Ước gì tôi biết…
TÌNH YÊU lãng mạn
có HAI GIAI ĐOẠN
Tôi gặp Jan tại sân bay ở Chicago, khi cô đang trên đường đi thăm vị hôn phu của mình vào dịp cuối tuần. Khi cô hỏi tôi đi đâu, tôi trả lời: “Tôi đến Milwaukee, Wisconsin, để dự một hội thảo về hôn nhân vào ngày mai.” Cô hỏi đầy ngạc nhiên: “Ồ, anh làm gì tại một hội thảo về hôn nhân?” “Tôi cố gắng cung cấp cho mọi người những ý tưởng thực tế để họ chuẩn bị cho cuộc hôn nhân của mình,” tôi đáp. Với ánh mắt vô cùng ngạc nhiên, cô hỏi: “Tại sao anh lại phải làm việc về một cuộc hôn nhân? Nếu anh yêu ai đó, thì đó không phải là tất cả vấn đề sao?” Tôi biết cô rất chân thành bởi trước khi cưới, tôi cũng có cùng suy nghĩ với cô.
Với ánh mắt vô cùng ngạc nhiên, cô hỏi: “Tại sao anh lại phải làm việc về một cuộc hôn nhân?”
Vì cả hai chúng tôi đều đi chuyến bay tiếp theo, nên tôi có thời gian để giải thích cho Jan hiểu về hai giai đoạn của một tình yêu lãng mạn. Giai đoạn thứ nhất đòi hỏi chúng ta ít nỗ lực hơn. Chúng ta cùng được thúc đẩy bởi cảm xúc phấn khích (như tôi đã mô tả ở chương trước). Chúng ta gọi giai đoạn này là “trong tình yêu”. Khi chúng ta đang trong tình yêu, chúng ta sẽ sẵn sàng làm mọi thứ cho nhau mà không toan tính điều gì. Chúng ta sẽ lái xe hàng trăm cây số hay bay nửa vòng đất nước chỉ để có thể bên nhau ngày cuối tuần. Jan gật đầu đồng ý. Người mà chúng ta yêu sẽ trở nên hoàn hảo – ít nhất là hoàn hảo trong mắt chúng ta. Tôi nhanh nhẹn nói thêm: “Bây giờ, mẹ bạn có thể có ý kiến khác. Bà có thể nói: ‘Con yêu, con đã xem xét…’ Jan mỉm cười và nói: “Đúng thế, tôi đã nghe mẹ nói như thế.”
Trong giai đoạn này của tình yêu lãng mạn, các cặp đôi không phải xử lý các mối quan hệ. Họ có thể dùng nguồn năng lượng tràn trề của mình để làm mọi thứ cho nhau, nhưng không coi đó là làm việc. Họ thường dùng từ sung sướng để nói về điều đó. Họ cảm thấy phấn khởi, tự hào khi có cơ hội làm điều gì đó ý nghĩa cho người mình yêu. Họ mong muốn làm cho nhau hạnh phúc và họ thường xuyên làm như vậy. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở Chương 1, tuổi thọ trung bình của giai đoạn đầu trong tình yêu lãng mạn chỉ là hai năm. Chúng ta không sống mãi trong cảm giác hân hoan, phấn khích của tình yêu. Thực tế, đây là một điều tốt bởi khi bạn đang trong tình yêu, bạn sẽ khó mà tập trung được vào điều gì khác. Nếu đang ngồi trên ghế nhà trường mà bạn đã yêu, thì điểm số của bạn rất có thể giảm sút. Ngày mai bạn có bài kiểm tra về Cuộc chiến tranh năm 1812. Ai quan tâm đến cuộc chiến tranh đó khi bạn đang yêu cơ chứ? Việc học dường như không còn quan trọng, điều quan trọng là được ở bên người mình yêu. Thực tế nhiều người bỏ học giữa chừng và lựa chọn kết hôn là bởi người yêu của họ chuyển đến nơi khác và họ muốn đi cùng người yêu mình.
Nếu sự ám ảnh của tình yêu trong giai đoạn phấn khích kéo dài đến 20 năm sau, thì rất ít người trong chúng ta có thể hoàn thành được việc học hành và đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp của mình. Việc tham gia vào các vấn đề xã hội và các chương trình thiện nguyện cũng sẽ là con số không. Khi chúng ta đắm chìm trong tình yêu, thế giới xung quanh không còn quan trọng. Chúng ta hoàn toàn tập trung vào việc ở bên người mình yêu và làm cho nhau hạnh phúc.
Trước khi tôi kết hôn, không ai nói cho tôi biết rằng tình yêu lãng mạn có hai giai đoạn. Tôi chỉ biết rằng tôi yêu Karolyn và nghĩ rằng những cảm xúc mà tôi dành cho nàng sẽ theo tôi suốt cuộc đời. Tôi muốn làm cho nàng hạnh phúc, tôi biết rằng nàng cũng muốn làm điều đó cho tôi. Thực tế, khi cảm xúc đỉnh cao đi vào thoái trào thì tôi bị vỡ mộng. Tôi nhớ tới lời cảnh báo của mẹ tôi và tôi đã bị ám ảnh bởi suy nghĩ: “Mình đã cưới nhầm người.” Tôi lập luận rằng nếu tôi cưới đúng người thì chắc chắn những cảm xúc của tôi dành cho nàng sẽ không giảm sút nhanh chóng đến vậy sau khi kết hôn. Thật khó lòng để thay đổi những suy nghĩ đau khổ ấy. Giờ đây những khó khăn của chúng ta dường như đã quá rõ ràng. Tại sao chúng ta lại không nhận ra điều đó sớm hơn?
Giai đoạn thứ hai của tình yêu
Tôi ước gì có ai đó nói cho tôi biết những gì tôi đang suy nghĩ và cảm nhận là bình thường, rằng trong thực tế, tình yêu lãng mạn có hai giai đoạn và tôi đang thực hiện một quá trình chuyển đổi. Thật không may là không ai nói với tôi điều này. Nếu như tôi nhận được những thông tin mà tôi đang đem đến cho bạn, thì có lẽ nó đã cứu được tôi thoát khỏi những năm đấu tranh vật lộn trong hôn nhân. Tôi đã khám phá ra rằng giai đoạn thứ hai của tình yêu lãng mạn đòi hỏi chúng ta phải quan tâm nhiều hơn so với giai đoạn đầu. Vâng, giai đoạn này đòi hỏi chúng ta phải biết cách để giữ cho cảm xúc tình yêu được sống mãi. Và những người nỗ lực để chuyển đổi từ giai đoạn thứ nhất sang giai đoạn thứ hai, sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng.
So với giai đoạn đầu, giai đoạn thứ hai của tình yêu lãng mạn đòi hỏi chúng ta phải quan tâm nhiều hơn.
Khi trở thành một nhà tư vấn trẻ về hôn nhân, tôi bắt đầu khám phá ra rằng điều làm cho người này cảm thấy được yêu có thể sẽ không làm cho người khác cảm thấy được yêu, và khi vào giai đoạn “thoái trào” trong tình yêu, các cặp đôi thường quên đi những nỗ lực mà mình đã cố gắng để thể hiện tình yêu của mình. Cô vợ nói: “Tôi cảm thấy anh ấy không còn yêu tôi nữa,” còn anh chồng thì nói: “Tôi thật sự không hiểu. Tôi đã làm việc rất chăm chỉ. Tôi đã rửa xe ô tô sạch sẽ, tôi cắt cỏ đều đặn vào cuối tuần. Tôi đã giúp cô ấy dọn dẹp nhà cửa. Tôi không hiểu cô ấy còn muốn gì nữa.” Cô vợ đáp lại: “Vâng anh ấy đã làm tất cả những điều đó. Anh ấy đúng là một người đàn ông chăm chỉ.” Và với những giọt nước mắt lăn dài trên má, cô nói: “Nhưng chúng tôi không bao giờ nói chuyện với nhau.”
Và cứ thế, tôi liên tục nghe được những câu chuyện tương tự. Vì vậy, tôi quyết định xem lại những phần ghi chép mà tôi đã thực hiện khi tôi tư vấn cho các cặp vợ chồng và tự hỏi: “Khi có ai đó nói rằng ‘Tôi cảm thấy vợ tôi/chồng tôi không còn yêu tôi nữa’ thì thực sự họ đang tìm kiếm điều gì? Họ muốn gì? Họ đang phàn nàn về điều gì?” Sau khi xem xét, tôi đưa ra kết luận rằng những lời phàn nàn của họ có thể rơi vào năm loại, mà sau này tôi gọi là năm ngôn ngữ tình yêu.
Mỗi chúng ta lớn lên sẽ nói một ngôn ngữ với một phương ngữ riêng. Tôi đang nói tiếng Anh – phong cách miền Nam. Tất cả mọi người đều có một ngôn ngữ và đó là điều chúng ta hiểu tốt nhất. Điều tương tự cũng đúng với tình yêu. Mỗi người có một ngôn ngữ tình yêu riêng. Với chúng ta, một trong năm ngôn ngữ tình yêu có cảm xúc sâu sắc hơn so với bốn ngôn ngữ tình yêu còn lại. Tôi khám phá ra rằng thật hiếm khi hai vợ chồng có cùng một ngôn ngữ tình yêu, bởi bản chất chúng ta có xu hướng nói ngôn ngữ của chính mình. Những điều khiến chúng ta cảm thấy được yêu là những điều mà chúng ta thường làm cho người yêu của mình. Nhưng nếu đó không phải là ngôn ngữ tình yêu của cô ấy/anh ấy, thì nó sẽ không có ý nghĩa gì với họ. Trong tình huống kể trên, người chồng đang nói thứ ngôn ngữ tình yêu của hành động phục vụ. Anh ấy rửa xe, cắt cỏ, giúp vợ làm việc nhà. Với anh, đây chính là cách để anh thể hiện tình yêu. Nhưng ngôn ngữ tình yêu của người vợ lại là thời gian chia sẻ.
Cô ấy nói: “Chúng tôi không bao giờ nói chuyện với nhau.” Điều khiến cho cô cảm thấy được yêu là chồng phải tập trung trò chuyện, chia sẻ và lắng nghe mình. Người chồng chân thành bày tỏ tình yêu, nhưng đó không phải là thứ ngôn ngữ tình yêu của người vợ.
Để bạn có thể hiểu hơn về năm ngôn ngữ tình yêu, tôi xin được tóm tắt về từng ngôn ngữ tình yêu này.
1. Lời khen ngợi. Đây là ngôn ngữ sử dụng những từ ngữ khen ngợi dành cho người khác. “Em thật sự xúc động khi thấy anh rửa xe. Thật tuyệt vời.” “Cảm ơn anh đã đi đổ rác giúp em. Anh là người tuyệt vời nhất.” “Em mặc váy đó đó rất đẹp đấy.” “Em yêu anh bởi anh rất lạc quan.” “Em rất khâm phục cách anh giúp đỡ mẹ.” “Nụ cười của em như có sức lan truyền vậy. Em có thấy dường như tất cả mọi người đều phấn khởi khi em bước vào phòng không?” Tất cả những câu nói trên đều là những lời khen ngợi. Ngôn từ của bạn chỉ tập trung vào cá tính của người khác hoặc cách họ nhìn, hoặc điều gì đó họ làm cho bạn hay cho người khác. Để nói được ngôn ngữ tình yêu này, bạn hãy tìm ra những điểm mà bạn khâm phục hoặc đánh giá cao ở người khác và thể hiện sự khâm phục của mình bằng lời nói. Nếu như ngôn ngữ tình yêu của một người là lời khen ngợi, thì ngôn từ của bạn sẽ giống như những hạt mưa tưới mát đất đai khô cằn. Không gì có thể nói lên tình yêu của bạn sâu sắc hơn những lời khen ngợi.
2. Hành động phục vụ. Với những người này, hành động hơn lời nói. Nếu bạn nói với họ những lời khen ngợi như: “Anh rất khâm phục em, em trông rất tuyệt, anh yêu em”, có thể họ sẽ nghĩ và nói rằng: “Nếu anh yêu em, tại sao anh không giúp em dọn dẹp nhà cửa?” Nếu hành động phục vụ là ngôn ngữ tình yêu chính của họ, thì hành động rửa xe, cắt cỏ, dọn dẹp nhà cửa, thay bỉm cho em bé chính là những điều khiến họ cảm thấy được yêu. Chìa khóa trong tình yêu với những người này là tìm ra những điều mà họ muốn bạn làm cho họ để làm. Sau đó thực hiện chúng một cách đều đặn.
3. Quà tặng. Với những người này, điều làm họ cảm thấy được yêu nhất chính là được nhận một món quà. Món quà ấy sẽ làm họ nghĩ là: “Anh ấy quan tâm đến mình.” Món quà tốt nhất là món quà được đón nhận. Tặng cô ấy một cái cần câu cá trong khi cô không thích đi câu chắc chắn không phải là cách thể hiện tình yêu hiệu quả. Vậy làm thế nào để biết được người khác thích gì? Bí quyết là bạn hãy đưa ra những câu hỏi và quan sát. Bạn quan sát xem khi nhận quà từ các thành viên khác trong gia đình, cô ấy/anh ấy đã nhận xét, bình luận gì. Lắng nghe cẩn thận và bạn sẽ khám phá ra món quà mà họ mong muốn được nhận nhất. Bạn cũng hãy lắng nghe những lời nhận xét của họ khi họ xem một catalog sản phẩm hay các chương trình quảng cáo. Nếu họ nói: “Em/Anh rất muốn có một trong những thứ đó”, thì bạn hãy ghi chú lại. Bạn cũng có thể thẳng thắn nói: “Anh muốn tặng em một món quà, anh sẽ đưa em xem danh sách những thứ mà em thích nhé.” Tặng một món quà mà họ yêu cầu sẽ tốt hơn so với việc làm họ ngạc nhiên với một món quà mà họ không thích. Không phải món quà nào cũng cần phải đắt tiền. Một bông hồng, một thanh kẹo, một tấm thiệp, một cuốn sách – bất kể thứ gì trong số đó cũng có thể nói lên tình yêu sâu sắc của bạn với người mà ngôn ngữ tình yêu của họ là quà tặng.
4. Thời gian chia sẻ. Thời gian chia sẻ là thời gian mà khi đó bạn dành cho người khác tất cả sự chú ý của bạn. Nó không phải là việc các bạn ngồi trong một phòng và cùng xem ti vi. Bạn phải thật sự chú ý đến người đó. Thời gian chia sẻ là các bạn ngồi trong một phòng, ti vi tắt, tạp chí để trên bàn, các bạn nhìn nhau, trò chuyện và lắng nghe. Thời gian chia sẻ cũng có thể là thời gian các bạn trò chuyện khi đi dạo miễn sao mục đích của việc đi dạo là được ở bên nhau, chứ không đơn giản chỉ là tập thể dục. Các cặp vợ chồng cùng nhau tới nhà hàng nhưng lại không nói chuyện với nhau thì không được gọi là ngôn ngữ tình yêu của thời gian chia sẻ. Họ chỉ tới nhà hàng với mục đích đáp ứng nhu cầu ăn uống của cơ thể. Thời gian chia sẻ là khi: “Em/Anh đang làm việc này bởi em/anh muốn ở bên anh/em.” Bất kể bạn làm gì, làm vườn hay đi cắm trại cùng nhau thì mục đích trên hết là dành thời gian cho nhau. Với một số người, không gì có thể làm họ cảm thấy được yêu nhiều hơn việc dành thời gian chia sẻ cùng nhau.
5. Cử chỉ âu yếm. Từ lâu chúng ta đã biết đến sức mạnh cảm xúc của những cử chỉ âu yếm. Nghiên cứu chỉ ra rằng những em bé được âu yếm, ôm ấp sẽ có cảm xúc tốt hơn những trẻ không được âu yếm trong suốt thời gian dài. Mỗi nền văn hóa đều có những cử chỉ âu yếm phù hợp và không phù hợp giữa những người khác giới. Âu yếm phù hợp là tình yêu. Âu yếm không phù hợp là hạ thấp phẩm giá. Với những người mà ngôn ngữ tình yêu là cử chỉ âu yếm thì không gì có thể thể hiện tình yêu sâu sắc hơn những cử chỉ âu yếm phù hợp.
Tìm ra ngôn ngữ tình yêu của bạn
Có ba phương pháp giúp bạn khám phá ra ngôn ngữ tình yêu của mình. Thứ nhất, quan sát hành vi của chính bạn. Bạn thể hiện tình yêu và đánh giá người khác như thế nào? Nếu bạn thường xuyên vỗ về hoặc ôm hôn người khác thì ngôn ngữ tình yêu của bạn có thể là cử chỉ âu yếm. Nếu bạn luôn dành cho người khác những lời khích lệ thì ngôn ngữ tình yêu của bạn có thể là lời khen ngợi. Nếu bạn là người thích được nhận quà thì có lẽ điều bạn mong muốn là quà tặng. Nếu bạn thích ăn trưa hoặc thích đi dạo với một người bạn thì thời gian chia sẻ là ngôn ngữ tình yêu của bạn. Nếu bạn luôn tìm cách giúp đỡ người khác, thì hành động phục vụ chính là ngôn ngữ tình yêu của bạn. Ngôn ngữ mà bạn “nói” rất có thể là ngôn ngữ mà bạn muốn nhận.
Thứ hai, bạn thường phàn nàn về điều gì? Trong mọi mối quan hệ, điều gì khiến bạn hay phàn nàn nhất? Nếu bạn thường xuyên phàn nàn rằng mọi người không giúp đỡ bạn, thì có thể hành động phục vụ là ngôn ngữ tình yêu của bạn. Nếu bạn nói với một người bạn: “Chúng ta không có thời gian ở bên nhau”, thì có thể bạn đang yêu cầu thời gian chia sẻ. Nếu người yêu bạn đi công tác xa và bạn nhắc anh ấy: “Anh không có quà gì cho em sao?” thì có thể quà tặng chính là ngôn ngữ tình yêu của bạn. Nếu bạn nói:
“Em không nghĩ rằng anh sẽ liên lạc với em nếu như em không bắt đầu trước” thì có lẽ cử chỉ âu yếm chính là ngôn ngữ tình yêu của bạn. Nếu bạn phàn nàn: “Tôi không làm được điều gì đúng cả” thì có thể khen ngợi thật sự quan trọng với bạn. Những lời phàn nàn sẽ hé lộ điều mà bạn mong muốn nhận được từ người khác.
Thứ ba, điều gì bạn yêu cầu thường xuyên nhất? Nếu bạn bè của bạn có một chuyến công tác xa và bạn nói: “Hãy mang về cho mình một sự ngạc nhiên nhé”, thì có lẽ bạn đang nói rằng quà tặng rất quan trọng với bạn. Nếu bạn nói: “Chúng ta có thể cùng nhau đi dạo tối nay được không?” thì bạn đang yêu cầu thời gian chia sẻ. Nếu bạn yêu cầu được ôm hôn, thì bạn đang cho biết cử chỉ âu yếm rất ấn tượng với bạn. Nếu bạn thường xuyên yêu cầu mọi người làm những việc giúp đỡ bạn, thì hành động phục vụ có lẽ là ngôn ngữ tình yêu của bạn. Khi bạn hỏi: “Tôi có làm tốt không?” thì bạn đang yêu cầu mọi người khen ngợi bạn.
Hãy quan sát cách bạn thể hiện tình yêu và đánh giá người khác thường xuyên nhất, đồng thời liệt kê ra những điều mà bạn hay phàn nàn và yêu cầu, bạn sẽ xác định được ngôn ngữ tình yêu của mình.
Rõ ràng học để nói một ngôn ngữ tình yêu khác, chứ không phải của bạn, đòi hỏi bạn phải nỗ lực rất nhiều. Một người trưởng thành trong môi trường không thường xuyên nhận được những lời khen ngợi thì có thể rất khó khăn để nói lời khen ngợi. Một người lớn lên trong gia đình mà các thành viên không dành cho nhau những cử chỉ ôm hôn ấm áp, thì anh ta sẽ phải học cách nói ngôn ngữ của cử chỉ âu yếm. Điều đáng mừng là tất cả những ngôn ngữ tình yêu này đều có thể học được và bạn càng “nói” nhiều, chúng sẽ càng trở nên dễ dàng hơn.
Ngôn ngữ tình yêu của vợ tôi là hành động phục vụ. Đó là lý do tại sao tôi lau sàn nhà, rửa bát đĩa và thường xuyên đổ rác. Đó là cái giá rất nhỏ giúp tôi giữ được tình yêu bền vững. Ngôn ngữ tình yêu của tôi là những lời khen ngợi. Đó là lý do tại sao tôi không bao giờ rời nhà mà không nghe thấy những từ ngữ tích cực mà vợ dành cho tôi. Không chút do dự, tôi có thể nói rằng giờ đây những cảm xúc trong tình yêu của chúng tôi sâu sắc hơn rất nhiều so với những ngày đầu tiên – khi chúng tôi trong giai đoạn đầu của tình yêu với những cảm xúc xao xuyến. Duy trì tình yêu lãng mạn bền lâu trong một cuộc hôn nhân đòi hỏi bạn phải thực hiện thành công bước chuyển đổi từ giai đoạn thứ nhất sang giai đoạn thứ hai. Học về ngôn ngữ tình yêu của người khác ngay từ khi đang hẹn hò sẽ giúp bạn chuyển đổi dễ dàng hơn. Đó chính là mong muốn của tôi dành cho bạn.
Thảo luận
1. Bạn nghĩ ngôn ngữ tình yêu của bạn là gì? Tại sao?
2. Nếu bạn đang hẹn hò, bạn nghĩ ngôn ngữ tình yêu của đối phương là gì?
3. Hãy thảo luận xem làm thế nào để thông tin trong phần này sẽ giúp nâng cao mối quan hệ của bạn?