“Những lời tử tế có thể không dài dòng, nhưng tiếng vang của nó kéo dài đến vô tận.”
- Mẹ Teresa
Đoàn tàu lanh canh lướt qua vùng ngoại ô thành phố Tokyo trong một chiều cuối xuân êm ả. Toa xe tôi ngồi rất vắng, ngoài tôi ra thì chỉ có mấy người phụ nữ dắt theo con nhỏ và hai ông bà cụ. Tôi bâng quơ nhìn những ngôi nhà ảm đạm với hàng giậu phủ đầy bụi lướt qua hai bên đường.
Con tàu dừng lại tại một ga nhỏ và buổi chiều yên ả bỗng bị phá vỡ bởi vị khách mới bước lên tàu. Đó là một người đàn ông mặc bộ đồ công nhân màu xanh cáu bẩn và mang đôi giày thủng lỗ chỗ dính đầy bùn đất. Mùi rượu trên người hắn tỏa ra nồng nặc và hắn đang la to những câu chửi rủa khó hiểu. Hắn lảo đảo bước đi và té nhào vào người phụ nữ đang bế con. Cú va chạm khiến chị ngã vào ông bà cụ ngồi bên cạnh, may là đứa bé trên tay chị không bị thương.
Ông bà cụ đỡ chị dậy rồi cả ba vội di chuyển xuống hàng ghế cuối toa. Gã đàn ông giơ chân định đá vào lưng bà cụ nhưng bị hụt, thế là hắn điên tiết đưa đôi tay to bè cháy nắng chụp lấy chiếc cột kim loại giữa toa xe và cố giật nó ra. Tôi thấy một bàn tay của hắn đã bị đứt một đường dài và rớm máu. Đoàn tàu vẫn lao về phía trước, và tất cả các hành khách trong toa ngồi im thin thít vì sợ hãi. Tôi đứng bật dậy.
Đó là thời điểm cách đây hai mươi năm, và khi đó tôi đang ở độ tuổi trẻ trung và sung sức. Tôi đã kiên trì tập võ Aikido gần tám tiếng mỗi ngày trong suốt ba năm. Thế võ yêu thích của tôi là vật. Nhưng ngoài sàn tập ra, tôi chưa từng tham gia vào bất kỳ trận ẩu đả nào. Là người học võ Aikido, chúng tôi được dạy là phải luôn biết kiềm chế bản thân để không bao giờ dẫn đến gây gổ hay đánh nhau.
“Aikido là nghệ thuật của sự hòa hợp”, thầy dạy võ của tôi nhắc đi nhắc lại câu nói đó trong mỗi buổi tập. “Những người có tư tưởng học võ để đánh nhau đã phá vỡ mối liên kết giữa bản thân mình và vũ trụ. Nếu cố gắng áp đảo kẻ khác thì các con đã bị đánh bại rồi. Chúng ta cần học cách giải quyết mâu thuẫn chứ không phải tạo ra xung đột.”
Tôi nghe theo lời thầy và cố gắng kiềm chế bản thân trong mọi tình huống. Tuy nhiên, trong thâm tâm, tôi vẫn luôn muốn có cơ hội thích hợp để “trừ gian diệt bạo”. “Đây chính là cơ hội đó”, tôi nhủ thầm khi đứng dậy. “Mọi người đang gặp nguy hiểm và nếu mình không hành động kịp thời thì sẽ có người bị thương.”
Khi thấy tôi đứng dậy, gã say rượu biết mình có dịp được xả cơn giận. Hắn gầm lên, “À há! Mày muốn gây sự với tao phải không?”.
Tôi nắm chắc dây nắm tay phía trên đầu và nhìn gã với vẻ khinh miệt lẫn ghê tởm. Tôi có thể dễ dàng hạ đo ván những gã say xỉn thế này, nhưng tôi muốn đợi hắn ra đòn trước.
“Được lắm, tao sẽ cho mày một bài học”, hắn hét lớn rồi hùng hổ lao về phía tôi.
Ngay trước khi hắn kịp lao vào người tôi thì bỗng có tiếng người nói lớn, “Này anh bạn”. Đến giờ tôi vẫn nhớ sự vui tươi và khỏe khoắn trong giọng nói ấy – cứ như tiếng reo vui khi tình cờ gặp lại một người bạn thân thiết đã lâu không gặp.
Gã say khựng lại. Cả hắn và tôi đều nhìn về phía phát ra tiếng gọi ấy. Trước mắt chúng tôi là một ông lão có dáng người nhỏ nhắn. Tôi đoán ông tầm bảy mươi tuổi và ông mặc bộ kimono truyền thống. “Anh bạn” mà ông muốn gọi không phải tôi mà là gã say rượu kia. Ông nhìn thẳng vào mắt hắn và nở một nụ cười thật tươi.
“Lại đây”, ông vừa vẫy vẫy tay vừa nhẹ nhàng nói. “Lại đây nói chuyện với tôi này.”
Gã say chầm chậm tiến về phía ông cụ. Hắn dừng chân trước mặt ông rồi gầm lên trong tiếng lanh canh của bánh xe lửa, “Ông là cái quái gì mà tôi phải nói chuyện với ông?”.
Lúc ấy hắn đang đứng quay lưng vào tôi, và chỉ cần thấy khuỷu tay gã nhúc nhích thì tôi sẽ lập tức ra đòn.
Mặc cho thái độ xấc xược của gã say, ông cụ vẫn tươi cười với hắn. “Anh đang uống gì vậy?”, ông hỏi với vẻ quan tâm.
“Tôi uống rượu sake đấy. Thì sao? Liên quan gì đến ông?”, gã đàn ông thô lỗ đáp.
“Ôi tuyệt quá”, ông cụ nói như reo lên. “Anh biết không, tôi cũng thích rượu sake lắm. Chiều nào vợ chồng tôi cũng ngồi trên băng ghế gỗ ngoài vườn và nhâm nhi ly sake ấm. Chúng tôi ngắm hoàng hôn và nhìn xem cây hồng trong vườn đã lớn thế nào. Chính tay tôi đã trồng cây hồng ấy đấy. Mùa đông vừa rồi, tôi lo lắng không biết nó có chịu được trận bão tuyết không, nhưng cái cây ấy mạnh mẽ hơn tôi nghĩ, nhất là khi chất lượng đất không được tốt. Thật thoải mái khi được ngồi nhấm nháp rượu sake và tận hưởng buổi chiều – ngay cả trong những ngày trời mưa.” Ông cụ ngước nhìn gã say rượu với ánh mắt lấp lánh.
Gương mặt gã say dịu đi khi nghe ông cụ nói, và hai nắm tay của hắn cũng dần buông lỏng.
“Tôi cũng thích trồng cây hồng…”, giọng hắn lạc đi.
“Chắc là anh cũng có một người vợ tuyệt vời”, ông lão mỉm cười nói.
“Không”, gã đàn ông đáp lại. “Vợ tôi mất rồi.” Rồi hắn ôm mặt khóc nức nở như một đứa trẻ. “Tôi đã mất vợ, mất nhà và mất cả việc. Tôi chẳng còn gì cả. Mất hết rồi!”
Tiếng nấc nghẹn ngào vang lên khiến tôi cảm thấy bối rối. Trước mắt tôi giờ chỉ là một người đàn ông đáng thương đang tuyệt vọng và cần được giúp đỡ.
Đã đến trạm dừng của tôi và khi bước ra phía cửa, tôi nghe ông cụ an ủi gã đàn ông to xác, “Hoàn cảnh của cậu thật khó khăn. Ngồi xuống đây và kể cho tôi nghe nào”.
Tôi ngoái lại nhìn hai người lần cuối trước khi xuống tàu. Người đàn ông say rượu đang ôm choàng ông cụ, bờ vai vẫn rung lên từng hồi. Ông cụ nhẹ nhàng vuốt mái tóc cáu bẩn, bện cứng lại của anh như người cha vỗ về đứa con trai bé bỏng.
Tôi bước xuống tàu và ngồi xuống một băng ghế trong sân ga, lòng ngổn ngang suy nghĩ về những gì mình vừa chứng kiến. Việc tôi ngỡ chỉ có thể giải quyết bằng nắm đấm đã được tình yêu thương làm thay một cách hoàn hảo. Sau chuyện này, tôi nhận ra rằng có nhiều cách khác nhau để giải quyết một vấn đề, và ta cần có một cái nhìn cảm thông để có thể tìm ra giải pháp tốt nhất.