Năm 1960, có một người được xem là bậc thầy của hoạt động bán hàng trực tiếp(1), đó là Rosser Reeves, Chủ tịch một công ty quảng cáo tại Mỹ. Ông là tác giả của cuốn sách nổi tiếng Reality in Advertising (Tính Hiện thực trong Quảng cáo) xuất bản năm 1961, đã được dịch sang 28 ngôn ngữ và được sử dụng làm giáo trình giảng dạy trong nhiều trường đại học trên thế giới. Xét ở nhiều góc độ, cuốn sách này là cột mốc khởi đầu cho ngành marketing hiện đại.
(1) Phương pháp bán hàng bằng cách tiếp cận trực tiếp và liên tục nhằm mục đích thuyết phục khách hàng mua hàng qua những thông điệp rõ ràng, công khai, đôi khi có sự thúc ép.
Trong cuốn sách của mình, Rosser giới thiệu và định nghĩa một khái niệm gọi là Lợi thế Sản phẩm Độc đáo (Unique Selling Proposition - USP).
Định nghĩa
Theo Rosser Reeves, “Lợi thế Sản phẩm Độc đáo” là một thuật ngữ chính xác và ông đã đưa ra một định nghĩa chi tiết gồm ba phần:
1. Mỗi quảng cáo phải đưa ra một lợi thế rõ ràng và khác biệt của sản phẩm trước khách hàng chứ không phải chỉ là những từ ngữ hoa mỹ, những lời nói khoa trương hay những kiểu trưng bày hàng hóa bắt mắt trong tủ kính. Mẩu quảng cáo phải chuyển đến từng khách hàng thông điệp: "Khi mua sản phẩm này, bạn sẽ nhận được lợi ích đặc biệt sau…".
2. Lợi thế đó phải là một đặc điểm của sản phẩm mà các đối thủ cạnh tranh không thể có. Nó phải là duy nhất – là đặc tính độc đáo của thương hiệu hoặc một lời khẳng định về sự nổi trội của một sản phẩm mà các quảng cáo khác không thể chỉ ra được ở sản phẩm của họ.
3. Lợi thế đó phải đủ mạnh để có thể tác động đến số đông và có thể lôi kéo khách hàng mới đến với sản phẩm.
Rosser Reeves cho rằng hầu hết các mẩu quảng cáo ngày trước đều là "một thứ nghệ thuật đáng chán của sự khoa trương". Chúng chẳng chuyển tải được thông điệp đúng nghĩa nào cả. Tất cả đều được viết ra bởi những copywriter(2) không hiểu gì về thực tế.
(2) Copywriter: Người chuyên viết lời quảng cáo.
Có thể bạn cho rằng đây là một cuộc tranh luận trong quá khứ và rằng những người làm quảng cáo ngày nay hoàn toàn đồng tình với nhận định của Reeves.
Thật sai lầm nếu bạn nghĩ như thế!
Cuộc tranh luận vẫn còn rất dữ dội
Điều đáng nói là cuộc tranh luận đó vẫn tiếp tục sôi động tại Madison Avenue(3). Một bài báo đăng tải trên trang đầu của tờ Advertising Age phát hành 37 năm sau khi cuốn sách trên của Reeves xuất bản có nội dung như sau:
(3) Đại lộ Madison ở New York được xem là kinh đô của ngành quảng cáo toàn cầu, tương tự như Phố Wall, được xem là trung tâm tài chính toàn cầu.
"Cuộc đối đầu giữa nhà thơ và kẻ sát nhân": Cuộc tranh luận không ngừng về mục đích của quảng cáo – nhấn mạnh yếu tố nghệ thuật hay khuyến dụ mua hàng? - đã đến hồi gay cấn mà cơ may chiến thắng chia đều cho cả hai bên.
Bài báo dài nhiều trang này trình bày cuộc chiến giữa những nhà sáng tạo xem công việc của họ là một hình thức nghệ thuật và đầy cảm xúc với những chuyên gia marketing muốn có các mẩu quảng cáo thực tế và theo lý trí.
Đây là cuộc chiến giữa một bên muốn giao kết với khách hàng và một bên muốn khuyến dụ khách hàng.
Đã đến lúc chúng ta nên ngừng tranh luận và đối diện với chính thực tế khách quan trên thương trường, chứ không phải tính thực tế trong quảng cáo.
Ngay lúc này đây, khi chúng ta cần thì Reeves đang ở đâu?
Vào thời điểm Reeves nói về việc trở nên khác biệt thì thị trường vẫn còn là một nơi tương đối dễ chịu – lúc đó khái niệm cạnh tranh toàn cầu chưa tồn tại. Trên thực tế, theo những tiêu chuẩn ngày nay thì cuộc cạnh tranh thực sự chỉ vừa mới xuất hiện.
Vào năm 2008, khái niệm về tính độc đáo hay khác biệt đã trở nên quan trọng hơn rất nhiều so với những năm 1960.
Trong khi những cuộc tranh luận về mục đích của quảng cáo vẫn còn đang nóng bỏng thì một Trật tự Thế giới Mới bất ngờ được thiết lập. Ngày nay, nhiều công ty còn có doanh số lớn hơn cả Tổng Sản phẩm Quốc dân (Gross National Product - GNP) của một số quốc gia. 500 công ty hàng đầu thế giới hiện đang chi phối đến 70% thị trường thương mại quốc tế.
Việc hợp nhất, sáp nhập diễn ra khắp nơi khiến các tập đoàn hùng mạnh lại càng hùng mạnh hơn. Sự cạnh tranh không chỉ dữ dội hơn mà còn khắc nghiệt hơn và đòi hỏi nhiều trí tuệ hơn.
Để chiến thắng trong cuộc cạnh tranh mới này, bạn không chỉ khai thác hành vi mua hàng theo đối tượng và mức thu nhập, mà phải chú trọng đến mức độ không thỏa mãn của khách hàng đối với những sản phẩm tương tự hiện có trên thị trường.
Vậy bước đầu tiên trong xây dựng thương hiệu là gì?
Đã có nhiều cuốn sách viết về xây dựng thương hiệu nhưng chỉ có một vài cuốn nói về sự khác biệt hóa. Và nếu có đề cập thì các tác giả cũng hiếm khi đi sâu vào chi tiết về tầm quan trọng của sự khác biệt trong việc thiết lập thương hiệu.
Công ty quảng cáo toàn cầu Young & Rubicam đã phát triển một hệ thống gọi là "khoa học thương hiệu" với nhận định: "Khác biệt là trên hết". Hệ thống này định nghĩa và phân biệt một thương hiệu so với những thương hiệu khác đồng thời mô tả sự ra đời và tàn lụi của thương hiệu một khi sự khác biệt không còn nữa.
Tuy nhiên, thay vì tiếp tục đi sâu về đề tài này thì Young & Rubicam lại nhanh chóng chuyển sang những lĩnh vực khác như phân tích các biểu đồ về sức mạnh thương hiệu, tầm hiểu biết, lòng tự trọng và tính tương thích của thương hiệu.
Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này. Nếu sự khác biệt là yếu tố chính liên quan đến sự ra đời và tàn lụi của một thương hiệu thì nó đáng để chúng ta dành thời gian nghiên cứu. (Ông bạn già Reeves của chúng ta chắc hẳn đã từng muốn như thế).
Tầm quan trọng của việc trở nên khác biệt
Việc chọn lựa được thực hiện dựa trên sự khác biệt, dù là về hình thức bên ngoài hay tính chất bên trong. Các nhà tâm lý chỉ ra rằng những khác biệt rõ rệt và gắn liền với sản phẩm có thể được ghi nhớ tốt hơn bởi vì chúng được ghi nhận một cách có chủ ý. Nói cách khác, nếu bạn đang quảng cáo cho một sản phẩm, bạn phải đưa ra được một lý do đủ sức thuyết phục người tiêu dùng chọn sản phẩm đó. Nếu bạn có thể kết hợp lý do này với các hình thức giải trí cùng lúc thì không còn gì tuyệt vời hơn.
Tiếc thay, trên thực tế, nhiều chuyên gia quảng cáo không hề cảm thấy cần phải giới thiệu với khách hàng tiềm năng ưu thế sản phẩm độc đáo của sản phẩm của mình.
Hầu hết các chuyên gia này đều cho rằng người tiêu dùng chỉ đáp ứng với những quảng cáo không nhằm mục đích khuyến dụ họ mua hàng. Thêm vào đó, nhiều người tranh cãi rằng các sản phẩm cùng loại thường không có nhiều điểm khác biệt để giới thiệu. Họ đã bỏ qua một thực tế rằng cho dù khách hàng có thích hay không thích hành động khuyến dụ kia thì khi đứng trước vô vàn sản phẩm khác nhau, họ vẫn phân vân. Nói cách khác, các sản phẩm tương tự nhau chỉ là những nguyên liệu thô tham gia vào quá trình ra quyết định và cuối cùng, quyết định vẫn phải được thực hiện.
Cách con người nhận định sự việc
Sau nhiều nghiên cứu về cách thức giải quyết vấn đề của con người, các nhà tâm lý đã đưa ra kết luận rằng có bốn yếu tố căn bản ảnh hưởng đến việc ra quyết định, đó là: trực giác, tư duy, cảm giác và lý trí. Mọi quyết định của con người thường dựa trên một trong bốn yếu tố này. Sau đây là cách nhìn nhận vấn đề theo quan điểm bán hàng.
Tạo sự khác biệt đối với nhóm khách hàng trực cảm
Những người ra quyết định dựa vào trực giác của họ thường tập trung vào những khả năng có thể xảy ra. Họ không quan tâm đến những tiểu tiết mà chỉ chú trọng vào tổng thể.
Nhóm khách hàng này thường rất mẫn cảm với một chiến lược khác biệt hóa tập trung vào việc cải tiến sản phẩm. Khi những nhà sản xuất thuốc kháng viêm Advil định vị phiên bản sản phẩm mới của mình là "thuốc giảm đau thế hệ mới", họ đã tự làm mình khác biệt hóa một cách hoàn hảo trong mắt của nhóm khách hàng này.
Người trực cảm rất quan tâm đến sự mới mẻ. Vì vậy, chọn họ làm những khách hàng ưu tiên là một phương pháp vô cùng hiệu quả nếu bạn muốn giới thiệu dòng sản phẩm mới của mình.
Tạo sự khác biệt đối với nhóm khách hàng tư duy
Nhóm khách hàng tư duy có khả năng phân tích vấn đề cẩn trọng và lô-gíc. Họ xử lý nhiều thông tin cùng lúc và thường bỏ qua những khía cạnh liên quan đến cảm xúc hoặc tình cảm. Nhóm người này có vẻ như tàn nhẫn và vô tâm, nhưng thật ra họ chỉ đang phải suy nghĩ mà thôi (còn gọi là kiểu tư duy Henry Kissinger(4)).
(4) Henry Kissinger là nhà ngoại giao người Mỹ gốc Đức và Do Thái, từng giữ chức cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ kiêm Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Richard Nixon.
Người tư duy rất nhạy cảm trước những thông tin lô-gíc liên quan trực tiếp đến sản phẩm. Chiến lược khác biệt hóa của BMW với khẩu hiệu "the ultimate driving machine" (Cỗ máy di chuyển thượng hạng) tỏ ra rất hiệu quả với nhóm người này, đặc biệt khi họ được tiếp xúc những thông tin như kiểu dáng thiết kế tối ưu, tính tiện dụng cao, dàn máy nhẹ cùng nhiều lời nhận xét của các chuyên gia về chế độ vận hành của loại xe này.
Tạo sự khác biệt đối với nhóm khách hàng cảm giác
Người thuộc nhóm này quan tâm đến cảm nhận của người khác. Họ không thích kiểu phân tích học thức mà chỉ tuân theo ý thích riêng của mình. Nhóm người này thích làm việc tập thể và có tính trung thành cao.
Đây là đối tượng lý tưởng đối với những mẩu quảng cáo có sử dụng các chuyên gia để bảo chứng cho sản phẩm. Chiến dịch quảng cáo của Miracle-Gro(5) với chủ đề “sự lựa chọn của các chuyên gia” đã làm sản phẩm này trở nên khác biệt trong mắt của những khách hàng quyết định theo cảm giác. Mẩu quảng cáo minh họa những con người thanh lịch ở giữa một rừng hoa và trò chuyện với nhau về những gì tuyệt vời mà sản phẩm Miracle-Gro mang lại quả là một chiến lược quảng cáo hoàn hảo.
(5) Dòng sản phẩm về phân bón và đất trồng do Công ty Scotts Miracle-Gro sản xuất.
Tạo sự khác biệt đối với nhóm khách hàng lý trí
Những khách hàng này nhìn đúng vào bản chất sự việc và rất tôn trọng sự thật. Họ có khả năng làm việc cực kỳ tốt với những chi tiết và hiếm khi mắc phải sai lầm. Hơn nữa, họ rất giỏi trong việc tổng hợp vấn đề.
Chiến dịch khác biệt hóa của Hertz(6) nhấn mạnh vào yếu tố lãnh đạo, đi đầu (đứng đầu thị trường là Hertz còn ngôi vị tiếp theo vẫn chưa xác định được) thực sự rất ấn tượng đối với nhóm người này. Bởi hơn ai hết, họ biết rõ rằng Hertz thực sự là sự lựa chọn hàng đầu khi cần phải di chuyển ở sân bay. (25 năm qua họ không ngần ngại khẳng định ngôi vị số một của mình). Đối với họ, chiến dịch quảng cáo chỉ nhằm củng cố cảm nhận rằng Hertz là tốt nhất.
(6) The Hertz Corp., còn gọi là Hertz Rent A Car, là tập đoàn cho thuê xe hơi lớn nhất thế giới, với 1.900 đại lý ở Mỹ và 5.100 đại lý toàn cầu.
Trong mỗi con người thường tồn tại cùng lúc nhiều yếu tố căn bản này. Người trực cảm và người hành động theo cảm giác đều không thích đi vào tiểu tiết. Ngược lại, người tư duy và người lý trí luôn cần được cung cấp nhiều thông tin. Nhưng dù thế nào thì mọi người đều đang cố gắng đưa ra quyết định sẽ mua sản phẩm này hay sản phẩm kia.
Mọi thứ đều có thể trở nên khác biệt
Năm 1986, Theodore Levitt, một bậc thầy tiếp thị của Đại học Harvard, đã xuất bản cuốn sách có tựa đề Khả năng Sáng tạo trong Tiếp thị (The Marketing Imagination). Ông hoàn toàn đồng tình với quan điểm của Rosser Reeves khi khẳng định trong Chương 4 của cuốn sách rằng bạn có thể làm cho bất kỳ sản phẩm hay dịch vụ nào trở nên khác biệt.
Theodore quan niệm rằng giá trị của sản phẩm sẽ tăng thêm nếu chúng ta cung cấp cho khách hàng nhiều tiện ích hơn những gì họ mong đợi. Đó có thể là tiện ích về hỗ trợ khách hàng hay các dịch vụ cộng thêm. Chẳng hạn, General Electric cung cấp các dịch vụ khách hàng tự động để các đại lý của mình giảm bớt số lượng nhân viên dịch vụ.
Hãng thang máy Otis đã làm cho sản phẩm của mình trở nên khác biệt bằng cách sử dụng thiết bị dự báo từ xa. Vào giờ cao điểm ở các cao ốc văn phòng, việc thực hiện các hoạt động sửa chữa hay bảo trì thang máy rất bất tiện cho khách cũng như nhân viên làm việc tại đó. Trước tình hình này, Otis đã sử dụng thiết bị dự báo từ xa để lường trước những trở ngại có thể xảy ra và gởi nhân viên của họ đến trước từ sớm để thực hiện dịch vụ bảo trì vào những giờ mà thang máy được ít người sử dụng.
Kem đánh răng Oral-B đã tạo ra sự khác biệt khi tung ra những bàn chải đánh răng có tính năng (màu sắc) nhắc nhở người sử dụng biết khi nào cần thay bàn chải mới.
Khác biệt hóa các sản phẩm đồng nhất
Ngay cả trong thế giới thực phẩm chế biến cũng có nhiều cách để làm cho sản phẩm khác biệt và trở thành một lợi thế sản phẩm độc đáo. Những chiến lược khác biệt hóa thành công có thể được tổng hợp qua năm cách thức như sau:
1. Cá biệt hóa. Những quả chuối bình thường đã trở nên ngon hơn khi được dán nhãn Chiquita. Tương tự, những trái dứa hay hộp rau diếp có gắn nhãn Dole sẽ được người tiêu dùng ưa chuộng hơn. Hiển nhiên là bạn phải tìm hiểu xem tại sao mọi người lại tìm đến những nhãn hiệu này.
2. Nhân cách hóa. Nhân vật Người Khổng lồ Xanh đã làm cho sản phẩm rau quả của Công ty thực phẩm Green Giant trở nên khác biệt so với những công ty khác. Còn Frank Perdue đã trở thành biểu tượng của công ty chế biến thức ăn gia súc Perdue Farm Inc. khi trở thành một người mạnh mẽ, rắn chắc nhờ món thịt gà ngon mềm.
3. Tạo chủng loại mới. Những người trồng dưa muốn tạo sự khác biệt cho giống dưa trái lớn và đặc biệt của mình nên thay vì gọi chúng một cách đơn giản là “dưa đại”, họ đặt tên nó là dưa Crenshaw – như một giống dưa mới. Hoặc như công ty sản xuất thịt Tyson Food đã gọi loại gà nhỏ, thịt có vẻ không ngon, là gà mái tơ Cornish để dễ bán trên thị trường.
4. Thay đổi tên gọi. Đôi khi một cái tên có thể khiến mọi người cảm thấy không thích ăn, chẳng hạn như trái lý gai Trung Quốc. Nhưng khi được đổi tên thành trái kiwi, những trái lý gai này đã trở thành một loại trái cây mới rất được ưa chuộng.
5. Tái định vị dòng sản phẩm. Thịt heo vẫn chỉ là thịt heo trong suốt bao nhiêu năm qua. Người ta đã tái định vị thịt heo bằng cách khơi gợi hình ảnh tưởng tượng về những con vật bé nhỏ đầm mình trong lớp bùn, rồi nhảy lên, gia nhập vào đàn gà và trở thành một loại "thịt trắng mới” (the other white meat). Một cú chuyển đổi ngoạn mục trong nhận thức người tiêu dùng trong lúc mà "thịt đỏ" đang khiến mọi người lo ngại về vấn đề sức khỏe.
Chỉ cần có quyết tâm, bạn sẽ tạo ra sự khác biệt.