như: “Tôi là ai” và “Tôi sẽ đi đâu” là kết quả của khả năng tư duy mới từ lứa tuổi thanh thiếu niên.
Khám phá tình dục
Với sự xuất hiện của các đặc điểm giới tính thứ cấp, một năng lượng mới mạnh mẽ sẽ xuất hiện. Năng lượng này là tia lửa cuộc sống tự lan tỏa như Nietzsche đã nhận xét: “Cuộc sống tự nó kéo dài”. Bản năng tình dục là nguồn lực để bảo tồn giống loài. Nếu không có ham muốn tình dục, các giống loài sẽ tuyệt chủng sau một trăm năm.
Thanh thiếu niên sẽ khám phá tình dục bằng bản năng của mình. Thủ dâm chính là bàn đạp đầu tiên. Những cảnh báo về việc thủ dâm có thể gây mù lòa, mụn cóc trên bàn tay, thậm chí đỉnh điểm là dương vật sẽ bị rụng, đều trở nên mờ nhạt so với cảm giác mà nó mang lại. Đằng nào cũng đâu có ai cần nhìn đâu, bạn có thể làm điều đó trong bóng tối cơ mà! Tiếp theo đó thường là các hình thức khám phá khác như thủ dâm cho nhau, mơn trớn người khác giới và cuối cùng là giao hợp.
Việc khám phá bộ phận sinh dục đóng vai trò rất quan trọng để chúng ta có được bản sắc lành mạnh. Tình dục là con người của chúng ta, chứ không phải là thứ mà chúng ta có. Điều đầu tiên chúng ta nhận biết về một người là giới tính của họ.
Khái niệm hóa
Khả năng suy nghĩ về các thuật ngữ mang tính logic, trừu tượng xuất hiện ở tuổi dậy thì đưa chúng ta vượt ra ngoài lối suy nghĩ theo nghĩa đen cụ thể của trẻ ở độ tuổi đi học. Điều mà một thanh niên bắt đầu làm nhưng một trẻ vị thành niên không thể làm là suy nghĩ về các giả thuyết đi ngược lại với thực tế. Ví dụ, việc suy nghĩ về tương lai đòi hỏi khả năng nghĩ tới một giả định trái với thực tế. Tôi là ai và tôi đang đi đâu? Khả năng của tôi là gì? Ở tuổi thanh thiếu niên, tư duy bản sắc là tư duy về các khả năng như “Giả sử tôi trở thành bác sĩ... luật sư... mục sư...” Mỗi giả định này liên quan dẫn đến việc tạo ra một giả thuyết không bị giới hạn bởi các dữ kiện thực tế.
Một biểu hiện khác của cấu trúc nhận thức mới này là sự lý tưởng hóa. Thanh thiếu niên là những người mơ mộng. Mơ ước và lý tưởng hóa tạo ra những hình mẫu thúc đẩy chúng ta. Thanh thiếu niên cũng gắn mình với các thần tượng. Siêu sao điện ảnh và siêu sao nhạc rock là những người thân thuộc nhất, nhưng một người trẻ lại noi theo thần tượng chính trị hoặc trí thức để làm động lực cho sự nghiệp của chính mình. Thanh thiếu niên có tín ngưỡng rất bản năng, và đó là thời điểm chín muồi của niềm tin tín ngưỡng mạnh mẽ nhất. Thần tượng về mặt tinh thần thường là do ám ảnh cốt lõi của tuổi mới lớn.
Lý tưởng hóa hoặc thần tượng hóa ở tuổi thanh thiếu niên cũng có thể được định hướng bởi sự sùng bái hoặc một nguyên nhân nào đó. Hoạt động Hare Krishnas ở sân bay, lực lượng Cận vệ đỏ Trung Quốc, việc huy động thanh thiếu niên Đức dưới thời của Hitler… tất cả đều minh chứng cho cách mà thanh thiếu niên có thể được thúc đẩy để thực thi chính nghĩa dù là tích cực hay tiêu cực. Sự tận tâm với chính nghĩa này là cơ sở của sức mạnh bản ngã mà Erikson gọi là lòng trung thành. Đây là một sức mạnh quan trọng của người trưởng thành.
Tư duy vị kỷ
Không giống như chủ nghĩa vị kỷ ở giai đoạn trước, thanh thiếu niên hoàn toàn có khả năng nắm bắt quan điểm của người khác. Chủ nghĩa vị kỷ ở lứa tuổi này bao gồm việc tin rằng cha mẹ cũng cuồng họ như họ cuồng chính mình. Thanh thiếu niên bẩm sinh đã bị hoang tưởng. Một cái liếc nhìn lại được hiểu là sự nhận định đánh giá khiến người khác tổn thương. Hãy xem xét một tình huống rất phổ biến sau đây. Cô bé Shirley vừa bị chàng trai mà mình thần tượng coi thường. Cô trở về nhà, chán nản và cảm thấy mình bị khước từ. Khi mẹ nói: “Chào con yêu, tình hình thế nào rồi?” và cô bé Shirley vừa chạy về phòng vừa hét lên: “Mẹ không thể để con yên sao!” David Elkind đã đặt ra hai cụm từ để mô tả tính vị kỷ trong tư duy của lứa tuổi vị thành niên, đó là “khán giả tưởng tượng” và “truyền thuyết cá nhân”. Cả hai đều là những lối tư duy hoành tráng. Shirley nghĩ rằng mẹ đã thực sự chứng kiến cảnh mình bị từ chối và sỉ nhục. Sự tự ý thức sâu sắc của tuổi thanh thiếu niên bắt nguồn từ niềm tin rằng “mọi người đang nhìn mình”. Nếu một cậu thanh niên dễ bị xấu hổ thì sự tự ý thức của cậu sẽ càng trở nên mãnh liệt đến đau đớn.
Thuyết cá nhân là niềm tin rằng cuộc sống của một người mang tính duy nhất tuyệt đối. “Chưa có ai từng đau khổ như mình” là lời tự sự của một thanh thiếu niên. Tiếp theo sẽ là những câu như: “Chẳng ai hiểu mình đâu”, “Không ai yêu mình hết”, “Chưa có người nào từng phải chịu đựng bố mẹ như mình cả”. Bạn có nhớ tưởng tượng của Tom Sawyer về cái chết của cậu ta không? Tom nhìn thấy dì và những người lớn khác đang đứng xung quanh giường bệnh của mình. Họ đều đang khóc lóc thảm thiết. Giờ đây, cuối cùng họ đã hiểu cậu là một người độc nhất và phi thường ra sao. Câu chuyện ngụ ngôn này thường kết thúc khi một người thiết lập được sự thân thiết thực sự. Sự chia sẻ diễn ra trong một mối quan hệ thân thiết thực sự giúp mọi người thấy trải nghiệm của họ đã và đang bình thường như thế nào.
Chủ nghĩa tự luyến
Thanh thiếu niên là những người tự luyến ái. Họ mê đắm với hình ảnh phản chiếu của mình trong gương, họ có thể dành hàng giờ để nhìn ngắm chính mình. Điều này bắt nguồn từ sự tự ý thức mãnh liệt của họ, cũng là một sự hồi sinh những nhu cầu tự luyến ban đầu.
Điên rồ trong giao tiếp
Trong Bắt trẻ đồng xanh, Holden luôn “liên lạc với ai đó” qua điện thoại. Cậu ta có nhu cầu nói chuyện bất tận. Sự tự ý thức về bản thân và sự đơn độc trong giai đoạn phát triển thúc đẩy thanh thiếu niên muốn giao tiếp. Nói chuyện không ngừng với bạn bè là một cách để cảm thấy mình được mọi người chào đón và được kết nối. Tôi có thể nhớ rất rõ khi lái xe cùng cô con gái đang ở tuổi thiếu niên. Con bé sẽ điên cuồng hét lên tên của các chàng trai và cô gái khi chúng tôi đi ngang qua xe của họ.
Thử nghiệm
Thanh thiếu niên thử nghiệm rất nhiều, với các ý tưởng, phong cách, vai trò và hành vi. Các trải nghiệm này thường đối lập với lối sống hoặc giá trị của bố mẹ. Nếu mẹ tin “sạch sẽ là điều quan trọng thứ hai sau sự ngoan đạo” thì cô con gái tuổi thanh thiếu lại chắc chắn rằng, mình có cá tính riêng bằng cách trở thành một cô nàng hippie với mái tóc dài, không thường xuyên tắm gội và đi chân trần. Nếu bố là một người nghiện công việc cao siêu thì cậu con trai lại bảo vệ cá tính của mình bằng cách bỏ học. Nếu cha mẹ là người vô thần thì con trai hoặc con gái của họ có thể sẽ xây dựng cá tính là một người rất có tín ngưỡng hoặc ngược lại.
Thử nghiệm là cách để mở rộng tầm nhìn của một người, để thử những cách hành xử khác trước khi hoàn thiện cá tính riêng của mình. Tựu chung lại, tuổi thanh thiếu niên là sự hòa nhập và tái tạo lại của tất cả các giai đoạn tuổi thơ trước đó. Nó là sự tổng hòa tất cả sức mạnh bản ngã của một con người. Từ cuộc tái tạo này, một cá tính mới bắt đầu xuất hiện.
SỰ RỐI LOẠN PHÁT TRIỂN
Dù trong điều kiện tốt nhất thì tuổi thanh thiếu niên vẫn là quãng thời gian nhiều giông bão nhất trong vòng đời. Anna Freud đã nói rằng những gì bình thường ở tuổi thanh thiếu niên đều sẽ bị coi là rất bất thường trong tất cả các giai đoạn khác. Nếu trong trường hợp tất cả các giai đoạn thơ ấu trước đó đã được giải quyết một cách lành mạnh, thì hãy tưởng tượng ra những vấn đề xuất phát từ một đứa trẻ nội tâm bị tổn thương nặng nề. Nhiều người trong chúng ta không cần phải tưởng tượng bởi chúng ta đang sống cùng với chúng rồi.
Đối với tôi, sự mâu thuẫn trong tư tưởng biến thành hành vi trầm cảm buồn vui thất thường. Hành động tái hiện hướng ngoại ngông cuồng và bừa bãi đã dẫn đến chứng trầm cảm nặng. Tôi cô lập bản thân bằng cách kết bạn với một vài gã xuất thân từ những gia đình tan vỡ. Chúng tôi nổi loạn chống lại nền giáo dục Công giáo cứng nhắc bằng cách chơi gái điếm và uống rượu. Tố chất nghiện rượu di truyền của tôi ngay lập tức phát huy. Tôi say rượu và gặp rắc rối kể từ năm 13 tuổi.
Sự phân tán vai trò là mối nguy hiểm mà Erikson chỉ ra ở tuổi thanh thiếu niên. Thử nghiệm với quá nhiều vai trò, thanh thiếu niên mất đi phạm vi mà trong đó họ có thể tập trung được sức mạnh bản ngã của mình. Khi còn là một thiếu niên, tôi cảm thấy hoang mang và cô đơn khủng khiếp. Tôi không có bố ở bên để có thể nổi dậy chống lại hoặc lấy đó làm gương. Tôi đã chọn những nhân vật anh hùng phản diện để làm thần tượng. Đây là động lực đằng sau “cá tính tiêu cực”. Tôi không biết mình là ai nên tôi tự cho rằng mình chẳng là ai cả. Tôi khác biệt và không giống như tất cả những “kẻ cổ lỗ sĩ” trong xã hội ngoài kia. Nhóm của tôi đã nhạo báng và chế giễu bất cứ ai không giống mình trong khi đó lại là đa số tất cả mọi người! Những người có cá tính tiêu cực bỏ học và đứng bên lề xã hội, chê cười tất cả những người khác.
Trong thực tế, tôi thấy sợ hãi cuộc sống. (Điều này đúng với tất cả những người có cá tính tiêu cực mà tôi từng biết và từng trị liệu). Mang trong mình sức mạnh yếu đuối và thậm chí gần như không tồn tại, tôi không có cách nào để có thể giúp mình tĩnh trí trở lại. Say rượu là một cách để tôi cảm thấy mình trưởng thành và mạnh mẽ. Sự trống rỗng bên trong khiến tôi thay đổi tâm trạng theo bất kỳ cách nào mà mình có thể.
Chính ở tuổi thanh thiếu niên, chúng ta bắt đầu tái hiện một cách hướng ngoại nỗi đau nguyên thủy và những nhu cầu thời thơ ấu chưa được đáp ứng. Hành vi bạo lực của tội phạm thanh thiếu niên cho thấy cơn thịnh nộ vô định từ đứa trẻ nội tâm cô độc và bị tổn thương trong họ. Phạm tội là một cách để lấy lại những gì đã đánh mất trong thời thơ ấu. Và việc sử dụng ma túy sẽ làm dịu đi nỗi đau của sự cô đơn trong gia đình rối loạn chức năng.
Thanh thiếu niên thường tái hiện hướng ngoại những bí mật chưa được giải đáp của gia đình họ. Và tái hiện các hoạt động tình dục là bản năng trong thời gian năng lượng tình dục trỗi dậy này. Sự kìm nén cứng nhắc của người mẹ đối với đời sống tình dục đầy hổ thẹn của bà có thể dẫn đến việc quan hệ tình dục bừa bãi của con gái từ sớm. Những cuộc tình bí mật của người bố có thể được cậu con trai tuổi thiếu niên bắt chước theo. Mối quan hệ thân mật với cha mẹ bị rối loạn cùng với sự cô đơn và tức giận có thể được thể hiện qua việc học tập yếu kém ở trường.
Thanh thiếu niên thường là vật tế thần của gia đình. Họ trở thành “bệnh nhân được xác định” nhưng thực sự họ lại là những người gánh vác các vấn đề trong gia đình. Khi tôi điều hành một chương trình chống lạm dụng ma túy ở Los Angeles, tôi chưa bao giờ thấy một thanh thiếu niên nào sử dụng ma túy mà cha mẹ của họ có hôn nhân hạnh phúc cả. Những bậc phụ huynh mang bệnh di truyền đa thế hệ. Hôn nhân của họ là hôn nhân giữa những người lớn mang tính cách con trẻ, và những đứa con của họ đang phải cố gắng đưa họ đi trị liệu. Khi tái hiện hướng ngoại, hầu hết thanh thiếu niên đang phản ánh trực tiếp sự hỗn loạn trong gia đình mình.
Ngoài ra còn có vấn đề về nhu cầu phụ thuộc bị bỏ mặc. Tuổi thanh thiếu niên là thời điểm mà bản sắc cá nhân bắt đầu được xác định. Những đứa trẻ từ các gia đình bất hạnh không thể xác định được cá tính của mình, bởi chúng không có ý thức về bản thể tôi khi bắt đầu tuổi thanh thiếu niên.
Gia đình tôi rối loạn nặng nề do bố tôi nghiện rượu, và ông bỏ rơi chúng tôi. Sự hỗn loạn đó trông như thế này.
Như bạn có thể thấy, không ai trong chúng tôi có được một bản thể riêng biệt cả. Hầu hết mỗi chúng tôi đều là một phần của người khác. Khi một người trong chúng tôi cảm thấy như thế nào thì những người khác cũng sẽ cảm thấy như vậy. Nếu mẹ buồn, tất cả chúng tôi đều buồn. Nếu bà tức giận, tất cả chúng tôi đều cảm nhận được điều đó và cố gắng ngăn cản bà. Có rất ít nền tảng để tôi có thể tạo ra bản sắc của riêng mình.
Khi sự khuếch tán vai trò tăng lên thì sự cô lập và trống rỗng bên trong cũng tăng lên. Vai trò quan trọng nhất của một người trong hệ thống gia đình cho đến nay là tìm được con đường thuận lợi nhất để có thể xác định cá tính của mình. Đến năm 21 tuổi, tôi hoang mang tột độ. Tôi kinh sợ đời sống tình dục của mình. Tôi cảm thấy trống rỗng và bất an. Tôi hoảng hốt và tức giận. Tôi choáng ngợp trước tương lai sự nghiệp. Tôi vẫn có thể nhớ rõ mình đã đi bộ vào trung tâm thành phố và tự hỏi sao tất cả những người đàn ông tôi nhìn thấy lại kiếm được công ăn việc làm, tậu được xe hơi, nhà cửa, v.v... Mang theo nỗi hổ thẹn trong tâm khảm, tôi cảm thấy dường như mình sẽ không bao giờ có thể làm được những việc đó. Vì vậy, tôi quay trở lại với những vai trò mà mình đã được giao trong gia đình.
Tôi tiếp tục là một siêu sao, lớp trưởng của lớp đại học, biên tập viên cho tờ báo của trường và là một người có thành tích học tập cao. Tôi đã duy trì tất cả chúng bên cạnh chứng nghiện rượu của mình cũng như danh hiệu thành viên của nhóm “những người không có cha”. Nhưng vai trò quan trọng nhất của tôi là người chăm sóc, vai trò giúp tôi thực sự cảm thấy mình quan trọng. Khi bố tôi bỏ đi, tôi trở thành người đàn ông nhỏ bé trong nhà. Tôi là người cha bé nhỏ của em trai mình; trở thành người quan trọng khi mang trách nhiệm chăm sóc mọi người. Vì vậy, cách tôi giải quyết vấn đề danh tính ở tuổi thanh thiếu niên là quyết định trở thành một linh mục, một linh mục độc thân. Khoác lên mình chiếc phẩm phục màu đen với cổ áo kiểu La Mã ngay lập tức giúp tôi có được một danh tính. Bỗng nhiên tôi là “Cha” John. Thế là tôi đã trở thành người chăm sóc các linh hồn. Đây là công việc cao quý nhất mà bất kỳ ai cũng có thể làm được. Đây là công việc của Chúa. Và cái giá tôi phải trả là sống độc thân.
Bằng cách chọn trở thành một linh mục, tôi đã làm được điều mà gia đình, tôn giáo và các giáo viên của tôi (chính là các nữ tu và linh mục) hằng ca ngợi. Đó là một sự hy sinh cao cả và là một dấu ấn của lòng quảng đại và nhân hậu. Tình cờ nó giải quyết được nỗi sợ nghề nghiệp và duy trì vai trò trong hệ thống gia đình của tôi. Tôi là một siêu sao, một người chăm sóc và khi gắn kết với Nhà thờ Đức mẹ Linh thiêng, tôi sẽ không bao giờ phải rời xa mẹ mình nữa. Bên dưới thân phận giả tạo này, vẫn còn đó một cậu bé cô đơn, hoang mang và sợ hãi.
THU THẬP THÔNG TIN
Không biết mình là ai là bi kịch lớn nhất. Các vai trò trong hệ thống gia đình cứng nhắc được ấn định suốt thời thanh thiếu niên trở thành đặc điểm nhận dạng đáng chú ý nhất mà bạn có. Trên thực tế, những vai trò này trở nên gây nghiện. Khi nhập vai, bạn cảm thấy mình quan trọng. Từ bỏ vai diễn, bạn sẽ chạm vào bể chứa những nỗi hổ thẹn độc hại sâu thẳm, nơi giam hãm nỗi đau nguyên thủy của bản thân, mà cốt lõi chính là sự tổn thương về tinh thần. Khi bạn đánh mất bản thể tôi là bạn đã đánh mất tầm quan trọng của mình.
Khi viết ra câu chuyện thời thanh thiếu niên của mình, hãy tập trung vào cách đứa trẻ nội tâm bị tổn thương bên trong bạn đã ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống giai đoạn đó ra sao. Hãy nhớ kể chi tiết những tổn thương của bạn: lễ tình nhân không bao giờ đến, sự cô đơn, áp lực và sự khước từ của nhóm bạn bè, nỗi đau khổ vì gia đình của bạn.
CHIA SẺ CÂU CHUYỆN THỜI THANH THIẾU NIÊN VỚI NGƯỜI HỖ TRỢ
Hãy đảm bảo rằng bạn sẽ chia sẻ câu chuyện thời thanh thiếu niên của mình với người hỗ trợ. Con người bạn ở lứa tuổi đó sẽ cho thấy cách đứa trẻ nội tâm bị tổn thương bên trong bạn thích nghi để bắt đầu cuộc sống trưởng thành của mình. Bạn cần xác nhận để đưa ra quyết định tốt nhất mà bạn đã có sẵn cho mình.
CẢM NHẬN CÁC CẢM XÚC
Để chữa lành tuổi thanh thiếu niên, bạn cần phải thực sự rời khỏi nhà. Bạn cũng cần tập hợp tất cả các giai đoạn phát triển của mình. Tôi khuyên bạn nên tổ chức một bữa tiệc mừng bản thân được về nhà với bản thể thanh thiếu niên đóng vai là người chủ trì. Tôi sử dụng bài thiền sau để đạt được điều này.
BÀI THIỀN TRỞ VỀ NHÀ
Bạn hãy ghi lại bài thiền vào máy ghi âm, sử dụng bài Going Home (tạm dịch: Trở về nhà) của Daniek Kobialka làm nhạc nền. Tạm dừng 20 giây ở mỗi khoảng ngắt bằng dấu ba chấm.
Hãy nhắm mắt lại và tập trung vào hơi thở của mình… Khi hít vào, hãy nhẹ nhàng hóp bụng dưới và khi thở ra, hãy đẩy căng bụng ra. Hít vào đếm bốn nhịp, giữ bốn nhịp và thở ra đếm tám nhịp… Lặp lại ba lần… Bây giờ tiếp tục thở bình thường. Tập trung vào số 3 khi bạn thở ra… Hãy nhìn nó, dùng ngón tay vẽ nó trong không khí hoặc nghe thấy tiếng “ba” trong tai mình… Giờ đến là số 2… Rồi số 1… Lúc này bạn sẽ thấy một cánh cửa xuất hiện… Hãy mở cửa ra và bước xuống một hành lang dài ngoằn ngoèo có cửa ở hai bên... Ở bên trái, bạn sẽ nhìn thấy cánh cửa đề tên Năm ngoái... Hãy mở nó ra và nhìn vào bên trong. Bạn sẽ thấy một cảnh tượng vui vẻ từ năm ngoái… Đóng cửa lại và bước đến cánh cửa tiếp theo bên phải… Mở cánh cửa ra và bạn sẽ nhìn thấy bản thể thanh thiếu niên của mình đang đứng ở đấy… Hãy ôm lấy người đó. Nói với người ấy rằng bạn biết những gì người ấy đã trải qua… Rồi nói đã đến lúc phải rời khỏi nhà. Nói với người ấy rằng bạn ở đó để hỗ trợ… Rằng hai người cần đi cùng nhau để tập hợp tất cả các bản thể khác, từ bản thể trẻ sơ sinh, trẻ chập chững biết đi, trẻ mẫu giáo và trẻ ở độ tuổi đi học... Cùng với bản thể thanh thiếu niên của mình, tất cả hãy đi bộ đến cuối hành lang và mở cánh cửa ở đó ra… Nhìn vào trong và thấy ngôi nhà đầu tiên mà bạn nhớ đã từng sống… Bước vào ngôi nhà và tìm căn phòng nơi bản thể sơ sinh của bạn đang ở… Hãy bảo bản thể thanh thiếu niên của mình bế đứa trẻ sơ sinh lên… Bây giờ hãy quay trở lại hành lang và mở cánh cửa đầu tiên bên trái của bạn, bạn sẽ nhìn thấy đứa trẻ mới biết đi của mình... Hãy nắm lấy tay đứa trẻ và bước ra hành lang… Mở cánh cửa đầu tiên bên phải của bạn để thấy bản thể trẻ mầm non của mình… Hãy nhìn nó… Nó đang mặc quần áo gì? Hãy nắm lấy tay nó và bước ra khỏi căn phòng đó. Bây giờ hãy tìm kiếm bản thể tuổi đi học của bạn... Đứa trẻ đó đang mặc gì?... Hãy bảo nó nắm lấy tay bản thể thanh thiếu niên của bạn và bước ra khỏi nhà… Lúc này bạn đang đứng cạnh bản thể thanh thiếu niên của mình… Ai đang bế đứa trẻ sơ sinh của bạn vậy?... Bản thể trẻ ở độ tuổi đi học đang nắm lấy cánh tay bản thể thanh thiếu niên… Bạn đang nắm tay đứa trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo… Bây giờ, hãy nhìn đứa trẻ sơ sinh trở thành trẻ chập chững biết đi… Trẻ mới biết đi trở thành trẻ mẫu giáo… Rồi trẻ mẫu giáo trở thành bản thể trẻ ở độ tuổi đến trường… Và trẻ ở độ tuổi đi học trở thành bản thể thanh thiếu niên của bạn… Bạn và bản thể thanh thiếu niên đang đứng cạnh nhau… Giờ bạn sẽ thấy cha mẹ bước ra khỏi ngôi nhà bạn đã sống khi còn là thanh thiếu niên… Bạn và bản thể thanh thiếu niên ấy vẫy tay chào tạm biệt họ… Nói với họ rằng tất cả các bản thể của bạn đang chuẩn bị rời đi… Hãy nói với họ rằng bạn biết họ đã làm những gì tốt nhất có thể… Xem họ như những người bị tổn thương như chính con người thực mà họ đang (đã) là… Tha thứ cho họ vì đã bỏ rơi bạn… Nói với họ rằng bạn sẽ tự làm cha mẹ của mình kể từ lúc này… Bắt đầu bước ra khỏi ngôi nhà đó… Tiếp tục ngoái nhìn qua vai của mình… Thấy họ ngày càng trở nên bé nhỏ hơn… Cho đến khi họ hoàn toàn khuất khỏi tầm mắt… Hãy nhìn về phía trước nơi bạn thấy người yêu/vợ/chồng/bạn bè đang chờ đợi mình… Nếu bạn có chuyên gia trị liệu, hãy gặp nhà trị liệu của bạn ở đó… Nếu bạn có một nhóm hỗ trợ, hãy gặp họ ở đó… Nếu bạn có một người quyền lực hơn, hãy gặp người ấy ở đó… Hãy ôm lấy họ… Bạn biết rằng mình đang được hỗ trợ… Rằng mình không đơn độc… Bạn biết mình có hoặc có thể tạo ra một gia đình gắn kết mới… Bây giờ hãy để bản thể thanh thiếu niên hòa làm một với bạn… Chọn một độ tuổi từ thời thơ ấu và nhìn bản thể đứa trẻ ở độ tuổi ấy của mình… Nói với nó rằng bạn sẽ bảo vệ nó… Rằng bạn sẽ là người cha người mẹ mới luôn yêu thương và nuôi dưỡng nó… Rằng bạn hiểu rõ hơn ai hết những gì mà nó đã trải qua, những đau đớn nó đã phải chịu đựng… Nói với nó rằng trong số tất cả những người mà nó sẽ gặp, bạn là người duy nhất nó không bao giờ đánh mất… Hãy nói rằng bạn sẽ cho nó thời gian và dành thời gian cho nó mỗi ngày… Nói với nó rằng bạn yêu nó bằng cả trái tim mình.
Bây giờ hãy nhìn ra phía chân trời của tâm trí bạn… Bạn sẽ nhìn thấy số 3… Cảm nhận những ngón chân của mình… Hãy cử động chúng… Giờ bạn nhìn thấy số 2… Cảm nhận năng lượng truyền từ chân lên phần trên của cơ thể… Cảm nhận năng lượng trong cánh tay… Hãy cử động bàn tay của mình… Cảm giác năng lượng đi vào đầu và não… Cuối cùng hãy nhìn vào số 1 rồi từ từ mở mắt và vươn vai.
Bây giờ bạn đã hồi sinh toàn bộ hệ thống gia đình bên trong mình. Bạn đã trở về nhà! Đây là tôi khi hoàn thành việc này.
THA THỨ
Quá trình hồi sinh “đứa trẻ bên trong” bị tổn thương của bạn là quá trình tha thứ. Tha thứ cho phép chúng ta cho đi như trước kia. Nó hàn gắn quá khứ và giải phóng năng lượng của chúng ta cho hiện tại.
Tha thứ không phải là một việc ủy mị hay nông cạn. Những tổn hại đã thực sự xảy ra với chúng ta và chúng cần được xác nhận chính thức. Khi thừa nhận những tác hại thực sự đó, chúng ta sẽ không còn thần thánh hóa cha mẹ mình nữa. Chúng ta sẽ nhìn nhận họ như những người bị tổn thương thực sự đúng như con người của họ hiện tại (hoặc quá khứ). Chúng ta thấy họ là những đứa trẻ đã trưởng thành tự gây tổn hại cho cuộc sống của chính họ. Sam Keen đã đúng khi nói:
Khi ngừng thần thánh hóa quá khứ của mình và nhận ra mâu thuẫn và bi kịch trong mọi hành động của con người, tôi phát hiện thấy sự tự do mới để thay đổi tầm quan trọng của những gì đã từng tồn tại… Chỉ có sự tha thứ mới cho phép tôi chấp nhận quá khứ của mình và thoát khỏi những vết thương từ nó… Đánh giá, tha thứ và biết ơn sẽ tạo thành một thuật giả kim biến quá khứ từ định mệnh thành vận may, và giúp tôi từ nạn nhân của những căn nguyên mà tôi không thể kiểm soát trở thành người không ngừng góp phần tái tạo lại quá khứ.
Hàn gắn nỗi đau là việc phải được thực hiện. Fritz Perls đã nói: “Không điều gì thay đổi nếu nó chưa thực sự là chính nó”. Chỉ bằng cách ngừng thần thánh hóa cha mẹ thì chúng ta mới có thể hiểu được tác hại thực sự đã gây ra cho mình. Việc nhận thức được những tác hại thực sự mà chúng ta phải chịu cho phép chúng ta làm chủ cảm giác về việc mình bị xâm hại. Phương pháp chữa lành nỗi đau nguyên thủy chính là cảm nhận được những cảm giác đó. Khi đã kết nối và bày tỏ được chúng, chúng ta hoàn toàn được tự do để tiến về phía trước. Vì không còn mang theo những vấn đề dở dang của quá khứ nên hiện tại của chúng ta không còn bị tác động tiêu cực nữa. Năng lượng hiện có cho phép chúng ta củng cố cuộc đời mình. Chúng ta có thể sống trong hiện tại và tạo ra tương lai.
Tha thứ cho phép chúng ta rời xa cha mẹ mình. Nỗi đau đớn bị tê liệt ở chúng ta đã hình thành nên những oán hận sâu sắc khiến chúng ta gắn chặt với chúng. Lòng oán hận khiến chúng ta lặp đi lặp lại những cảm xúc giống nhau. Hậu quả mà những đứa trẻ bị tổn thương bên trong chúng ta phải chịu là suy nghĩ không bao giờ phải tách rời khỏi cha mẹ. Nếu còn dành năng lượng để âm thầm ghét bỏ họ thì chúng ta vẫn còn gắn chặt với họ và như thế sẽ ngăn cản chính sự trưởng thành của mình. Tha thứ chữa lành những oán giận trong chúng ta và cho phép chúng ta tách rời đứa trẻ tuyệt vời của mình khỏi tiếng nói chế giễu của những “đứa trẻ bên trong” cha mẹ mình. Tha thứ là cách giúp chúng ta rời khỏi ngôi nhà bên trong.
Khi chúng ta đã hồi sinh được “đứa trẻ bên trong” đầy tổn thương, chúng ta phải đưa ra quyết định với cha mẹ thực sự của mình, nếu họ vẫn còn sống. Chúng ta sẽ có mối quan hệ như thế nào với họ? Những người mà có cha mẹ vẫn tiếp tục phạm tội thì cần phải quyết định rời xa khỏi họ. Tôi khuyên bạn hãy để họ sống với số phận của họ! Tôi biết nhiều trường hợp cha mẹ tiếp tục bạo hành con cái dù con họ đã trưởng thành.
Nếu cha mẹ bạn từ chối chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với đứa trẻ bị tổn thương bên trong họ, thì bạn cần nhớ rằng nghĩa vụ trọng yếu của bạn là chịu trách nhiệm với chính cuộc đời của mình. Bạn không đến thế giới này để chăm sóc cha mẹ của bạn. Ở đây tôi đang không nói đến trường hợp cha mẹ ốm yếu hoặc tàn tật. Tôi đang nói đến những bậc cha mẹ từ chối chịu trách nhiệm về những tổn thương bên trong của chính họ. Mỗi người trong số các bạn phải để bản thể người lớn của mình quyết định ranh giới với cha mẹ mình. Hãy nhớ: “Đứa trẻ bên trong” bạn hiện đang rất tin tưởng vào bạn. Nó muốn bạn bảo vệ nó.
Đối với hầu hết mọi người, việc hồi sinh đứa trẻ bị tổn thương trong họ tạo ra cơ hội cho một mối quan hệ mới và tốt đẹp hơn với cha mẹ mình. Bằng cách trở thành cha mẹ mới cho “đứa trẻ bên trong” mình, bạn giúp nó giải quyết xong những vấn đề của quá khứ và lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn. Khi nó cảm thấy hy vọng, tự chủ, có mục đích sống, sáng kiến và năng lực mới, nó có thể tạo lập được bản sắc riêng của mình. Sau đó, nó có thể có một mối quan hệ lành mạnh với cha mẹ mình.