Mùa hè năm 1940, niên học kết thúc với Norbert Klopp. Cha ông, Karl, người làm thuê mùa vụ ở những trang trại và đồn điền nho quanh thị trấn Kirn ở bang Rhineland-Palatinate, muốn cậu nhóc sáu tuổi - đứa con trai duy nhất trong gia đình có bốn người con - tham gia làm việc cùng.
Công việc chăm sóc những cánh đồng màu mỡ ở mạn Tây nam giúp gia đình Klopp sống sót qua những năm tháng đen tối nhất của nước Đức. Đội bóng đá nổi tiếng nhất vùng, 1. FC Kaiserslautern, cũng dựa vào sản vật địa phương làm nguồn sống, cho đến khi thời thế sáng sủa trở lại vào năm 1945. Quỷ Đỏ có trong hàng ngũ một siêu sao là tù nhân chiến tranh mới được phóng thích Fritz Walter, chơi cả tá trận giao hữu với các đội bóng cấp làng để đổi lấy khoai tây và hành.
Norbert Klopp muốn làm cầu thủ bóng đá. Ai mà lại không chứ? Ông cao vọt lên tới 1,91 mét từ thời thiếu niên, và trở thành một người gác đền mạnh mẽ, nhanh nhẹn. Ông đầu quân cho đội bóng địa phương VfR Kirn, một trong những câu lạc bộ hay nhất vùng, rồi tài năng chớm nở của ông ấn tượng đến mức được Kaiserslautern mời đến thử việc vào năm 1952. “Anh kinh ngạc luôn,” chàng trai mười tám tuổi sau đó kể với người em thân thiết của gia đình Ulrich Rath, “anh ở trên sân cùng toàn cầu thủ huyền thoại…” Lautern có dòng dõi hoàng gia. Họ giành cúp ở giải vô địch quốc gia Đức mùa trước và lên ngôi lần nữa vào năm 1953. Bốn cầu thủ của họ - Fritz Walter, Ottmar Walter, Werner Liebrich và Werner Kohlmeyer - tiếp tục giương cao Cúp Thế giới tại Berne vào năm 1954.
Tuy nhiên, Klopp, với tất cả tài năng mình có, hoàn toàn không ở cùng đẳng cấp với họ. Trở lại VfR Kirn, đội đã giành được suất lên chơi ở giải hạng Nhất, khi đối mặt với những đối thủ như Lautern và Mainz 05, ông đã không thể qua mặt được Alfred Hettfleisch, vị trí số một trong khung gỗ. Là thủ môn dự bị của Kirn, Klopp được cấp ngắn hạn chức danh mới là Vertragsamateur (cầu thủ nghiệp dư theo hợp đồng) - danh từ dùng để chỉ các đặc tính chuyên nghiệp chưa được thừa nhận trên danh nghĩa ở Tây Đức. Nhưng mức lương hằng tháng chỉ khoảng 40 DM đến 75 DM khiến các cầu thủ trông chờ nhiều vào tiền thưởng từ điểm số mà đội giành được (từ 10 DM đến 40 DM). Klopp ít có cơ hội ăn chia những khoản này: các trận đấu lúc đó chưa cho phép thay người, nên ông chẳng bao giờ lọt được vào danh sách ra sân của đội một. Ông tiếp tục ở lại đội dự bị đá cùng các đội nghiệp dư khác, với mục đích giải trí.
Karl Klopp bắt cậu con trai làm một “công việc chính thống”. Norbert bắt đầu học nghề ở Müller & Meirer, một xưởng chế tác những món đồ da nhỏ. Khoảng một nửa dân số Kirn, 5.000 người, làm trong ngành công nghiệp thuộc da và đồ da vào đầu những năm 1950, khi kỳ tích của nền kinh tế Đức kéo mức sống đi lên một cách chóng mặt. “Một nghệ nhân đồ da kiếm được từ 250 DM đến 300 DM một tháng, vào lúc ấy, đó là một công việc ổn,” theo lời cụ Horst Dietz, nay đã tám mươi tuổi, làm cùng bộ phận với Norbert Klopp, ngồi sau ông một dãy. Một dãy gồm ba người: một người học nghề, một “máy dán” (thường là một cô gái trẻ) và một nghệ nhân, mỗi phòng có khoảng hai mươi dãy, ông chủ đứng giám sát đằng trước. Đây là dạng công việc khoán sản phẩm: một dãy làm tối đa 100 cái ví hoặc món gì đó tương tự trong một ngày, làm từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, có một giờ nghỉ trưa.
Căn gác xép trong nhà của Dietz ở Kirn giống một quán rượu thể thao. Vài chiếc áo đấu và một số chiếc cúp từ thời ông còn chơi cho VfR Kirn được đóng khung treo thành hàng trên tường, một tấm ảnh ông chụp cùng Franz Beckenbauer, màn hình cỡ lớn để xem trực tiếp bóng đá và có cả một quầy bar. Thời trẻ ông từng sống ở vùng ngoại ô, còn gia đình Klopp ở trong khu trung tâm thị trấn. Norbert thường mời ông về nhà dùng bữa trưa vào những ngày làm việc trong tuần. “Với tôi, ông ấy giống như một người anh cả. Nhà Klopp rất nổi tiếng, nhưng họ sống một cuộc đời bình dị,” Dietz chia sẻ. “Làm việc chăm chỉ là một trong những nguyên tắc của họ.” Nếu cuối ca làm vẫn còn sản phẩm chưa hoàn thiện thì chắc chắc chúng sẽ được mang về nhà làm nốt. “Bọn tôi cố nhờ các bà nội ngoại làm hộ, bởi ở tầm mười bốn, mười lăm tuổi, bọn tôi khoái lũ con gái và thích ra ngoài chơi vào buổi tối,” ông cười. Không như Klopp, người hơn mình ba tuổi, ông lọt vào đội hình đá chính của Kirn ở vị trí tiền đạo, chơi vài năm ở giải hạng Hai trước khi nhận một công việc ở Coca-Cola. “Norbert cực kỳ tham vọng, ông ấy luôn muốn vươn đến đỉnh cao nhất,” Dietz hồi tưởng. “Ông ấy chẳng biết sợ là gì, không chỉ trong việc chơi thể thao. Một anh chàng đi bất cứ đâu cũng ngay lập tức chiếm diễn đàn. Ông ấy tràn đầy năng lượng và sự duyên dáng. Một gã sát gái, có thể nói vậy. Chúng tôi thường dành cả ngày để nói về bóng đá.”
Vào năm 1959, Norbert Klopp chuyển nhà xuống phía Nam, đến thị trấn Dornhan bên trong vùng Rừng Đen, để làm việc tại nhà máy sản xuất đồ da hiệu Sola gần đó. Ông gia nhập TSF Dornhan với tư cách cầu thủ kiêm huấn luyện viên, đá nhiều vị trí khác nhau. Những cú sút từ rìa vòng cấm của ông cực kỳ đáng sợ, theo lời Rath. Người đàn ông vừa bước sang tuổi thất tuần - với mái tóc chải mượt màu xám, đôi mắt sáng - từng là một cầu thủ bóng đá đầy hứa hẹn thời còn trẻ, đá cho đội bóng của vùng Württemberg trước khi bị ba chấn thương chân hủy hoại sự nghiệp. Ông hiện giờ là chủ tịch danh dự của SV Glatten.
Tại một đám cưới ở Dornhan - “thời đó cưới xin là việc chung, chẳng cần phải được mời,” Dietz cho hay - Norbert Klopp gặp Elisabeth “Lisbeth” Reich. Con gái ông chủ nhà máy bia được xem là “một mối tốt”, Dietz nói thêm. Sau khi lấy nhau vào mùa thu năm 1960, Norbert Klopp về giúp việc ở công ty gia đình Schwanen-Bräu, điều hành bởi mẹ vợ, bà Helene Reich. Cha của Elisabeth trở về sau chiến tranh với một mảnh đạn trong đầu và qua đời không lâu sau đó. Vai trò của Klopp ở Schwanen-Bräu bao gồm cả công việc của một Festzeltmeister - người đảm nhiệm dựng lều bia trong các lễ hội. Eugen, em trai của Elisabeth, tiếp quản việc kinh doanh cho tới khi công ty giải thể vào năm 1992.
Trong những năm đầu tuổi ba mươi, Klopp đi học lại để theo nghề thương gia, bằng việc tham gia những lớp buổi tối gần Freudenstadt. Công việc mới của ông, nhân viên kinh doanh cho hãng Fisher, nhà cung cấp các phương án liên kết trong xây dựng, buộc ông phải di chuyển khắp miền Nam nước Đức trong suốt cả tuần. Cao lớn, hoạt ngôn và bảnh trai, Klopp như được “sinh ra để làm người bán hàng”, Rath kể. “Cậu ấy dễ chịu, quảng giao. Một gã mua vui thứ thiệt có thể kể những câu chuyện hay nhất. Cậu ấy có thể nói thổ ngữ Swabia với người bên phải và dùng tiếng Đức phổ thông với người bên trái.” Chồng bà, theo lời Elisabeth - mẹ của Jürgen Klopp, là một nhà hùng biện bẩm sinh: “Ông ấy cứ thế nói thôi.” “Một nhà vô địch, về khoản ăn nói,” là cách Isolde Reich miêu tả về cha cô.
Cha của Martin Quast, người cũng sinh trưởng ở Kirn, chơi thân với Norbert Klopp. Họ cùng chơi bóng ném trên sân cỏ. “Ông ấy kể với tôi, Norbert luôn là tâm điểm của mọi chuyện. ‘Ở đâu có Norbert, ở đó có tiếng cười.’ Bất kỳ ai có chút quan tâm đến thể thao ở Kirn đều biết và thích cậu ấy. Nghe quen quen, phải không?”
Norbert Klopp là người vô cùng khắt khe về ngoại hình. “Buổi sáng ông dùng phòng tắm còn lâu hơn ba phụ nữ chúng tôi cộng lại,” Isolde cười. “Ông lúc nào trông cũng bảnh. Quần chạy bộ chỉ hợp để chơi thể thao chứ mặc trong nhà là không thể chấp nhận được. Mặc bên ngoài thì càng không bao giờ!” Một ngày nọ, cô nhớ lại, Norbert chở một cậu con rể cùng một người bạn đến xem Jürgen đá cho Mainz 05. Ông diện một chiếc áo sơ mi trắng, kèm cà vạt và một chiếc áo len chui đầu cổ chữ V màu vàng, “trông hơi giống Hans-Dietrich Genscher (Bộ trưởng Ngoại giao Đức lúc bấy giờ)”. Lúc họ dừng ở một trạm sửa xe, Norbert vồ lấy cơ hội để lên lớp kiểu ăn mặc tuềnh toàng đáng phê phán của những người đi cùng về “cách chọn trang phục chuẩn đi xem bóng đá ở Mainz”. Kể cả trong lễ hội, quy tắc ăn mặc cũng bị ép buộc khắt khe: cả nhà sẽ phải trông như hề, riêng Jürgen ngồi xe kéo kiểu con nít. Klopp cha tự ủi áo sơ mi và tự tay cắt tóc cho lũ trẻ. Lông mày của cậu con trai ông biến thành ranh giới tự nhiên ngăn không cho bất kỳ sợi tóc nào được phép lấn qua. Chuyện râu ria cũng tuyệt đối cấm. “Norbert lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề, còn Jürgen đôi khi lẫn lộn giữa trang phục thường ngày và đồ thể thao,” Rath cho hay. Một trong những việc đầu tiên em trai cô làm trong lúc dọn đồ chuyển ra ngoài là “vứt hết máy cạo râu và lược”, Isolde kể thêm.
Với Norbert, điều quan trọng là các con ông được chứng kiến những sự kiện mang tính lịch sử, ví như việc loài người đặt chân lên Mặt trăng hoặc những lần thượng đài của Muhammad Ali. Cả nhà quây quần trước một cái ti vi nhỏ màn hình đen trắng trong phòng khách, cố thủ bằng trà và bánh mỳ kẹp. Nếu có đứa nào ngủ gật, Norbert sẽ đánh thức chúng bằng một cú thọc vào mạng sườn.
Chỉ trong vài năm sau khi chuyển đến Glatten, Norbert Klopp trở thành một trong những vận động viên thể thao quan trọng nhất của thị trấn. Ông chơi cho đội trung niên của SV Glatten cho tới năm bốn mươi tuổi (trong khi lũ con lượm ve chai bên đường biên để kiếm vài đồng Pfennige), dẫn dắt đội một trong một mùa giải rồi đảm nhiệm một chân trong ban lãnh đạo. Khi đôi chân đã mỏi, niềm say mê chơi quần vợt của ông lớn dần. Norbert đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập mảng quần vợt của SV Glatten, cùng dự án xây dựng một sân đất nện. Ban đầu câu lạc bộ thuê một sân bê tông trong một khu mỏ đá cũ ở Dornhan sau khi Klopp trả cho tay chủ khó tính 50 DM để người Glatten được vào sử dụng. Vào mùa đông, ông đi trượt tuyết cùng Ulrich Rath. Isolde được đặt theo tên của chị gái Rath.
Thứ Bảy hằng tuần, trong niềm hân hoan chào đón người cha trở về, nhà cửa được lau dọn sạch sẽ. Jürgen bé bỏng, dù vậy, nỗ lực đến cùng để thoái thác việc nhà, thuyết phục hai cô chị rằng mình phải học bài. “Trên thực tế, nó nằm ườn trên giường, cắm mặt vào quyển sách,” Isolde cho hay. Trò ranh ma của thằng bé khiến cô liên tưởng đến Emil i Lönneberga, cậu nhóc nghịch như quỷ với mái tóc vàng hoe và đôi mắt xanh nước biển trong cuốn sách dành cho trẻ em của Astrid Lindgren.
Bức ảnh ngày đầu tiên đến trường chụp cậu bé với một cái đầu gối băng bó. Cậu cắm đầu cắm cổ chạy ra khỏi nhà, tay cầm phong kẹo hình ốc quế truyền thống, rồi vấp chân ngã nhào. “Con thấy chưa,” cha cậu trách móc nhẹ nhàng, “nếu con không chạy nhanh như thế thì đã không có miếng băng keo trên ảnh.” Một lần khác, cậu ngã khỏi cái ghế xoay, rách một bên mí mắt, rồi đâm sầm vào một chiếc xe máy, sứt một mảng ở mũi.
“Jürgen chào đời là khoảnh khắc trọng đại dành cho Norbert,” Rath kể. “Cậu ấy cuối cùng đã có một người thực sự để chia sẻ niềm đam mê thể thao.” Áp lực phải giỏi thể thao đặt lên hai cô chị biến mất gần như ngay lập tức sau khi Jürgen ra đời. Họ được cho phép dành thời gian cho những sở thích riêng, như múa ballet hay âm nhạc. Elisabeth, một bà mẹ điềm đạm, yêu thương con cái, quyết định hướng những đứa trẻ theo đạo Tin lành giống bà (trong khi Norbert theo đạo Thiên chúa), đã phải rất vất vả trong việc quen với tất cả hoạt động của các con.
Norbert là người chỉ dẫn cá nhân cho con trai mình ở các môn bóng đá, quần vợt và trượt tuyết, và ông truyền đạt bằng cách đưa anh vào một phương pháp cạnh tranh khốc liệt. “Sáng sớm, dù mưa hay nắng, ông bắt tôi có mặt ở đường biên trên sân tập, để tôi chạy trước một đoạn rồi mới bắt đầu chạy, sau đó vượt luôn tôi,” Jürgen Klopp kể trên tờ Abendblatt vào năm 2009. “Còn lâu mới vui.” Bài tập lặp đi lặp lại, tuần này qua tuần khác, cho tới khi Klopp vượt được cha mình. Norbert cũng đăng ký anh vào câu lạc bộ điền kinh, để cải thiện tốc độ. Thêm nữa, Jürgen cũng phải dành hàng giờ tập đánh đầu, giống hệt những gì Isolde hứng chịu trước đó.
Lên sáu tuổi, anh gia nhập đội trẻ “E” (đội U-11) của SV Glatten, mới được thành lập bởi huấn luyện viên Ulrich Rath vào năm 1973. Ở trận đấu đầu tiên, Jürgen dính một cú tắc bóng và ngã lộn nhào, dẫn đến gãy xương quai xanh. “Ngay tuần sau đó cậu ấy đã trở lại, cánh tay nằm trong băng đeo, thèm thuồng dõi theo các đồng đội từ đường biên và chạy đi nhặt mấy quả bóng bay ra ngoài, chỉ để được đóng góp theo một cách nào đó,” Rath kể. “Chỉ vậy thôi để thấy cậu ấy đam mê điều gì.”
Rath dẫn vị khách bước xuống dưới một vài bậc thang, đi sâu hơn vào lịch sử địa phương. Tầng hầm là một chốn linh thiêng với tất cả những gì liên quan đến SV Glatten. Tất nhiên, đội bóng của những người trẻ bao gồm hai cậu con trai của ông và Jürgen Klopp - cậu ấm của vùng Glatten, là niềm tự hào của cả thị trấn. Rath vẫn thấy khó chịu khi truyền thông bảo Klopp là một Stuttgarter: “Cậu ấy chỉ ở đó trong một tuần, vài ngày đầu sau sinh thôi!” Ông lắc đầu và lấy ra một bức ảnh. Đó là tất cả bọn họ năm chín tuổi, ăn mừng chức vô địch một giải đấu khu vực diễn ra trong ngày lễ Pfingsten, Pentecost. Klopp, tiền đạo của đội, sau này nói đùa rằng đó chính là danh hiệu đầu tiên anh giành được với tư cách một cầu thủ bóng đá. Kể từ đó hàng trăm cầu thủ phong trào đã giành danh hiệu kia của Klopp, nhưng chỉ vài người trong số họ biết chuyện này. Đó là ý tưởng của Norbert Klopp, Rath nhớ lại, về việc tạo ra một giải thưởng cho đội vô địch giải mở rộng đầu tiên của Glatten vào năm 1977: ông lấy một chiếc giày đá bóng của cậu con trai, phun sơn màu vàng, rồi gắn lên một cái hộp gỗ.
Cùng năm đó, đội U-11 Stuttgarter Kickers đến Glatten đá giao hữu. Các cậu bé đến từ thủ phủ của vùng Baden-Württemberg mang theo lều và ngủ lại trong một khu rừng gần đó, ăn thịt heo được nướng trực tiếp trên lửa hồng. Chuyến đi này còn đáng nhớ ở màn chèo xuồng vượt thác Gumpen, nơi gặp nhau của hai con sông Glatt và Lauter. Rất nhiều cầu thủ Kickers rơi xuống nước, trong số đó có một người sau này là nhà vô địch Cúp châu Âu. Robert Prosinečki, tiền vệ kiến thiết tương lai của Red Star Belgrade và đội tuyển Nam Tư cũ/Croatia, đang chơi cho đội của những người Swabia nhưng sau đó bị đánh giá không đủ giỏi. Cậu trở lại Zagreb hai năm sau đó, ở tuổi lên mười.
Jürgen, như hầu hết các cậu bé khác trong vùng, hâm mộ những đối thủ lớn mạnh và thành công hơn Kickers, với cậu là VfB Stuttgart. Thử việc ở đội trẻ không thành, cậu vẫn được cho một bộ quần áo tập màu đỏ, và thường hãnh diện khoác lên mình cho tới một ngày Stefanie vô tình làm hỏng bộ đồ với một cái bàn ủi nóng. Như để đền bù cho nỗi mất mát đó, bà nội Anna đã khéo léo đan cho cháu trai một cái áo len chui đầu màu trắng với dải ngang màu đỏ và số “4” sau lưng - đó là số áo của cầu thủ mà Klopp yêu thích nhất: tuyển thủ Tây Đức Karl-Heinz Förster. Lần nào đến sân Neckarstadion với bạn bè và gia đình cậu bé cũng mặc nó.
Klopp ngưỡng mộ sự điềm tĩnh dưới áp lực và tinh thần cống hiến hết mình của trung vệ sở hữu lối chơi quyết liệt. “Sau mới biết bọn tôi có chung thần tượng,” Martin Quast chia sẻ. “Förster, một cầu thủ có tầm nhìn chiến lược; và Boris Becker, một tay vợt thi đấu dựa vào động lực và cảm xúc. Có lần Klopp bảo tôi anh ấy sẽ làm một cổ động viên cuồng nhiệt trên khán đài nếu việc chơi bóng không đi đến đâu, và với anh ấy dải màu đỏ kia đã khắc sâu vào tim.” Tình yêu của anh dành cho VfB có lẽ đã nguội lạnh đi đôi chút trong những năm sau này. Ulrich Rath rơm rớm nước mắt khi nhớ lại khoảnh khắc Klopp, khi đó là huấn luyện viên của Mainz 05, len lỏi qua đám nhân viên bảo vệ độc đoán rồi nhảy qua một tấm biển quảng cáo trên sân vận động của Stuttgart để tìm nhóm bạn cũ đến từ Glatten, đang ngồi ở khu Untertürckheimer Kurve. “Tôi nói với cậu ấy, ‘Jürgen, tôi đang khó xử đây, vì trong ngực tôi đang có hai trái tim cùng đập. Một cho VfB, một cho cậu.’ Cậu ấy đáp: ‘Ulrich, không thể nào. Mỗi người chỉ có một trái tim thôi - còn trái tim bác đang dành cho cháu.’ Chúng tôi cùng phá lên cười nhưng tôi nghĩ cậu ấy rất nghiêm túc.”
Norbert Klopp nằm trong số những ông bố dạy bóng đá hiếm khi kìm nén được cảm xúc khi ở bên ngoài đường biên. “Jürgen có khí chất của cha và sự điềm tĩnh của mẹ,” Isolde Reich cho hay. Anh cảm nhận sâu sắc nhất uy lực trong mức tiêu chuẩn kiên định, đòi hỏi nhiều nỗ lực của cha mình khi nói đến những môn đối kháng cá nhân. Những màn đấu trí giữa hai cha con Klopp đều là những trận đấu một chiều khổ sở, khi Norbert quyết không chịu mất dù chỉ một điểm. Jürgen chán nản, thậm chí tức giận, cảm thấy bị hạ nhục bởi ông bố không thể hoặc không muốn buông ra bất kỳ lời động viên nào. Những buổi tập sớm này tuy không vui vẻ gì, nhưng Klopp cha xem đây là nhiệm vụ cần thiết trong việc rèn luyện thể thao cho Jürgen. Sau đó họ từng kết hợp thành một cặp đánh đôi đại diện cho câu lạc bộ quần vợt Glatten. Cha anh quá ám ảnh việc thắng thua đến mức ông từ chối rời sân dù đang bị say nắng trầm trọng. Klopp con đã chủ động dừng trận đấu để đưa ông đi nghỉ.
Trên đường trượt tuyết, Norbert cứ thế cắm đầu lao xuống, bắt cậu con trai đuổi theo mình. Người Swabia có một câu danh ngôn “Nix gschwätzt isch Lob gnuag” - Im lặng là tán dương. Norbert Klopp là hiện thân sống động cho câu này. “Đó là cách ông bắt tôi phải thể hiện mình,” Klopp chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với tờ Der Tagesspiegel. “Khi tôi chạy và làm động tác bước cao, ông bảo chưa đủ cao, vẫn còn thiếu một đoạn bằng cả tờ giấy nữa! Ông không nói hẳn ra thông điệp. Phương pháp của ông khá dễ hiểu, tôi luận ra được ngay.” Klopp phải học cách “hiểu những ẩn ý” để tìm ra dấu vết của sự hài lòng nơi người cha, anh nói thêm; cách phê phán không chút gợn đã bưng bít hết sự công nhận. “Khi tôi ghi bốn bàn, ông chê tôi bỏ lỡ bảy cơ hội, hoặc chỉ ra một đồng đội của tôi đá hay như thế nào. Dẫu sao, tôi biết trong thâm tâm ông rất tự hào về tôi.”
Được làm gì tùy thích sau giờ học, Klopp chọn đá thêm vài trận bóng với hai cậu con trai của Rath là Hartmut và Ingo. Bãi cỏ nào cũng biến thành sân bóng, tối đến Klopp tiếp tục chơi bóng trong phòng khách, ném mình trên chiếc đi-văng để cản phá những cú sút, hoặc bắn phá một khung thành nhỏ mà Norbert dựng lên hộ. “Nhà lúc nào cũng đầy trẻ con. Mẹ chúng tôi làm hư Jürgen. Thằng bé muốn làm gì cũng được miễn nó vui,” cô chị Isolde cho hay. Vài tấm kính cửa tủ đã phải ra đi trước khi trái bóng da được thay bằng một trái bóng làm từ xốp. “Cậu ấy đá và đá cho đến lúc kiệt sức lăn ra ngủ dưới gầm bàn ăn.” Ulrich Rath cười lớn.
Trong nhà thi đấu của thị trấn, những tấm bạt màu xanh da trời được trưng dụng làm hai bên cầu môn thay cho khung thành thật. Rath đưa vào một hoạt động có tên gọi “giờ vận động” diễn ra hằng tuần dành cho những cậu bé trong độ tuổi 7x. “Chúng tôi chỉ định tập thể dục nhưng lũ nhóc luôn đòi đá bóng,” ông kể. Jürgen Klopp, biệt danh Klopple (Klopp bé), thường được cử đi xin xỏ thầy Herr Rath thay cho lũ bạn. “Jürgen là một tay chơi quần vợt cừ, nhưng trong tâm trí cậu ấy luôn là một cầu thủ bóng đá. Cậu ấy nhanh nhẹn, nhiệt huyết và bùng nổ. Cậu ấy phải là người kết thúc mọi cơ hội, kể cả nếu có một hay hai lần đưa bóng đi ra ngoài hoặc bay vọt xà. Chơi đầu là sở trường của cậu ấy. Có vài trận, tôi xếp cậu ấy đá trung vệ quét nhưng đó không phải là vị trí dành cho cậu ấy. Xu hướng của cậu ấy là tấn công.”
“Ký ức đó thật vô cùng đẹp đẽ,” Klopp nói trên đài SWR vào năm 2005. “Chỉ có năm hay sáu cậu bé cùng tuổi với tôi ở ngôi làng nhỏ đó, và chúng tôi vừa là một đội bóng, vừa là một nhóm quần vợt và một tổ trượt tuyết. Thật tuyệt vời, tôi đã trải qua một tuổi thơ thú vị.”
Jürgen thấy việc đi học thật dễ dàng. Ít nhất là theo nghĩa đen. Từ nhà, cậu chỉ phải băng qua một con phố để đến trường tiểu học Glatten. Vào năm lớp ba và bốn, cậu và hai anh em nhà Rath bắt xe buýt đi về phía nam đến làng Neuneck. Người ta đồn rằng thời gian này ở đó có một nhà thổ bất hợp pháp hoạt động kín đáo phía sau một quán rượu. Tuy nhiên mọi nỗ lực của đám nam sinh hiếu kỳ nhằm tìm ra nơi chứa chấp thứ tệ nạn này đều không mang lại kết quả.
“Jürgen không phải mẫu người 100 phần trăm đúng hẹn, nhưng bạn có thể đặt vào cậu ấy 1000 phần trăm tin cậy với tư cách một người bạn,” Hartmut Rath, cha đỡ đầu của Marc - con trai Klopp, khẳng định. Khi không đá bóng, các cậu bé dựng mô hình và chơi giải đố. Klopp sở hữu “chất nghệ sỹ”, anh tiết lộ. “Cậu ấy có sự ham thích lớn về văn hóa, nghe nhiều băng đĩa ghi âm của những nghệ sỹ dòng Kabarett.” Nghệ sỹ yêu thích của cậu ấy là Fips Asmussen, diễn viên hài một-trăm-câu-đùa-một-phút với phong cách thời kỳ đầu thiên về chính trị và châm biếm (và chắc chắn cũng tếu hơn). “Jürgen là một thiên tài pha trò, cậu ấy khiến cả lớp phải cười. Cậu ấy cực kỳ nổi tiếng, luôn là trung tâm của lớp học,” Hartmut Rath tán thưởng.
Jürgen Klopp ghi nhận công lao của “Hardy” trong việc giúp anh vượt qua kỳ thi tú tài (trình độ đại học). Có thể hơi quá một chút, nhưng Hartmut cho rằng cậu bạn mình - xuất sắc về các môn ngôn ngữ và thể thao nhưng lại kém thành thạo ở các môn tự nhiên - quá hời khi ngồi cạnh mình trong suốt mấy ngày thi. “Thời ấy quay cóp dễ hơn bây giờ,” người bé hơn trong hai anh em nhà Rath cười vang. Họ cùng theo học ở hệ Pro Gymnasium (trường chuyên) ở Dorfstetten và chung lớp từ năm lớp tám trở đi. Klopp từng học cùng lớp với Ingo Rath trong hai năm đầu nhưng lại thêm một “lượt tri ân” - học lại một năm, theo cách nói của học trò Đức - theo lời khuyên của các thầy cô. “Trường học không phải là thứ được xem trọng nhất đối với cậu ấy,” Hartmut Rath mỉm cười. “Cậu ấy say mê bóng đá và các cô gái hơn.” Nhưng anh là một cậu bé ngoan, lễ phép với các thầy cô giáo và hiếm khi vướng vào rắc rối. “Hardy” nhẩm tính hai người họ chỉ bị phạt ở lại sau giờ học vài lần mỗi năm.
Những lần phạm quy đó đều đi kèm với hình phạt riêng, rất nhanh chóng, dành cho họ. Năm mười bốn tuổi, Klopp và nhóm bạn tham dự một giải bóng đá mở rộng. Đối tượng tham dự ít nhất phải đủ mười sáu tuổi, nhưng là một thành viên ban tổ chức, Norbert Klopp cố tình làm ngơ. Bọn trẻ thi đấu tệ hại nhưng vẫn giành giải nhất - phần thưởng là một chai rượu whisky - bởi đội chiến thắng không xuất hiện tại lễ trao giải cho nhà vô địch. Jürgen và anh em nhà Rath bị hút vào thứ chiến lợi phẩm vô nghĩa đó ở bên ngoài khu dựng rạp để rồi về đến nhà trong tình trạng say bí tỉ.
Biệt danh Klopple mau chóng được gỡ bỏ để nhường chỗ cho Der Lange - Klopp cao kều, khi anh bắt đầu cao vượt trội hẳn so với hội bạn cùng lớp và các đồng đội. Sau năm lớp mười, Hardy và Klopp đến nhập học ở trường Eduard-Spranger Wirtschaftsgymnasium ở Freudenstadt để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Jürgen biết đi xe máy từ năm mười lăm tuổi, khi đó đã cầm lái vài chiếc 2CV - Ente, con vịt, theo cách gọi của người Đức - trong đó có một chiếc màu đỏ Bordeaux. Robert Mongiatti, một trong những người bạn thân thiết của Norbert Klopp, giúp bảo quản chiếc xe này bên ngoài chỗ ở của gia đình. Sau đó Jürgen được để lại một chiếc VW Golf màu vàng tươi từ chị gái Stefanie.
Một người bạn trong trường thường rủ các thành viên của lớp đến học ở một khu nhà vườn hẻo lánh. Nhưng chương trình học không khi nào được tuân thủ một cách nghiêm chỉnh. Trong nhà kho nhà Rath và ga-ra nhà Norbert Klopp, lũ trẻ thường tổ chức tiệc tùng, chơi trò quay chai sai khiến. Nếu bố mẹ ai đó đi vắng, phòng ngủ được dành cho các cặp đôi. Dù tiểu tiết còn sơ sài, nhưng hôn kiểu Pháp khả năng cao có trong kế hoạch học tập. Lớp của Klopp từng ghé thăm thị trấn Port-sur-Saône trong một chương trình trao đổi học sinh, giao tiếp toàn bộ bằng tiếng Pháp trong vòng hai tuần. Quãng thời gian ở Burgundy vui đến mức các chàng trai đã quay lại đây cắm trại vào kỳ nghỉ hè sau đó.
“Cứ dính đến hoạt động xã hội thì Jürgen là thủ lĩnh,” Hartmut Rath cho hay. “Cậu ấy quảng giao, là thành viên trong đoàn nhạc kịch của trường. Cậu ấy quan tâm đến nhiều lĩnh vực khác nhau, người ta từng nhận xét cậu ấy biết nhìn xa trông rộng.” Giữa Jürgen và ông bố có phần bảo thủ thường có những cuộc tranh luận gay gắt về chính trị.
Năm 1998, ba tuần trước ngày nghỉ hưu dự kiến, Norbert Klopp đổ bệnh. Ung thư gan. Các bác sĩ dự đoán ông chỉ sống thêm được khoảng ba tuần đến ba tháng. Kết quả chẩn đoán khiến cả nhà sốc nặng. Norbert đã tự chủ một cuộc sống lành mạnh, thường xuyên vận động. Ông không hút thuốc. “Ung thư sao mà thắng được tôi,” ông tuyên bố. Ông quyết tâm sống lạc quan và tìm kiếm sự can đảm trong cuốn sách của Lance Amstrong về cuộc chiến đánh bại căn bệnh ung thư tinh hoàn. Con cái đưa ông đến rất nhiều bệnh viện chuyên khoa khác nhau. Lá gan của ông được phẫu thuật cắt rời, làm đông rồi cấy ghép trở lại. Ông sống thêm được hơn hai năm, xác định phải tận hưởng từng ngày một. “Quan điểm truyền thống của cha tôi về nam nữ thay đổi, ông thấu hiểu hơn về tính cách nổi loạn và khao khát tự do của tôi,” Isolde Reich cho hay. Không lâu trước khi qua đời vào năm 2000, Norbert dù đã yếu nhưng vẫn nỗ lực vượt bậc để chơi thêm một trận đấu quần vợt nữa với câu lạc bộ. Đó là màn tri ân dành cho ông. Là chiến thắng của ông. Gia đình Klopp cảm thấy được an ủi khi Norbert hoàn thành được tâm nguyện cuối cùng.
Trong hai tuần cuối đời, gia đình đưa ông về quê nhà ở Glatten. Hai người con gái thay phiên nhau túc trực ở bên, luôn luôn nắm tay ông. Jürgen vô cùng buồn khổ, theo lời Isolde, do không thể ở bên cha mình nhiều như mong muốn vì những ràng buộc trong hợp đồng thi đấu với Mainz. Một buổi tối sau trận đấu anh về nhà và dành cả đêm trong phòng của Norbert, rồi lại lái xe đến chỗ tập với 05, gần như không ngủ.
“Đó là vận may lớn đầu tiên trong đời tôi để làm chính điều mà cha tôi mong muốn,” Jürgen Klopp sau này chia sẻ. “Tôi sống cuộc đời mà ông mơ ước. Bất cứ công việc nào khác đều sẽ gây ra mâu thuẫn, tôi nghĩ vậy. Cha tôi sẽ không thể hiểu nổi nếu tôi muốn trở thành - thí dụ - người bán hoa chẳng hạn. Ông sẽ không nói kiểu: ‘Không sao đâu, ba sẽ mở hàng bó đầu tiên.’ Không, ông sẽ cho rằng tôi bị điên.”
Sau sự ra đi của Norbert, Jürgen muốn tìm kiếm những câu trả lời, nhưng sau cùng nhủ lòng rằng “ai đó ở trên ấy chắc chắn đã có tất cả.” Nỗi buồn mà Klopp cảm nhận khi cha không còn sống để chứng kiến thành công của anh khi là huấn luyện viên được xoa dịu nhờ vào những tư tưởng giáo lý. “Tôi khá chắc chắn - hoặc chí ít cũng tin tưởng rất mạnh mẽ - rằng ông có thể thấy tôi, nhìn xuống trong tâm thế thanh thản,” anh nói.
Việc liên tục bị bắt phải thể hiện tốt hơn trên sân bóng, trên sân quần và trên đường trượt có lẽ không phải là ý niệm của một cậu nhóc về sự tận tụy của người cha. Tuy nhiên, bốn mươi năm sau, Jürgen Klopp mới thực sự nhận ra rằng việc dành trọn vẹn những buổi cuối tuần thúc ép con trai mình tiến xa hơn trong phạm vi đòi hỏi vô tận là “cách thể hiện tình thương” của Norbert. Tình yêu của người cha vì thế không được đong đếm bằng ngôn từ, hay những nụ hôn, mà là bằng thời gian.