S
au khi người mẹ gặp tai nạn giao thông, Hứa Ninh vẫn chưa hoàn hồn đã bị người cha với đôi mắt sưng đỏ lôi đến trung tâm kiểm định huyết thống. Trong lòng cậu lờ mờ nhận ra là họ đã phát hiện được điều gì đó nghiêm trọng nên hết sức lo lắng, nhưng vẫn im lặng đi cùng cha.
Vào cái khoảnh khắc kết quả được đưa đến, người cha râu ria tua tủa, đôi mắt đỏ ngầu, khuôn mặt trắng bệch đến mức trông y như một người chết sắp được đem chôn. Đối mặt với Hứa Ninh, ông đưa bàn tay lên cao, giơ lên rồi lại hạ xuống mấy lần, nhưng trước sau vẫn không thể xuống tay. Sau đó, ông chạy đến phía cuối hành lang. Hứa Ninh vẫn còn chưa kịp định thần thì trong chớp mắt cha cậu đã lao ra ngoài cửa sổ. Nhảy từ tầng sáu tòa nhà xuống mặt sàn bê tông nhưng cha cậu chưa chết ngay. Hứa Ninh lúc đó cúi xuống nhìn từ cửa sổ, cậu thậm chí trông thấy rõ bàn tay cha vẫn còn nhấc lên một tí, như thể muốn chống mình ngồi dậy. Nhưng khi nhân viên cấp cứu đến nơi, thì cha cậu đã từ bỏ rồi.
An táng cha xong, Hứa Ninh bèn bán tất cả các đồ đạc, vật dụng đáng tiền ở trong nhà, bao gồm xe cộ, đồng hồ của cha, quần áo của mẹ, đàn dương cầm của bản thân. Bán được tổng cộng khoảng hai mươi vạn tệ tiền mặt. Cậu in nhiều tờ rơi đăng làm gia sư bán thời gian, dán trên các cột điện xung quanh khu nhà cậu ở và trên tường các nhà cạnh đó. Ban quản lý chung cư sau khi biết chuyện, chủ động đề nghị giúp đỡ cậu tuyên truyền rộng thêm.
Việc này đối với những người dân quanh đó mà nói, chỉ là ít đi hai người hàng xóm mà thôi, là một chuyện khiến người ta thở dài khi nghe nói đến. Kể cả những người có lương tâm hơn một chút, thì cũng chỉ than thở thương xót thêm mấy câu chân tình thực ý, rồi vài ngày sau cũng lãng quên ngay.
Nhưng đối với Hứa Ninh mà nói, bầu trời trên đỉnh đầu cậu đã vụn vỡ kể từ thời khắc đó rồi.
Hứa Ninh mặc lại tạp dề rồi bước vào nhà bếp, đôi tay nhanh nhẹn múc ra hai bát mì. Chỗ thịt bò làm hôm trước vẫn còn thừa một ít, cậu đem tất cả thịt bò và nước sốt rưới lên bát mì, lại rắc thêm mấy cọng hành thơm xắt nhỏ. Lúc Hứa Ninh bưng mì ra bên ngoài thì bà của cậu, một bà cụ thất thập cổ lai hy, gầy gò ốm yếu như thể đã chết từ lâu lắm rồi, đang trầy trật đẩy những bánh xe lăn ở trong phòng. Sau khi con trai mất, bà không hề rời khỏi phòng nửa bước, nhất nhất bảo vệ ngôi nhà của con. Cho đến giờ dù đã già yếu đến mức gần như không thể tự làm gì, bà vẫn kiên cường duy trì cuộc sống, với chỉ duy nhất một động lực là sự hận thù. Nói một cách chính xác, là sự hận thù với Hứa Ninh. Nếu không phải vì mẹ Hứa Ninh không giữ trọn đạo làm vợ thì con trai bà đã không phải chết tức tưởi như thế.
Mì được bưng đến trước mặt, bà lão không nói một lời đưa tay hất tung xuống đất. Hứa Ninh không thay đổi sắc mặt, lại mang tới một bát khác. Sau đó cậu quỳ trên mặt đất lặng lẽ thu dọn những mảnh sứ vỡ lẫn lộn với mì và thịt bò tung tóe. Hứa Ninh trước giờ thích sạch sẽ, cậu thiếu niên trước đây không phải nhúng tay vào bất cứ việc gì, bây giờ các việc dơ bẩn đến đâu cũng đều làm được.
Bà cụ cuối cùng cũng đón lấy bát mì, gắp một gắp lên đôi môi run rẩy, ăn một miếng. Lúc đó, bà cụ ngồi trong chiếc xe lăn cạnh ban công, ánh hoàng hôn chiếu trên thân thể bà, rải trên mớ tóc mai bạc lốm đốm lòa xòa tuột ra ngoài chiếc kẹp tóc bằng thép sơn, rọi trên đôi dép màu trắng rẻ tiền đã sử dụng quá lâu đến nỗi bạc hết màu và mòn vẹt. Cho dù không biết tuổi tác đã rất cao của bà, vẫn có thể thấy luẩn quẩn quanh phòng một nỗi cô đơn đẫm mùi chết chóc, bức tranh được vẽ nên trong khoảnh khắc thời gian ngưng đọng ấy mang một vẻ trầm uất vô cùng.
Bà cụ ăn được một nửa thì bàn tay đã không còn hơi sức, tay trái trượt đi, bát lại rơi tuột xuống nền đất vỡ tan tành. Hứa Ninh từ trong bếp chạy ra, trước tiên xác định bà nội không bị thương gì nghiêm trọng, sau đó mới im lặng lại quỳ xuống đất nhặt những mảnh vỡ, trong lúc không cẩn thận bị cứa vào đầu ngón tay, cậu cũng chẳng hề quan tâm, những giọt máu cứ thế nhỏ giọt trên sàn nhà. Bà cụ đánh rơi chiếc bát là vô tình hay cố ý, Hứa Ninh không hề có ý định tìm hiểu, dù sao đoạn phim đánh rơi bát này, kể từ ngày cha cậu tự tử, mỗi hôm đều phải diễn đi diễn lại mấy lần. Cái thân hình quỳ trên mặt đất khiến người ta không khỏi thương cảm ấy, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, đã trở nên gầy gò đến mức nếu so với trước kia cứ như thể hai người khác nhau.
Bà cụ khẽ thở dài, cuối cùng nửa tháng sau cái chết của con trai, đã mở miệng nói với Hứa Ninh câu đầu tiên. Bà là người Tứ Xuyên, chất giọng chát chúa khó nghe vang lên oang oang như tiếng sứ vỡ: “Trong ngăn kéo phòng tao có băng keo dán đấy”.
Hứa Ninh ngẩng lên nhìn bà nội thoáng sững người, bèn nhỏ giọng đáp lời, nhanh tay thu gom nốt các mảnh vỡ rồi mới đi vào trong phòng bà.
Bà cụ nhìn theo cái dáng lưng gầy còm ấy, nhất thời một giọt lệ đục của người già đột ngột rớt xuống nơi khóe mắt: Ngày trước bà đã từng yêu đứa cháu ấy bao nhiêu thì bây giờ cũng hận nó chừng đó. Cho dù bà có hận nó thêm nữa, bà cũng vẫn vô số lần lầm rầm trước Đức Bồ Tát: “Cầu xin Ngài phù hộ cho cháu trai con, cho Tiểu Ninh Ninh của con, thằng bé con mà con đã bế trên tay từ lúc lọt lòng, cả đời đều được mạnh giỏi khỏe khoắn, bách bệnh tiêu tán vạn bệnh tiêu tan, tai ương tất thảy đều qua khỏi”.
Bởi vì thằng bé ấy… thật ra chưa từng làm gì sai cả! Nếu có thể, bà cụ cam tâm làm kẻ vô tình, để đứa cháu sẽ mãi là đích tôn được bà thương yêu. Thế nhưng cứ nghĩ đến cái chết thảm của con trai, bà lại không nhịn nổi trăm điều rủa xả đối với đứa con dâu mất nết, làm liên lụy đến Hứa Ninh!
Bà cụ mỗi ngày đều bị dày vò bởi những mâu thuẫn và nỗi đau, day dứt đến mức đêm không bao giờ yên giấc. Chưa đến nửa tháng, từ một bà cụ phương phi khỏe mạnh, đã gầy mòn như khúc củi khô.
Hứa Ninh vốn cũng chẳng biết nói những lời an ủi hoa mỹ, cậu chỉ biết dùng những việc làm thiết thực trong tầm tay, làm đến mức tốt nhất, không hề quên sót bao giờ.
Sau khi con trai qua đời, tâm trạng của bà cụ trở nên vô cùng thất thường.
Lúc Hứa Ninh đang rửa bát, bà lại lăn bánh xe lăn tiến tới, đập mạnh chiếc nạng, hét lên đầy kích động: “Mày còn quay về đây làm gì? Đây chưa bao giờ là nhà mày! Mày hại chết con trai tao, lại còn dám mon men đến đây hòng tranh cướp nhà với bà già này sao? Đừng hòng mơ đến nhà cửa, sổ tiết kiệm cũng không bao giờ cho mày đâu!”.
Hứa Ninh không nói năng gì, cậu vốn chưa bao giờ là đứa lắm lời, nay xảy ra cơ sự, cậu lại càng trở nên ít nói hơn bao giờ hết.
Trong khu phố, chuyện của Hứa Ninh được lan truyền ngày một rộng hơn, với lứa tuổi và kinh nghiệm của Chúc Dung Dung, cô tuyệt đối không thể thấu hiểu được những sự đả kích mà Hứa Ninh phải chịu đựng, cô chỉ có thể hiểu chung chung là: Cậu hiện tại đang rất khổ sở.
Còn mẹ của Hứa Ninh, người phụ nữ xinh đẹp với khí chất cao sang đó, đã từng có một thời gian, mỗi lần Chúc Dung Dung đứng bên cửa sổ nhà mình nghe tiếng đàn dương cầm của Hứa Ninh, cô đều cười mà nói: “Này cô bé, Ninh Ninh nhà tôi chơi rất hay đó chứ!”, gương mặt cô ánh lên niềm tự hào khó tả.
Và chính một con người như thế đấy, nói mất là biến mất ngay được.
Sau khi hoàn thành lớp mười một trung học, Chúc Dung Dung - kẻ chuyên bét lớp, nhằm mục đích trốn vụ chứng chỉ văn khoa lằng nhằng, kiên quyết chọn học lớp khoa học.
Hứa Ninh dạy đàn rất cẩn thận, thái độ đúng mực. Gia đình họ Chúc bèn xuất thêm tiền mời cậu phụ đạo thêm văn hóa cho con gái. Trình độ dạy học của Hứa Ninh cực kỳ tốt. Bất kỳ một đề bài khó nào, cậu đều nắm rất chắc và phân tích theo một phương pháp dễ hiểu nhất. Đáng tiếc rằng đối với học sinh tư chất quá khác biệt, tất cả tâm huyết mà Hứa Ninh bỏ ra chỉ có thể tổng kết trong hai chữ siêu đơn giản: toi cơm.
Kỳ nghỉ hè năm lớp mười một.
Nắng trưa sáng lấp lóa, thật thuận tiện cho một giấc ngủ, nên mỗi một chữ tuôn ra từ miệng Hứa Ninh đều có tác dụng như thuật thôi miên, khẽ ru Chúc Dung Dung chìm vào giấc mơ êm đềm.
Mỗi khi Chúc Dung Dung vô tư ngáy “o o”, Hứa Ninh không chút thương hoa tiếc ngọc đập tan giấc mộng vàng của cô nàng, khiến cô nhảy dựng khỏi cơn mê ngủ. Chúc Dung Dung cũng chẳng vừa, trợn mắt chống nạnh nhảy dựng lên: “Tớ sẽ mở ngay chế độ học hành siêu việt cho cậu trắng mắt ra nhé!”.
Hứa Ninh lạnh lùng nhìn sang: “Cậu đủ trình sao?”.
Rốt cuộc cậu ta đã hiểu ra điểm dị biệt giữa cô học sinh của mình và những người bình thường là ở đâu: Người thường làm không được bài tập thì cảm thấy khó chịu bực bội, nghỉ ngơi hai phút rồi lại tiếp tục lao vào làm tiếp; còn Chúc Dung Dung giải không được bài tập cũng cảm thấy khó chịu bực bội, nghỉ ngơi hai phút rồi… ngủ quên luôn.
Sau khi giảng giải xong một đề khó, Hứa Ninh mở nắp chai nước chanh tự pha uống một hơi cho đỡ khô miệng, đưa ngón tay trắng trẻo thon mảnh chỉ vào quyển sách giáo khoa: “Còn vấn đề gì nữa không?”.
Chúc Dung Dung ngẩng mái đầu với những lọn tóc màu hạt dẻ lên, đôi mắt tròn xoe dán chặt vào Hứa Ninh hồi lâu trước khi thốt lên nhẹ nhàng: “Có! Tớ có thể uống một chút chứ?”.