Ông Nguyễn Văn Tường sinh năm 1820 ở Quảng Trị, trong một gia đình nhà Nho với truyền thống “nổi dậy” [“lettrés rebelles” sic]. Tuy vậy, ông cũng giành được sự tin tưởng của giới quan chức và rồi, sau khi đỗ cử nhân, ông được nhận vào làm việc ở Bộ Hình vào năm 1852. Sau đó, ông nhận nhiều nhiệm sở ở cấp tỉnh cho đến khi bị buộc tội mắc sai phạm và giáng chức. Ông được phục hồi vào năm 1873 và vào làm việc ở Bộ Lễ, rồi được cử làm sứ thần tại Nam Kỳ. Chính ông là người đứng ra thương thuyết với Paul Philastre sau cái chết của Garnier: cơ hội cho ông tỏ ra là một nhà ngoại giao tinh tế có tài. Công ước ký ngày 5 tháng giêng năm 1874 đối với ông Tường là một thành công ngoại giao thực sự: là “Đệ nhất sứ thần toàn quyền” [premier plénipotentiaire sic] của phái đoàn Việt Nam, ông ký hòa ước ngày 15 tháng 3 năm 1874, và được sự tín nhiệm của vua Tự Đức, vua xem đây là thành công trong việc người Pháp rút lui một phần khỏi Bắc bộ và không có chữ “bảo hộ” (“protectorat”105) xuất hiện trong bản hòa ước. Như thế, đại thần Tường đã tránh được điều tồi tệ nhất cho đất nước. Ông được thăng chức, trở thành Thượng thư Bộ Hình, rồi sang lãnh đạo Bộ Hộ và [phụ trách Thương bạc viện] cả về Thương mại và Đối ngoại. Ông được tham gia vào Cơ mật viện và thực tế đã trở thành cố vấn trọng yếu bên cạnh vua Tự Đức. Vào tháng 11 năm 1882, một người con [Nguyễn Văn Tộ] của ông Tường kết hôn với công chúa Như Quế, em của hai người con nuôi của vua Tự Đức, hoàng thân Ưng Đăng và Ưng Kỷ, là hai vị vua trong tương lai. Mềm dẻo và kín kẽ, nhiều mưu chước theo cách nhìn của những đối thủ, ông Tường là người cực kỳ tinh tế, nắm biết rất rõ tất cả những điều bí hiểm của chốn thâm cung quan trường cũng như những phe phái ở triều đình Huế: đối thủ không chút khoan nhượng phía Pháp là Jules Sylvestre, đã phải nhìn nhận ông Tường có một “trí tuệ khác lạ và một sự tinh tế bén nhạy không sao chối cãi được”106.
105 DG: Nguyễn Quốc Trị, Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của triều Nguyễn, Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2020 (t. 178-179).
106 Jules Sylvestre, “Politique française dans l’Indochine”, Annales de l’Ecole des Sciences Politiques, t.IX, 1897, p. 163.
Đại thần Phụ chánh Nguyễn Văn Tường, ảnh chụp từ bộ sưu tập của ông Bonnal, nguyên Khâm sứ Pháp107
107 DG: BAVH số 3/1941.
Ông Tôn Thất Thuyết, lúc đó đang là Thượng thư Bộ Binh, lại thuộc hoàng tộc. Sinh năm 1835, ông theo nghiệp võ. Là chuyên gia về mọi thao lược dụng binh, ông được biết như là một vị võ quan rất dũng mãnh và bốc đồng. Quen với không khí doanh trại, có thói quen của lính tráng, ông Thuyết không nắm hiểu được những tế nhị của những âm mưu phe phái chốn triều trung: ông giải quyết vụ việc và những mâu thuẫn với tính bộc phát theo cách ông đã chỉ huy quân lính của mình. Hình dáng bên ngoài phần nào thể hiện tính cách của ông: thân hình trông vạm vỡ chắc nịch, thậm chí gần như thừa cân. Không theo truyền thống người thời đó với đầu có búi tóc, ông để tóc ngắn, theo đó khăn đóng thường đội lệch đi, ông chẳng lấy đó làm phiền vì tự thân chẳng hề quan tâm đến vẻ bề ngoài. Bị thất sủng, ông Thuyết được gửi ra Bắc bộ thời điểm xảy ra vụ [thương nhân] Dupuis. Ông chủ yếu phụ trách vấn đề binh bị ở các tỉnh Sơn Tây và Bắc Ninh. Việc ông có thông đồng với phong trào Văn thân và trách nhiệm của ông trong các vụ tàn sát người có đạo đã buộc ông phải tạm thời ẩn mình đi một thời gian. Nhưng, vào đầu năm 1880, ông Thuyết lại tổ chức kháng cự ở vùng Bắc bộ. Ông được bổ nhiệm Thượng thư bộ Binh vào năm 1883, rồi tham gia Cơ mật viện vào tháng 6 năm 1883.
Đại thần Phụ chánh Tôn Thất Thuyết (theo một ảnh chụp đương thời. Duy khuôn mặt là bản gốc)108
108 DG: BAVH số 3-1941.
Cả hai ông, Tường và Thuyết, đều là thành phần chống lại sự xâm lấn [chủ quyền] từ phía Pháp. Nhưng trong khi ông Tường nắm rõ kẻ địch và tính toán thương thuyết đi đôi với mưu mẹo sẽ cho phép cứu vớt được cái chủ yếu [của quyền lợi quốc gia], ông Thuyết lại có một tầm nhìn cục bộ về sức mạnh cũng như về quyết tâm của phía Pháp: ông Thuyết xem việc đối đầu trực diện về quân sự là một giải pháp.
Ngày 19 tháng 7 [vua Tự Đức băng hà], hai ông Tường và Thuyết thống nhất được một điểm: phải loại bỏ hoàng thân Ưng Chân, người sẽ kế vị. Vị vua tương lai đã cho hai quan Phụ chánh một cái cớ lý tưởng khi mắc phải một sai lầm nguy hiểm, ngài đề nghị bỏ bớt đi trong di chúc của vua Tự Đức những cụm từ phê phán người kế vị: “dù cho có tìm cách che giấu thì kẻ kế nghiệp có bệnh về mắt, về lâu về dài sẽ có thể không còn nhìn thấy được; không biết tự thẹn, lại không có ý thức đạo lý sâu sắc, kẻ kế vị hẳn nhiên sẽ chẳng làm được gì lớn lao cho vương quốc”109. Các vị Phụ chánh không nói gì cả và như thể, về nguyên tắc, chấp nhận đề nghị. Nhưng vào ngày 21 sau đó, khi Phụ chánh Trần Tiễn Thành tuyên đọc di chúc, các quan ngự sử, được hai ông Thuyết và Tường cảnh báo, tố cáo sự phạm thượng khi quân khi di chúc gốc đã không được tôn trọng và tuyên bố người chuẩn bị kế vị mất tư cách thừa kế: kẻ mất ngôi bị bắt giam tức thì, đưa ra xử án trảm và giam “cấm cố” (sic). Nghĩa là giam ngục tối và không được nuôi ăn đầy đủ: kẻ bị xử qua đời vào ngày 6 tháng 10 năm 1883. Triều đình kinh hãi với thái độ của Tôn Thất Thuyết nhưng không một ai dám lên tiếng, ngoại trừ quan Ngự sử Phan Đình Phùng, vị này cũng bị bắt giam và bãi chức. Vững tin với vị thế hành động, hai Phụ chánh Thuyết và Tường gạt ông Trần Tiễn Thành sang một bên và nắm thực quyền ở triều đình. Mà vị nào sẽ thay thế cho Dục Đức đây? Tường nghiêng về hoàng thân Ưng Đăng, trong khi Thuyết lại nghiêng về hoàng thân Hồng Dật, người con thứ mười một của vua Thiệu Trị và là em cùng cha khác mẹ của vua Tự Đức. Về mặt hình thức, người được đề nghị kế ngôi phải được sự chuẩn thuận của hai hoàng thân lớn tuổi [như đã nói ở trên] và các hoàng hậu. Vị vua kế nghiệp lên ngôi ngày 30 cùng tháng với niên hiệu là Hiệp Hòa: ngày hôm đó và những ngày kế tiếp, mặt trời lên với mây mù xám xịt, điềm trời làm cho vua lo lắng. Những bậc thầy [chiêm tinh] uyên bác được mời đến tham vấn, dựa theo sách xưa của người Trung Hoa, cho rằng đó là điềm báo hiệu một triều đại ngắn ngủi. Lo lắng cho tương lai của gia tộc, vua Hiệp Hòa lấy của cải từ trong kho báu và phân phát hết mực có thể cho tất cả vợ con110. Chính trong bối cảnh bất ổn như vậy của triều đình Huế mà, tháng tiếp theo, sẽ mở màn chiến dịch của đề đốc Courbet.
109 Adolphe Delvaux, “Quelques précisions sur une période troublé de l’histoire d’Annam”, BAVH, 1941-III, p. 231
110 DG: Tất cả đoạn vừa rồi liên quan đến những sự kiện ở triều đình Huế sau khi vua Tự Đức băng hà, tác giả bản gốc không cung cấp nguồn tư liệu. Độc giả có thể tham khảo các nguồn sử liệu để đối chiếu các sự việc được kể lại, vì có rất nhiều “dị bản” về giai đoạn “Tứ nguyệt Tam vương”.
Việc dương oai áp lực mà Harmand đã dự trù để buộc vua Tự Đức phải chấp nhận chế độ bảo hộ, lúc đầu đã không được Paris thông qua, rồi chỉ chấp thuận vào ngày 18 tháng 7, một ngày trước khi vua Tự Đức băng hà. Lực lượng chiến thuyền của Pháp xuất hiện trước đồn lũy ở cửa Thuận An từ ngày 16 tháng 8, không tính đến những biến cố đang diễn ra ở trong Hoàng thành: các khẩu pháo từ tàu chiến Pháp bắt đầu bắn phá hai ngày sau đó. Ngày 20, lính thủy quân Pháp đổ bộ rồi chiếm các đồn lũy. Ngay tối hôm đó, các vị sứ thần An Nam đến tận nơi để mở cuộc thương thuyết. Các ông Nguyễn Trọng Hiệp và Trần Đình Túc, có giám mục Caspar tại Huế đi cùng, đã đạt được việc ngừng bắn với lời hứa [phía Việt Nam] sẽ có trao đổi nghiêm túc tại kinh thành Huế. Công sứ Jules Harmand, có Palasne de Champeaux, giờ đã là Thanh tra Vụ Bản địa và “thông thạo tiếng An Nam”, tháp tùng, thiết lập lại phái bộ tại Huế và gửi một tối hậu thư cho triều đình An Nam. Triều đình vào thế cùng buộc phải ký kết văn bản gọi là hiệp ước Harmand vào ngày 25 tháng 8 năm 1883 [còn gọi là “Hòa ước Quý Mùi”] theo đó nước Việt Nam chấp nhận chế độ bảo hộ của Pháp, rút quân vùng Bắc bộ về lại ngay, công nhận chế độ hành chính thuộc trị đặc biệt của vùng Bắc bộ, nơi sẽ có các công sứ Pháp đồn trú, và chấp nhận tỉnh Bình Thuận thuộc về Nam Kỳ, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh thuộc về Bắc bộ. Ông Champeaux sẽ ở lại Huế với tư cách Công sứ.
Nắm biết được vai trò của Tôn Thất Thuyết trong việc đưa bản thân lên ngôi, và vì lo sợ bản tính hung dữ của ông Thuyết, vua Hiệp Hòa bề ngoài tỏ vẻ kính trọng ông Thuyết, dù là ở chốn riêng tư hay nơi bá quan văn võ, nhưng nhà vua vẫn tìm nhiều cách để thoát khỏi sự kiểm soát của hai ông Thuyết và Tường. Vua Hiệp Hòa mong muốn trao đổi với phía Pháp mà không phải qua sự trung gian của ông Tường hay một trong những người thân tín của ông này: nhà vua chỉ định hoàng thân Tuy Lý để thay mặt đi gặp các vị đại diện của Pháp, theo đó nhà vua bày tỏ mong muốn tiếp kiến công sứ Champeaux. Nhà vua thấy ông Phụ chánh thứ ba Trần Tiễn Thành có thể là một nhân vật đồng minh cho dù ở vị thế yếu. Vào cuối tháng 9 cùng năm, diễn ra lễ tang của vua Tự Đức, là cơ hội cho phe chống Pháp [hay “chủ chiến”] tập hợp và âm mưu phế truất vua Hiệp Hòa, bị cho là đã chấp nhận hòa ước Harmand và tuân thủ hòa ước này. Để chống lại hành động của hai vị Phụ chánh [Tường và Thuyết], vua Hiệp Hòa quyết định tiếp cận gần hơn với nước Pháp và định ra ngày giờ sẽ tiếp công sứ Pháp. Ngày 29 tháng 11, vua Hiệp Hòa tiếp kiến ông Champeaux tại điện Văn Minh gần như riêng tư. Nhưng vì sự hiện diện của quan lại triều đình, vua Hiệp Hòa không thể trình bày rõ những mong muốn của bản thân. Sau buổi tiếp, nhà vua gửi thư riêng cho ông Champeaux: thư rơi vào tay những thuộc hạ của Nguyễn Văn Tường. Ngay đêm hôm đó, vua Hiệp Hòa bị bắt giữ, buộc tội thâm lạm công quỹ, không chịu nghe những khuyến cáo của các quan Phụ chánh và có chủ ý giao đất nước cho người Pháp. Vua tức thì bị kết án tử và bị buộc phải tự sát (ngày 30 tháng 11)111. Với sự ra đi của vua Hiệp Hòa, các quan Phụ chánh không còn cảm thấy bị ràng buộc bởi hòa ước Harmand: trong tư duy chính trị của người Việt [thời đó], cái chết của người đứng đầu ký kết [hòa ước] là nhà vua, làm cho hòa ước mất hiệu lực112. Về phần quan Phụ chánh Trần Tiễn Thành, ông bị bãi chức và rồi những tay chân của ông Tôn Thất Thuyết, nổi danh là lực lượng “thân nghĩa” (sic), đã ra tay sát hại ông Thành ngay tại tư dinh.
111 Adolphe Delvaux, “Quelques précisions […]” op.cit. p. 243-244; E. Le Bris, “Complainte annamite sur la prise de Húe par les Français”, BAVH, 1942-I, p. 12-13.
112 Lucien Huard, La Guerre du Tonquin, Paris, éd. La Guerre illustrée, L. Boulanger, s.d. (1887), p. 367-370; Adolphe Delvaux, “La Légation de France à Hué et ses premiers titulaires (1875-1893)”, BAVH, 1946-I; p. 48. Même chose pour le traité Patenôtre (6 juin 1884): “le régent répondit que le traité n’existait plus, puisque son signataire était mort…”, H. Cosserat, “Comment on écrit l’histoire […]; op.cit. p. 280.