“Câu hỏi đặt ra không phải là liệu chúng ta có phải chết hay không, mà là chúng ta sẽ sống như thế nào.”
- Joan Borysenko
“Có chuyện gì vậy?”. Đó là câu mà hai mươi... năm trước, tôi đã hỏi một cậu bạn trong đội bóng bầu dục của mình khi thấy cậu ngồi thẫn thờ trong phòng thay đồ của nhà thi đấu. Chúng tôi vừa hạ gục một đối thủ nặng ký trong một trận bóng gay cấn, vậy mà giờ đây cậu bạn tôi lại ngồi gục mặt với vẻ hoang mang và thất vọng trong phòng thay đồ.
Mới mười bảy tuổi và là một cầu thủ trẻ xuất sắc, Mark Overstreet luôn khiến các đối thủ phải dè chừng vì lối chơi quyết liệt của mình. Các đồng đội khác đều đã thay đồ và về nhà, nhưng Mark vẫn mặc nguyên bộ đồng phục thi đấu. Khi cậu ngẩng đầu lên để trả lời câu hỏi của tôi, tôi thấy nước mắt cậu rưng rưng. “Mình không biết nữa. Toàn thân mình đau nhức và hai chân nặng như mang chì”, Mark trả lời bằng giọng yếu ớt.
Khoảng một tuần trước đó, một trận dịch cúm đã bùng phát tại địa phương tôi, và các học sinh đều được tiêm ngừa đầy đủ và cẩn thận. Sau khi tiêm ngừa, chúng tôi hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng Mark thì không may mắn như vậy. Cơ thể cậu hình thành một phản ứng dị ứng hiếm gặp – hiếm đến mức phải đến mười năm sau, người ta mới có thể chẩn đoán đúng căn bệnh của Mark lúc ấy.
Sau hôm chúng tôi nói chuyện trong phòng thay đồ, Mark phát hiện chân phải của mình không thể cử động được nữa. Cậu cố gắng xoa bóp để xoa dịu cảm giác tê châm chích ở cẳng chân nhưng đành bất lực. Mẹ của Mark lo lắng đưa con đến bệnh viện, không hề biết rằng cuộc đời của con trai mình sắp thay đổi hoàn toàn.
Vị bác sĩ bối rối trước kết quả xét nghiệm trong tay và nói với Mark bằng giọng ái ngại, “Bác cũng không biết cháu bị gì nữa, nhưng có lẽ chân phải của cháu sẽ phải bị cắt bỏ”. Mẹ của Mark vô cùng choáng váng và đau xót trước kết quả này. Bà phải tựa vào tường một hồi lâu để lấy lại bình tĩnh. Mark bàng hoàng hỏi bác sĩ, “Bác sĩ nói vậy là sao? Rốt cuộc là cháu bị bệnh gì?”. Vị bác sĩ không biết phải trả lời thế nào và cho Mark nhập viện để tiến hành thêm một số xét nghiệm khác.
Trong thời gian Mark nằm viện, chân trái của cậu cũng xuất hiện những triệu chứng như chân phải và cuối cùng không thể cử động được nữa. Dần dần, không chỉ có hai chân bị mất cảm giác mà toàn thân Mark bắt đầu xuất hiện những triệu chứng rất đáng lo ngại. Cuối cùng, sau hàng loạt các xét nghiệm nhưng vẫn không thể chẩn đoán ra bệnh, bác sĩ buộc phải thông báo với gia đình Mark điều mà họ không hề muốn nghe. “Dù đây là căn bệnh gì thì nó đang giết cháu vì nó đang di căn lên tim. Để ngăn chặn điều đó, chúng tôi buộc phải cắt bỏ cả hai chân của cháu từ phần đầu gối trở xuống. Nhưng nếu cách này không hiệu quả thì bác rất tiếc phải nói rằng cháu chỉ còn có thể sống được khoảng hai tuần nữa.”
“Hai tuần để sống ư? Rốt cuộc là chuyện gì đang xảy ra với cháu vậy? Cháu đã mắc bệnh gì?”, Mark đau khổ nói trong nước mắt, nhưng đáp lại câu hỏi của cậu vẫn là câu trả lời quen thuộc, “Bác không biết”.
Ca phẫu thuật cắt bỏ chân nhanh chóng được tiến hành. Khi tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, Mark thấy vị bác sĩ đứng cạnh giường mình. “Bác có cả tin tốt lẫn tin xấu cho cháu đây”, ông nói. “Tin tốt là cháu đã thoát khỏi bàn tay tử thần. Còn tin xấu là cháu sẽ phải gắn mình với chiếc xe lăn trong suốt quãng đời còn lại. Bác rất tiếc.”
Khoảnh khắc đó cũng là lúc Mark đưa ra một quyết định – một sự lựa chọn giúp định hình cả tương lai cậu. “Không!”, cậu dứt khoát trả lời bác sĩ. “Cháu sẽ không ở lại bệnh viện hay gắn mình với chiếc xe lăn. Cháu sẽ bước đi trở lại và sống một cuộc đời thật ý nghĩa. Mọi chuyện chỉ mới là khởi đầu, chứ không phải kết thúc.”
Một năm sau, sau khi đã quen với việc dùng chân giả, Mark chính thức xuất viện. Sau này, vì không thể tiếp tục chơi bóng bầu dục được nữa, cậu quyết tâm trở thành huấn luyện viên bóng bầu dục. Trong thời gian học đại học, Mark gặp và yêu Sharon. Sharon yêu Mark vì con người thật của cậu và không quan tâm đến việc cậu phải dùng chân giả. Sau khi tốt nghiệp, họ kết hôn và Mark bắt đầu công việc dạy học cho học sinh khuyết tật kiêm huấn luyện viên cho đội bóng trường trung học.
Giờ đây, tổ ấm của vợ chồng họ đã có thêm bốn đứa con xinh xắn. Mark hiện là hiệu trưởng của một trường trung học ở Missouri. Mỗi sáng thức dậy, Mark mang chân giả vào, đến trường và chào hỏi đồng nghiệp cùng các học sinh với nụ cười luôn nở trên môi.
Đó là lựa chọn của Mark. Thay vì dành suốt phần đời còn lại trên chiếc xe lăn và ca thán số phận, Mark đã quyết tâm thay đổi bản thân để có một cuộc sống ý nghĩa và hạnh phúc hơn.