Gió bỗng ngừng thổi, như thể cuộc sống vừa hít một hơi thật sâu. Không gian quanh họ trở nên tĩnh lặng một cách lạ lùng. Cây dương già cũng thôi không còn hát vi vu. Chàng trai trẻ ngước lên ngắm nghía những mắt lá nằm ngoan ngoãn trên cành. Anh cảm nhận được một sự im lặng thâm trầm tuyệt đối.
Lão Ưng đưa mắt nhìn sang đám cỏ trong khi bầu không khí im lặng vẫn bao trùm. Ông đợi, và chẳng mấy chốc gió lại nhẹ thổi, lay động tàn lá, nài nỉ chúng tiếp tục những lời thì thầm bàng bạc.
- Trái Đất này cũng có nhịp sống riêng của nó. - Lão Ưng bắt đầu một câu chuyện khác. - Giữa mỗi nhịp đập của nó là sự im lặng; đó là lúc Trái Đất đang gom góp nguồn sống của nó, chuẩn bị sức mạnh cho nhịp đập tiếp theo. Cháu cũng phải học theo đấy. Lựa những lúc tĩnh lặng để tìm lại chính mình.
"Cuộc sống có thể cho cháu sức mạnh…"
- Được cái này mất cái khác. Cuộc sống lấy đi của chúng ta thời gian và mỗi ngày trôi qua ta lại càng tiến gần hơn đến điểm cuối của cuộc hành trình trên Trái đất này. Nó lấy đi của chúng ta nỗ lực, mồ hôi, những mục đích tốt đẹp nhất, những ý tưởng xuất sắc nhất, những ước mơ, cả những hy sinh… và còn nhiều nhiều nữa. Thế rồi nó ném những chướng ngại vào con đường chúng ta đi, những điều không ngờ tới, nỗi thất vọng, sự thờ ơ, cảm giác hoang mang, hoài nghi và buồn khổ.
Nhưng cuộc sống còn cho ta nhiều hơn những gì ta thấy.
Khi ta chiêm nghiệm lại một vấn đề khó khăn bằng cái nhìn hiện tại có nghĩa là ta đã vượt qua chúng. Những trải nghiệm ấy có thể mang lại nhiều tổn thất, những vấn đề khó khăn cũng gây ra điều tương tự, nhưng dẫu có mất mát đến mấy thì ta vẫn tồn tại.
Tồn tại là chiến thắng bởi vì chúng ta biết mọi thứ đều khả thi. Chính những kinh nghiệm và khó khăn đã dạy chúng ta, đã nhắc nhở chúng ta rằng mình có thể trở nên mạnh mẽ.
Cuộc sống thường là một chuỗi những khoảng thời gian khó khăn và những vấn đề nan giải được sắp đặt sẵn nhằm mục đích ngăn trở chúng ta đạt được ước nguyện. Và cũng thật dễ hiểu khi người ta cứ mãi vương vấn những gì mình không đạt được. Không may là chính điều đó đã khiến ta không nhận ra rằng mình có thể đạt được những thứ khác.
Người ông ngừng một chút trong khi gió vẫn vờn khắp thảo nguyên. Cách chỗ cây dương vài thước xuất hiện một cơn lốc xoáy nhỏ, nó nhảy nhót trên những ngọn cỏ xanh rì ở vùng thảo nguyên. Nó cuốn cả một cột bụi đất lên trời.
Jeremy chăm chú quan sát đến khi mớ bụi đất hòa lẫn với màu xanh trong trẻo của bầu trời. Anh nhớ ông mình thường bảo rằng linh hồn của một ai đó thường trở về trong một cơn gió lốc như thế.
- Cha cháu đã kể cho ông nghe một câu chuyện mà cha cháu đã nghe được khi còn trong quân ngũ. - Lão Ưng bắt đầu.
***
Có một ngôi làng khiêm tốn nép mình trong một thung lũng ở bên kia những ngọn đồi, cách xa cái thế giới bận rộn và hối hả. Ở đó người dân có thể tìm thấy mọi thứ cần thiết cho cuộc sống của mình: một khu buôn bán sầm uất, trường học, thư viện, nhà thờ và bệnh viện. Cuộc sống nơi đây tốt đẹp theo một nhịp sống riêng của nó và hầu hết những người sống ở đấy đều cảm thấy hạnh phúc. Tuy nhiên, thi thoảng lại có một người trẻ tuổi nào đó tò mò không biết những gì đang tồn tại bên kia đồi.
Một điều lạ là hầu như không có ai phản ứng hay có ý ngăn cản những người trẻ tuổi không được rời bỏ khu làng. Xét cho cùng, hình như ai cũng từng có niềm khát khao ấy khi ở tuổi thanh niên và phần lớn những người từng khám phá thế giới ở phía bên kia những ngọn đồi rồi cũng trở về làng.
Chẳng ai ngăn cản những người trẻ tuổi ấy rời khỏi làng mà cũng không ai động viên họ ở lại. Họ chỉ đi theo tiếng gọi chân thật nhất của con tim. Thế nhưng nếu có ai đó sắp rời khỏi làng thì họ phải chấp nhận một điều kiện, một nghi thức bắt buộc.
Có một con đường mòn dẫn từ bìa làng lên đỉnh ngọn đồi cao nhất vùng. Con đường ấy gồm nhiều bậc thang nối tiếp nhau và lên đến tận cùng là xa lộ dẫn đến một trạm xe buýt, ở đó có một tuyến xe buýt nối với thế giới bên ngoài. Để rời khỏi làng, người trẻ tuổi đó buộc phải leo lên những bậc thang kia để ra xa lộ.
Hầu hết những ai muốn rời khỏi làng đều phải hết sức đắn đo bởi họ đã được nghe kể rằng những bậc thang ấy rất khó leo và không ít tiền bối của họ đã không thể lên đến đỉnh. Dẫu vậy, sự tò mò muốn khám phá thế giới bên kia những ngọn đồi quả là có sức thúc đẩy mạnh mẽ, thế nên vài người trẻ tuổi đã quyết định chinh phục các bậc thang.
Một buổi sáng nọ có chàng trai trẻ chuẩn bị lên đường, gia đình đã dắt anh ra đường chính của làng, ở đó bạn bè và người thân của anh đứng thành hàng dài, tiễn đưa đầy phấn khởi. Sau đó gia đình đưa chàng trai đến đầu con đường mòn dẫn ra khỏi làng, và họ chia tay ở đó.
- Khi con đến được đỉnh đồi, con sẽ nhận ra một món quà đang chờ đợi mình. – Cha mẹ chàng trai dặn dò.
Thế rồi chàng thanh niên bắt đầu cuộc hành trình khám phá thế giới bên ngoài bằng cách leo lên các bậc thang. Tổng chiều dài các bậc thang khoảng một dặm, chúng được làm từ các miếng gỗ và có tay vịn bằng gỗ chắc chắn ở cả hai bên nhờ đó người leo thang không sợ đi sai đường.
Thoạt đầu mọi chuyện có vẻ khá dễ dàng bởi đường đi tương đối rộng rãi, thế nhưng nó càng lúc càng nhỏ hẹp và có vẻ như các bậc thang cũng càng lúc càng cao hơn. Nửa chặng có một băng ghế dài, một chỗ để nghỉ chân. Chàng trai dừng lại nghỉ ngơi chốc lát.
Trèo lên một đoạn nữa, anh lại phải dừng chân nghỉ mệt. Tim anh đập loạn xạ và anh thở khó nhọc hơn. Chính lúc ấy anh nhận ra rằng con đường đã trở nên hẹp hơn rất nhiều và những bậc thang thì cao chót vót. Điều duy nhất anh hy vọng là món quà đang đợi anh trên đỉnh đồi kia sẽ xứng đáng với chuyến đi gian khổ này.
Đoạn đường càng về cuối càng khó khăn hơn. Chàng thanh niên phải dừng lại nghỉ rất nhiều lần. Con đường không chỉ hẹp hơn, những nấc thang cao hơn mà nó còn quá nhỏ không đủ để đặt chân. Anh phải bíu chặt vào hai bên tay vịn để không trượt ngã. Thế rồi cuối cùng anh cũng trèo lên đến nơi, tim anh đập thình thình như trống trận, đôi chân run lên vì gắng sức và lồng ngực khô cháy. Anh leo lên nấc thang cuối cùng và thấy cánh cổng mở ra thế giới bên ngoài. Xa lộ chỉ còn cách đó vài mét nữa thôi.
Anh nhìn quanh tìm món quà nhưng chẳng thấy gì cả ngoài một băng ghế gỗ khác. Anh ngồi phệt xuống nghỉ. Cha mẹ anh đã bảo rằng có một món quà chờ đợi anh trên này nhưng anh lại không thấy gì, thậm chí chẳng có cái gì có thể khiến anh bất ngờ. Cuối cùng, chuyến xe buýt sẽ đưa anh đến với thế giới bên ngoài những ngọn đồi cũng đã đến, anh bước lên xe và ngoái nhìn lại lần nữa.
Rồi anh thấy nó.
Khắc trên mái vòm của cánh cổng là dòng chữ: SỨC MẠNH LÀ KẾT QUẢ CỦA NỖ LỰC VÀ NỖI ĐAU.
- Thế còn những người không rời khỏi làng và bước ra thế giới bên ngoài thì sao ạ? – Jeremy tò mò hỏi. – Chẳng lẽ họ đã từ chối cơ hội được biết những gì mà chàng thanh niên kia học được sao ông?
- Có lẽ vậy. – Lão Ưng đáp. – Nhưng có thể họ đã học bài học tương tự qua lối sống giản dị. Trèo lên những bậc thang cũng là một cách sống.
"Sức mạnh đến từ việc cháu dám đối mặt với những giông tố cuộc đời, nếm trải mất mát, cảm nhận nỗi buồn và khổ đau hay rơi vào hố sâu tuyệt vọng…"
- Bão sẽ ập đến, – Lão Ưng tiếp tục, - đó là thực tế cuộc sống trên thảo nguyên này. Đôi lúc nó làm ta bất ngờ. Nhưng cũng có lúc ta vẫn bình thản chứng kiến bão nổi mà không làm được gì, bởi chúng ta hiểu bản chất của những cơn bão. Rồi chúng ập đến, ta cảm nhận được sự dữ dội và mức độ tàn phá của chúng, và ta sẽ làm mọi cách để vượt qua.
Cuộc sống cũng tương tự như thế. Khó khăn, tồi tệ, và những điều xấu xa có thể xảy đến với chúng ta bất kỳ lúc nào; có thể là bệnh tật, tai nạn, nghèo đói, cô đơn, bị phản bội, mất nhà cửa, cái chết của cha mẹ, người thân…
Bà của cháu là một minh chứng cụ thể cho tuýp người đã kinh qua rất nhiều bão tố trong cuộc đời.
- Ý ông là Bà Eunice của cháu ấy ạ?
- Đúng vậy. Người chồng trước của bà mất khi bà vẫn còn rất trẻ. Sau đó bà tái hôn, và đứa con đầu lòng của bà với người chồng sau bị chết đuối dưới sông. Thời gian sau, người con trai của cuộc hôn nhân đầu tiên của bà cũng tử trận trong cuộc chiến tranh năm 1967. Và giờ đây người chồng thứ hai của bà lại là một kẻ nát rượu. Thế nhưng mỗi khi gặp bà, điều gì khiến cháu chú ý nhất?
- Bà luôn mỉm cười. – Jeremy trả lời ngay không chút do dự.
- Ông nghĩ chắc quanh đây chẳng có ai mạnh mẽ hơn bà Eunice của cháu đâu.
Khi đối mặt với giông bão cuộc đời, với những khoảng thời gian khó khăn nghĩa là cháu chấp nhận thực tế cuộc sống. Đơn giản vì phủ nhận chúng không có nghĩa là chúng sẽ không xảy ra.
Cuộc sống là để sống chứ không phải né tránh. Điều đáng tiếc là chẳng ai trao cho ta một quyển sách hướng dẫn xem cuộc sống này sẽ ra sao và ta nên sống như thế nào. Thế nhưng mỗi ngày ta sống sẽ bồi đắp thêm kinh nghiệm cho ta, và hoàn cảnh sống chính là nhiên liệu cho tâm hồn, là năng lượng cho tinh thần chúng ta.
Mỗi sáng thức dậy cháu lại có cơ hội để lớn thêm, để làm sâu sắc hơn tính cách của mình, để góp nhặt thêm kiến thức. Mỗi kinh nghiệm trong cuộc sống, cho dù nó có vô nghĩa như thế nào chăng nữa, đều là một món quà và mỗi một người cháu gặp, dù là bạn hay thù, thì những tình huống gay go và những con người khó chịu sẽ dạy cho ta sự kiên nhẫn và khả năng chịu đựng.
Cháu nên nhớ rằng bất cứ cái gì không giết được ta đều có thể khiến ta mạnh mẽ hơn.
Thế nhưng từ quan trọng nhất ở đây là có thể. Bất cứ cái gì không giết được ta đều có thể khiến ta mạnh mẽ hơn. Không phải tự nhiên mà cháu trở nên mạnh mẽ hơn, hiểu biết hơn, thông thái hơn. Cháu phải biết cách để đạt được điều đó. Đó là cả một quá trình ‘tôi luyện’. Cháu có hiểu ý nghĩa của từ đó không?
Jeremy gật đầu:
- Tôi thép là quá trình nhúng thép đang nóng đỏ vào nước lạnh. Nhờ vậy thép sẽ rắn chắc hơn.
- Chính xác. - Lão Ưng nói. - Đôi khi chúng ta bất ngờ bị nhấn chìm vào khủng hoảng, hoặc vào một tình thế mà - nếu ta biết tận dụng nó - nó có thể khiến ta mạnh mẽ hơn. Thế nhưng trong quá trình tôi luyện, ta cần phải đối mặt với tuyệt vọng, buồn khổ và đớn đau. Không né tránh những cảm giác này là một phần của quá trình tôi luyện. Chẳng ai muốn nếm trải tuyệt vọng, buồn khổ hoặc đớn đau, thế nhưng ta cũng không nên phủ nhận sự cần thiết của việc trải nghiệm đầy đủ những cung bậc cảm xúc của con người. Khi tinh thần chúng ta bảo rằng đến lúc phải khóc thì ta nên khóc. Đó là một phần của quá trình, hãy đối mặt với nỗi buồn và kiểm soát tình huống.
- Chà. - Jeremy trầm ngâm. - Cháu đoán là ngay cả nỗi đau cũng có thể dạy chúng ta điều gì đó.
- Đúng vậy, nỗi đau cũng có ý nghĩa riêng của nó. Đau khổ không có nghĩa là cháu yếu đuối. Đó là bước đầu tiên để lấy lại sự cân bằng và sức mạnh. Đau khổ là một phần của quá trình tôi luyện.
Lão Ưng chợt ngừng lại chốc lát.
- Cháu đã tham dự lễ Tái sinh bao nhiêu lần rồi?
- Ông hỏi.
Jeremy nhún vai.
- Ồ, cháu không biết nữa ông ạ, có lẽ là hai trăm lần hoặc cỡ đó. Sao ông lại hỏi thế?
- Như cháu biết đấy, tộc người chúng ta tin rằng buổi lễ ấy sẽ thanh lọc những rắc rối và những vấn đề chúng ta gặp phải. Suốt buổi lễ chúng ta nguyện cầu bên trong một khu đất có rào vây. Khi nước được xối lên những tảng đá nóng, chúng sẽ khiến ta đổ mồ hôi dầm dề, đó là những gì diễn ra trong buổi lễ. Đổ mồ hôi nghĩa là thanh lọc, và tẩy uế. Sự đau khổ của con người cũng giống như buổi lễ đó. Nó giúp thanh lọc cảm giác mất mát và các cơn thịnh nộ.
Đối mặt với bão táp cuộc đời nghĩa là nhận thức rằng chúng sẽ đến. Và khi chúng đến, ta phải đối mặt bằng tất cả nỗ lực của mình, từ đó ta sẽ biết ta là ai.
"Cháu phải vượt qua thời kỳ sóng gió ấy. Cháu phải đối mặt với gió rét, với cái lạnh cắt da và với bóng tối rình rập…"
- Ông từng chứng kiến loài vật đối mặt với cơn bão theo nhiều cách khác nhau. - Lão Ưng nói. - Loài bò rừng bizon can đảm chống chọi ngay đầu ngọn gió, dẫu đó là mưa dông hay bão tuyết. Loài ngựa thì tìm một bụi cây hay một nơi khuất gió nào đó và đứng cong đuôi. Loài chim thì giấu đầu dưới cánh và xù lông lên. Những loài vật khác, như gà gô trắng chẳng hạn, sẽ trú trong mớ cỏ hoặc một bụi cây thấp. Tất cả đều tìm cách chịu đựng gió và rét.
Việc chúng ta đối mặt với giông bão như thế nào là điều quan trọng, tuy nhiên việc chúng ta đơn thuần cố gắng chịu đựng nó cũng quan trọng không kém.
Thuở xa xưa, tộc người chúng ta có một cách khác thường để chọn người đứng đầu. Thường thì chúng ta sẽ chọn những người dày dạn kinh nghiệm. Dựa vào những gì người đó đã thực hiện, đã trải qua, cháu có thể đoán được họ có thể lãnh đạo được hay không.
***
Có một người đàn ông nọ được bạn bè và người thân gọi là Kẻ Cô Độc. Kẻ Cô Độc chấp nhận cái tên đó. Anh là một chiến binh quả cảm, luôn là một trong những người đầu tiên tấn công quân thù và là người rút lui sau cùng. Anh rất kiên định, đáng tin cậy và chưa bao giờ bảo ai đó phải làm gì, anh chỉ đơn thuần thực hiện những điều mà anh cho là đúng.
Kẻ Cô Độc có một mái gia đình yên ấm. Vợ chồng anh sinh được một trai và một gái, và anh là một người cha yêu con hết mực. Vào một ngày hè, cô con gái nhỏ của anh bị gấu tấn công. Vết thương của cô bé nghiêm trọng đến nỗi ngay cả vị thầy thuốc giỏi nhất của làng cũng không thể cứu chữa.
Kẻ Cô Độc và vợ anh đau buồn đến cùng cực. Sau khi chôn cất cô bé, Kẻ Cô Độc và gia đình đã cho đi tất cả của cải để báo hiệu rằng mình đang có tang chế - một việc làm truyền thống đến nay vẫn còn là tục lệ của tộc người chúng ta. Vì lẽ đó gia đình anh đã tự bần cùng hóa chính mình nhưng rồi mọi người nhanh chóng gửi đến họ những gì họ cần, kể cả một túp lều mới. Cả Kẻ Cô Độc và vợ đều làm việc rất chăm chỉ để kiếm lại những gì họ đã cho đi và để chuẩn bị cho buổi lễ Cầu siêu sẽ diễn ra một năm sau cái chết của cô con gái. Họ đã chuẩn bị một bữa tiệc thật thịnh soạn và mời cả làng đến dự.
Nhưng buồn thay, tấn bi kịch của Kẻ Cô Độc vẫn chưa dừng ở đó. Cái chết của cô con gái là một cú sốc quá lớn đối với vợ anh và một ngày nọ cô tự kết liễu đời mình. Kẻ Cô Độc và con trai hoàn toàn suy sụp. Một lần nữa họ lại biến mình thành những kẻ vô sản bằng cách cho đi mọi thứ họ có, kể cả mấy con ngựa. Rồi Kẻ Cô Độc dẫn con trai bỏ làng đi biệt xứ. Suốt một năm ròng họ tự tìm kế sinh nhai. Trong thời gian đó, Kẻ Cô Độc và con trai đã đi săn và kiếm được vài chú ngựa. Đến ngày giỗ vợ, Kẻ Cô Độc trở về làng và chuẩn bị một bữa tiệc. Một lần nữa anh cho đi toàn bộ của cải của mình và lần này là để tưởng niệm người vợ quá cố.
Trong thời gian anh đi xa, một tộc trưởng từ lâu được tôn sùng và kính trọng đã từ chức. Thế nhưng trước khi ông rời bỏ vị trí của mình, ông đã khuyên mọi người hãy tiếp cận Kẻ Cô Độc và đề nghị anh trở thành tộc trưởng mới của họ. Và mọi người đã làm theo. Vị tộc trưởng thoái vị khuyên họ rằng bất cứ ai từng đối mặt với nghịch cảnh như Kẻ Cô Độc đều sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
Và cuối cùng Kẻ Cô Độc cũng trở thành tộc trưởng của ngôi làng nọ. Không phải chỉ vì sự quả cảm anh đã thể hiện trên chiến trường, hay là vì những chiến thắng và thành công trong cuộc đời anh mà là vì cái cách anh đối mặt với khó khăn mà cuộc sống đã tàn nhẫn ném vào con đường anh đi.
- Cháu cược là Kẻ Cô Độc có thể là một tộc trưởng tốt. - Jeremy đoán.
- Đúng là như thế cháu à, bởi nghịch cảnh đã dạy chúng ta rất nhiều điều. - Lão Ưng khẳng định. - Nếu quay lưng với nghịch cảnh, chúng ta không thể học được gì cả. Thật không dễ dàng gì khi phải đối mặt với gió rét, lạnh giá và bóng tối do cơn bão cuộc đời mang lại, nhưng ta cần phải vậy.
"Bão tố càng mạnh cháu càng phải vững tay chèo bởi nó không phải đang cố quật ngã cháu mà thực sự nó đang tôi luyện cho cháu sự mạnh mẽ, kiên cường."
Chàng trai trẻ vẫn ngồi đó, nhìn chằm chằm đám bụi đất ngay phía dưới đường chân trời. Nhưng Lão Ưng từng thấy ánh nhìn xa xăm ấy rất nhiều lần, đó là cái nhìn của kẻ đang tìm kiếm sự bình yên và đang cố thoát ra khỏi nỗi hoang mang, đau đớn. Cháu trai của ông đang nhìn vào một nơi vô định. Anh đang thầm nhìn lại một thời kỳ hỗn mang trong cuộc sống của chính mình.
Lão Ưng tằng hắng một tiếng. – Ông biết cháu có thể hiểu được cảm xúc của Bà Eunice khi bà mất chồng và những đứa con. Ông biết cháu thông cảm với nỗi đau của Kẻ Cô Độc. Xét về khía cạnh nào đó, cuộc sống khiến cháu ngã gục; dù không cố ý nhưng ta hiểu đời là vậy. Bà cháu và ông cũng cảm thấy như vậy khi chúng ta mất đi đứa con đầu lòng.
Sau một thoáng trầm tư về cuộc đời, Jeremy mới quay trở về được thực tại.
- Ông nói sao cơ? Cháu không biết ông và bà đã từng mất một người con.
- Đúng vậy. - Lão Ưng buồn bã nói. - Đó là anh của mẹ và cậu cháu. Cậu cháu ra đời vào mùa xuân và chết vào mùa đông khi một trận dịch cúm ập đến. Căn bệnh đó đã khiến bao nhiêu người đau khổ. Bà cháu và ông cũng nằm trong số đó. Cuộc sống khiến ông bà suy sụp. Lúc ấy, đó là điều tồi tệ nhất đã xảy đến trong cuộc đời ông bà. Bà cháu tự trách mình vì đã không phải là một người mẹ tốt. Nhưng thực tế bệnh cúm nhiễm vào những người có thể chất yếu ớt nhất, đó là người già và trẻ con. Ông bà đã nương nhau mà sống và để vượt qua thời kỳ khó khăn đó. Tuy cuộc sống khiến ông bà suy sụp nhưng rồi ông bà lại đứng lên. Khi mọi thứ ổn thỏa thì ông bà nhận ra rằng sự ra đời của đứa bé trai đó dạy cho chúng ta biết rằng có một sự ràng buộc giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Và cái chết của đứa bé lại dạy cho chúng ta biết rằng mình có thể trở nên mạnh mẽ.
- Nếu sức mạnh đúng là kết quả của nỗ lực và nỗi đau thì hầu hết chúng ta sẽ có cơ hội học được sức mạnh. Lần này là cơ hội của cháu, cháu trai à. Nỗ lực chính là phải trụ vững trong giông bão. Nỗi đau đến từ việc chịu đựng những điều tồi tệ nhất mà cơn bão có thể ném vào chúng ta. Sức mạnh cũng đến từ đó.
Chúng ta có thể đầu hàng cơn bão bằng cách rạp người xuống, hoặc chúng ta có thể đứng lên một lần nữa và đối mặt với nó, bởi chúng ta biết rằng rồi nó cũng sẽ qua.
Việc cố đứng lên đối mặt với bão táp nghe có vẻ xuẩn ngốc, thậm chí là tự hại thân. Nhưng ông vẫn nghĩ rằng trong một góc khuất tâm hồn nào đó, vẫn tí tách một đốm lửa của ý chí bất khuất. Có lẽ phong ba bão tố đã giúp ta trở nên mạnh mẽ bằng cách nhóm lên ngọn lửa bất khuất đó.
Dẫu cho giông tố có quật ngã chúng ta bao nhiêu lần chăng nữa, ta vẫn đứng lên, điều đó sẽ dạy chúng ta rằng mình không cần phải mạnh mẽ như cơn bão để có thể chống lại nó. Ta chỉ cần đủ mạnh để chịu đựng nó. Dẫu chúng ta run lên vì sợ hay nắm chặt nắm đấm, chừng nào chúng ta còn đứng đó, ta vẫn còn đủ mạnh.