“Cách duy nhất để làm được những điều không thể là tin rằng đó là điều có thể.”
- Charles Kingsleigh
Tôi sinh ra tại Johannesburg, Nam Phi và mắc chứng bại não bẩm sinh. Năm bốn tuổi, tôi bị lên cơn co giật đầu tiên. Sau đó, tôi được chẩn đoán là mắc chứng động kinh cục bộ. Nơi tôi ở không có dịch vụ xe cứu thương nên chính mẹ phải đưa tôi đến bệnh viện mỗi khi cơn co giật của tôi kéo dài hoặc xảy ra liên tục. Có lần, tôi bị co giật khi đang trên đường đi học về.
Tôi học trường dành cho trẻ em khuyết tật, nhưng năm mười tuổi thì tôi theo gia đình sang Mỹ định cư. Tại Mỹ, tôi chuyển sang một ngôi trường bình thường và chỉ theo học một lớp giáo dục đặc biệt trong trường. Điều này buộc tôi phải thay đổi để thích nghi với môi trường mới.
Khiếm khuyết về thể chất và hạn chế trong học tập cộng với chứng động kinh khiến tôi cảm thấy mình như một kẻ ngoài cuộc. Bên cạnh đó, tôi thường bị các bạn trong trường trêu chọc vì học lớp giáo dục đặc biệt.
Khi bước vào giai đoạn tuổi teen, dù theo học lớp dành cho học sinh bình thường nhưng tôi vẫn thường xuyên nghe mọi người nói rằng một người khuyết tật như tôi không thể làm được việc này việc kia. Theo bác sĩ chuyên khoa thần kinh của tôi thì tôi bị tổn thương não và không thể làm được những việc đòi hỏi khả năng phân tích. Ước mơ của tôi là trở thành chuyên viên tư vấn, nhưng bác sĩ khuyên tôi nên từ bỏ ước mơ đó vì tôi sẽ không bao giờ đạt được nó. Ông ấy đã vùi dập ước mơ của tôi. Tôi mang chuyện đó về tâm sự với mẹ, và mẹ nói rằng bà hiểu cảm giác của tôi nhưng bác sĩ là chuyên gia và tôi nên nghe theo lời khuyên của bác sĩ.
Sau khi tốt nghiệp cấp ba, tôi theo học một trường cao đẳng cộng đồng tại địa phương. Tại đó, tôi đã gặp hai người thay đổi cuộc đời tôi. Người thứ nhất là cố vấn học tập của tôi, người cho rằng tôi là một sinh viên tuyệt vời và có năng khiếu trong việc xây dựng các mối quan hệ. Cô khuyến khích tôi theo học ngành Dịch vụ Nhân sinh tại Đại học Tây Washington. Và người thứ hai là bạn trai tôi, người giúp tôi giải các bài tập toán ở trường. Anh ấy hiểu cách tôi nhìn nhận các vấn đề toán học nên có thể giảng giải các bài toán theo cách mà tôi có thể hiểu được. Anh cũng rất tin tưởng vào khả năng của tôi. Bạn trai tôi bị khiếm thị, nhưng anh không bao giờ từ bỏ ước mơ của mình. Thái độ tích cực của anh đã ảnh hưởng tích cực và sâu sắc đến tôi.
Khoảng ba năm sau, tôi cảm nhận được một ngọn lửa đam mê rực cháy trong mình – đó là cảm giác khi tôi biết chính xác mình muốn gì và quyết tâm thực hiện điều đó. Tôi sẽ không để ai ngăn cản mình, dù cho người đó là cha mẹ tôi. Tôi muốn kết hôn với bạn trai và chúng tôi sẽ cùng theo học Đại học Tây Washington. Tôi dự định đăng ký vào ngành Dịch vụ Nhân sinh, còn anh ấy đi theo ngành khoa học máy tính. Chúng tôi cũng đã lên kế hoạch nộp đơn xin hỗ trợ tài chính của chính phủ và đăng ký phòng ký túc xá.
Phải khó khăn lắm cha mẹ tôi mới chấp nhận được thực tế rằng tôi sẽ kết hôn và đi học đại học xa nhà. Tôi nghĩ cha mẹ lo cho sức khỏe, sự non nớt và kinh nghiệm sống ít ỏi của tôi. Tôi cũng hiểu rằng không bậc phụ huynh nào muốn nhìn thấy con mình bị tổn thương. Nhưng tôi sẵn sàng chịu tổn thương nếu đó là điều cần thiết để trưởng thành. Hơn nữa, tôi muốn theo đuổi con đường học tập và nắm bắt những cơ hội như những người khác. Tôi muốn thử xem mình có thể làm được gì trong thế giới mà mọi người nói rằng khả năng của tôi bị hạn chế. Tôi quyết không bỏ cuộc.
Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, tôi không chỉ nhận được bằng cử nhân ngành Dịch vụ Nhân sinh mà còn lấy được bằng thạc sĩ tâm lý. Trong thời gian học đại học, tôi là thành viên của hai câu lạc bộ sinh viên ưu tú và được nhận học bổng đủ để tôi trang trải học phí. Tôi luôn khao khát được học tập, trau dồi kiến thức cũng như kết nối với các bạn sinh viên khác.
Thời đại học là những năm tháng tuyệt vời nhưng cũng khó khăn nhất cuộc đời tôi. Những khó khăn tôi gặp phải trong giai đoạn đó ít liên quan đến chuyện học tập, mà liên quan nhiều hơn đến kỹ năng giao tiếp trong một thế giới có quá nhiều quan điểm. Tôi được cha mẹ bảo bọc thái quá trong gần hai mươi năm đầu đời, vì vậy tôi đã không sẵn sàng để đối mặt với những phán xét, suy nghĩ và thế giới quan của người khác. Tuy nhiên, tôi đã luôn nỗ lực học hỏi và thích nghi. Tôi không chỉ trau dồi kiến thức trong sách vở mà còn cố gắng học hỏi từ trải nghiệm thực tế.
Tuy nhiên, khi đã đạt được ước mơ trở thành chuyên viên tư vấn, tôi lại muốn theo đuổi hướng đi mới. Hướng đi này liên quan đến công việc viết lách và truyền cảm hứng cho người khác để họ nhận ra sức mạnh nội tại của bản thân cũng như hiểu ra rằng họ hoàn toàn có quyền tự do lựa chọn con đường của riêng mình. Tôi nhận ra điều này sau khi trải qua một số biến cố lớn trong đời.
Tôi may mắn có gia đình và bạn bè sát cánh cùng tôi qua những thăng trầm của cuộc sống. Họ nhắc tôi nhớ rằng tôi đã kiên cường vượt lên mọi khó khăn và xứng đáng được hạnh phúc.
Giờ đây, mỗi ngày tôi đều tự nhủ rằng:
Thử thách sẽ giúp tôi thêm kiên cường.
Tôi có ý chí quyết tâm và sức mạnh nội tại để vượt qua mọi thử thách.
Tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc.