Ít lâu sau khi chiếm được Lạng Sơn, tướng De Négrier, vì muốn kết thúc chiến dịch chống quân Trung Hoa, đã cùng lữ đoàn 2 tiến về vùng biên giới của nhà Thanh. Ở đây, sau những trận đánh gian khổ, quân Pháp bị chặn lại ở ải Nam Quan ngày 24 tháng 3. Tướng Négrier buộc phải lui quân về Kỳ Lừa, nơi sẽ dựng lên tuyến phòng thủ, và ngày 28 tiếp theo gây những tổn thất lớn cho quân nhà Thanh. Nhưng tướng Négrier bị trọng thương phải nhường quyền chỉ huy cho trung tá Herbinger là người vốn không giỏi về chiến thuật điều binh, lại thêm đang bị sốt rét: người chỉ huy mới không có khả năng đánh giá tình hình thực tế chiến trường vốn chẳng có gì phải lo lắng thái quá, vì lẽ lúc đó quân nhà Thanh đang trên đà rút lui. Vào lúc 5 giờ tối [ngày 28/3] không nắm được tình hình và mất bình tĩnh nên trung tá Herbinger lệnh cho quân lính bỏ Lạng Sơn, lui về hướng nam, theo hướng Đông Sơn và Thành Mọi. Để trần tình, Herbinger gửi các bức điện khẩn cho cấp trên. Cuộc lui binh lại càng vội vàng hấp tấp khi Herbinger tin rằng lực lượng Trung Hoa rất đông và đang đuổi theo quân Pháp. Ngay từ đầu cuộc rút lui, để có được nhiều phu phen gánh người bị thương, Herbinger đã ra lệnh vứt lại tất cả quân trang quân dụng, vứt cả xuống sông Kỳ Cùng (vốn tắm tưới cho vùng Lạng Sơn), nào là các khẩu sơn pháo của đại úy Martin, nào là bột mì dự trữ, và cả các hòm tiền thuộc kho lẫm của lữ đoàn. Trong báo cáo của mình, Herbinger nói đã chọn “chỗ rất sâu của con sông Ki-Cong (sic) [để vứt bỏ quân lương của cải]”. Rồi Herbinger lại mắc thêm những sai lầm tồi tệ khác về lượng định tình hình khi ra lệnh rút lui theo hai cánh, hướng về các thị trấn Chũ và Kép. Tóm lại, chỉ trong vòng bốn ngày, người Pháp đã mất tất cả những gì đã chiếm được kể từ ngày 1 tháng 2. Để rồi, ở ngay Bắc bộ và tại Paris, nhanh chóng nổ ra những cuộc đấu khẩu gay gắt về cuộc lui quân [tại Lạng Sơn], về trách nhiệm của trung tá Herbinger và về chuyện kho lẫm của lữ đoàn 2 quân Pháp. Giá trị của cải kho lẫm này không được ước tính chính xác, có người nói là 350.000, là 130.000 hay có thể là 120.000 đồng piastres (khoảng 600.000 quan Pháp), “phỏng chừng 500.000 quan Pháp”, hay đến là “600.000 quan Pháp bằng tiền piastres mà người phụ trách chi trả [lương lính] đã nhận được ba ngày trước đó [trước thời điểm rút lui]127”. Chẳng thể nào biết được sự thật, vì lẽ, về đến Thành Mọi, Herbinger đã có một quyết định thật lạ lùng: hủy tất cả sổ sách kế toán liên quan đến kho lẫm của lữ đoàn128. Những người bảo vệ cho Herbinger đưa ra ý kiến rằng, quân Trung Hoa đã không đuổi đánh đám quân Pháp trên đường rút lui, vì có thể chỉ để tâm vào chuyện vớt súng ống, tiền bạc, của cải từ dưới sông lên. Dù chuyện thu hồi [chiến lợi phẩm về phía Trung Hoa] không có gì là chắc chắn, câu chuyện cũng đã xuất hiện trong một bài báo của tờ Le Temps vào tháng 8 năm 1885 do một nhà báo người Anh đưa tin theo lời kể của một sĩ quan Trung Hoa:
127 Lettre du capitaine Petitjean-Roger du 11 avril 1885, citée par H.Cosserat, “Lettres du capitaine d’infanterie de marine J. Petitjean-Roger, Cochinchine, Annam, Tonkin (1880-1885)”, BAVH, 1932-III, p. 364; Lucien Huard, La Guerre du Tonquin, op.cit., p. 701; Dick de Lonlay, Au Tonkin, 1883-1885, Paris, 1889, p. 533; Lieutenant-colonel Bonifacy, A propos d’une collection de peintures chinoises représentant divers épisodes de la guerre franco-chinoise de 1884-1885, Paris, Explosion coloniale internationale, 1938, p. 31.
128 Rapport du colonel Borgnis-Desbordes, 24 avril 1885, cité dans Lucien Huard, La Guerre du Tonquin, op.cit., p. 1013. Le capitaine Petitjean-Roger qu’il a, lui, fait retraite vers Chũ, mais, “bien entendu, avec l’argent de la Compagnie et la comptabilité” (H.Cosserat, “Lettres du capitaine […]”, op.cit. p. 364.
“Thật may mắn cho họ [người Pháp], việc bỏ lại quân trang cũng như của cải tiền bạc của quân đội, với số tiền vứt xuống sông lên đến 350.000 đôla, đã hấp dẫn đến mức quân Trung Hoa lựa chọn việc vớt lên thu lượm thay vì rượt đuổi quân Pháp”129.
129 Cité dans Lucien Huard, La Guerre du Tonquin, op.cit., p. 1006 (note).
Năm 1931, đại tá Bonifacy, không cung cấp nguồn tin là từ đâu, sẽ nói là các khẩu pháo được vứt xuống ở một khúc sông không sâu vì [súng ống] “nổi lên mặt nước”. Từ sự thể như thế, quân Trung Hoa đã đuổi theo đến đây, những ngày sau đó thu hồi súng ống và qua đó phát hiện ra các hòm tiền130. Cách diễn giải như vậy có lẽ nằm trong số muôn vàn câu chuyện được thoải mái tưởng tượng và không sao kiểm chứng được, xuất phát từ một chương hồi [chiến tranh của nước Pháp] chẳng mấy vẻ vang.
130 Lieutenant-colonel Bonifacy, A propos d’une collection de peintures chinoises […], p. 31.
Thật thế, có một nguồn chứng ít được biết và đáng quan tâm hơn, nói ngược lại thuyết cho rằng quân Trung Hoa đã thu hồi kho lẫm quân Pháp vứt lại. Hơn năm mươi năm sau vụ việc, cũng ở ngay địa bàn chiến cuộc liên quan, quân đội Pháp lại có thêm một kinh nghiệm gần như tương tự với thảm kịch đã xảy ra trước đó, dẫn đến việc khám phá ra “kho báu” của lữ đoàn 2 quân Pháp. Vào thời điểm Đô đốc Decoux, Toàn quyền Đông Dương và Đại sứ Nhật Nishihara vừa ký kết một công ước quân sự Pháp-Nhật (22 tháng 9 năm 1945), tướng Nakamura, chỉ huy sư đoàn số 5, từ Quảng Tây (đội quân Quảng Đông) vượt biên giới và chốt biên phòng nhỏ bé để đi vào Bắc bộ. Buộc lực lượng Pháp phải rút về lại theo con đường như vào năm 1885, và rồi cũng ở chính khúc sông trước đây, tướng Mennerat đã cho nhấn chìm khóa nòng của giàn súng 155 ly. Tướng Nhật Nakamura chiếm Lạng Sơn (25 tháng 9), rồi một tháng sau đó chính phủ Nhật lui bước, cờ Pháp lại tung bay trên thành Lạng Sơn. Quân Pháp do đó có cơ hội đi vớt lên các khẩu pháo, nhưng còn kiếm ra được hơn thế nữa:
“Giới chức quân sự Pháp sau đó quay trở lại địa điểm và cố thu hồi các khóa nòng đã vứt xuống sông: ngoài các bộ phận vớt được lên bờ, người ta còn vớt lên được các hòm chứa tiền bạc của cải thuộc đoàn quân của tướng Négrier. Các hòm chứa hàng ngàn đồng piastres Mễ Tây Cơ bằng bạc, có dấu in phát hành vào năm 1884 và 1885, được bảo quản rất tốt, và tôi đã cho nhập vào kho của Ngân hàng Đông Dương.”131
131 Amiral Decoux, A la barre de l’Indochine. Histoire de mon Gouvernement général (1940-1945), Paris, Plon, 1949, p. 122.
Những thông tin chính xác, về ngày tháng cũng như loại tiền, được Decoux cung cấp, đã chỉ ra các yếu tố liên quan đến việc thu hồi trễ tràng “kho báu” nằm ở sông Kỳ Cùng. Tuy nhiên, chuyện là có thể quân Trung Hoa hay người dân trong vùng đã vớt lên được đâu đó một vài đồng piastres và rồi theo đó truyền miệng nhau câu chuyện [năm xưa] về cái kho báu vô cùng to lớn [có thể còn nằm đâu đó ở đáy sông]…
Dù thế nào đi nữa, cuộc rút lui thảm họa [của quân Pháp ở Lạng Sơn] cũng chẳng có hệ quả gì [đến vận thế thời cuộc], nước Trung Hoa ký lại lần nữa Hòa ước Thiên Tân (ngày 9 tháng 6 năm 1885), long trọng khẳng định lại rằng nước Trung Hoa công nhận chế độ bảo hộ của nước Pháp đối với nước Việt Nam. Triều đình Huế không còn chỗ dựa và rồi, dù muốn hay không, sẽ phải trải qua những điều kiện yêu sách cố tình đặt ra để làm nhục [les fourches caudines sic] của tướng De Courcy và Sylvestre: tướng De Courcy, từ ngày 1 tháng 6 năm 1885, đã lên thay tướng Brière de l’Isle. Và rồi, vì các quan Phụ chánh [Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết] dường như không chấp nhận điều sẽ không sao né tránh được nữa, nay sẽ đến giờ vũ khí vũ lực gióng giả.