C
ơn mưa những cú đá không ngừng trút xuống bất tận, Hứa Ninh từ bỏ cuộc đấu tranh vô ích, dùng chút ý thức cuối cùng để lấy tay che chắn đầu, nhắm chặt mắt trước khi tấm màn đỏ quạch màu máu bao trùm lấy toàn bộ.
Nhận được tin báo của Chúc Dung Dung, Đại Sở cùng cả đám bạn học cùng đội bóng cấp tốc kéo tới. Lúc đó Hứa Ninh đã nằm trong vũng máu. Bên cạnh cậu, gã to lớn hổ báo cũng nằm một đống bất tỉnh tự bao giờ.
Khi Hứa Ninh tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trong bệnh viện, đầu băng kín mít, trên lưng bàn tay cắm ống truyền nước nhỏ tí tách. Cậu khẽ cựa quậy để rồi cảm nhận một cơn choáng váng xây xẩm mặt mày.
Giọng thánh thót của Chúc Dung Dung vẳng tới từ đâu đó xa xôi: “Tớ không đi đâu, tớ sẽ ở lại đây chăm sóc cậu ấy. Muộn rồi, cậu về trước đi!”.
Ngồi bên cạnh cô là một cậu con trai cao to khỏe mạnh, cơ bắp cuồn cuộn. Cậu ta đang dùng một giọng dịu dàng trái ngược hẳn với dáng vóc bên ngoài của mình nói với Chúc Dung Dung: “Cậu mau về đi, tớ ở lại đây để mắt đến cậu ta là được chứ gì!”. Chủ nhân của giọng nói đó, Hứa Ninh mơ hồ nhớ hình như chính là cậu ta đã cõng cậu vào bệnh viện.
Lúc này hai người vẫn đang tranh luận không ngừng về chuyện ai đi ai ở. Hứa Ninh bèn khó nhọc tự mình ngồi dậy, dứt khoát rút xoẹt cái kim cắm dây truyền nước trên tay ra: “Tớ phải về nhà ngay!”, rồi cố gắng đi xuống giường.
Ngón tay trỏ bên phải của cậu xương đã gãy, động tác chống người ngồi dậy vừa rồi khiến cậu đau đến nỗi mồ hôi lạnh túa ra khắp người, phải hớp hớp không khí một hồi điều hòa hơi thở.
Chúc Dung Dung lườm cậu một cái: “Làm như mình kinh lắm!”.
Hứa Ninh hỏi ngay: “Phí chạy chữa hết bao nhiêu tiền?”.
Chúc Dung Dung đáp lại: “Cậu vì cứu tớ mà bị thương, làm sao tớ lại để cậu phải bỏ tiền viện phí cơ chứ!”.
Hứa Ninh vẫn bướng bỉnh: “Hết bao nhiêu tiền?”.
Chúc Dung Dung đấu ánh mắt với cậu một hồi lâu, rồi đành chịu thua, chỉ vào Đại Sở nói: “Tớ không mang tiền, là Đại Sở giúp trả trước!”.
Hứa Ninh nhìn sang, nói một cách thành thật: “Cảm ơn, tiền tớ sẽ hoàn trả lại cậu sớm!”.
Đại Sở rất hiểu sự tự tôn về giá trị tiền bạc của đàn ông, bèn cười lớn thoải mái: “Không vội đâu, lúc nào tiện có cậu trả lại tớ là được”.
Hứa Ninh gật đầu, bèn lảo đảo bỏ đi. Cả người cậu không một chỗ nào là không bị cơn đau giày vò.
Chào tạm biệt Đại Sở, vào trong xe taxi rồi, Chúc Dung Dung mới hỏi Hứa Ninh: “Không phải cậu không thích xía vào những chuyện không phải của mình hay sao? Tại sao lại quyết định quay lại cứu tớ? Mà cậu cũng biết thừa hành động một chọi chín đó là tự sát nữa!”.
Hứa Ninh không trả lời, Chúc Dung Dung không chịu, nhất định làm phiền cho đến khi cậu phải đưa ra câu trả lời. Hứa Ninh bị rầy rà đến không chịu nổi nữa, bèn buông một câu cho có: “Không cứu thì tiền công gia sư tháng này đi tong hay sao!”.
Chúc Dung Dung hét lớn: “Hóa ra vẫn là vì tiền hả?”. “Thế cậu tưởng là vì cái gì?”, Hứa Ninh nhìn cô, đôi đồng tử lấp lánh sắc màu như những ngôi sao trên bầu trời đại ngàn rộng lớn.
Chúc Dung Dung ngậm miệng không nói, nhờ thế bấy giờ không gian mới yên tĩnh trở lại. Một lúc lâu sau, Hứa Ninh đưa mắt nhìn sang, thấy ngay đôi tai nhỏ trắng như sứ, pha thêm chút sắc hồng của cô.
Hứa Ninh mất máu rất nhiều, lúc xuống xe chút nữa ngã nhào xuống. Chúc Dung Dung vội vã bước tới đỡ cậu, từng bước từng bước trở về nhà.
Lúc đó đã hơn chín giờ tối, Hứa Ninh gõ cửa, cửa lập tức mở toang ra. Bà nội cậu xuất hiện bên thềm cửa, bộ dạng hiển nhiên đã chờ đợi rất nhiều giờ.
Nhìn thấy đứa cháu, bà cụ trước tiên là mừng rỡ hết sức, nhưng giây sau đó lập tức nghiêm mặt mắng: “Lại đi chỗ quỷ quái nào về! Tao còn tưởng mày thật sự sức dài vai rộng chạy lông nhông không thèm về nữa rồi cơ đấy!”. Bà cụ mắng xong mới nhìn thấy Chúc Dung Dung, chỉ cảm thấy con tiểu nha đầu này rất quen, cũng chẳng buồn nghĩ ngợi xem đã từng gặp ở đâu, mở mồm mắng tiếp: “Lại còn nhặt ở đâu cái loại lẳng lơ này về nữa! Tuổi còn nhỏ không chịu học hành, mày cũng cùng một loại như con mẹ mày!”.
Chúc Dung Dung, ngược lại nhớ bà lắm. Đó chính là bà già khó tính nổi tiếng cả khu phố. Những ông cụ bà cụ vẫn thường ra khiêu vũ hoặc tập thể dục ở sân chơi chung đều không thích tiếp xúc với bà. Chúc Dung Dung có nhìn thấy bà mấy lần, lần nào cũng đều ru rú một mình, tự đẩy bánh xe lăn loanh quanh dưới bóng mát những tán cây được trồng trong khu phố.
Những lời mà bà ta vừa mắng cô, cô cũng hiểu rất rõ ý nghĩa của chúng. Nhưng ban đầu Chúc Dung Dung coi bà là người lớn tuổi, có lườm nguýt cô cũng không hề nhỏ nhen tính toán.
Tuy nhiên cũng vì thế nên bà già nghĩ Chúc Dung Dung dễ bị bắt nạt, bèn lẽo đẽo đi phía sau mắng mỏ liên hồi kỳ trận: “Này đồ lăng loàn kia, muộn thế này rồi mày còn đến nhà tao làm gì? Cút ngay! Nhà tao không hoan nghênh loại đàn bà phóng đãng như mày đâu!”.
Thôi thế là quá lắm rồi, Chúc Dung Dung vốn là kiểu người nóng nảy như lửa, liền lập tức quay ngoắt lại chạy vụt đến trước mặt bà ta vặn hỏi: “Này, bà mắng ai là đồ lăng loàn?”.
Mồm miệng bà cụ cũng thuộc dạng cay độc, lợi nguyên xi, răng không thiếu, mắng mỏ người ta miệng lưỡi vô cùng sắc sảo: “Tao nói chính là nói đồ lăng loàn mày đó! Con gái con đứa đêm hôm không chịu về nhà còn đến câu kéo cháu tao! Mới nứt mắt đã học được trò quyến rũ đàn ông, mày không có mẹ dạy dỗ hả?”.
Hứa Ninh vội vã nhân lúc cơn giận của Chúc Dung Dung còn chưa kịp bùng nổ, lập tức ngăn cô lại, lựa lời khuyên giải: “Sau khi cha tớ mất, bà tớ tổn thương rất nặng nề, cậu đừng chấp bà ấy!”. Hứa Ninh nói đến đây, lòng tự tôn đàn ông có chút xói mòn, cảm thấy mình đang phô bày chuyện xấu của gia đình, phút chốc mặt mũi đã đỏ ửng lên.
Chúc Dung Dung từ nhỏ lớn lên trong sự nâng niu chăm chút, cô bộ dạng dễ thương, ăn nói ngọt ngào, đi đến đâu cũng được người người yêu quý. Hôm nay vốn đã chịu nhiều khổ sở sợ hãi, trong lòng có phần ấm ức, bây giờ lại còn bị bà già lẩm cẩm này sỉ nhục.
Cô hầm hầm phẫn nộ nhìn bà ta, hiển nhiên chỉ một giây sau đó sẽ tấn công.
Nhưng đúng lúc đó, cô bỗng thoáng thấy Hứa Ninh đứng cạnh bên. Đó là một gương mặt khó khăn, xấu hổ, và thậm chí còn mang cả vẻ bơ vơ không chốn dung thân. Gương mặt với những sắc thái ấy, lần đầu tiên cô nhìn thấy. Những tình cảm phức tạp khác nhau bỗng ào ào nổi lên trong lòng cô: đau đớn, thương xót và một thứ tình cảm gì nữa mà tâm trí non trẻ thuần khiết của lứa tuổi cô khi đó không biết gọi tên là gì, không thể nói ra và cũng không sao lý giải được.
Hứa Ninh lúc đó đã thay xong giày, đi ngay vào bếp, vừa đi vừa nói với Chúc Dung Dung: “Cậu về đi!”.
Chúc Dung Dung giơ gói thuốc trong tay lên lắc lắc, nói: “Hứa Ninh cậu nhất định phải nhớ uống nhé! Nếu không vết thương nhiễm trùng là rắc rối lắm đấy! Tớ để ở đâu đây?”.
“Đặt ở trong phòng tớ ấy, gian phòng ở trong cùng.” Chúc Dung Dung y lời bước vào trong.
Căn hộ nhà Hứa Ninh diện tích không nhỏ, thậm chí so với căn hộ gia đình Chúc Dung Dung đang ở còn rộng hơn tận hai phòng. Không gian lớn như vậy, lại chỉ ở mỗi hai bà cháu, đồ đạc cũng không có gì mấy nên không gian hiện rõ vẻ trống trải.
Phòng của Hứa Ninh sạch sẽ và gọn gàng, Chúc Dung Dung còn nhớ trong một lúc nào đó nhiều năm trước, khi cô tay cầm bánh kem nhoài mình bên khung cửa sổ, lén nhìn sang căn phòng bên này. Lúc đó cậu thiếu niên đang chơi dương cầm ấy nhìn xiết bao anh tuấn kiêu kỳ.
Bây giờ đàn không còn nữa, cậu thiếu niên chơi đàn lại càng đã xa xôi. Chúc Dung Dung dùng cả tấm lòng vốn rất vô tâm của cô, khẽ để thoát ra một tiếng thở dài.
Trong giây phút tràn đầy cảm xúc đó, giọng mắng mỏ của bà già từ ngoài phòng khách lại vọng vào: “Đầu mày có vấn đề hả thằng kia? Cả ngày trời không học hành cho tử tế lại đi đánh nhau với người ta! Lỡ đánh bị thương chúng nó lại phải đền tiền thì sao hả! Cái loại hết thuốc chữa này, mình mày vào ở nhà tao không nói, hôm nay lại còn dẫn thêm một con đĩ thõa về! Mày định làm loại vô ơn chiếm nhà chiếm cửa của người đã cưu mang mày sao? Nói đi! Không có cửa đâu nhé! Chỉ cần thân già này còn có mặt trên cõi đời, căn nhà một mẩu mày cũng không sờ tới được đâu! Cứ đợi cho ta quy tiên cõi Phật đã, nhà tao sẽ tặng cho mày!”.
Giọng lãnh đạm của Hứa Ninh vang lên: “Tùy bà thôi!”.
Đây là đoạn hội thoại giữa bà và cháu hay sao? Chúc Dung Dung thật sự không dám tin nổi.
Bà của Chúc Dung Dung là một bà cụ cứ thấy các cháu trai cháu gái là vui mừng đến nỗi cười híp mí, một câu “cháu yêu” hai câu “cháu quý”. Chúc Dung Dung cứ tưởng tất cả những người bà trên đời đều nhân từ và đầy tình thương yêu như thế. Hôm nay cũng được coi như mở rộng tầm mắt.
Chúc Dung Dung định qua hỏi Hứa Ninh, vì sao cậu không chuyển ra ngoài cho xong mà cứ nhất định ở đây chịu bị sỉ vả. Nhưng đi đến cửa bếp cô liền hiểu ra lý do. Cậu chính là một dạng người lấy khổ làm vui, kiểu người mà như cách gọi dân gian của “các cụ” chính là “thân lừa ưa nặng”.
Hứa Ninh buộc tạp dề ngang hông, nhanh nhẹn vo gạo, bóc tôm, sau nửa tiếng đã làm xong một nồi cháo tôm rất ngon lành đầy đặn, mùi thơm nức bay khắp nhà.
Bà già ngồi trên xe lăn đang nói: “Tao nghĩ thế này, ngày mai mày cứ đi cùng tao đến phòng công chứng làm một tờ chứng nhận. Mày nói mày tự đồng ý chuyển quyền sở hữu nhà ở về cho nhà tao!”.
Hứa Ninh chỉ nói: “Bà nội, ăn cơm thôi!”.
Đây không phải loại người thân lừa ưa nặng thì là cái gì?
Chúc Dung Dung giận đến nỗi toàn thân run lẩy bẩy, không nhịn được nữa, nhảy lên chỉ mặt bà già mắng: “Hứa Ninh cả người đều bị thương phải cố chạy về nhà nấu cơm cho bà ăn, ngón tay cậu ấy còn bị gãy xương nữa bà biết không? Cháu hỏi cậu ấy vội vội vàng vàng về nhà làm cái gì? Hóa ra là sợ bà bị đói! Bà có được đứa cháu nội như Hứa Ninh còn không biết tạ ơn trời đất, lại còn ngồi đó mà lo về căn hộ rách này? Nếu không phải là Hứa Ninh mềm lòng bảo vệ bà, bà chắc chỉ không tới một tháng là hoặc đói chết hoặc ngã chết.
Bà còn có thể sao! Thêm nữa, căn hộ này vốn cũng là cha mẹ Hứa Ninh mua, có quan hệ gì đến bà cơ chứ! Hứa Ninh đã không tính toán bà lại còn đi so đo nhỏ nhặt à?”.
“Mày… mày…!”, bà già ngày thường dựa vào thân phận bề trên, đàn áp bắt nạt Hứa Ninh đã quen thói, nay bỗng nhiên nảy ở đâu ra con tiểu nha đầu miệng lưỡi sắc như dao cạo này, giận đến mức không thể nói ra lời, chỉ mặt cô mà lắp bắp “Mày… mày…” mãi mới nặn ra được một câu, “Mày không biết kính trọng người già à?”.
Chúc Dung Dung cũng không phải dạng vừa, lúc đó bác bỏ thẳng thừng: “Bà tuy già nhưng không đáng được kính trọng!”.
“Á! Mày… mày! Đồ đĩ thõa! Đúng là cái loại con gái vô giáo dục!”, bà lão Hứa cả một đời ngang ngạnh ghê gớm, chưa từng bị ai bắt nạt một lần, giờ đến tuổi thất thập cổ lai hy lại bị một con tiểu nha đầu vắt mũi chưa sạch nhục mạ, giận đến nỗi gần như tắc thở.
Hứa Ninh cau mày trầm giọng nói: “Chúc Dung Dung, không có việc gì của cậu ở đây cả. Mau về nhà ôn bài đi!”, sau đó quay lại nói với bà nội, “Được, mai cháu sẽ cùng đi với bà đến phòng công chứng. Tất cả tài sản của Hứa gia, cháu không cần bất cứ thứ gì”.
Chúc Dung Dung nhảy lên hét: “Dựa vào cái gì chứ? Bà nội cậu không hiểu pháp luật đã đành, cậu cũng không hiểu nốt à? Mẹ cậu cũng có một nửa tài sản, hẳn bà ấy cũng muốn cậu thừa hưởng! Phần của cha cậu cậu cũng…”.
Nghe nói đến cha mẹ, gương mặt Hứa Ninh bỗng biến sắc: “Đủ rồi!”, và bất ngờ đập tay lên bàn rất mạnh đánh “rầm” một tiếng vang khắp căn phòng. Chúc Dung Dung giật mình, lặng đi.
Sau chuyện xảy ra với cha mẹ, Hứa Ninh luôn luôn tự nhủ rằng: những chuyện của người lớn chẳng có liên quan gì đến cậu cả, cậu chỉ cần quan tâm tới việc đi đúng con đường của mình mà thôi. Và cho đến giờ phút này, trên con đường rộng lớn của cuộc sống, cậu chưa hề chệch bước một lần nào. Cậu đã làm được cái việc không quan tâm đến quá khứ của mình, cũng như bỏ ngoài tai toàn bộ những lời nhạo báng của người khác.
Thế nhưng vừa rồi, khi Chúc Dung Dung đề cập đến cha mẹ cậu, nói những lời thiếu suy nghĩ đó, cậu không chỉ cảm thấy mình như thể bị lột trần trước mặt cô, mà còn giống như bị lôi cả tim gan ra vậy. Cái cảm giác phô bày tủi hổ vô cùng ấy khiến cậu không thể giữ nổi sự bình tĩnh ngày thường.
Vào khoảnh khắc đó, tất cả thân thế khổ sở của cậu đã bị phô bày trước cả thế giới. Sự tự hào tự thân mà cậu luôn cố gắng duy trì đã vỡ vụn tan nát. Cậu ở trước mặt cô, nhục nhã đến mức không còn lỗ nào mà chui xuống nữa.
Người khác đàm tiếu những gì cậu không quan tâm, kể cả khi ai đó mắng là đồ con hoang cậu cũng có thể nhắm mắt làm ngơ. Nhưng những việc liên quan đến cha mẹ cậu, cô chỉ cần đề cập đến một câu thôi, đối với cậu cũng có thể coi là một đòn nốc ao.
Nỗi nhục của cậu, riêng cô không được nói! Trong cơn tuyệt vọng, cậu đã cư xử theo bản năng là lớn tiếng ngăn cô lại: “Ai cần cậu xen vào việc không phải của mình?”. Những tiếng cuối của cậu, nếu nghe kỹ có thể thấy một chút âm run rẩy rõ rệt.
Chúc Dung Dung nào có biết những gì cậu đang nghĩ, chỉ nhận định rằng cậu không biết tốt xấu, lại đi hung dữ với mình. Hoàn hồn trở lại sau khi bị tiếng quát của cậu làm cho sợ hãi, cô ấm ức nhìn cậu, trong đôi mắt to tròn nhanh chóng ứa ra hai hàng nước mắt.
Hứa Ninh đặc biệt không thể chịu nổi nước mắt của cô gái này, bởi cô vốn mọi nơi mọi lúc đều nở nụ cười tươi tắn, luôn luôn vui vẻ vô tư. Nếu là ai đó làm cô khóc thì hẳn phải là một sự gì tàn khốc ghê gớm.
Hứa Ninh lập tức hối hận. Ngoài lỗi tự tung tự tác ra, cô đâu có làm sai điều gì. Cậu bèn mềm giọng giải thích: “Việc riêng của tớ, tớ tự mình có thể xử lý”.
Chúc Dung Dung không nói gì, vẫn đứng yên tại chỗ.
Bà nội Hứa Ninh đã bưng bát cháo ra ngoài ban công lặng lẽ ăn.
Cả hai im lặng thật lâu. Lòng tự trọng của Chúc Dung Dung bị tổn thương, còn Hứa Ninh thì không thể xuống nước.
Cuối cùng vẫn là Hứa Ninh phải thỏa hiệp.
Cậu đằng hắng giọng rồi hỏi: “Tối nay bố mẹ cậu lại không có nhà hả?”.
Chúc Dung Dung gật gật đầu.
Hứa Ninh hỏi: “Thế chắc là đói rồi chứ?”.