Theo lệnh tướng Millot, tướng Brière de l’Isle tiến chiếm Thái Nguyên (19 tháng 3) và Hưng Hóa (12 tháng 4). Thất bại liên hồi, lực lượng kháng cự [phía Việt Nam] tan rã và Hoàng Tá Viêm phải về lại Huế. Với những trận thua liên tiếp, nước Trung Hoa buộc phải ký Hòa ước Thiên Tân (11 tháng 5 năm 1884) theo đó Thiên Triều cam kết từ bỏ các “quyền thống trị chư hầu” (droits de suzeraineté sic) đối với nước Việt Nam và rút tất cả các lực lượng ra khỏi Bắc bộ. Hai nhân vật nắm thực quyền tại triều đình Huế, các quan Phụ chánh Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đành phải chấp nhận một hòa ước mới, hòa ước Patenôtre (6 tháng 6 năm 1884): buộc triều đình Huế phải nhìn nhận chế độ bảo hộ của Pháp, cho phép một lực lượng Pháp đồn trú ở một nơi thuộc Thành Nội, là đồn Mang Cá, chuyển sự cai trị trên thực tế vùng Bắc bộ cho phía Pháp và hủy bỏ sự lệ thuộc chư hầu đối với nước Trung Hoa. Và như thế nền độc lập của nước Việt Nam kết thúc. Trước buổi lễ chuẩn thuận hòa ước Patenôtre với sự hiện diện của các ông Nguyễn Văn Tường và Phạm Thận Duật đã diễn ra việc phá hủy ấn tấn phong của nhà Thanh ban cho vua Gia Long, vua nước Việt, là biểu tượng của sự thần phục [Thiên triều]: ấn triện là một khối bằng bạc mạ vàng có cạnh khoảng mười centimét, có ghi bằng chữ tiếng Mãn Châu và tiếng Hoa về tước hiệu ban cho vua chư hầu, trang trí bên trên là nắm tay hình con lạc đà khom mình, cân nặng tương đương với 240 pesos, nghĩa là vào khoảng 6 kilô. Những ngày hôm đó, dường như Jules Patenôtre đã nhiều lần, và cho đến phút cuối, thử tìm cách ngăn không cho nấu chảy ấn triện [của nhà Thanh ban] vì xem đây là một báu vật cần phải giữ lại và gửi về Pháp, nhưng Nguyễn Văn Tường cương quyết không đồng ý vì những lý do mang tính biểu tượng122. Ngay sau khi ký hòa ước, Jules Sylvestre, là người có hiểu biết sâu sắc về văn hóa chính trị giữa Việt Nam và Trung Hoa, đã tức thì lệnh cho các phòng ban của mình từ đây không còn dùng chữ “hoàng đế” (empereur sic) khi nói về người đứng đầu vương triều An Nam, thay vào đó luôn luôn dịch định danh Hoàng Đế (Huangdi trong tiếng Hoa) bằng từ “vua” (“roi” sic, đối với các “vua An Nam” từ đó…): vận dụng lại thuật ngữ định danh theo lối [tôn ti] Trung Hoa [“Hoàng đế” trong tương quan với các “vương hầu”], chính là [phía Pháp] muốn khẳng định lại một cách rạch ròi tư cách được bảo hộ của “vua xứ An Nam” trong tương quan với quyền lực thống trị [puissance suzeraine sic] giờ đây trong tay nước Pháp123.
122 Rheinart, “Journal,…”, op.cit., lettres d’avril-mai 1874, p. 146 et 169, Annexe 17, p. 225; Lucien Huard, La Guerre du Tonquin, op.cit., p. 307-309; Jean Dupuis, Le Tonkin de 1872 à 1886 […], op.cit. p. 484-485; Adolphe Delvaux, “La Légation de France à Hué […]”, op.cit.p. 51; Jules Sylvestre, “Politique française dans l’Indochine”, op.cit. X, p. 620.
123 Archives Affaires étrangères MD Asie 43, f°19.
Tiếp theo sau một cuộc đọ súng không có thương vong giữa quân Trung Hoa đang trên đường rút lui với lực lượng Pháp ở Bắc Lệ vào ngày 23 tháng 6 năm 1884, đối đầu quân sự lại tiếp diễn giữa hai nước Pháp và Trung Hoa. Triều đình Huế lại nuôi hy vọng [kháng Pháp]: hai ông Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường nghĩ đã đến lúc phải nắm lấy cơ hội để xem xét lại vấn đề hòa ước Patenôtre. Hoàng đế An Nam [Kiến Phúc] cho dù không muốn cũng đã dính líu đến hòa ước này, bị Nguyễn Văn Tường đầu độc vào ngày 10 tuần trăng thứ 6 (ngày 31 tháng 7 năm 1884). Về chuyện kế vị, hai quan Phụ chánh [Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết] chọn một người trẻ tuổi, hoàng tử Ưng Lịch mới lên 13. Theo cách nhìn của nhiều hoàng thân quốc thích trong hoàng tộc, và theo như [tinh thần] di chiếu của vua Tự Đức, việc lựa chọn như vậy rõ ràng là thiên vị: Ưng Lịch không phải là con nuôi của vua Tự Đức trong khi Ưng Kỷ [về sau sẽ là vua Đồng Khánh] đang ở hàng ưu tiên trong thứ tự kế ngôi theo di chiếu. Nhưng Ưng Kỷ lại có duy nhất một “nhược điểm” theo con mắt của hai quan Phụ chánh, đó là đã ở tuổi trưởng thành, điều có thể dẫn đến việc bãi bỏ Hội đồng Phụ chánh. Tổng trú sứ Rheinart chỉ được thông tin sau khi vụ việc xảy ra, dù vị công sứ đã cho biết việc lựa chọn người kế vị chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến của chính quyền bảo hộ. Để sang một bên yêu cầu được tham vấn [từ phía Pháp], một việc chẳng hề được minh định trong các hòa ước trước đó đã ký, các quan Phụ chánh cho tổ chức lễ lên ngôi vào ngày 2 tháng 8 năm 1884: vị vua còn trẻ tuổi lấy niên hiệu là Hàm Nghi, các quan Phụ chánh hy vọng sẽ còn có thể chi phối mọi việc tại triều đình. Người Pháp, vì nhắm đến hoàng tử Gia Hưng, một người khác trong hoàng tộc có thể kế ngôi, đã đe dọa sẽ can thiệp [vũ lực] ngay bên trong Hoàng thành. Nhưng dù đồng ý việc lễ lên ngôi chính thức sẽ diễn ra vào ngày 17 tháng 8 với sự hiện diện của quan chức Pháp, các quan Phụ chánh cũng không nhượng bộ về việc đã chọn Ưng Lịch124. Điều này cũng đi đến một sự thỏa hiệp: cũng cần lưu ý việc tái đụng độ với nước Trung Hoa đặt phía Pháp vào một tình huống khó khăn và tướng Millot đã khuyên Rheinart nên có một thái độ hòa hoãn. Một thái độ chỉ là tạm thời…
124 Rheinart, “Journal,…”, op.cit., p. 173-181, et Pièce 24, p. 234-246; Jules Sylvestre, “Politique française dans l’Indochine”, op.cit., X, p. 604, XI, p. 743-744.
Sứ thần Patenôtre (bản vẽ của ông Tôn Thất Sa, theo bức họa trong “La Guerre du Tonkin”, t. 309)125
125 DG: BAVH số 1/1916.
Tướng Courbet được lệnh đưa hạm đội tiến về Trung Hoa: ngày 23 tháng 8 (1884) nã pháo vào thành phố Phúc Châu, nơi có các công xưởng binh khí và đóng tàu của Thiên triều; ngày 24, hai mươi hai chiến thuyền của hạm đội hiện đại của Trung Hoa bị đánh chìm, và ngày hôm sau, công xưởng ở đây bị thiêu rụi. Tiếp đó, hạm đội Pháp lại tiếp cận đảo Đài Loan, bắn phá Cơ Long (Qilong sic) và chiếm quần đảo Bành Hồ (les Pescadores sic). Trung Hoa đáp trả bằng cách gửi quân địa phương trở lại Bắc bộ: Lưu Vĩnh Phúc và Phan Đỉnh Tân [Pan Dingxin, 1828-1888] đóng bộ chỉ huy ở Lạng Sơn. Tướng Brière de l’Isle, thay cho tướng Millot vào ngày 8 tháng 9 năm 1884, đẩy lùi quân Trung Hoa, lấy lại Lạng Sơn (ngày 14/2/1885) và giáng một đòn chí tử cho quân của Lưu Vĩnh Phúc trước thành Tuyên Quang. Trước những thất bại liên tiếp trên chiến trường, Trung Hoa đã tiếp xúc với Paris để chấm dứt chiến tranh và quay trở lại với hòa ước Thiên Tân.
Ngay cả vụ việc tại Lạng Sơn (ngày 28 tháng 3) cũng không thay đổi cục diện đang diễn ra: việc rút quân tại đây, xét về mặt quân sự chẳng mấy quan trọng, thế nhưng bị thổi phồng với các điện tín đầy lo lắng của [viên trung tá Paul-Gustave] Herbinger [1839-1886] và theo đó là điện tín vụng về của Brière de l’Isle, tiếp đó đến lượt các phóng viên báo chí bóp méo, tất cả đã có tác động rất lớn đến [chính trường] tại thủ đô Paris và nước Pháp. Hậu quả là sự ra đi của nội các Jules Ferry126. Sự việc không phải là không liên quan đến chủ đề [“kho báu”] chúng ta đang bàn, vì lẽ, theo dòng sự kiện lúc bấy giờ, xuất hiện từ “kho báu” trong các bức điện tin nhanh và báo chí ngay tại Pháp, liên quan đến kho báu hay kho tàng của Lữ đoàn 2, chứ chẳng liên quan gì đến “kho báu [triều đình] Huế”. Chuyện kho báu Lữ đoàn 2 này đáng cho chúng ta dành thời gian đề cập.
126 Lucien Huard, La Guerre du Tonquin, op.cit., p. 678-716.