Dành cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ và tháy cô giáo
Căng thẳng là gì?
Căng thẳng đã trở thành một loại "bệnh dịch" trong xã hội hiện đại và ngày càng trở nên phổ biến ở trẻ. Bạo lực và tiêu cực trên các phương tiện truyền thông, áp lực học tập, thói bắt nạt và những vấn đề rắc rối trong gia đình là một trong những yếu tố góp phần làm gia tăng mức độ căng thẳng ở trẻ.
Căng thẳng có nhiều hình thức biểu hiện khác nhau. Tuy nhiên, căng thẳng kéo dài sẽ dẫn đến những vấn đề liên quan đến thể chất và cảm xúc. Người lớn chúng ta có thể giúp con trẻ nhận ra những biểu hiện của căng thẳng và hướng dẫn phương pháp giúp trẻ vượt qua những ảnh hưởng tiêu cực do căng thẳng gây ra.
Nguyên nhân gây ra căng thẳng ở trẻ
Có rất nhiều yếu tố góp phần tạo ra căng thẳng ở trẻ, chẳng hạn như khi mất đi một người thân như cha mẹ hay anh chị em trong gia đình. Những sự kiện lớn trong đời rõ ràng ảnh hưởng rất lớn đối với trẻ, nhưng mức độ căng thẳng trong nhịp sống hằng ngày cũng giữ vai trò quan trọng không kém trong việc gây nên căng thẳng cho trẻ.
Những điều phiền muộn phải đối mặt hàng ngày như: cãi cọ, đánh nhau với anh chị em trong nhà, bắt đầu đi học, sợ thất bạo, phải làm nhiều bài tập về nhà, không hiểu bài, bị bắt nạt hay bị trêu chọc ở trường, áp lực đặt thành tích học tập tốt, mối lo lắng về ngoại hình, mặc cảm tự ti... tất cả đều góp phần gây nên căng thẳng trong một chừng mực nào đó. Ngoài ra, sự căng thẳng của người lớn trong gia đình cũng ảnh hưởng đến trẻ. Vì vậy chúng ta cần phải nhận ra những dấu hiệu cho thấy con em mình đang rơi vào trạng thái căng thẳng. Cuốn sách này như là một kim chỉ nam để những người yêu trẻ có thể giúp con em mình giảm thiểu những tác động tiêu cực của căng thẳng hay stress.
* * *
Những biểu hiện của căng thẳng
Căng thẳng ở trẻ có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, và thường rơi vào 4 dạng: thể chất, tinh thần, cảm xúc và hành vi. Có thể xuất hiện đồng thời nhiều dạng căng thẳng, và mức độ căng thẳng có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng.
Cuốn sách này không nhằm mục tiêu đi sâu vào mọi khía cạnh của căng thẳng theo góc nhìn chuyên môn, mà chỉ mô tả khái quát những biểu hiện căng thẳng thường gặp ở trẻ.
Thể chất: Nhức đầu, khó ngủ, buồn nôn, đau bụng, hay bị chuột rút, mệt mỏi, dễ bị cảm, nhịp tim đập nhanh, đổ mồ hôi, tiêu hóa kém và các rối loạn về da.
Tinh thần: Khó tập trung, ghi nhớ kém, mơ hồ, căng thẳng, mất đi tính hài hước, suy nghĩ tiêu cực.
Cảm xúc: Lo âu, giận dữ, trầm uất, sợ hãi, thiếu kiên nhẫn, lo lắng, tính khí thất thường, cáu kỉnh, chán chường.
Hành vi: Hồi hộp, cáu kỉnh, la hét, hung hăng, dễ gây sự, đánh lộn, ném đồ vật, đái dầm, hoặc thu mình lại hay không vâng lời.