Âm mưu năm 1866 đánh dấu kết thúc một giai đoạn của triều đại vua Tự Đức: khủng hoảng từ lúc lên ngôi, theo sau cái chết của vua Thiệu Trị, được giải quyết với việc trừ khử thực sự những hậu duệ của Hồng Bảo. Nhưng, ở khía cạnh khác, tính chính danh [của vua Tự Đức], việc giết hại người thân và sự nhu nhược khi đối mặt với kẻ xâm lược nước ngoài đã làm nhà vua mất uy tín trước đông đảo quan lại quần thần. Từ những năm 1866-1867 trở đi, việc đối phó giải quyết khủng hoảng tầm vóc quốc gia [trước nạn ngoại xâm] sẽ trở thành yếu tố chủ yếu trong xung khắc xung đột giữa vương quyền và giới sĩ phu xứ An Nam.
Thế rồi vương triều sẽ lại đối mặt hai vấn đề lớn ở vùng Bắc bộ: sự xâm nhập của những kẻ trước đây nổi loạn theo với Thái Bình Thiên Quốc [ở Trung Hoa] và sự thâm nhập của Pháp. Sau thất bại của Thái Bình Thiên Quốc vào năm 1864, nhiều băng đảng tàn dư tập hợp lại dưới nhiều “đại kỳ”, những ngọn “Cờ” có màu sắc khác nhau, xâm nhập vào đất Việt, đánh nhau để tranh chấp vùng đất chúng kiểm soát. Dù triều đình Huế nhiều lần gửi quân chống giặc và nhờ đến sự hỗ trợ của Thiên triều, chính thể An Nam không sao đánh đuổi được đám tàn quân nước ngoài và đã quyết định sách lược cho phép tướng giặc Cờ Đen, Lưu Vĩnh Phúc, trấn giữ một vùng quân khu, để nhóm này đánh đuổi giúp các nhóm thổ phỉ Cờ Vàng, Cờ Trắng. Sau khi tiễu trừ các lực lượng này, Lưu Vĩnh Phúc thực tế đã trở thành một vương hầu tự chủ trên những vùng cao ở Bắc bộ, một tình thế được triều đình Huế chấp nhận qua việc ủy thác cho tướng Lưu Vĩnh Phúc trấn giữ ba tỉnh Tuyên Quang, Hưng Hóa và Sơn Tây76.
76 DG: Điều mà một số quan lại như Ông Ích Khiêm không hài lòng, bày tỏ qua bài thơ sau đây:
Áo chúa cơm vua đã bấy lâu
Tiền bạc quyên hoài dân xác mướp
Ðến khi có giặc phải thuê Tàu!
Trâu dê ngày hiến đứa răng bầu
Từng phen võng giá mau chân nhẩy
Ai ôi hãy chống trời Nam lại
Ðến bước chông gai thấy mặt đâu
Kẻo nữa dân ta phải cạo đầu.
Liên quan đến người Pháp, sự thể phức tạp hơn rất nhiều: Jean Dupuis, một thương lái có máu phiêu lưu, trước đó được toàn quyền tỉnh Vân Nam [Trung Quốc] cho phép cung ứng vũ khí cho lực lượng vũ trang địa phương. Mong thực hiện cuộc giao thương như thế, Jean Dupuis muốn đi ngược theo sông Hồng, từ Hà Nội đi ngược lên Lào Cai, trong khi việc đi lại trên sông này bị [triều đình Huế] cấm đoán đối với người Âu. Dù bị ngăn cấm như vậy, Dupuis vẫn cứ vượt qua đoạn sông với hai tàu chiến (ngày 16 tháng 1 năm 1873) và đến Vân Nam vào ngày 16 tháng 3. Và rồi, vào mùa hè 1873, Dupuis lại muốn lập lại cú liều lĩnh bất chấp lệnh cấm: tập hợp một đoàn tàu buôn, lần này có chở muối vốn là hàng cấm chuyên chở [đối với phía Việt Nam]. Trong vụ này lại có sự tham gia của Giáo hội Công giáo, giới tài chính quốc tế và cả quân đội Pháp: Giám mục Puginier, đại diện tông tòa tại vùng phía tây Bắc bộ, đầu tư vào chuyến buôn này 8000 quan Pháp, trong khi đó chi nhánh tại Sài Gòn của Hongkong and Shanghai Banking Corporation ứng trước số tiền là 30.000 đồng piastres (sic) theo chỉ thị của Đề đốc Dupré, Toàn quyền vùng Cochinchine. Nhưng nhà cầm quyền Việt Nam không nhượng bộ: Nguyễn Tri Phương, đại quan [Phụ chính Đại thần] triều Nguyễn, được vua Tự Đức cử ra Hà Nội với tư cách Khâm mạng Đại thần. Dù Giám mục Puginier thúc ép [yêu cầu bỏ qua vụ Dupuis] Nguyễn Tri Phương vẫn không để lay chuyển: [đoàn tàu buôn của] Dupuis vẫn bị ách lại. Vua Tự Đức lúc đó đã phạm sai lầm khi đề nghị Toàn quyền xứ Cochinchine [Đề đốc Dupré] giúp đỡ giải quyết vụ tay lái buôn phiêu lưu Dupuis. Dupré nắm lấy cơ hội này cử một sĩ quan hải quân đang nghỉ phép, Francis Garnier, ra Hà Nội với nhiệm vụ giải quyết “sự cố Dupuis”, nhưng chủ yếu là yêu cầu [phía Việt Nam] công nhận việc thông thương tự do trên sông Hồng cho giao thương của Pháp, và cho thiết lập một đầu cầu, một dạng nhượng địa trong phố thị [Hà Nội]. Garnier tập hợp quân của mình với quân của Dupuis, rồi tấn công vào thành Hà Nội do Nguyễn Tri Phương chỉ huy phòng thủ: Nguyễn Tri Phương bị thương nặng trong trận đánh [từ chối cứu chữa từ phía Pháp] rồi qua đời77. Hai nước Pháp và Việt thực sự đã đi vào tình trạng chiến tranh. Huy động thêm lực lượng bổ sung từ các nhà truyền giáo của Hội Thừa Sai [Paris] và những người Công giáo vùng Bắc bộ (những thành phần mà công sứ Pháp Pierre-Paul Rheinart gọi là “phe đảng chính trị của Giám mục Puginier”, Garnier đã thành công trong việc chiếm cứ khu vực phía đông của đồng bằng Bắc bộ, rồi cho thiết lập các chức quan cai trị ở vùng chiếm đóng, giao cho những quan lại và những người Công giáo hợp tác [với Pháp]. Sự kháng cự mãnh liệt của quan lại quan chức bô lão [trung thành với triều đình] bị bãi chức, cùng với lực lượng chính quy của quân Cờ Đen, đã dẫn đến [trận phục kích ở Ô Cầu Giấy với] cái chết của Garnier ngày 21 tháng 12 năm 1873. Cuộc phiêu lưu của [những người lái buôn] phía Pháp đã kết thúc với chiến thắng phía Việt Nam, cũng là thất bại của phía Pháp, dẫn đến công ước Philastre (ngày 5 tháng 1 năm 1874) được thương lượng với ông Nguyễn Văn Tường78, thay mặt cho triều đình Huế.
77 DG: Xem thêm Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của triều Nguyễn, chương I: Nguyễn Văn Tường và sách lược chống đô hộ Pháp.
78 Charles Gosselin, L’Empire d’Annam, Paris, Perrin, 1904, p. 504-506.
Thành công của các đàm phán và việc phía Pháp chịu rút quân khỏi Hà Nội và các tỉnh thành khác vùng Bắc bộ, đã nâng cao vị thế của Nguyễn Văn Tường79, được phong Thượng thư Bộ Hình, tiếp theo đó là Thượng thư Bộ Hộ, kiêm luôn cả chức năng Thượng thư phụ trách về “Thương mại và Đối ngoại” [Thương bạc đại thần, quản lý “Thương bạc viện”, cơ quan ngoại giao và ngoại thương], những chức vụ mà ông giữ cho đến tháng 2 năm 1881. Thành viên của Cơ mật viện và là thân thích của nhà vua, theo thứ bậc nghi lễ nghi thức, Nguyễn Văn Tường đứng hàng thứ ba, chỉ sau các ông Trần Tiễn Thành và Hoàng Tá Viêm. Trong giới cầm quyền, phe chủ chiến bằng mọi giá chỉ còn một khuôn mặt đại diện là ông Tôn Thất Thuyết, không còn nắm chức vụ quan trọng. Người Pháp, tiếp đó, lại đạt được một hòa ước mới, ký ngày 15 tháng 3 năm 1874 tại Sài Gòn [Hòa ước Giáp Tuất còn gọi là “Hòa ước Philastre”] với các điều khoản như: cho phép tự do thông thương trên sông Hồng đối với giao thương của Pháp, được vào các cảng Hà Nội, Hải Phòng và Quy Nhơn; buộc hoàng đế An Nam có “chính sách đối ngoại theo với chính sách đối ngoại của nước Pháp”; triều đình Huế có thể yêu cầu nước Pháp hỗ trợ trong trường hợp xuất hiện tình hình rối loạn. Cho dù, đối với triều đình Huế, cái chủ yếu [chủ quyền quốc gia hay quyền lực cai trị] được bảo toàn, đất nước Việt Nam đang tiến dần về “tư thế được bảo trợ” (statut de protégé sic) bởi nước Pháp: nhưng chữ “bảo hộ” (protectorat sic) hoàn toàn không có trong văn bản hòa ước80 [Giáp Tuất 1874].
79 DG: Về cuộc gặp gỡ Nguyễn Văn Tường - Paul Philastre, xem thêm Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của triều Nguyễn, t. 126-134.
80 Ministère des Affaires étrangères, Documents diplomatiques. Affaires du Tonkin I, Paris, Imprimerie nationale, 1883, p. 1-10; Charles Gosselin, L’Empire d’Annam, op.cit., p. 506-513.
Thái độ chống triều đình Huế của các thừa sai, đặc biệt là các vị thuộc các hội đoàn dòng tu, và người đạo Thiên Chúa trong vụ việc tại Bắc bộ, củng cố hơn nữa nỗi lo của giới quan lại, thân hào (sic) và [nho sĩ] văn thân (sic) về vai trò của những người hay dân cư nêu trên trong việc ủng hộ nước Pháp81 chiếm đóng vương triều An Nam. Hệ quả: một cuộc đàn áp dữ dội chống lại người có đạo đã nổ ra ngay từ đầu năm 1874 trên toàn lãnh thổ, đặc biệt ở vùng Bắc bộ và vùng bắc Trung bộ (Nghệ An, Hà Tĩnh), được sự hỗ trợ và dung dưỡng của phần lớn quan lại, trong số này có Tôn Thất Thuyết, Tuần vũ tỉnh Sơn Tây, chỉ huy lực lượng còn tồn tại của quân triều đình tại Bắc bộ. Nhưng phong trào đàn áp như vậy đã hoàn toàn vượt ra ngoài vòng kiểm soát của quan chức cai trị và dâng lên thành phong trào chống lại triều đình tiếp theo sau hòa ước [Giáp Tuất] ký tại Sài Gòn. Triều đình Huế bị lên án yếu hèn trước người Pháp và “bè lũ” (suppôts sic) Thiên Chúa giáo hùa theo, mất khả năng kiểm soát nhiều tỉnh thành và đối mặt với những quan lại nổi loạn: sự nghi kỵ rạn nứt giữa vua Tự Đức và giới văn thân chỉ có gia tăng. Tình hình xấu đi vào mùa hè năm đó, để trấn áp bạo loạn, triều đình Huế đã phải đưa lực lượng chính quy can thiệp ở Bắc bộ, và nhất là đưa những đội quân của kinh thành dưới quyền chỉ huy của Thượng thư Bộ Binh Nguyễn Văn Tường, được vận chuyển với các chiến thuyền của Pháp. Cuộc nổi dậy như thế, được gọi tên là “Phong trào Văn thân”, đã đẩy cuộc khủng hoảng niềm tin [vào triều đình Huế] lên tột đỉnh, gây ra sự đổ vỡ hoàn toàn giữa một bộ phận lớn quan lại và Hoàng đế [Tự Đức]: ngoài việc bị cho là giết hại thân thích ruột thịt và không chính danh, nay vua lại bị lên án thông đồng với người Thiên Chúa giáo, với bằng chứng cuối cùng của sự phản trắc là dùng tàu thuyền của Pháp để vận chuyển quân đội triều đình đi đàn áp.
81 Rheinart, “Journal,…”, op.cit., lettres d’avril-mai 1874, p. 33-36.
Cuối tháng 9 năm 1874, trật tự tạm thời phần nào đó được vãn hồi, triều đình tiến hành một chính sách cải cách, không phải để hiện đại hóa đất nước, mà nhằm làm cho bộ máy hành chính hiệu quả hơn, nhưng không đụng chạm đến nền móng của một chính thể mang đậm dấu ấn Khổng Mạnh. Cải cách về thuế điền thổ (1875), do đại thần Nguyễn Văn Tường, Thượng thư Bộ Hộ từ năm 1875 đến năm 1883, đề xướng, có mục đích thống nhất chế độ thuế má trong cả nước, đã đưa đến hậu quả là đánh thuế nặng hơn về điền thổ tư nhân ở vùng Bắc bộ, điều làm cho giới địa chủ lớn nhỏ bất bình và tạo thêm vây cánh cho Phong trào Văn thân trong dân chúng. Cải cách về quân đội (1876) chủ yếu nhằm xây dựng một hệ thống cứ địa vùng núi mang tính chiến lược để theo dõi và trấn áp các đám giặc ở Bắc bộ. Cải cách về thi cử (1879) có mục tiêu hiện đại hóa vốn kiến thức của giới sĩ tử và thanh lọc thay thế các thành phần quan chức ngả theo phe đề kháng [chống Pháp]. Trong thực tế, tất cả các chủ trương cải cách như vậy đều vấp phải rất nhiều trở ngại: ngoài sự rạn nứt trong toàn bộ hệ thống quan chức quan lại, triều đình vẫn trong tình trạng hoạt động yếu kém, bộ máy hành chính chưa đáp ứng theo như yêu cầu, tài chính vật lực thì túng thiếu, dân chúng thì quá vất vả với binh biến giặc giã, nạn đói và dịch bệnh. Rốt cùng, các cải cách rất hời hợt, cả nhà vua và giới nho sĩ chẳng ai muốn đặt lại vấn đề về hệ thống [chính trị]: không có chuyện tiến đến một hình thức hiện đại hóa nào đó. Trong rất nhiều giới quan lại và dân chúng, nhiều người vẫn xem việc hiện đại hóa như là một sự “quy hàng quy thuận” theo với những kẻ xâm lược và rồi có nguy cơ lớn phải xem xét lại vấn đề hiện trạng thể chế chính trị xã hội (statu quo politico-social sic) cùng những truyền thống quốc gia.
Vào thời gian khoảng ba thập niên cuối của thế kỷ XIX, ở phần lớn các nước còn độc lập trong tương quan với phương Tây như Trung Quốc, Ba Tư, Ai Cập hay Thổ Nhĩ Kỳ, đã xuất hiện những cuộc tranh luận sâu sắc về những phương thế phương tiện bảo vệ đất nước và bản sắc quốc gia chống lại ngoại xâm đến từ châu Âu: phương Tây có phải là một đối thủ, một mô hình kiểu mẫu, hay là vừa là đối thủ vừa là mô hình kiểu mẫu? Ở vùng Viễn Đông, những câu khẩu hiệu xuất hiện liền nhịp với những cuộc tranh luận về các sách lược trong giới chính trị. Ở Nhật, là Wakon Yosai: “Tinh thần Nhật Bản, công nghệ kỹ thuật phương Tây”; ở Triều Tiên, là Tong do Si ki: “Đạo lý theo phương Đông, thực hành theo phương Tây”; và ngay cả ở Trung Quốc, là Zhong ti Xi yong: “Chất Trung Hoa, Hiệu dụng phương Tây”. Nhưng ở Việt Nam, cùng thời gian đó, giới học thức vẫn còn tự mãn với các cuộc tranh luận trừu tượng, bàn về “thể” [substance sic] và “dụng” [efficacité sic], và người ta còn chế nhạo một người như Nguyễn Trường Tộ, người trí thức đã nhiều lần lưu trú ở các nước Pháp, Hồng Kông và Singapour, đã nhận thức những tiến bộ về khoa học cũng như tầm quan trọng của giáo dục hiện đại, và hiểu được sự bức thiết mang tính sống còn của những cải cách để hiện đại hóa triệt để, thậm chí có thể phải có những nhượng bộ nhất thời đối với người Pháp. Kiểu mẫu thành công nhanh chóng điển hình của nước Nhật cũng chẳng thu hút được sự quan tâm của tầng lớp nho sĩ như đã bị xơ cứng [trong quan niệm Khổng giáo]. Năm 1876, vào dịp kỳ thi Tiến sĩ diễn ra tại kinh thành Huế, vua Tự Đức đã đích thân đề ra cho sĩ tử đề bài như sau: “Nước Nhật, theo những phương pháp giáo dục phương Tây, đã trở nên một nước hùng cường. Chúng ta có nên theo gương nước Nhật hay không?”. Câu trả lời nhất tề là: “Mọi thời, nước Nhật đã noi theo văn minh Trung Hoa, giờ đây muốn thay đổi tập quán nghìn xưa để theo phong tục tập quán của người Âu. Thế thì, làm như thế giờ có trở nên hùng cường thịnh vượng thì, sau này, nước Nhật rồi sẽ quay trở về lại tình trạng man di [barbarie sic]”82. Việc xuất hiện những con người hiếm hoi theo khuynh hướng hiện đại hóa như Nguyễn Trường Tộ, Đinh Văn Điền, Nguyễn Hiệp hay Lê Đỉnh không thể làm khuất đi một thực tế mà sử gia người Nhật Yoshiharu Tsuboï đã chỉ ra: “có thể nói là nước Việt Nam thời vua Tự Đức lại tỏ ra nặng về truyền thống [traditionaliste sic] hơn các nước khác cùng chịu ảnh hưởng Khổng giáo83”.
82 Hoang Cao Khai, En Annam, édition annamite-français, Hanoi, Imprimerie Express, 1910, p. 27.
83 Yoshiharu Tsuboi, L’Empire vietnamien face à la France et à la Chine, Paris, L’Harmattan, 1987, p. 152-153.
Sự lệch pha so với các nước láng giềng đã dẫn đến nhiều hệ quả: việc mở ra [cho giao thương tự do] các cảng Hà Nội và Hải Phòng (tháng 9 năm 1875), tiếp đó là cảng Quy Nhơn (tháng 11 năm 1876) nhanh chóng cho thấy sự yếu kém của triều đình Huế trong việc giám sát thuế quan và các cơ chế giao dịch thương mại với nước ngoài: do thiếu kinh nghiệm, thiếu chính sách về kinh tế, thiếu nhân sự. Việc mở cửa như thế, đầu tiên và trước nhất, lại càng làm gia tăng thêm sự ảnh hưởng của người Trung Hoa về mặt thương mại84: họ đến sinh sống đông đúc ở các cảng Hà Nội và Hải Phòng. Riêng ở cảng Hải Phòng chẳng hạn, chỉ trong quý 1 năm 1877, trong tổng số 192 tàu cập cảng đã có đến 168 tàu thuyền của người Hoa; dân cư người Hoa tại đây, từ không có một người Hoa nào, đã tăng lên đến con số 5000 khẩu trong vòng sáu năm. Khi triều đình Huế cho xuất khẩu gạo vào năm 1876, thì chính người Hoa ồ ạt nhào vào việc kinh doanh món hàng này, chứ không phải là người Pháp: hãng tàu China Merchant Steamer Navigation Company, thành lập năm 1873, mở tuyến vận chuyển Hải Phòng – Hồng Kông vào năm 1878, có quan hệ trực tiếp với triều đình Huế để vận chuyển gạo cho vùng Bắc bộ. Nhu cầu gạo trên thị trường quốc tế đã dần hồi làm tăng giá nhu yếu phẩm này, gây khó khăn chồng chất cho dân cư vốn đã rất khốn khổ với giặc giã và dịch bệnh, theo đó là nạn đói làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế và chính trị trong nước. Tình trạng đói kém đã đến mức mà [Tổng đốc] Nguyễn Hữu Độ [1813-1888], trông coi chỉ đạo về thuế quan tại Hải Dương đã phải lưu ý: cứ mười hộ thì đã có chín hộ gia đình thiếu đói trầm trọng. Tình trạng đói khổ cơ cực là triền miên ở các tỉnh Bắc Ninh, Sơn Tây, Hưng Yên và Hải Dương. Về sự thể này, chính những người Pháp là chứng nhân, như Công sứ Pháp Kergaradec tại Hà Nội đã mô tả: “có những người dân chỉ còn da bọc xương” đến xin cứu đói ở những hội tương tế. Về phần mình, Philastre đã thông tin cho Toàn quyền Cochinchine rằng “ông De Kergaradec đã thư cho tôi về nạn đói đang lan tràn nghiêm trọng, đến tận tỉnh Ninh Bình, lúa gạo lại rất đắt đỏ trên toàn cõi Bắc bộ. Tôi cũng được biết là ở Nghệ An, sự cùng cực với đói kém gần như tương đương với tình hình các tỉnh ở phía nam. Thương nhân với những kẻ tích trữ gạo chỉ lo cho quyền lợi của bản thân và không nhận thức một cách thống nhất về tình hình sự thể: vì lẽ bọn họ đã thu mua được những lượng lớn lúa gạo và có thể thu được nhiều lợi lộc hơn khi xuất sang Hồng Kông, bọn họ lại rêu rao là vùng Bắc bộ đầy ắp cả lúa gạo. Điều này đúng với kho lẫm cửa hàng của bọn họ, nhưng hoàn toàn không đúng đối với [cái bụng đói của] dân chúng”85. Đánh mất đi sự hậu thuẫn của giới quan lại và nho sĩ do chính sách hòa hoãn nhân nhượng với Pháp, và luôn cả sự tán đồng của giới địa chủ sau những cải cách về thuế điền địa, cũng như không còn sự ủng hộ của nông dân và dân nghèo thành thị trước những yếu kém trong chính sách của triều đình khi đối mặt với tình thế tai họa cùng những hậu quả từ xuất khẩu lúa gạo, hoàng đế An Nam không còn điểm tựa nào tại vùng Bắc bộ. Tôn ti trật tự hành chánh thoát khỏi tầm kiểm soát của triều đình trung ương, cơn khủng hoảng chính trị xã hội ở vùng Bắc bộ, vào đầu năm 1882, đã dẫn đến một tình trạng nổi dậy ầm ĩ, tạo cớ cho sự can thiệp của phía Pháp.
84 DG: Không chỉ hàng hóa thông thường mà trước đó người Hoa còn dự phần phân phối thuốc phiện theo ủy quyền của người Pháp: cf. Chantal Descours-Gatin, “Quand l’opium finançait la colonisation française en Indochine – L’élaboration de la régie générale de l’opium (1860 à 1914)”, L’Harmattan, 1992.
85 Lettre du 24 avril 1879, cité par Yoshiharu Tsuboi, L’Empire vietnamien […], op.cit.
Như thế, triều đại của vua Tự Đức, xét trên tất cả các mặt, về mặt tư duy và cả về mặt kinh tế xã hội, đã là một thời kỳ thoái trào nghiêm trọng của vương quyền. Với các tỉnh thuộc [triều đình] An Nam và Bắc bộ86, trong khoảng từ năm 1848 đến năm 1877, chiến tranh, giặc giã cướp bóc, thiên tai dịch họa, cộng với sự bất lực của triều đình để đối phó lại, đã gây ra một sự sụt giảm dân số được ước tính khoảng một triệu người, nghĩa là khoảng 10% dân số vương triều: những tỉnh thành bị ảnh hưởng nặng nhất thuộc vùng Bắc bộ, có nơi mất hơn một nửa số nhân khẩu. Theo sổ bộ [thuế đinh hay thuế thân] của Bộ Hộ, số khẩu đăng ký (nam giới bắt buộc đăng ký thuế đinh trong độ tuổi từ 18 đến 60) đã từ 858.790 khẩu vào năm 1848, rớt xuống còn 757.325 khẩu vào năm 1877, tương đương mất đi khoảng 11,81%. Cũng những tỉnh thành đó, diện tích canh tác chịu thuế, đăng ký ở Bộ Hộ, đã từ 3.709.173 mẫu87 vào 1848, xuống còn 2.867.689 mẫu vào năm 1880, nghĩa là sụt mất 22,68%. Nông nghiệp đã không còn sức đóng góp đầy đủ vào ngân sách của vương triều, dù bao gánh nặng sưu thuế vẫn đè lên vai dân chúng, giờ đây triều đình chấp nhận cả những việc cho đến thời điểm đó vẫn còn bị ngăn cấm: xuất khẩu gạo và buôn bán thuốc phiện, hơn 10% thuế thu được vào năm 1878 là từ các đại lý chuyên thầu thuốc phiện (fermes de l’opium sic). Như thế, vào thời điểm mà những mối đe dọa từ bên ngoài đang dồn đến, triều đình Huế đã làm đổ vỡ “hương ước xã hội” [pacte social sic], gây ra mối nghi kỵ đối với ngay chính con người đang ngồi trên ngai vàng An Nam, làm xơ cứng tư duy tìm tòi về đạo lý và sách lược, làm trầm trọng cơn khủng hoảng về nông nghiệp, làm muôn dân lầm than bần cùng và cuối cùng đặt đất nước vào tình trạng kiệt quệ tột cùng.
86 Chúng ta không đưa vào đây những số liệu của vùng Cochinchine [Nam Kỳ] vì lẽ vùng này đã không còn thuộc kiểm soát của vương triều kể từ năm 1862.
87 Một mẫu tương đương với 4.970 m2.
Một quan Đại thần trong lễ phục, năm 188588
88 DG: BAVH số 2/1930.