Trong đêm ngày 29 tháng 11 năm 1883, hai ông Tường và Thuyết tiếp tục hành động thay vua đổi ngôi: gạt sang bên hoàng tử Ưng Kỷ (tự là Chánh Mông) dù vị này đã 19 tuổi và là người con nuôi thứ hai của vua Tự Đức, hai vị Phụ chánh chọn hoàng tử Ưng Đăng (tự là Dưỡng Thiện): vị này lúc đó đang phải ngụ tại lăng Tự Đức theo như nghi thức tang lễ truyền thống dành cho nhà vua quá cố. Triều đình phải cho người đến lăng rước về trong đêm, bố trí vào ngụ trong một điện của Tử Cấm Thành. Sáng hôm sau, vào lúc bình minh ngày đầu tiên của tuần trăng thứ 11 (ngày 30 tháng 11 năm 1883), Ưng Đăng được đưa lên ngôi, lấy niên hiệu là Kiến Phúc113. Việc chọn vua như thế là một thuận lợi rõ rệt cho Nguyễn Văn Tường, vốn có những mối quan hệ rất tốt đẹp với mẹ của nhà vua mới lên ngôi. Vị vua trẻ, vốn hay đau ốm, chẳng có chút quyền lực nào và hoàn toàn dưới sự điều khiển của hai vị Phụ chánh [Tường và Thuyết], những người lãnh đạo thực sự đất nước. Phái bộ Pháp chỉ được thông tin về việc loại bỏ vua Hiệp Hòa và đưa lên ngôi vua Kiến Phúc vào sáng ngày 30 [tháng 11/1883]. Nhưng, ngược lại với những gì công sứ Champeaux và giới chức Pháp sẽ nói lúc đó và sau này, không có điểm nào trong hòa ước Harmand buộc triều đình Huế phải có được sự chấp thuận của phía Pháp trong việc chọn lựa người kế vị vương quyền An Nam. Tôn Thất Thuyết nghĩ rằng đã đến thời điểm hô hào dân chúng An Nam nổi dậy chống Pháp, đã dự trù những diễn biến tiếp theo qua việc tổ chức một cuộc tấn công vào giáo dân, với sự huy động lực lượng dân quân đoạn kiết [sic]. Nguyễn Văn Tường thành công trong việc vận động được phong Đệ Nhất Phụ chánh, theo với những tính toán về thời cơ chính trị và quân sự, đã chống lại kế hoạch của Thuyết và cố gắng giảm thiểu những hệ quả [từ hành động của Thuyết]. Tuy nhiên, hàng trăm người [có đạo] đã bị tàn sát ở Thanh Hóa và vùng phía nam của Huế vào đầu tháng 12 năm 1883. Chính chiến dịch mở ra ở Bắc bộ [của phía Pháp] đã làm tắt ngấm những hy vọng của Tôn Thất Thuyết, và như thế, chủ trương của ông Tường là đúng.
113 Năm âm lịch Quý Mùi (1883) kết thúc với năm thứ 36 của triều vua Tự Đức, năm tiếp theo Giáp Thân (1884) là năm thứ nhất triều vua Kiến Phúc.
Chính trong giai đoạn trị vì này [của vua Kiến Phúc] mà nước Pháp hoàn toàn khuất phục nước Việt Nam. Jules Harmand được đề cử Tổng ủy viên Nhà nước Cộng hòa vào ngày 7 tháng 6 năm 1883: khi ông đến Bắc bộ, ông có dưới trướng tướng Bouët, chỉ huy lực lượng viễn chinh, sau đó vị này được thay thế bởi tướng Bichot, rồi tiếp đó đến lượt tướng Courbet. Từ ngày 7 tháng 6 đến ngày 1 tháng 12 (1883), thời điểm mà Harmand từ chức, ông Harmand chính là vị chủ nhân thực sự của vùng Bắc bộ. Thời gian lưu trú tại chức tuy ngắn ngủi nhưng chính Harmand là người đã thiết lập ra hệ thống và con người [cai trị], đặc biệt với Jules Sylvestre, Raoul Bonnal và Brière de L’Isle, những người sẽ biến Bắc bộ thành đất bảo hộ [Bắc Kỳ] trực tiếp thuộc nước Pháp, một quy chế bảo hộ rồi đây sẽ được cụ thể hóa qua Hòa ước Patenôtre.
Nhưng ở Bắc bộ, trong thời gian trị vì của hai vua Hiệp Hòa và Kiến Phúc, tình hình cũng biến chuyển ngay trong nội bộ phía đi xâm chiếm: những mâu thuẫn đấu tranh nội bộ cũng làm Pháp suy yếu và phần nào giải thích thái độ bất nhất: giới quân sự đối đầu với giới dân sự, phái bảo hoàng lại đối đầu với phái theo Gambetta114, phái cộng hòa lại đối đầu với phái theo Boulanger115, lực lượng trên bộ đối đầu với binh chủng hải quân, lực lượng châu Phi đối đầu với giới sĩ quan trong nước… Và đó là một sự thể trường kỳ ở vùng Đông Dương: nhân sự người Pháp, quân sự và dân sự, giới nhà báo và giới chính trị, chia phe chia phái để tranh chấp cắn xé nhau. Khoảng mười lăm năm sau, tướng Lyautey, khi rời Hà Nội, đã bộc bạch rõ nhất có thể:
114 DG: Léon Gambetta (1838-1882): chính trị gia Pháp rất có ảnh hưởng giai đoạn diễn ra chiến tranh Pháp-Phổ (1870-1871) và sau đó.
115 DG: Georges Boulanger (1837-1891), một vị tướng và là một chính khách hiếu chiến, đã khởi xướng một phong trào chính trị về sau trở thành một mối đe dọa đối với nền Đệ Tam Cộng hòa của Pháp.
“Và tất cả chúng tôi đều có chung một cảm giác thoải mái, trở lại cuộc sống bình thường, khi thoát ra khỏi một lũ xâm xâm muốn ăn thịt người. Thực sự là như vậy, tôi không nói quá đâu, vì, theo với thời gian, khi nhìn lui lại, chúng tôi lại càng nhận thức rõ hơn về không khí thối tha hiện nay ở Hà Nội: sự thể ở đây như vậy là do từ những ô dù bí ẩn ở những cấp rất cao, dựa vào đó xuất hiện những oán thù dữ tợn nhất và hèn mạt nhất chống lại vị Toàn quyền [Pháp] cùng những người thân cận của ông.”116
116 Maréchal Lyautey, Lettres du Tonkin et de Madagascar (1894-1899), Paris, Armand Colin, 2è édition, 1921, p. 395-396.
Do từ nhu cầu trên thực địa [của vùng chiếm đóng], giới quân sự Pháp đã lấn lướt trở lại giới cầm quyền dân sự: ngày 25 tháng 10 năm 1883, Đô đốc Courbet [1827-1885] được chỉ định là chỉ huy tối cao các lực lượng Pháp, cả dân sự và quân sự. Courbet gây khó khăn cho [Tổng ủy] Jules Harmand, ông này buộc phải từ chức vào ngày 1 tháng 12 sau đó. Các chức năng chính trị dân sự cũng như về mặt hành chính do Jules Sylvestre đảm trách từ đó, với một sự thay đổi lớn, đó là sự lãnh đạo Dân sự vụ (Affaires civiles sic) được đặt dưới quyền chỉ huy của đô đốc Courbet. Rồi mọi người cũng nhận ra ngay: vị tướng cầm quân này chẳng có hiểu biết gì về đất nước [đang chiếm đóng], nhất là chẳng có cái khôn ngoan chính trị của con người ở cánh dân sự… Vào tháng 2 năm 1884, việc chỉ huy chuyển từ tay đô đốc phe bảo hoàng Courbet sang tay tướng Millot thiên về phái của Gambetta, như thế lực lượng hải quân nay phải phục tùng lực lượng bộ binh, đồng thời phái cộng hòa thắng thế hơn so với cánh hữu Thiên Chúa giáo. Phải nói là Millot đặt chân đến đất Đại Nam với lực lượng viện binh hùng hậu hơn, nâng tổng số quân viễn chinh lên đến 16.000 người. Đó là sự phục hận của cánh dân sự, vì Jules Sylvestre trở thành người thân cận, rất gần gũi với tướng Millot, theo đó trở thành nhà cố vấn chính của vị tướng.
Thời gian đầu của triều đại vua Kiến Phúc, trên thực địa, người Pháp không những nắm chắc khu vực trung tâm của đồng bằng Bắc bộ với Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định, mà nay lại còn chiếm luôn, từng vùng một, các tỉnh thành vốn còn kháng cự. Phía Việt Nam, việc tiến hành các chiến dịch, về mặt lý thuyết, là thuộc quyền của Tổng thống quân vụ Hoàng Tá Viêm, là người chỉ huy cao nhất của quân triều đình ở Bắc bộ, đóng ở hậu cứ của trận địa Hưng Hóa. Tướng Viêm còn có sự hỗ trợ của quân Trung Hoa với sự chỉ huy của tướng Xu Yanxu [Từ Diên Húc], tổng đốc tỉnh Quảng Tây, đã thiết lập chỉ huy sở ở Lạng Sơn. Ngày 16 tháng 12, sau một cuộc hành quân gian khổ, đô đốc Courbet, vì mong muốn trả thù cho cái chết của Rivière, chiếm lấy thành Sơn Tây của tướng Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc.
Sau khi thành này bị chiếm, ngay từ cuối năm 1883, thành phố Bắc Ninh với thành lũy vững chắc, đã trở thành đầu não chính trị của lực lượng kháng chiến, đồng thời, từ nhiều tháng trời, đã trở thành trung tâm triển khai các lực lượng Trung Hoa: những vị chỉ huy chủ yếu đã biến nơi đây thành tổng hành dinh. Trong số này, phía Việt Nam có Trương Quang Đản [1833-1914], Tĩnh biên phó sứ phụ trách ổn định vùng biên cương [về sau sẽ thăng Tổng đốc Bắc Ninh], phía Trung Hoa có Huang Guilan [Hoàng Quế Lan], Zhao Wo, chỉ huy các lực lượng chính quy của tỉnh Quảng Tây, và Lưu Vĩnh Phúc, chỉ huy quân Cờ Đen. Phái viên thường trú của tờ Standard, được ông Macartney, thư ký của sứ quán Trung Quốc, cho biết là tại Bắc Ninh “con số các lực lượng tập trung trong thành lũy và vùng xung quanh lên đến 20.000 quân, không kể lực lượng đang tập trung ở vùng biên giới. Chẳng có nhiều khả năng là lực lượng [quân Trung Hoa] rút khỏi thành [Bắc Ninh]. Phía Pháp biết rất rõ lực lượng Trung Hoa đang chiếm đóng thành Bắc Ninh là quân chính quy”117. Vào cuối tháng 2 năm 1884, triều đình Huế gửi một phái đoàn ra Bắc bộ, do Đoàn Văn Hội, Thượng thư Bộ Công dẫn đầu, đi cùng có vị Thượng bảo khanh118 Hoàng Hữu Tường của Nội các (sic). Hoàng Hữu Tường, với mục đích nêu rõ là “thiết lập trên những nền tảng vững chắc mối quan hệ hữu nghị và hòa bình […] giữa nước Pháp và xứ An Nam” theo đúng với hòa ước Harmand: phái đoàn triều đình được viên chỉ huy mới của lực lượng viễn chinh Pháp, tướng Charles-Théodore Millot, tiếp kiến, với sự có mặt của Jules Sylvestre và Nguyễn Hữu Độ, Tổng đốc Hà Nội. Nhưng mục đích thực sự của phái đoàn triều đình Huế đó là, trong khả năng có thể, loại trừ đi những thành phần thân Pháp trong bộ máy hành chính tại chỗ và kích động cuộc kháng chiến [chống Pháp]. Ngoài ra, ngược lại với điều 1 của Hòa ước Harmand119, triều đình Huế còn bí mật liên hệ trực tiếp với Trung Hoa: khi chiếm Lạng Sơn (14 tháng 2 năm 1885), phía Pháp đã phát hiện những tài liệu chứng minh việc các quan Phụ chánh tiếp tục duy trì những mối quan hệ mật, theo lối chư hầu-Thiên Triều, với Bắc Kinh và chính quyền tỉnh Quảng Tây. Một trong những tài liệu này không gì khác là phúc đáp, ghi ngày 31 tháng 3 năm 1884, đã tiếp nhận, từ triều đình Huế, đề nghị hoàng đế Trung Hoa tấn phong cho vua Kiến Phúc120.
117 Cité dans Jean Dupuis, Le Tonkin de 1872 à 1886, Histoire et politique, Paris, Challamel, 1910, p. 467.
118 DG: Xem Thượng bảo tự thời triều Nguyễn, Wikipedia.
119 “L’Annam reconnait et accepte le protectorat de la France, avec les conséquences de ce mode de rapport au point de vue du droit diplomatique européen, c’est-à-dire que la France présidera aux relations avec toutes les puissances étrangères, y compris la Chine, avec le gouvernement annamite, qui ne pourra communiquer diploma- tiquement avec lesdites puissances que par l’intermédiaire de la France seulement” (Jules Sylvestre, “Politique française dans l’Indochine” (op.cit.XI, 82).
120 Jules Sylvestre, “Politique française dans l’Indochine” (op.cit.XI, p. 736).
Dù lực lượng [Việt Nam và Trung Hoa] tập trung nhiều quân ở Bắc Ninh, thành này vẫn được [phía Pháp] chiếm lấy gần như không gặp kháng cự nào, vào ngày 12 tháng 3 năm 1884, tiếp theo chiến thuật bao vây do tướng Millot đề ra. Chiến dịch bắt đầu vào ngày 7 tháng 3, xuất phát từ Hà Nội: đoàn quân của tướng Brière de l’Isle băng qua sông Đuống (canal des Rapides sic) và chiếm lấy các đồn lũy tại Trung Sơn. Trong khi đó, tướng Négrier đến từ mạn đông với chiến thuyền đi ngược lên sông Cầu và đổ bộ ở Đáp Cầu. Thành Bắc Ninh không còn kháng cự: quân Việt Nam và Trung Hoa bỏ thành vì sợ bị vây hãm, đồng thời bị rối loạn bởi các lực lượng thất thủ ở Trung Sơn và Đáp Cầu rút lui trong hỗn loạn. Quân Việt Nam rút về Hưng Hóa, quân Trung Hoa thì bỏ chạy về hướng tây-bắc. Phía Pháp thu được một lượng chiến lợi phẩm khổng lồ còn nguyên vẹn:
“hơn một trăm khẩu pháo, một giàn pháo Krupp chưa được sử dụng, một súng máy Christophe được quân Trung Hoa sơn bóng hai màu đỏ đen, hàng ngàn súng trường nạp đạn dạng khóa nòng, hàng núi đạn dược, quân trang quân dụng đủ loại và khoảng ba mươi lệnh kỳ trong số đó có sáu chiếc của quân Trung Hoa và một chiếc của tướng chỉ huy”121.
121 Jules Sylvestre, “Politique française dans l’Indochine” (op.cit.X, p. 583-584); Général Ardant du Picq, “Histoire d’une citadelle annamite, Bắc Ninh”, BAVH, 1935- III/IV, p. 351.