“Hành trình khám phá đích thực không phải là tìm ra những vùng đất mới mà là mở ra cho mình những góc nhìn mới.”
- Marcel Proust
Cuộc sống vốn lạ lùng. Giữa những bộn bề, thăng trầm, hạnh phúc và đau khổ của cuộc sống, dường như chúng ta hiếm khi có thời gian dừng lại và suy ngẫm về cuộc sống cũng như bản thân mình. Tuy nhiên, hành trình tự nhận thức đó lại vô cùng cần thiết trong việc giúp ta hiểu rõ con người thật của bản thân và cảm thấy thoải mái khi là chính mình. Đôi khi, bất hạnh, vận xui hay thậm chí là một cơn bạo bệnh lại mang đến cho ta cơ hội để tạm dẹp những bộn bề cuộc sống qua một bên và bước trên hành trình này.
Là bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối, hệ miễn dịch của tôi bị suy giảm nghiêm trọng. Tôi mắc chứng viêm phổi dạng hiếm và bị sụt cân nghiêm trọng. Tôi bị cơn sốt 40 độ hành hạ và dị ứng với tất cả các loại thuốc, dường như mọi tia hy vọng đang dần vụt tắt. Ngày nào cũng có thể là ngày cuối cùng của tôi, vì vậy mỗi sáng thức dậy, tôi đều cảm ơn cuộc đời đã cho mình thêm một ngày để sống. Sâu trong thâm tâm, tôi tin rằng nếu Thượng đế vẫn để tôi sống thì hẳn là cuộc đời tôi phải có một mục đích nào đó. Với niềm tin đó, tôi quyết tâm chiến đấu giành lại sự sống và hứa với bản thân rằng nếu được sống, tôi sẽ cố gắng sống một cuộc đời ý nghĩa.
Mọi nghịch cảnh đều ẩn chứa điều gì đó tốt đẹp. Và điều tốt đẹp mà căn bệnh HIV/AIDS mang đến cho tôi chính là cơ hội nhìn nhận và đánh giá lại cuộc sống mình. Trong những tháng nằm trên giường bệnh, tôi có thời gian suy ngẫm về cuộc đời mình. Tôi cũng cố gắng đọc nhiều sách nhất có thể và tình cờ bắt gặp một câu nói của nữ diễn viên Audrey Hepburn. Cô nói, “Khi lớn lên, bạn sẽ nhận ra mình có hai tay, một tay để giúp đỡ bản thân và tay còn lại là để giúp đỡ người khác”. Câu nói này đã tác động sâu sắc đến tôi và trong quá trình hồi phục sức khỏe, tôi chợt nhận ra lẽ sống của mình.
Ngay khi sức khỏe cho phép, tôi quyết định làm tình nguyện viên cho một tổ chức phi lợi nhuận. Công việc của chúng tôi là chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ về mặt tinh thần cho những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Thông qua việc tham gia vào những chương trình của tổ chức, tôi đã học được rất nhiều điều. Tôi có dịp gặp gỡ nhiều người nhiễm HIV/AIDS như tôi và họ đến từ mọi tầng lớp trong xã hội. Điều đó giúp tôi hiểu ra rằng căn bệnh này không phân biệt một ai. Những suy nghĩ rập khuôn của tôi về HIV/AIDS cũng nhanh chóng bị bác bỏ.
Khi sức khỏe được cải thiện, tôi tham gia nhiều hoạt động tình nguyện hơn. Thông qua việc tham gia các buổi phổ biến kiến thức về HIV/AIDS cho trẻ em và giới trẻ, tổ chức các sự kiện gây quỹ và tư vấn cho những người mới phát hiện mình bị nhiễm HIV, tôi dần cảm thấy cuộc sống mình ý nghĩa hơn. Tôi cũng nhìn thấy hình ảnh của bản thân trong những người tôi gặp trong quá trình tình nguyện, từ bà lão sáu mươi tám tuổi mất chồng và phát hiện mình bị AIDS trong cùng một ngày đến cậu bé mười hai tuổi bị nhiễm HIV từ khi mới sinh ra. Những hoạt động tình nguyện này cũng giúp tôi nhận ra rằng mình xứng đáng được yêu thương, rằng tôi vẫn có thể giúp ích cho xã hội và có thể xóa bỏ định kiến của xã hội về căn bệnh này. Trước khi bị chẩn đoán nhiễm HIV/AIDS, cuộc sống của tôi chỉ là sự tồn tại. Giờ đây, thông qua việc phục vụ người khác, cuối cùng tôi cũng nhận ra con người thật của mình. Cuộc sống tôi bỗng nhiên trở nên đáng sống hơn.
Sau chín năm kể từ cơn bệnh thập tử nhất sinh, cuộc sống tôi đã thay đổi rất nhiều. Giờ đây tôi là một chuyên viên xét nghiệm kiêm tư vấn viên và là người kết nối các chuyên gia chăm sóc trong lĩnh vực HIV/ AIDS. Tôi vinh dự nhận được danh hiệu Nhà hoạt động của năm trong nhiều năm liên tiếp. Giải thưởng này có ý nghĩa rất lớn với tôi, nhưng trên hết, tôi đã nhận được một món quà còn quý giá hơn. Đó là thông qua việc nhìn nhận căn bệnh của mình với lòng biết ơn và tinh thần lạc quan, cuối cùng thì tôi cũng đã tìm được chính mình, một tâm hồn tuy không hoàn hảo nhưng luôn đong đầy tình yêu thương.