B
ố tớ và Chú tớ có một quan điểm về “thế nào là xuất sắc”. Theo hai người, con người ta không chỉ nên cố gắng trở nên tốt thôi, mà họ phải cố gắng để đạt tới xuất sắc. Có lẽ đó là lý do tại sao Bố và các Chú luôn cạnh tranh với nhau. Họ cạnh tranh với nhau trên tất cả mọi việc - Ý tớ là, thực sự là “tất cả mọi việc” ấy. Có một lần cả nhà đi ra siêu thị và Chú Talbert bảo rằng Chú ấy là người đi mua đồ ở siêu thị nhanh nhất nên Chú sẽ đi mua đồ. Bố và Chú Miles đương nhiên không chấp nhận chuyện đó. Họ bảo Mẹ phân chia danh sách hàng hóa cần mua để mỗi người mua một ít. Sau đó Mẹ và tớ chứng kiến cảnh bọn họ đẩy xe hàng chạy từ quầy bán rau sang quầy bán đồ đông lạnh hết tốc lực. Cứ như thể đang nhìn thấy ba cái cột đèn được gắn bánh xe vậy. Thậm chí bạn có thể thấy những người xung quanh sợ hãi nữa - tớ đã chứng kiến bốn người vứt giỏ xe hàng của họ và lặng lẽ bỏ đi.
Bố đã về nhất, nhanh hơn hai người còn lại khoảng ba giây, nhưng Chú Miles và Chú Talbert phàn nàn rằng Bố có những thứ dễ mua nhất trong danh sách và rằng họ phải cân hoa quả và rau. Họ muốn thêm một lượt đua nữa, nhưng người quản lý siêu thị đã nghe thấy câu chuyện (có khi cả siêu thị đều nghe thấy tiếng họ rồi ấy - cũng khó mà không nghe cho được, bởi họ đang tranh cãi mà) và đe dọa sẽ cấm họ không được bén mảng đến siêu thị nữa.
Những việc như thế không có gì là bất thường cả. Đối với Bố và các Chú của tớ, thậm chí việc dọn bàn ăn tối cũng có thể trở thành một môn thể thao có tính cạnh tranh.
Mẹ tớ thì không phải kiểu người thích đua tranh như Bố và các Chú, nhưng Mẹ lại là một người thích sự hoàn hảo và Mẹ thường rất giỏi trong việc tự làm lấy mọi thứ. Đó là lý do tại sao Mẹ thích các việc mang tính thử thách như là một mình Mẹ sửa nhà tớ thành một nhà hàng. À mà phải nói là “một mình Mẹ và cái búa của Mẹ” chứ!
Nói chung tất cả những việc tớ kể trên có nghĩa là, việc gây được ấn tượng với gia đình tớ rất khó, nhất là với việc họ nghĩ thế nào là xuất sắc, và thích sự thử thách, hay sống độc lập. Và cũng rất khó để bất cứ lời nào của mình lọt vào tai họ.
Buổi tối hôm tớ nhận được Chứng chỉ, tớ đã xuống nhà ăn tối với một tâm trạng căng thẳng. Tớ tự hỏi liệu Mẹ có mang đề tài này ra nói chuyện, hay tớ nên đề cập đến nó. Đây có phải là cơ hội để tớ cho gia đình thấy rằng tớ hoàn toàn không phải một đứa tầm thường không nhỉ?
Từ sau cánh cửa bếp vọng ra một tiếng ồn ầm ĩ như thể đang đe dọa làm nổ văng cả bản lề đi ấy. Tớ liếc trộm vào trong. Bố và Chú Talbert đang hát váng lên bài hát có tên “Đôi giày da màu xanh3” của Elvis Presley trong khi phơi những sợi mỳ Ý nhà làm lên trên ghế và mấy thanh gỗ mà Mẹ đã sửa thành một cái giá treo đồ. Chú Miles đang thái rau bằng một con dao to tổ chảng, theo cái cách mà khiến tớ thấy lũ rau thật đáng thương. Mẹ tớ thì vẫn đang chúi đầu vào tủ bếp. Nói một cách khác thì đó là một buổi tối bình thường. Tớ dọn bàn ăn mà Mẹ hay Chú Miles không hề để ý và ngồi chờ ở trong phòng ăn. Bố và Chú Talbert bước vào trước.
3 Bài “Blue Suede Shoes”.
“Đoạn bè phần điệp khúc em hát hơi lệch đấy”, Bố nói với Chú Talbert.
Chú Talbert dừng lại giữa phòng, túm lấy tay Bố và trưng ra khuôn mặt hoảng hốt, “Em á? Em hát bè lệch á? Anh trai yêu quý, anh có để lạc tinh thần thưởng thức âm nhạc ở đâu không thế?”
Bố cười phá lên, “Không, anh thì không, nhưng em có lẽ đã mất đi đôi tai thưởng nhạc của mình”.
Chú Talbert lấy tay đập vào ngực mình, “Ôi, thật là một sự bất công! Sự bạo tàn và bất công! Thật là bạo tàn và bất công và…”.
“Mỳ ống xào đây!” Chú Miles vừa thông báo vừa bước vào phòng ăn với một đĩa mỳ lớn. Mẹ bước theo sau, tay vẫn cầm búa.
Tớ ngồi xuống, nhưng Bố và Chú Talbert tiến lại gần hơn để nếm thử món mỳ xào. Mặc dù họ đều phụ Chú Miles trong bếp (Chú Miles gọi họ là phụ bếp), Chú Miles thì là bếp trưởng.
“Mỳ xào kiểu gì thế?” Bố nhăn mũi một cách đầy ái ngại.
Chú Miles tự gọi mình là một đầu bếp “sáng tạo”, và một số sáng tạo của chú thì thành công, những cái khác thì không hẳn.
Chú Miles khụt khịt mũi như thể đang bị xúc phạm, “Đây là món mỳ xào đúng chuẩn hoàn hảo nhất. Cái lệch chuẩn duy nhất của nó là quá hoàn hảo”.
Bố giả bộ thở hắt ra một cách thư giãn và ngồi xuống.
“Và thêm một chút sáng tạo thiên tài của em bằng việc bỏ vào một ít cá tuyết hun khói,” Chú Miles nói thêm khi ngồi xuống ghế và bắt đầu chia mỳ ra đĩa.
“Ôi, những chú cá tuyết yêu quý đã ở trên thiên đường!” Chú Talbert rên rỉ.
“Anh chẳng có tí óc tưởng tượng gì cả,” Chú Miles nói với Chú Talbert.
“Em cũng ca tụng y như thế về bánh cupcake4 vị củ cải đỏ cho nhà hàng, và nhớ xem vị của nó như thế nào, thảm-họa!”
4 Một loại bánh nhỏ, có vị gần giống bánh gato.
Mẹ cười phá lên. “Ôi dào, Miles cũng chỉ thử nghiệm với chúng ta bây giờ thôi, và chị chẳng thấy vấn đề gì. Chỉ cần đến khi khai trương nhà hàng chúng ta có một thực đơn hấp dẫn là được.” “Theo ý kiến của em, chúng ta đã có một thực đơn hấp dẫn rồi,” Chú Miles nói, “Thực đơn hấp dẫn chính là đầu óc thiên tài của em”. “Hẳn rồi, em trai,” Bố lên tiếng.
Chú Miles khụt khịt mũi ầm ĩ. “Anh sẽ không cười được nữa khi em nhận được ngôi sao Michelin5 đầu tiên”.
5 Chứng nhận danh giá dành cho các nhà hàng và đầu bếp.
“Đương nhiên là không rồi, nếu chuyện đó xảy ra thì bọn anh còn đang bận sửng sốt, chứ cười làm sao được,” Bố thì thào, và nháy mắt với tớ.
Sau đó cả nhà cùng ăn tối (Món mỳ xào cũng được, dù nó có dư vị hơi kỳ kỳ), và tớ chờ xem liệu Mẹ có nói gì về Chứng chỉ của tớ không. Có lẽ Mẹ đã không nói gì nhiều khi tớ khoe giấy khen bởi vì Mẹ đang bận nghĩ xem sẽ thông báo điều đó với cả nhà thế nào.
Nhưng Bố bắt đầu kể câu chuyện nghe lỏm được từ một khách hàng ở tiệm sách trong phố, người khách mà muốn mua “một quyển sách viết về đua xe của Bill Shakespeare”. Sau đó từ đề tài này, Chú Talbert lại kể thêm chuyện Chú đóng vở kịch Hamlet hồi học Đại học khi cái khố của Chú bị tuột, và Chú đã quyết định phải ứng biến thật nhanh và giả vờ như nó là một cái xúc xích. Sau đó tất cả bọn họ quyết định xem liệu họ có thể nhớ bao nhiêu câu thoại trong kịch của Shakespeare (thực ra không nhiều lắm) và nhại lại câu thoại theo giọng Tây Ban Nha (tớ không thể nhớ nổi tiếng Tây Ban Nha thì có liên quan gì đến câu chuyện này) và tất cả bọn họ đều lăn ra cười. Thời điểm duy nhất mà tớ được tham dự vào câu chuyện là khi Chú Talbert hỏi tớ liệu trường tớ có bao giờ diễn kịch Shakespeare không và tớ trả lời là, “Không ạ”.
Vào lúc cả nhà ăn xong món mỳ xào, tớ đã nhận ra rằng Mẹ sẽ không kể chuyện Chứng chỉ của tớ - và tớ cũng sẽ không kể. Tớ không thể nào đối diện với khả năng rằng Bố và các Chú thậm chí sẽ còn ít thấy ấn tượng về cái Chứng chỉ đó còn hơn cả Mẹ.
Có lẽ chỉ có Chứng chỉ không thì chưa đủ tốt. Tớ sẽ phải cố gắng hơn nữa để có được sự chú ý của cả nhà. Tớ sẽ phải cố gắng và trở nên xuất sắc như gia đình của tớ.