S
ophie dụi dụi đầu ngón chân lên tấm thảm đắt tiền, nó dày và mềm mại đến mức cô hoàn toàn có thể ngả lưng ngủ một giấc. Cô nghĩ về khoản tiền mình đã chi cho việc trang trí và bày biện nội thất tại văn phòng, điều đó khiến hai mắt cô hơi nheo lại. Người bán hàng đã đảm bảo cô sẽ không bao giờ hối hận về những khoản chi này và ít nhất cho đến giờ, cô hoàn toàn đồng ý với anh ta. Nhưng tiền bạc nói chung luôn làm cô lo lắng.
Giống với tất cả những luật sư khác mà cô biết, Sophie vẫn đang trả nợ khoản vay ở trường Đại học và một khoản vay khác từ bố mẹ khi cô cần đi thực tập tại một văn phòng tư sau thời gian làm việc tại văn phòng công tố. Bố mẹ cô, Joe và Anna đã đề nghị trả khoản vay đó cho cô, nhưng Sophie khăng khăng mình sẽ tự trả tiền đều đặn hàng tháng. Nếu cô không thể, chắc chắn cô sẽ luôn nhìn thấy thái độ thất vọng và chỉ trích của mẹ cô đến cuối đời.
Đến tận chiều hôm đó, chưa một ai đến gõ cửa văn phòng và chỉ trích cô - dù là gián tiếp - nhưng cô biết gia đình mình cho rằng văn phòng này thực quá xa hoa. Những nhận xét của Carmine mới chỉ là sự khởi đầu. Sau rồi bà và mẹ cô sẽ xen vào, như thể cô cần họ chỉ bảo cô không cần phải sơn toàn bộ văn phòng trước khi dọn vào, hay cả việc mua tấm thảm đắt tiền này. Có lẽ cô nên sử dụng những tấm thảm nilon rẻ tiền với họa tiết lốm đốm, được dệt tại Trung Quốc và cố ý làm nhái các tấm thảm mà người Ba Tư hay phủ lên lưng lạc đà. Chính bởi sự phiền phức đó, cô đã ở lỳ trong căn hộ này kể từ khi cô rời khỏi văn phòng công tố.
Cô nhẩm tính mình còn đủ tiền mặt trong séc cũng như đủ đĩa CD để văn phòng hoạt động bình thường cho đến cuối năm nếu cô thực sự chi tiêu cẩn thận. Nhưng khi không còn đợt sóng bạo lực tại SanSeb như hồi năm 2011 đến nay, cô bắt đầu nhận các vụ li dị và tạm giữ, những vụ cô đã từng thề không bao giờ đụng tay vào. Có lẽ gia đình cô nói đúng. Rằng khoản tiền kiếm được từ vụ Cardigan khiến cô trở nên bất cẩn hơn hẳn con người cô lúc bình thường.
Nếu so với gia đình Sophie, những người đã định cư ở SanSeb kể từ thời kì Đại khủng hoảng*, Orlando Cardigan là “ma mới”, một trong những nhà đầu tư thu lợi từ sự phát triển trong ngành đồ gia dụng điện tử và thuốc men tại đây. Dọc theo lạch De Anza, ông đã cho xây những tòa chung cư và các căn hộ cho các công ty công nghệ mới và ở phía Tây đường 101 ông đã dựng lên những khu nhà trọ cho sinh viên các trường Đại học đang mọc lên xung quanh.
* Là thời kì suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra từ năm 1929 đến hết các năm 1930 và lấn sang đầu thập kỷ 1940.
Con trai ông, Will Cardigan, mười lăm tuổi, bị đuổi khỏi trường học ở bờ Đông và bắt đầu giao du với lũ cặn bã. Nó đã bị bắt giữ và kết tội bán lẻ ma túy đá cho anh em Bleekers, Darwin, Gaylon và Junior, bộ ba tội phạm “ruồi” hoạt động ở khu bờ Đông.
Tại phiên tòa kết tội Will, Sophie đã thuyết phục bồi thẩm đoàn rằng nhân chứng nhìn thấy cậu ta trong đám đông không đáng tin cậy và những bằng chứng còn lại của phe công tố cũng tệ hại như thế. Cô đã thành công trong việc đẩy sự chú ý của phiên tòa từ Will sang Bleekers, những kẻ mà cả văn phòng cảnh sát và sở cảnh sát SanSeb chưa từng truy bắt thành công trước đây.
Mặc dù tất cả đều tin rằng bọn chúng có dính dáng đến các hoạt động phi pháp nhỏ lẻ trong bang, anh em nhà Bleekers hết sức cẩn trọng, đặc biệt với truyền thông. Trong một vài lần cần sự trợ giúp của luật sư, chúng thuê đại diện là một phụ nữ đến từ một trong những công ty luật nổi tiếng nhất Los Angeles. Chưa một ai có thể buộc tội chúng thành công cả.
Sau chiến thắng trong vụ Cardigan, bạn bè và gia đình Sophie, đặc biệt là Carmine và Ben, đã cảnh cáo rằng cô vừa gây hấn với một kẻ thù khủng khiếp. Nhà Bleekers rất liều lĩnh và có thể khiến đời cô khốn khổ nếu chúng muốn.
Có giỏi thì đến đây, cô nghĩ, vụ kiện thành công đang khiến cô hưng phấn.
Cô quan sát Carmine đang đưa đội cổ vũ lên sân khấu.
Những đứa trẻ trông hơi rụt rè, mang dáng vẻ dịu dàng của thị trấn nhỏ trong bộ khăn choàng xanh hoàng gia và áo khoác trắng, lá cờ Vinh Quang Quá Khứ và những chú gấu vàng California bay phần phật trong gió phía sau. Maggie hẳn sẽ rất thích. Bất chấp những chính sách tiến bộ mình theo đuổi, bà là một người yêu nước nhiệt thành nhất, người sẽ không bao giờ bỏ lỡ một cơ hội nào để giương cao lá cờ và nói về Những giá trị cốt lõi của người Mỹ. Đối với bà, đó là giấc mơ Mỹ cháy bỏng của những gia đình nhập cư và bà muốn các công dân California sẽ luôn ghi nhớ điều này.
Cha mẹ bà đã vượt biên trái phép từ Mexico, lặn lội qua những ngọn núi gần Tecate và suốt dọc bang San Diego cùng Maggie khi đó còn là một bé sơ sinh, được cuốn trong lớp ga trải giường địu trên lưng mẹ. Cha cô gặp phải một số chuyện rắc rối ở Mexico, vậy nên tất cả đã nỗ lực không ngơi nghỉ để bắt đầu một cuộc sống mới tại đây. Maggie đã giúp mẹ thu hoạch khoai tây trên những cánh đồng ở Santa Susana và dâu tây phía Nam Oxnard. Mẹ cô dọn dẹp phòng tại các nhà nghỉ, trong khi cha cô kiếm những khoản tiền mờ ám trong quá trình thi công các công trình. Cuối cùng, họ cũng dành dụm đủ tiền để mua một chiếc xe tải và một khoảng đất ở ngoại ô SanSeb. Họ đã nỗ lực xây dựng một gia đình và trở thành những công dân Mỹ thực thụ khi lệnh ân xá được ban bố.
Ban nhạc trường Trung học bước ra từ bến xe buýt tại góc tòa án, đang bước về chỗ của mình trong bộ đồng phục trắng xanh với tua rua đỏ trên vai. Carmine sắp xếp tất cả vào vị trí và ban nhạc nhanh chóng cất lên những giai điệu nhấn chìm tiếng nhạc mariachi* cho lần duyệt cuối trước khi biểu diễn.
* Một loại hình âm nhạc dân gian của người Mexico, thường được biểu diễn bởi một nhóm nhỏ các nhạc công mặc trang phục truyền thống.
Khi Sophie nhận thấy sự hỗn loạn đã đến cực điểm, có thể nổ tung bất cứ lúc nào, chỉ huy dàn nhạc nâng đôi đũa của mình lên và các nhạc công bắt đầu trình diễn một bản hành khúc mạnh mẽ của Sousa*. Đám đông lặng đi trong giây lát, sau đó bắt đầu hô vang tên của Thống đốc khi bà cùng phu quân, Robert Cervantes và đứa con chín tuổi, Robert Jr. tiến vào công viên, cuối cùng là thị trưởng vùng SanSeb đang ưỡn ngực bước đi cùng các thành viên hội đồng.
Maggie bước lên lễ đài, đám đông liền òa lên khúc ca chúc mừng sinh nhật, nhưng thị trưởng đã ra dấu im lặng bằng cách đưa ngón trỏ lên môi. Ông nói cho đến khi những tiếng hát tắt dần, sau đó là những tiếng xì xào và một vài tiếng cười nho nhỏ.
* John Philip Sousa (1854 - 1932): Nhạc sĩ vĩ đại người Mỹ, nổi tiếng với các hành khúc quân đội ca ngợi lòng yêu nước mạnh mẽ.
“Mọi người hãy bình tĩnh nào. Chúng ta không cần phải vội vã như vậy.” Hệ thống loa rít lên và đâu đó lại vang lên những tiếng cười rời rạc. ”Tôi vô cùng vinh dự khi được thay mặt cho tất cả các công dân bày tỏ niềm hạnh phúc bởi Thống đốc Maggie Duarte đã có mặt tại đây để kỉ niệm sinh nhật của bà, nhưng tất cả chúng ta vẫn phải tuân thủ theo các nghi lễ, vì vậy trước khi bắt đầu buổi tiệc tuyệt vời này, hãy cùng bỏ mũ, đặt tay lên trái tim mình và cùng ca ngợi Tổ quốc thân yêu.” Ông ra hiệu cho chỉ huy dàn hợp xướng, một giây sau, một cô gái cao với mái tóc vàng suôn thẳng lấp lánh sáng dưới ánh mặt trời, bước lên trước micro.
Từ đáy túi xách, chuông điện thoại của Sophie reo vang. Đó là mẹ cô, Anna. “Đã bắt đầu chưa?”
“Vừa mới bắt đầu thôi, mẹ ạ. Mẹ nên có mặt ở đây. Thật vĩ đại. Mẹ nghe thấy tiếng hát đó chứ?”
Sophie chuyển điện thoại sang chế độ loa ngoài và giữ máy. Đúng lúc đó, bài Quốc ca bị ngắt quãng bởi ba tiếng súng vang lên nối tiếp nhau. Cô buông máy và lao về phía cửa sổ, vừa kịp nhìn thấy Thống đốc đang ngã xuống. Cả công viên sững sờ, lặng yên trong vài giây trước khi những tiếng la hét bắt đầu vang lên.