Ước gì tôi biết…
Tình yêu không đủ là
NỀN TẢNG VỮNG CHẮC
để xây dựng một CUỘC HÔN NHÂN
HẠNH PHÚC
Điều này lẽ ra tôi phải biết ngay từ đầu nhưng tôi đã bỏ qua nó. Tôi chưa từng đọc một cuốn sách nào viết về hôn nhân nên thực sự là tôi chưa được chuẩn bị kỹ cho tất cả việc này. Tôi chỉ biết rằng những cảm giác mà tôi có với Karolyn tôi chưa từng có với bất kỳ cô gái nào khác. Khi chúng tôi hôn nhau, tôi thấy mình giống như ở thiên đường. Tôi hồi hộp mỗi khi gặp nàng. Tôi thích mọi thứ của nàng. Tôi thích cách nàng nhìn, cách nàng nói, cách nàng đi và đặc biệt tôi bị hút hồn bởi đôi mắt nâu của nàng. Thậm chí tôi còn thích cả mẹ nàng và tôi đã tình nguyện tới sơn nhà cho nàng – làm bất cứ điều gì để nàng biết rằng tôi yêu nàng nhiều đến mức nào. Tôi không thể tưởng tượng ra liệu có cô gái nào đẹp hơn nàng không. Tôi nghĩ nàng cũng có cảm xúc và suy nghĩ tương tự như thế về tôi.
Với tất cả suy nghĩ và cảm xúc ấy, chúng tôi hoàn toàn tin rằng sẽ làm cho nhau hạnh phúc trong suốt quãng đời còn lại. Tuy nhiên, sáu tháng sau khi kết hôn, cả hai chúng tôi đều trở nên khốn khổ hơn so với những gì chúng tôi từng tưởng tượng. Cảm giác phấn khích biến mất, thay vào đó chúng tôi cảm thấy bị tổn thương, giận dữ, thất vọng và oán hận. Đó là những điều chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới khi yêu nhau. Chúng tôi nghĩ rằng cảm xúc và những nhận thức tích cực mà chúng tôi dành cho nhau sẽ theo chúng tôi suốt cuộc đời.
Hơn 30 năm qua, tôi đã thực hiện hàng trăm buổi tư vấn tiền hôn nhân cho các cặp chuẩn bị kết hôn. Tôi nhận ra rằng hầu hết mọi người đều có nhận thức hạn chế giống nhau về tình yêu. Trong buổi tư vấn đầu tiên tôi thường hỏi các cặp đôi câu hỏi này: “Tại sao các bạn muốn kết hôn?” Và hầu hết câu trả lời của họ là: “Vì chúng tôi yêu nhau.” Sau đó tôi hỏi một câu hỏi không mấy dễ chịu: “Điều bạn muốn nói là gì?”
Thường thì họ đều cảm thấy choáng với câu hỏi này. Hầu hết các cặp đôi đều nói về những cảm xúc sâu sắc mà họ dành cho nhau. Nó đã kéo dài trong một thời gian và theo một số cách khác nhau từ những gì họ cảm nhận được khi hẹn hò với đối phương. Thường thì họ nhìn nhau, họ nhìn lên trần nhà, họ cười khúc khích, sau đó một trong hai người sẽ nói: “À, vâng… ông biết mà.” Vào giai đoạn này của cuộc đời mình, tôi nghĩ là tôi đã biết – nhưng tôi nghi ngờ điều họ biết. Tôi sợ rằng họ cũng có nhận thức giống như tôi và Karolyn về tình yêu khi chúng tôi kết hôn. Và giờ đây tôi biết rằng chỉ tình yêu thôi sẽ không đủ nền tảng để xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Cách đây không lâu tôi nhận được điện thoại từ một người đàn ông trẻ muốn tôi thực hiện nghi lễ kết hôn cho anh ta. Tôi hỏi là khi nào anh ta kết hôn và biết được câu trả lời là ngày cưới chỉ còn cách chưa đầy một tuần nữa. Tôi giải thích là tôi thường cần từ sáu đến tám buổi tư vấn cho những người sắp kết hôn. Phản ứng của anh ta rất cổ điển: “Thành thật với ông là tôi nghĩ chúng tôi không cần bất cứ một tư vấn nào. Chúng tôi thật sự yêu nhau và tôi nghĩ chúng tôi sẽ không gặp phải bất cứ vấn đề nào.” Tôi mỉm cười và nghĩ thầm – lại một nạn nhân nữa của ảo giác “tình yêu”.
Chúng ta thường nói “phải lòng nhau”. Khi nghe cụm từ này, tôi thường nghĩ tới việc săn thú ở các khu rừng nhiệt đới. Người ta sẽ đào một cái hố trên đường đi của con thú, sau đó ngụy trang bằng lá cây. Con thú tội nghiệp chạy trên con đường đó, mải mê với công việc của mình. Thế rồi bất thình lình nó rơi xuống hố và sập bẫy.
Đây chính là cách mà chúng ta nói về tình yêu. Chúng ta đang đi bộ, làm những công việc bình thường hàng ngày, bỗng nhiên, chúng ta nhìn thấy khi đi qua phòng hay đi xuống hội trường – anh ấy/cô ấy – và “oa, chúng ta phải lòng nhau”. Chúng ta không thể làm gì. Điều đó hoàn toàn vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chúng ta. Chúng ta nghĩ mình và chàng/nàng nhất định phải cưới nhau, càng sớm càng tốt. Chúng ta kể cho bạn bè nghe và vì cũng có những tình huống tương tự, nên bạn bè đều vui vẻ tác thành, rồi chúng ta yêu nhau, sau đó là đến thời gian kết hôn.
Thông thường khi yêu nhau chúng ta không quan tâm đến các yếu tố xã hội, tinh thần và những mối quan tâm của chúng ta cũng cách xa nhau. Mục tiêu và hệ thống giá trị của chúng ta mâu thuẫn nhau, nhưng chúng ta vẫn yêu nhau. Những mâu thuẫn trong các vấn đề này chỉ bắt đầu xuất hiện sau một năm kết hôn, lúc này, rất có thể hai vợ chồng mới cưới sẽ ngồi trong văn phòng của nhà tư vấn và nói: “Chúng tôi không còn yêu nhau nữa.” Vì thế, họ đã sẵn sàng ly hôn. Như vậy khi “tình yêu” không còn, thì “chắc chắn bạn đừng mong chúng tôi sống với nhau nữa.”
Khi cảm giác xao xuyến chế ngự
Tôi có một từ khác để diễn tả những trải nghiệm cảm xúc được nhắc đến ở trên, đó là “xao xuyến”. Xao xuyến là những cảm giác ấm áp, nôn nao mà chúng ta có với người khác giới. Chính cảm xúc xao xuyến đó thúc đẩy chúng ta đi ra ngoài chỉ để ăn một cái bánh hamburger cùng chàng/nàng. Đôi khi chúng ta mất cảm giác xao xuyến ngay từ buổi hẹn hò đầu tiên. Chỉ đơn giản chúng ta thấy có điều gì đó ở họ đã làm “tắt ngóm” cảm xúc của chúng ta. Lần sau, họ mời ta đi ăn bánh hamburger, ta từ chối vì không thấy đói. Tuy nhiên, trong mối quan hệ khác, càng ở cùng nhau, thì chúng ta càng thấy xao xuyến. Chúng ta nghĩ về họ cả ngày lẫn đêm. Mọi suy nghĩ và ám ảnh của chúng ta đều liên quan đến họ. Chúng ta thấy họ là người thú vị nhất, đẹp nhất mà ta từng gặp. Chúng ta muốn ở bên họ mọi lúc, mọi nơi. Chúng ta mơ ước được chia sẻ phần đời còn lại của mình với họ để làm cho nhau hạnh phúc.
Xin đừng hiểu lầm tôi. Tôi nghĩ cảm giác xao xuyến rất quan trọng. Chúng rất thật và tôi trân trọng những cảm xúc đó. Nhưng chúng không phải là nền tảng cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Tất nhiên tôi không nghĩ rằng cặp đôi nào đó nên kết hôn với nhau mà không có cảm xúc xốn xang này. Bởi những cung bậc cảm xúc đó là điều rất quan trọng trong tình yêu và hôn nhân, nó giống như một quả dâu tây được trang trí trên món kem sundae1. Nhưng bạn không thể có một món kem sundae với chỉ dâu tây. Trong cuốn sách này, tôi sẽ lần lượt đưa ra rất nhiều yếu tố khác được coi là nền tảng cần thiết trong việc quyết định đi đến hôn nhân.
1 Kem sundae là món kem thường được phủ ở trên bằng siro, dâu tây… Tên của nó được đặt tên theo ngày đầu tiên loại kem này xuất hiện, Chủ nhật ngày 3/4/1892, sundae là gọi chệch của Sunday (Chủ nhật).
Tình yêu là một trải nghiệm cảm xúc và ám ảnh. Tuy nhiên, cảm xúc rồi sẽ dần thay đổi và nỗi ám ảnh thì sẽ mờ dần. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tuổi thọ trung bình của nỗi ám ảnh “tình yêu” là hai năm. Một số trường hợp có thể dài hơn còn một số ít trường hợp ngắn hơn, nhưng trung bình là hai năm. Khi những cảm giác xao xuyến của chúng ta dần mất đi thì những khía cạnh mà chúng ta đã coi thường khi chúng ta còn đang trong giai đoạn phấn khích bắt đầu trở thành những vấn đề quan trọng. Những khác biệt bắt đầu xuất hiện và chúng ta thường tranh cãi với người mà trước đây chúng ta nghĩ là rất hoàn hảo. Giờ đây chúng ta khám phá ra rằng bản thân tình yêu không đủ trở thành nền tảng cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Nếu bạn đang trong giai đoạn hẹn hò và có thể dự tính về một cuộc hôn nhân, tôi khuyên bạn nên đọc phần Phụ lục của cuốn sách này. Tôi tin rằng mục đích chính của hẹn hò là để biết về nhau và để kiểm tra những nền tảng cơ bản: thể chất, tinh thần, xã hội, cảm xúc, trí tuệ cho một cuộc hôn nhân. Chỉ bạn mới có thể đưa ra quyết định khôn ngoan – kết hôn hay không kết hôn. Những câu hỏi trong phần bài tập ở phần Phụ lục sẽ giúp bạn thảo luận về những nền tảng cơ bản này.
Thảo luận
1. Trên thang điểm từ 0 – 10, bạn hãy chấm điểm mức độ “xao xuyến” của bạn với người bạn đang hẹn hò.
2. Nếu “tuổi thọ” trung bình của cảm giác xao xuyến là hai năm, thì bạn mong đợi cảm giác xao xuyến của bạn với người ấy sẽ kéo dài bao lâu?
3. Trong các khía cạnh sau, bạn khám phá ra khả năng tương thích của các bạn ở mức độ nào?
♥ Đối đáp thông minh
♥ Kiểm soát cảm xúc
♥ Mối quan tâm xã hội
♥ Hòa hợp về mặt đời sống tâm linh
♥ Các giá trị chung
4. Nếu bạn muốn tìm hiểu những khía cạnh này đầy đủ hơn, bạn có thể sử dụng những câu hỏi trong phần Phụ lục “Phát triển mối quan hệ hẹn hò lành mạnh”.