Ngày 28 tháng 7, sau chuyến đi dài không mấy chuẩn bị tại Đồng Hới (xem chương 6), Sylvestre và Nguyễn Hữu Độ đặt chân đến Huế. Sylvestre, với tư duy có tính quyết đoán và tổ chức, đã làm thay đổi cục diện tình thế. Sylvestre đến gặp ngay Nguyễn Văn Tường, “đang bị giam giữ tại Thương Bạc viện, dưới sự giám sát của một viên đại úy và ông Ranchot216”: Sylvestre vừa muốn dùng ông Tường lại vừa muốn hạ bệ, vì Sylvestre xem ông Tường như một trở ngại hàng đầu cho việc thiết lập chế độ bảo hộ [của Pháp]. Sylvestre mời ông Tường đến dự một phiên họp toàn thể mà Sylvestre cùng chủ trì với Nguyễn Hữu Độ: trong buổi họp này “sẽ bàn việc khôi phục lại vị trí đứng đầu của các sở vụ với những nhân sự mà cả hai bên [Pháp và Việt Nam] sẽ cùng thỏa thuận, nhằm thành lập một chính phủ tạm thời, nghĩa là trên cơ sở trình bày một danh sách được Sylvestre trước đó lập ra vào ngày 19 tháng 11 [1884]. Ngày 30 (7/1885), tướng De Courcy, tướng Négrier, Palasne de Champeaux và Sylvestre có buổi họp chung và rồi, “sau một cuộc thảo luận dài, nghiêm túc” và “sóng gió”, kế hoạch do Sylvestre trình bày cuối cùng được thông qua: chẳng có gì khác là việc thích ứng kế hoạch được vạch ra vào ngày 19 tháng 11 [năm trước đó] vào tình hình hiện nay trước mắt. De Courcy vốn hết sức dè chừng đối với Sylvestre, đã phái Palasne de Champeaux đi kèm Sylvestre trong các cuộc đàm phán [với phía Việt Nam]. Ngay chiều hôm đó, lúc 16 giờ, được ủy toàn quyền, Champeaux cùng Sylvestre mời họp ở Tòa Khâm sứ các thành viên của Cơ Mật viện mới thành lập, mục đích là đưa nhân sự của Sylvestre tham gia vào, nhất là ông Nguyễn Hữu Độ217. Buổi họp này thông qua “Công ước phụ lục cho hiệp ước ký kết ngày 31 tháng 5 [sic]” với những điều khoản chính sau đây:
216 Jules Sylvestre, “Politique française dans l’Indochine”, XII, p. 97.
217 Ibidem XII, p. 92 et ss.
• Toàn bộ vương quốc [An Nam] được đặt dưới chế độ bảo hộ;
• Luật lệ của Việt Nam được duy trì cho chế độ tư pháp;
• Lực lượng quân đội sẽ được các sĩ quan Pháp chỉ huy và lực lượng dự bị sẽ hoàn toàn là quân đội Pháp;
• Việc thu thuế và sử dụng nguồn ngân sách công sẽ do cơ chế bảo hộ chỉ đạo và kiểm soát;
• Thành phần của Nội các, viện Cơ mật và các Bộ liên quan, thuộc thẩm quyền của nhà cầm quyền Pháp;
• Bộ Tài chính [Lại] và Bộ Chiến tranh [Binh], nếu được tái lập, sẽ có kèm theo một viên giám sát người Pháp, viên chức này sẽ tham dự các buổi họp của hội đồng nội các;
• Nguyễn Văn Tường, người đã được tướng De Courcy218 và nhất là Champeaux “tin tưởng một cách không xứng đáng” (confiance imméritée sic), sẽ tạm thời chủ tọa viện Cơ Mật: viện này có thể được tổng trú sứ Pháp triệu tập và lúc đó thì Tổng trú sứ sẽ chủ tọa phiên họp.
218 Ibidem XII, p. 105
Hoàng thân Thọ Xuân được duy trì ở cương vị Phụ chánh của vương triều. Thành viên Cơ Mật viện được điều chỉnh và “Nguyễn Hữu Độ trở thành nhân vật đứng hàng thứ hai của viện Cơ Mật (“premier vice-président” sic). Và thành lập một nội các gồm những nhân vật ủng hộ chế độ bảo hộ. Cuối cùng, Nguyễn Hữu Độ được phong Cần chánh điện Đại học sĩ kiêm Kinh lược sứ Bắc Kỳ, nghĩa là có tư cách Tổng đốc với quyền hạn cai trị cũng như phong chức quan lại. Sau khi xin ý kiến của chính phủ trung ương tại Pháp, công ước này được xem lại theo chiều hướng ít khắt khe hơn:
• Tổng trú sứ (hay người được ủy nhiệm) sẽ chủ tọa hội đồng nội các: bất cứ việc đề cử hay bãi chức nào cũng phải có ý kiến thông qua của Tổng trú sứ;
• Nước Pháp sẽ cử đến bên vua An Nam một phái bộ quân sự: chi phí của phái bộ này do ngân khố triều đình đài thọ;
• Quân đội An Nam sẽ không vượt quá tám hay mười nghìn người, và do sĩ quan Pháp chỉ huy;
• Các đội quân hiện tại tại Bắc Kỳ sẽ hoàn toàn tách biệt với lực lượng quân đội An Nam;
• Sẽ không có chuyện kiểm soát tài chánh và ngân sách [triều đình Huế] từ phía Pháp.
Sylvestre, Giám mục Puginier và nhiều quan chức cao cấp [triều đình Huế] thân Pháp rất lấy làm tiếc việc ông Nguyễn Văn Tường vẫn còn giữ được một phần tư thế để hành động. Nguyễn Văn Tường chơi trò hai mặt: hứa hẹn với De Courcy và Champeaux rằng sẽ thuyết phục vua Hàm Nghi hồi kinh, lại vừa kích động khởi loạn ở các tỉnh chống lại các thành phần ủng hộ nước Pháp. Việc tàn sát các nhà truyền đạo và người Công giáo Việt Nam đã đi đến một giai đoạn bi thảm, đặc biệt ở các tỉnh thành Quy Nhơn và Bình Định: trong vòng hai tháng, số người chết đã lên đến con số hơn 40.000. Phía Pháp nhanh chóng cho rằng những cuộc tàn sát như vậy được Tường kín đáo hay trực tiếp tổ chức. De Courcy và Champeaux trong tình thế buộc phải bỏ rơi kẻ mà hai vị này xem như con át chủ bài, đi đến nhượng bộ những khẩn khoản của Sylvestre và De Puginier: ngày 6 tháng 9, ông Tường bị bắt giữ và đày ra Côn Đảo, đi theo có các ông Phạm Thận Duật, nguyên Thượng thư Bộ Hộ, Tôn Thất Đính, cha của Tôn Thất Thuyết, sau đó ông Tường bị đày sang đảo Tahiti. Nguyễn Hữu Độ được giao chủ trì viện Cơ Mật. Vấn đề còn lại là ai sẽ lên kế ngôi.
Đại thần Nguyễn Trọng Hiệp, thời Kinh lược sứ tại Bắc Kỳ219
219 DG: BAVH số 3-4/1939
Trong những tuần đó, Sylvestre vẫn không ngừng vận động và rồi phản ứng như đã thành nếp, Sylvestre không để mất thời gian. Được sự đồng ý trên nguyên tắc của Hoàng Thái hậu để cho ngai vàng phải có chủ thật nhanh, Sylvestre để cho ông Nguyễn Trọng Hiệp với ông Phan Đình Bình, tân Thượng thư Bộ Hộ, ra sức kết nối những người chống lại tính chính danh của việc vua Hàm Nghi lên ngôi, điều sẽ cho phép tiên liệu “một cách chính thống” việc truất phế vua Hàm Nghi220. Đi đến tình thế như vậy, người con nuôi cuối cùng của vua Tự Đức, Hoàng tử Ưng Kỷ, anh đầu của vua Hàm Nghi, sẽ là ứng viên “chính thống”: vị hoàng tử này, với tên gọi là Chánh Mông, không ai khác, chính là người mà Sylvestre trước đây đã chọn. Nhưng De Courcy vẫn còn chần chừ, vì lẽ ở Paris, Freycinet, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, và Campenon, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh, không mong muốn thay vua [tại An Nam]. Nhưng Hoàng Thái hậu Từ Dũ, bất đắc dĩ, đã thông qua việc hạ bệ vua Hàm Nghi để chọn Ưng Kỷ: ngày 24 tháng 8 năm 1885, De Courcy đánh bức điện cho Bộ Chiến tranh: “Tất cả các giới quyền lực cao nhất xứ An Nam hôm nay tụ họp tại Hà Nội đều yêu cầu ông Sylvestre truất phế vua [Hàm Nghi] đang trốn chạy và đưa lên ngôi vị hoàng tử chính thống [Ưng Kỷ] theo [ý kiến] chọn lựa của Hoàng Thái hậu”221. Ngày 7 tháng 9, người ta đã có thể thông báo việc chỉ định vị vua mới, sẽ trị vì với niên hiệu Đồng Khánh. Các thầy chiêm tinh xác định sáng ngày mồng 6 tuần trăng thứ 8 (nhằm ngày 14 tháng 9 dương lịch, vào lúc 8 giờ 30 sáng) sẽ là thời điểm tốt lành nhất để đức vua chính thức đi vào Tử Cấm thành: buổi lễ đăng quang được ấn định vào ngày 19222. Dù có phần nào đó chậm trễ nhưng kế hoạch của Sylvestre đã được tiến hành và triển khai. Ngày 20 tháng 9, Courcy trở về lại Hà Nội, giao lại quyền hành dân sự cho Palasne de Champeaux, quyền hành quân sự cho tướng Prudhomme.
220 Nguyễn Trọng Hiệp sẽ trình bày quan điểm của ông trong một tuyên bố chính thức vào tháng 10 năm 1885 (Paulin Vial, Nos premières années […]; op.cit. p. 267-269.
221 Archives Affaires étrangères MD Asie 47 f°217
222 Charles Gosselin, L’Empire d’Annam, op.cit. p. 220-223